Ngồi trên xe buýt đọc cuốn sách giới thiệu các bài tập thực hành theo phương pháp Shichida của Nhật thấy có nói đến chuyện cha mẹ Nhật đọc “Luận Ngữ” cho trẻ nhỏ nghe. Ngay dưới trang, biên tập viên của nhà xuất bản cẩn thận ghi chú đại ý ở Nhật cha mẹ vẫn đọc “Luận Ngữ” cho trẻ nghe nhưng ở Việt Nam thì cha mẹ nên đọc thứ phù hợp hơn như thơ của Trần Đăng Khoa hay Xuân Quỳnh.
Đọc xong chợt bật cười! Lẽ nào bố mẹ Nhật đọc cho con nghe “Luận ngữ” được mà cha mẹ Việt thì không?
Ở Nhật, các nhà giáo dục và các phụ huynh có kinh nghiệm trong giáo dục gia đình đều khuyên cha mẹ nên đọc các tác phẩm kinh điển cho con nghe. Ở Nhật, người ta không chỉ đọc cho trẻ nhỏ nghe “Luận ngữ” mà còn đọc cả kinh Bát nhã (người Nhật hay gọi là Bát nhã tâm kinh).
Hanako – cô gái mắc bệnh Down nặng bẩm sinh đã trở thành nhà thư pháp nổi tiếng, nhân vật chính trong các “talk show” truyền hình về người khuyết tật, đã tổ chức hàng trăm triển lãm cá nhân, từng biểu diễn thư pháp cho thiên hoàng Heisei xem… đã vượt qua được số phận nghiệt ngã nhờ vào nỗ lực phi thường của người mẹ. Để dạy con trở thành nhà thư pháp, bà đã dạy con viết bộ kinh Bát nhã hàng nghìn, hàng nghìn lần.
Việt Nam, Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa nhưng cái khác cơ bản nằm ở chỗ : Nhật Bản không có khoa cử. Chính vì vậy tâm thế tiếp cận kinh điển của Nho gia từ xưa đã khác và hiện tại cũng rất khác. Khi tiếp cận sách trong tâm thế tự do, những trở ngại ngoài lề hay hạn chế thời đại của cuốn sách không còn nhiều ý nghĩa.
Những tác phẩm kinh điển vượt thời gian thường sẽ chứa đựng trong nó nhiều giá trị mà mỗi lần đọc ở các thời điểm khác nhau người ta sẽ nhận ra những giá trị riêng.
Ở Việt Nam nếu muốn đọc kinh điển cho con nghe có lẽ ngoài ca dao thì sẽ có truyện Kiều. Bố tôi hồi xưa cũng thường ru mấy chị em tôi bằng Kiều. Ông có thể thuộc hơn 3.000 câu thơ không cần nhìn sách.
Văn chương tự thân nó không ăn được nhưng nó cũng không phải thứ hoàn toàn vô dụng. Ít nhất là trong một vài trường hợp.
Hồi vợ tôi có bầu và sinh con ở Nhật, ông bà nội ngoại không thể sang chỉ có hai vợ chồng, tôi rất lo vì một anh học trò mặt trắng và một cô gái vừa từ giã thời sinh viên, lấy đâu kiến thức và kinh nghiệm để nuôi con?
Thế là cắm đầu đọc sách. Chính trong khoảng thời gian đó tôi dịch “Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản” – Cuốn sách đã khai sáng cho tôi khỏi những định kiến kiểu kinh nghiệm thường nghe thấy từ những người Việt ở xung quanh.
Và rồi khi con chào đời, tập bế con, ru con ngủ, tôi chợt nhận ra, thích đọc sách hay mê văn chương cũng có cái hay của nó và không hoàn toàn vô ích.
Những bài ca dao và những bài thơ đọc được biến thành lời để ru con. Cu con có vẻ thích, ngủ ngon lành. Tuy không thuộc được cả 3.000 câu, tôi vẫn ru con bằng nhiều trích đoạn của Truyện Kiều. Thật thú vị là Cò bây giờ nhớ luôn được các đoạn nghe bố ru. Hắn không thể tự đọc được toàn đoạn nhưng nếu bố, mẹ đọc và chừa lại vài từ trong câu ở bất cứ vị trí nào hắn đều có thể… điền trúng.
Tất nhiên, với trẻ thơ rung cảm quan trọng hơn ngữ nghĩa.
Chợt nhớ một trong những khó khăn của những trẻ sinh ra ở nước ngoài như Cò là việc học tiếng Việt. Nhiều trẻ sống trong môi trường đa văn hóa sẽ gặp vấn đề về Identity. Mình thuộc về đâu, thuộc về nền văn hóa nào trở thành câu hỏi trở đi trở lại.
Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng tôi nghĩ có lẽ ngôn ngữ nào mà bọn trẻ có thể xúc động khi nghe thơ hay có thể làm thơ bằng nó thì đấy là tiếng mẹ đẻ.
Việt Nam trong suốt cả nghìn năm đã lấy văn chương làm tiêu chuẩn thẩm định nhân tài. Làm một bài văn hợp quy cách, một bài thơ lọt tai quân vương cũng có thể trở thành trạng nguyên, trở thành công hầu khanh tướng, thậm chí nắm quyền kinh bang tế thế.
Nó để lại rất nhiều hệ lụy.
Và rồi ngày nay, ở một thái cực khác, tiền và chức tước trở thành thước đo duy nhất và tuyệt đối. Học sinh học văn như học toán. Giỏi văn nhưng không đọc sách và cũng chẳng viết văn.
Vô số học sinh bất lực trong việc đi tìm ý nghĩa đích thực của việc học văn dù các lớp học thêm văn vẫn ra vào tấp nập.
Đấy là sự phi lý vô cùng hợp lý.
Nguyễn Quốc Vương