Nguồn gốc dân tộc Việt Nam là một vấn đề lý thú, ẩn chứa nhiều bí ẩn rất thú vị chờ chúng ta tìm hiểu và làm sáng tỏ. Trong các giai đoạn trước, thì nguồn gốc của người Việt là một vấn đề rối mù, không đủ cơ sở để khẳng định chính xác, bởi sự thiếu tư liệu nghiên cứu có đủ thẩm quyền để xác định nguồn gốc dân tộc, nhưng trong giai đoạn gần đây, nguồn gốc của dân tộc Việt đã dần trở nên rõ ràng hơn, nhờ các nghiên cứu di truyền và khảo cổ học được công bố trong khoảng 20 năm trở lại đây, đây là cơ sở vững chắc để chúng ta xác định được nguồn gốc thực sự của dân tộc Việt, cũng như làm cơ sở để có thể giải thích được những khúc mắc trong lịch sử dân tộc, mà bối cảnh lịch sử đã để lại những dấu hỏi lớn chưa có lời giải.

Lịch sử Việt Nam (full) - Nước Âu Lạc - Wattpad

Có một vấn đề quan trọng, đã gây những tranh cãi khá gay gắt, với nhiều luồng ý kiến đối lập nhau, đó là vấn đề Triệu Đà và nước Nam Việt của ông trong lịch sử thời kỳ tiền Bắc thuộc. Có hai luồng quan điểm đối lập nhau chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận này, một có xu hướng công nhận triều đại nhà Triệu như triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam, với quan điểm cho rằng Triệu Đà có công thống nhất Bách Việt và lập nên một triều đại đầu tiên đối lại với người phương Bắc, quan điểm còn lại là sự phủ nhận tính chính thống của nhà Triệu và quốc gia Nam Việt, cho rằng đó là triều đại lập nên bởi một người ngoại bang, một kẻ xâm lược, trong giai đoạn này, ông cũng đã xâm lược phần đất Âu Lạc còn lại của người Việt, quan điểm này dẫn đến kết luận giai đoạn thuộc Nam Việt là giai đoạn Bắc thuộc lần đầu tiên.

Hai luồng quan điểm đó đều có cơ sở của riêng chúng, nhưng chúng tôi nhận thấy có một tiền đề quan trọng mà cả hai luồng quan điểm đó đều chưa tiếp cận một cách cận cảnh và chính xác: đó là xác định nguồn gốc dân tộc Việt thời kỳ tiền Bắc thuộc, nếu không xác định chính xác diện mạo văn hóa Việt thời trước thời nhà Tần xâm lược, thì cuộc tranh cãi có thể sẽ không thể tiến tới một kết luận chung chính xác.

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ nghiên cứu và khảo sát về Triệu Đà và nước Nam Việt trong lịch sử Việt Nam, trong đó yếu tố quan trọng cần làm rõ là xác định bối cảnh văn hóa Việt thời kỳ tiền Tần, cũng như xét qua những bước chân và dấu ấn của Triệu Đà cũng như con cháu của ông trong giai đoạn tồn tại của nước Nam Việt. Sự tiếp cận toàn diện dựa trên xác định nguồn gốc dân tộc Việt sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về vị trí của Triệu Đà và nước Nam Việt trong dòng lịch sử Việt Nam.

1. Vấn đề nguồn gốc và quê hương của Triệu Đà: 

Nguồn gốc của Triệu Đà là vấn đề chính gây ra sự tranh luận khó dứt điểm trong nhận định tính chính thống của nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam. Theo chính sử Trung Hoa và Việt Nam, thì Triệu Đà là người gốc Hoa Hạ, có quê ở huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc, nhưng lại có một vài thuyết cho rằng ông là người Việt, sinh ra ở đất Việt, thậm chí có thuyết còn cho rằng ông là hậu duệ của vua Hùng. Để bắt đầu chúng tôi sẽ tổng hợp lại các thuyết đã có về nguồn gốc của Triệu Đà.

  1. Trong Sử Ký và Hán Thư, các sách này ghi ông là người Chân Định, Hà Bắc, xưa thuộc nước Triệu nên mang họ Triệu.
  2. Nhưng nhà sử học Trung Quốc Wang Gungwu (1958) lại cho rằng Triệu Đà là người nửa Việt nửa Hoa bởi ông sinh ra trên đất Nam Việt, sau gia nhập quân Tần (theo O’Harrow 1979:157, Tạ Đức dẫn lại).
  3. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nguyên ghi lại trong sách “Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo”, đưa ra một truyền thuyết có gốc từ cuốn “Nam Việt thế chí” đã thất truyền do Hồ Tôn Thất thời Trần viết, được kể lại qua Nguyễn Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi, cho rằng Triệu Đà gốc Việt, là con một vua Hùng, gọi vị vua Hùng thứ 18 là bác, có tên là Nguyễn Thân (Lý Thân). Sau đó Nhâm Ngao đề nghị An Dương Vương đưa Lý Thân sang làm con tin cho nhà Tần, trở thành tướng và phò mã nhà Tần, tức Lý Ông Trọng. Do làm con nuôi Triệu Cao, hoạn quan thân cận của Tần Thủy Hoàng nên đổi tên thành Triệu Đà. Họ Triệu là họ bố nuôi, Chân Định là quê của Triệu Cao. [1]
  4. Tác giả Bách Việt trùng cửu đã cho rằng Triệu Đà là người Việt, có đền thờ tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cũng theo tác giả này, sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đã ghi không trung thực về nguồn gốc của Triệu Đà.

Có nhà nghiên cứu đã lấy cơ sở từ các thuyết số 3 và số 4 để đặt nghi vấn về việc Triệu Đà có thể là người Việt, nhưng các thuyết này đều dựa trên những cơ sở không đủ vững chắc, thuyết số 3 là thuyết được ghi lại do truyền miệng, do một người đời sau ghi lại, thuyết số 4 cũng không đủ cơ sở để khẳng định ông sinh ra tại Việt Nam, do đền thờ có thể là người dân lập ra sau này. Khảo cổ sẽ chứng minh rõ hơn về nguồn gốc của Triệu Đà, chúng cũng không hỗ trợ cho thuyết Triệu Đà là người Việt, sinh ra trên đất Việt, hay thậm chí là con cháu của vua Hùng. Phần khảo cứu khảo cổ sẽ được chúng tôi tiến hành ở phần sau.

Các thuyết cho rằng Triệu Đà là người Việt cũng cho rằng tác phẩm Sử Ký của Tư Mã Thiên đã không trung thực khi ghi về Triệu Đà, tuy nhiên xét một cách toàn cảnh những gì đã được ghi lại trong Sử Ký, có thể nhận thấy được những yếu tố được thể hiện trong sự tương tác qua lại của Triệu Đà và triều đình nhà Hán, cũng như nguồn gốc của Triệu Đà được triều đình nhà Hán sử dụng để chi phối Triệu Đà.

Các thông tin về Triệu Đà cũng được ghi lại trong nhiều thư tịch lịch sử của Trung Quốc, khảo cổ học cũng ủng hộ cho nguồn gốc thực sự của Triệu Đà là ở phía Bắc. Qua những yếu tố đó, chúng tôi cho rằng không đủ cơ sở để có thể phủ nhận những gì Sử Ký đã ghi lại về Triệu Đà. Kết hợp với cơ sở về khảo cổ học, có thể thấy Sử Ký đã ghi lại khá trung thực về nguồn gốc của Triệu Đà và lịch sử của quốc gia Nam Việt, chúng ta có thể dựa vào đó để tìm hiểu về nguồn gốc của ông, từ đó kết nối với những di vật khảo cổ thể hiện bộ mặt của văn hóa triều đình Nam Việt trong thời kỳ nhà Triệu.

Tư Mã Thiên đã mô tả lại khá chi tiết về nguồn gốc của Triệu Đà trong tác phẩm Sử Ký của mình:

“Nhân Đà có mồ mả cha mẹ ở huyện Chân Định, nhà vua bên đặt người giữ ấp để hàng năm đến ngày giỗ thờ cúng. Đối với anh em họ của Đà, nhà vua ban ơn cho họ làm quan to và thưởng cho nhiều của.”

“Lục Giả đến nơi, Nam Việt Vương sợ hãi, làm giấy tạ tội rằng: “Thần tên là Đà, là một kẻ già ở man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần trộm ngờ Trường Sa Vương đã gièm pha thần. Lại nghe đồn Cao Hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà…”

(Sử ký Tư Mã Thiên, Nam Việt Úy Đà liệt truyện, bản dịch Nhữ Thành.)

Các sự kiện: “Hiệu Văn Đế cho chăm sóc mồ mả của gia đình Triệu Đà, ban ơn cho anh em của Đà”, và sau đó là: “Cao Hậu giết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà”, thể hiện rõ quê hương của ông là huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc, gia quyến, mồ mả của gia đình ông đều nằm tại vùng đất phía Bắc này, đây là một nhân tố quan trọng mà nhà Hán đã sử dụng để tác động và chi phối Triệu Đà trong những lần thông giao sau này.

Nguồn gốc Hoa Bắc của Triệu Đà là nhân tố cốt lõi thể hiện các hành động của ông sau này tại đất Việt, cũng như là nguyên nhân trực tiếp thể hiện vai trò quan trọng của văn hóa Hoa Hạ trong triều đình Nam Việt, qua sự kiện khám phá lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ.

2. Bước chân của Triệu Đà ở đất Việt: 

Bắt đầu của giai đoạn lịch sử chuyển đổi từ trạng thái độc lập sang lệ thuộc, vào năm 218 TCN, Đồ Thư theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đánh xuống đất của người Việt. Quốc gia của người Việt thời kỳ đó đã chuyển đổi từ quốc gia Văn Lang của các vua Hùng sang quốc gia Tây Âu của An Dương Vương, với lãnh thổ gồm vùng Lưỡng Quảng và miền Bắc Việt Nam.

An Dương Vương đã tổ chức cuộc chiến đấu chống lại đội quân khổng lồ của nhà Tần, nhiều năm liền chiến đấu không ngơi nghỉ, tuy nhiên quân Việt phải rút lui, đất Việt đã mất vùng Lưỡng Quảng vào tay nhà Tần, chỉ còn giữ lại được miền Bắc Việt Nam.

Các vùng đất chiếm được, nhà Tần lập thành các quận Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây) và Tượng Quận. Tần Thủy Hoàng điều Nhâm Ngao làm quận úy quận Nam Hải, bao gồm 4 huyện Bác La, Long Xuyên, Phiên Ngung và Yết Dương, trong đó vị trí trọng yếu về quân sự là quận Long Xuyên được giao cho Triệu Đà.

Sau đó nhà Tần nguy cấp, Nhâm Ngao đã gọi Triệu Đà tới, dặn phải giữ lấy đất Lĩnh Nam. Triệu Đà tuân lệnh, giữ đất Lĩnh Nam, cố gắng ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Nguyên, giết hết các quan nhà Tần được bổ nhiệm trước đó, sau đó thì xưng đế vào năm 204 TCN, lập nên nước Nam Việt.

Như vậy chúng ta có thể thấy được rằng Triệu Đà bắt đầu từ vị trí của một vị quan cai trị, đã tiến tới trở thành một vị vua, dựng nước Nam Việt trên vùng đất ông được kế thừa từ Nhâm Ngao, với cư dân là người Bách Việt. Về cơ bản, Triệu Đà lập quốc trên vùng đất ông đã làm quan cai trị.

Bối cảnh chính trị Trung Nguyên khi nhà Tần sụp đổ đẩy Triệu Đà vào một tình thế hiểm nghèo, ông có thể bị quân Hán sát hại, do từng là một vị quan trong thời kỳ nhà Tần, do đó ông đã buộc phải lựa chọn việc thống lĩnh dân Bách Việt, xây dựng nên đất nước riêng để chống lại nhà Hán. Đó là một tình thế bắt buộc, khiến ông phải chấp nhận sống chung với dân Bách Việt, chứ không hẳn là do ông tự nguyện, muốn chung sức với dân Bách Việt xây dựng quốc gia mới. Tinh thần của ông về cơ bản vẫn hướng về Hoa Hạ, như chúng tôi sẽ triển khai phân tích ở phần tiếp theo đây.

Sau khi thành lập nước Nam Việt ở vùng Lĩnh Nam, ông đã tiến hành mưu đồ chiếm nốt phần đất còn lại của người Việt, đó là vùng miền Bắc Việt Nam và một phần ở phía Hoa Nam, khi đó đang nằm trong quyền lãnh đạo của An Dương Vương.

Sử sách và truyền thuyết ghi lại rằng Triệu Đà đánh mãi không thắng được An Dương Vương, đã sử dụng kế hoãn binh, đưa con là Trọng Thủy sang làm con tin, đồng thời cũng là gián điệp, giúp khám phá bí mật giúp An Dương Vương chống lại được quân Nam Việt, sau đó chiếc nỏ thần bị đánh tráo, khiến nước Âu Lạc mất, bị sáp nhập vào lãnh thổ Nam Việt.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, thì đất nước ta thời kỳ đó vẫn là một nước có chủ quyền, với sự thống lãnh của một người nội tộc là An Dương Vương, được kế thừa trực tiếp và không gián đoạn từ thời các vua Hùng. Sau đó, khi nhà Tần đánh xuống phía Nam, lãnh thổ Việt còn trọn vẹn cả Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam, khi An Dương Vương thua cuộc thì đất Lĩnh Nam coi như đã mất vào tay người Hoa Hạ, nhưng ở phần lãnh thổ còn lại, người Việt vẫn còn là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Nước Nam Việt qua bối cảnh lịch sử đó, về cơ bản là một nước được lập nên bởi kẻ xâm lược, bởi Triệu Đà là quan đô hộ được điều tới cai trị đất Việt sau khi nhà Tần chiếm thành công vùng Lĩnh Nam, nên cũng có thể nói Nam Việt là quốc gia của kẻ xâm lược, mặc dù dân cư tại đây vẫn là cư dân tộc Việt. Đây là mệnh đề quan trọng để thấy được vị trí và vị thế của Triệu Đà đối với người Việt. Triệu Đà đã sáp nhập đất Việt với một vị thế của một kẻ xâm lược, không phải với vị thế của một ông vua thống lĩnh Bách Việt.

Nguyên nhân của việc xem Triệu Đà như một vị vua thống lĩnh Bách Việt, có công lập nên triều đại đầu tiên của dân tộc Việt, xuất phát từ một vấn đề lịch sử, khi các nhà nghiên cứu chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc dân tộc Việt, dựa vào sử sách Trung Hoa mà cho rằng tộc Việt phía Nam chỉ là những bộ tộc hoang dã, kém văn minh, và không có quốc gia, như vậy cũng có nghĩa Triệu Đà tới đất Việt là vào đất không có chủ quyền, đem theo văn minh phương Bắc xuống khai hóa người Việt. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc dân tộc và nguồn gốc văn minh Việt, chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên rõ ràng hơn: tộc Việt là một cộng đồng có trình độ văn minh cao độ, phát triển liên tục trong nhiều nghìn năm tại vùng Đông Á!

Triều đại Hùng Vương trong huyền sử của dân tộc có cơ sở vững chắc về khảo cổ học tại vùng Động Đình, Dương Tử, đây là cái nôi văn minh của tộc Việt, triều Hùng Vương kéo dài trong hơn 2000 năm lịch sử, trước khi thoái trào, mất dần quyền lực và lãnh thổ, phải nhường ngôi cho một thủ lĩnh trong lãnh thổ của mình là Thục Phán. Đây là nền tảng và khởi nguồn của văn minh tộc Việt, vấn đề này sẽ được chúng tôi chứng minh tại phần sau của bài viết này.

Những bước chân của Triệu Đà đã thể hiện ông đến với đất Việt trong vai trò của một quan đô hộ, cai trị dân Việt, cũng như lập quốc trên đất Việt trong một tình thế bắt buộc, không phải bởi ông muốn lập một triều đại của tộc Việt đối lại với người Hán phương Bắc. Lịch sử phát triển của tộc Việt thời kỳ tiền Tần cũng thể hiện việc cho rằng ông đem văn minh phương Bắc tới người Việt là không chính xác.

3. Văn hóa Nam Việt và những hành động của Triệu Đà: 

Văn hóa của Nam Việt được cho rằng đã dựa trên nền tảng văn hóa Việt, đối với Triệu Đà, thì ông có những yếu tố như “mặc áo tả nhậm”, “ngồi xổm”, đã được cho là biểu trưng cho việc ông đã theo văn hóa tộc Việt, bên cạnh đó, ông còn lấy vợ là người Việt, sinh con ra trong mình có nửa máu Việt, như vậy đã chấp nhận trở thành người Việt, lãnh đạo dân Việt lập một quốc gia chống lại người Hán. Nhưng khảo cứu sử sách và khảo cổ học, chúng tôi nhận thấy không có đủ cơ sở để cho rằng quốc gia Nam Việt của Triệu Đà là một quốc gia theo văn hóa Bách Việt, vị trí của người Việt đối với Triệu Đà cũng không thể hiện vai trò trung tâm, ông đã không thực sự tôn trọng văn hóa tộc Việt và người Việt.

a. Việc xin di dân và khởi nguồn cho sự đồng hóa người Việt: 

Sau khi nhậm chức huyện lệnh Long Xuyên, Triệu Đà đã xin Tần Thủy Hoàng điều 50 vạn dân Hoa Hạ xuống vùng Lĩnh Nam để đồng hóa người Việt [2]. Hành động này thể hiện cơ bản tinh thần của Triệu Đà đối với người Việt và người Hoa Hạ: ông muốn đồng hóa người Việt, và muốn biến đất Lĩnh Nam thành đất của người Hoa Hạ!

50 vạn di dân do ông xin điều xuống, do biến động lịch sử khi nhà Tần sụp đổ, số ở lại quốc gia Nam Việt của Triệu Đà chỉ còn khoảng 10 vạn người, nhưng đây là khởi nguồn cho quá trình đồng hóa người Việt, có thể nói đây là sự dung hòa văn hóa Hoa – Việt, làm nền tảng cho sự đồng hóa tại vùng Lĩnh Nam sau này được trở nên dễ dàng hơn.

Có ý kiến cho rằng nếu ông tiếp tục ở vị trí của một quan đô hộ nhà Tần, thì sẽ nhanh chóng thực hiện được việc đồng hóa người Việt, nhưng việc ông lưu giữ một lượng lớn di dân Hoa Bắc cũng đã thể hiện tinh thần của ông đối với dân tộc của mình, số lượng di dân này đã không đồng hóa được người Việt, nhưng đã làm thay đổi cơ bản nền tảng văn hóa của vùng Lĩnh Nam.

b. Cách ứng xử của ông với triều đình nhà Hán: 

Qua sử sách, chúng ta sẽ thấy được cách ứng xử của Triệu Đà với triều đình nhà Hán phần nào thể hiện được thái độ của ông đối với cư dân tộc Việt trong đất nước của mình, khi ông thường xuyên gọi người Việt là “man di”, đây là một khái niệm thể hiện tư tưởng xem thường người Việt của người Hoa Hạ, khi họ chỉ xem mình là văn minh, các dân tộc xung quanh đều là kém văn minh, cần được khai hóa. Tư tưởng đó đã thể hiện khá rõ ràng ông là người Hoa Hạ, không phải là người Việt, cũng như thể hiện sự thiếu tôn trọng của ông đối với người Việt.

Trong thư gửi Lục Giả dâng lên vua Hán, Triệu Đà đã tự xưng là Man Di đại trưởng lão:

“Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà, mạo muội đáng chết, hai lạy dâng thư lên Hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là lại cũ ở đất Việt, Cao Đế ban cho ấn thao làm Nam Việt Vương. Hiếu Huệ Hoàng Đế lên ngôi, vì nghĩa không nỡ tuyệt nên ban cho lão phu rất hậu.”

(Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ Quyển 2, Triệu thị kỷ.)

Trong bức thư dâng lên Hiếu Văn Đế sau đó, ông còn viết thêm rằng:

“…Vả lại phương nam này ẩm thấp, giữa chốn Man Di, phía đông là Mân Việt chỉ có ngàn dân vẫn xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương. Lão thần lấy bậy đế hiệu, lấy thế làm vui, đâu dám để vua trời nghe được.” Bèn cúi đầu sát đất lạy tạ, nguyện mãi mãi là phiên thần, có nghĩa vụ cống nạp. Bèn hạ lệnh xuống người trong nước: “Ta nghe nói hai anh hùng không thể cùng tồn tại, hai người đức hạnh và tài năng không bao giờ ở cùng thời đại. Hoàng đế nhà Hán là thiên tử hiền nhân. Từ nay trở về sau bỏ đế hiệu, xe mui vàng và cờ tả đạo.”

(Sử ký Tư Mã Thiên, Quyển 113, phần Nam Việt liệt truyện.)

Vả lại phương nam này ẩm thấp, giữa chốn Man Di, phía đông là Mân Việt chỉ có ngàn dân vẫn xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương.”. Triệu Đà đã không thực sự tôn trọng người Việt, sẵn sàng sử dụng những lời nói có tính miệt thị để mô tả về người Việt để lấy lòng triều đình nhà Hán.

Tới cuối đời, ông cũng đã quy thuận với nhà Hán, bỏ đế hiệu. Tuy một phần bởi cách ứng xử của triều đình nhà Hán đối với ông, nhưng qua tâm thế ứng xử của ông, ý thức nguồn gốc được lưu giữ rất mạnh, thì đây là một điều tất yếu, bởi bản thân ông vẫn luôn ý thức mình là người Hoa Hạ, giữ gìn văn hóa Hoa Hạ, có vai trò và quan hệ với người Hoa Hạ, điều này được thể hiện rất rõ trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ, chính là cháu ruột của ông.

Ấn vàng của Triệu Mộ do nhà Hán ban tặng, biểu hiện của sự quy thuận với nhà Hán của triều Nam Việt. [Nguồn: Bảo tàng lăng mộ vua Nam Việt Tây Hán]

c. Văn hóa của triều đình Nam Việt thể hiện qua lăng mộ Triệu Mộ: 

Sự kiện khám phá lăng mộ của Nam Việt Vương là một sự kiện quan trọng, thể hiện bộ mặt văn hóa trong lịch sử của quốc gia Nam Việt. Lăng mộ được tìm thấy thuộc sở hữu của Triệu Mộ, theo Đại Việt sử ký toàn thư, thì ông là con của Trọng Thủy, do Trọng Thủy đã chết, nên được Triệu Đà chọn làm người kế vị.

Lăng mộ Nam Việt Vương đã thể hiện một sự thống trị tuyệt đối của văn hóa Hoa Hạ. Hầu như tất cả những cổ vật được tìm thấy trong lăng mộ, đều mang đặc trưng văn hóa Hoa Hạ, có thể được nhập trực tiếp từ nhà Hán.

Đồ đặc trưng Hoa Hạ trong lăng mộ Nam Việt Vương, bao gồm chiếc ấn vàng của Triệu Mộ. [Nguồn: Bảo tàng Lăng mộ vua Nam Việt Tây Hán]

Đa phần cổ vật lăng mộ Nam Việt Vương có đặc trưng văn hóa phương Bắc, các loại hình cổ vật như dàn nhạc, đồ ngọc, vũ khí tới đồ dùng cá nhân, tất cả đều không thấy dấu ấn của văn hóa Việt, đều là đồ có nguồn gốc từ Hoa Bắc. Điều này đã thể hiện ý thức văn hóa Hoa Bắc rất mạnh trong Triệu Đà và con cháu của ông.

Cổ vật Bách Việt trong lăng mộ chúng tôi nhận thấy chỉ bao gồm một số chiếc thạp đồng và một vài chiếc bình có hoa văn Đông Sơn. Văn hóa triều đình Nam Việt qua đó là một sự Hoa Hạ hóa hoàn toàn, không thấy sự ảnh hưởng rõ ràng của văn hóa Việt.

Những chiếc thạp hiếm hoi mang đặc trưng văn hóa Bách Việt trong lăng mộ Triệu Mộ. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lăng mộ vua Nam Việt Tây Hán]

Sự kiện này đã khiến các nhà nghiên cứu Trung Quốc thay đổi cách nhìn nhận với Triệu Đà, từ chỗ cho rằng ông là một kẻ phản quốc, chống lại dân tộc mình, thì họ nhận định lại ông là một người có công truyền bá văn hóa Hoa Hạ tới vùng Lĩnh Nam, góp công lớn cho dân tộc của mình.

d. Trống đồng và văn hóa của triều đình Nam Việt: 

Trống đồng là vật biểu rất quan trọng đối với tộc Việt, đó là linh hồn của văn hóa Việt, nên người Việt rất coi trọng, giữ gìn chúng. Sau khi hai bà Trưng thất bại trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập, thì Mã Viện đã ra lệnh thu trống của người Việt để đúc ngựa, nhằm hủy diệt văn hóa Việt. Từ đó chúng ta thấy được vị trí rất quan trọng của trống đồng trong văn hóa tộc Việt.

Nhưng trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ, chúng tôi nhận thấy không có sự xuất hiện của trống đồng. Điều này thể hiện rất rõ nhận thức của Triệu Đà cũng như con cháu của ông đối với văn hóa Việt, đó là sự không quan tâm tới văn hóa Việt, mà ý thức thể hiện ông và hậu duệ của ông đã hướng về Hoa Bắc, thể hiện trong văn hóa của triều đình Nam Việt, với cổ vật Hoa Bắc chiếm ưu thế hoàn toàn.

Việc Triệu Đà và con cháu của ông không sử dụng trống đồng là một biểu hiện rất rõ ràng thể hiện nguồn gốc cũng như ý thức văn hóa của ông và hậu duệ. Ông có nguồn gốc Hoa Bắc, và luôn luôn ghi nhớ nguồn gốc đó của mình. Qua đây chúng ta cũng có thể thấy ông không những không “sống theo phong tục Việt, văn hóa Việt”, mà còn rất trung thành với văn hóa Hoa Hạ.

e. Đặc trưng văn hóa thông qua cách chôn cất:

Đặc trưng cơ bản nhất của một dân tộc, khó thay đổi, đó là việc chôn cất, Triệu Đà và con cháu của ông đã lưu giữ lại đặc trưng lăng mộ của người Hoa Hạ, còn giữ lại cả tục chôn người sống, tới đời cháu của ông là Triệu Mộ vẫn còn giữ lại kiểu lăng mộ này.

Để so sánh một cách trực quan hơn, chúng tôi muốn kể tới trường hợp của Điền Việt, với vua là tướng Sở Trang Kiểu, thì kiểu cách mộ táng của các vị vua và quý tộc của Điền Việt không theo phong cách Hoa Hạ, mà theo phong cách đơn thuần của người Việt, không xây lăng mộ. Điều đó đã chứng tỏ sự khác biệt giữa Triệu Đà và Trang Kiểu, Triệu Đà có lẽ đã một lòng hướng về quê hương, về văn hóa Hoa Hạ, nên truyền thống văn hoá của Hoa Hạ vẫn đậm nét trong văn hoá Nam Việt.

4. Các nguyên do dẫn tới sự công nhận nhà Triệu là một triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam: 

Có nhiều nguyên nhân làm nền tảng cho sự công nhận nhà Triệu là triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam, bao gồm các nguyên nhân chính sau đây:

  1. Ông đã theo văn hóa Việt, phong tục Việt, sống chung với người Việt, lấy vợ người Việt.
  2. Người Việt trước đó không có văn minh, không có chủ quyền, nên Triệu Đà đã có công thống nhất và truyền bá văn minh tới người Việt.
  3. Ông đã có công dựng nên một triều đại của người Việt đối lại với người Hán.
  4. Thuyết thiên mệnh, với việc cho rằng ngôi vị là do trời định, ai xưng đế ở vùng đất nào thì nghiễm nhiên được coi là vua, nắm giữ “thiên mệnh” của vùng đất đó, bất kể xuất thân thuộc dân tộc nào.

Nguyên nhân thứ nhất đã được chúng tôi chứng minh qua các phần trên là không chính xác, ông không theo văn hóa Việt, và có ý thức mạnh về nguồn gốc Hoa Hạ của mình.

Nguyên nhân thứ hai, là quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, xuất phát từ việc cho rằng người Việt trước đó là một dân tộc không có văn minh, về cơ bản là không chính xác, do tộc Việt đã có một nền văn minh lớn, có trình độ phát triển cao trong nhiều giai đoạn tại vùng Đông Á, có nhiều giai đoạn vượt trội và ảnh hưởng tới người Hoa Hạ.

Nguyên nhân thứ ba có nguyên nhân từ sự hiểu nhầm về nguồn gốc người Việt, có nguyên do từ việc cho rằng người Việt trước đó không phải là một quốc gia, không có một nhà nước, cũng như trình độ văn minh thấp kém, nên việc Triệu Đà xây dựng nước Nam Việt được xem như một quốc gia đầu tiên của người Việt. Nhưng người Việt đã có một quốc gia từ rất sớm, sớm hơn cả Hoa Bắc chứ không phải đợi tới khi Triệu Đà lập Nam Việt người Việt mới lập quốc.

Nguyên nhân thứ tư đã thể hiện khá rõ ràng việc công nhận triều Nam Việt là một triều đại chính thống ở Việt Nam của nhiều nho gia trong thời phong kiến là dựa trên thuyết thiên mệnh, là một thuyết có ảnh hưởng lớn trong Nho giáo. Nó không dựa trên một cách nhìn nhận chính xác và khách quan hiện thực của thời kỳ này.

Vấn đề sẽ trở nên rõ ràng với việc khảo cứu về nguồn gốc dân tộc và văn minh tộc Việt, nó sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn các vấn đề gây hiểu nhầm về Triệu Đà và nước Nam Việt đối với tộc Việt.

5. Tộc Việt có phải là một bộ tộc man di, rời rạc, không có tính gắn kết? 

a. Thành tựu văn minh từ việc thuần hóa lúa nước: 

Cộng đồng tộc Việt có trình độ văn minh cao, phát triển liên tục trong hàng chục nghìn năm, khởi nguồn của văn minh tộc Việt chính là việc thuần hóa lúa nước. Sử sách Trung Hoa ghi lại rằng các quan đô hộ là Nhâm Diên, Tích Quang đã khai sáng văn minh lúa nước cho người Việt, nhưng những khảo cứu về di truyền học của lúa và nguồn gốc tộc Việt lại thể hiện điều ngược lại.

Thuần hóa cây lương thực là thành tựu quan trọng, khởi nguồn cho đời sống văn minh của nhân loại, và người tiền Việt là những người thuần hóa lúa nước sớm bậc nhất thế giới. Theo nghiên cứu di truyền của cây lúa, thì cây lúa đã được thuần hóa tại vùng đồng bằng sông Châu [3], khi đó đồng bằng này còn nối liền với đồng bằng sông Hồng, là nơi sinh sống của người cổ Australoid rời khỏi châu Phi, gốc của cộng đồng Việt. Sau đó những người cổ này đã phải di cư lên phía Bắc để tìm vùng đất mới khi nước biển dâng trở lại [4], đem theo thành tựu thuần hóa lúa nước tới vùng Động Đình, Dương Tử. Tại vùng Dương Tử cũng chính là nơi tìm thấy dấu tích thuần hóa lúa nước sớm nhất.

Những dấu tích về lúa nước thuần hóa được tìm thấy sớm nhất tại vùng hạ lưu Dương Tử, với niên đại vào khoảng 10,500 tới 12,000 trước ngày nay tại di chỉ Shangshan (ảnh dưới) [5], đây là dấu tích lúa thuần hóa sớm nhất trên thế giới, sự xuất hiện của lúa ở vùng Dương Tử cũng trùng với thời điểm nước biển dâng, khiến người cổ Đông Nam Á phải di cư lên vùng Động Đình, Dương Tử và Hoa Bắc.

Dấu tích lúa tìm thấy tại các di chỉ Xiaohuangshan (~9000 năm BP) (a, b) và Shangshan (c, d) (~ 11000 năm BP), tại vùng hạ lưu Dương Tử, tỉnh Chiết Giang. [5]

Những di tích khảo cổ về lúa này được các nhà nghiên cứu cho rằng thuộc nền văn minh Trung Hoa, nhưng gốc tích và địa bàn sinh sống của người Hoa Hạ cho tới trước thời Tần, cơ bản nằm tại vùng phía bắc sông Dương Tử. Tới thời nhà Tần, người Hoa Hạ mới bắt đầu mở rộng xuống vùng phía Nam. Do đó những di sản tại vùng Hoa Nam đều là của người tiền Việt hay tộc Việt ở giai đoạn sau này.

Bản đồ nhà Chu 1000 năm trước Tây Lịch của tác giả Ian Kiu dựa trên nghiên cứu của Albert Herrmann (1935). “The Chou Dynasty, 11th-9th Centuries B.C”. Historical and commercial atlas of China. Harvard University Press.

Đây chính là khởi nguồn cho sự phát triển văn minh của người Việt, theo đó việc cho rằng người Việt được người Hoa Hạ, cụ thể hơn là Triệu Đà khai hóa văn minh, dạy cho trồng lúa là hoàn toàn không chính xác.

Người Việt đã phát triển liên tục một nền văn minh lớn tại vùng Động Đình, Dương Tử, với đỉnh cao là các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, là các văn hóa có trình độ phát triển vượt trội so với Hoa Bắc, cũng như đã được chứng minh có một hệ thống nhà nước và tổ chức dân cư phức tạp.

Tại vùng văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử, các nhà khảo cổ thế giới đã chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [6][7], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [8]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [9].

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [10]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [10][11]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [11].

Mốc thời gian của văn hóa Lương Chử (5400 – 4250 BP) gần ứng với nước Xích Quỷ, sau đó quốc gia Văn Lang của Lạc Long Quân và các vua Hùng được kế thừa từ Xích Quỷ, chuyển trung tâm sang vùng Động Đình, với văn hóa Thạch Gia Hà (4500-4000 BP). Sau đó trung tâm của tộc Việt được chuyển về miền Bắc Việt Nam, với văn hóa Phùng Nguyên và nha chương kế thừa nhà nước tại vùng Động Đình, Dương Tử.

Do đó tộc Việt là một cộng đồng có trình độ phát triển cao độ, cũng như đã có các văn hóa được chứng minh sự tồn tại của nhà nước sớm nhất Đông Á, do vậy tộc Việt không phải là một bộ tộc hoang dã, kém văn minh, cũng như đã có một nhà nước phát triển từ sớm trước khi người Hoa Hạ bắt đầu xâm lược xuống vùng phía Nam của tộc Việt.

b. Sự thống nhất của cộng đồng Việt thông qua di truyền học: 

Cơ sở khoa học cũng chứng tỏ một sự thống nhất trong di truyền của các nhóm dân cư có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt:

Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy cư dân gốc Bách Việt như Kinh Việt, Tày, Nùng, Choang, Mường, Thái, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [12]

Mặc dù người Hoa Nam ngày nay đã bị đồng hóa về mặt nhận thức thành người Hán, thì về cơ bản, nhân chủng, di truyền của họ vẫn tương đồng với các nhóm dân khác có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt, và khác biệt so với người Hán Hoa Bắc.

c. Sự thống nhất văn hóa qua cổ vật của cộng đồng Việt:

Trống đồng là một vật biểu trưng quan trọng thể hiện tính thống nhất của văn hóa Bách Việt, trống được phủ khắp Bách Việt, về cơ bản đều cùng một kiểu dáng, cùng thành phần chất liệu, cùng motif trang trí. Trống to đẹp và lớn nhất được tập trung ở Việt Nam, chứng minh tính trung tâm của văn hóa Việt tại vùng miền Bắc Việt Nam, được các nhà nghiên cứu nổi tiếng về văn hóa Đông Nam Á như Loofs-Wissowa, Charles Higham xác nhận [13][14]. Trống không chỉ là vật biểu trưng quyền lực mà còn là vật biểu trưng cho tôn giáo thờ Trời của cộng đồng Việt.

Trống đồng Việt Nam (Sông Đà), Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. [Nguồn: 1. Bảo tàng Guimet, Pháp, dẫn; 2. Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn; Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

Rìu đồng, một vật biểu trưng quyền lực quan trọng khác, cũng thể hiện rõ được sự thống nhất của văn hóa tộc Việt, các vùng cơ bản đều có một phong cách đúc và thiết kế hình họa.

Rìu cân xòe Đông Sơn và những chiếc rìu cân xòe tương đồng được phát hiện tại huyện Chủng và thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. [Nguồn: 1. Art Gallery of New South Wales, dẫn; 2. Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Gary Todd; 3. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, dẫn]

Rìu lưỡi xéo gót vuông Đông Sơn, Quảng Đông, Hồ Nam. [Nguồn: 1. Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng tỉnh Nanshan, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Sự tương đồng trong phong cách đồ đồng đã thể hiện rất rõ tính thống nhất của văn hóa Bách Việt. Sự suy diễn cho rằng Bách Việt là một khái niệm chỉ các sắc dân không có liên hệ gì với nhau qua đó là không chính xác.

d. Kết luận: 

Qua những bằng chứng trên, chúng ta có thể thấy được tính thống nhất của văn hóa tộc Việt, cũng như tộc Việt đã có một quốc gia, có văn minh và chủ quyền, đã xây dựng nên một nền văn minh phát triển chứ không phải là một bộ tộc hoang dã như những gì đã được khắc họa trong cổ sử Trung Hoa. Đó là nền tảng cơ bản để chúng ta thấy được các quan điểm cho rằng Triệu Đà đã khai sáng dân Việt, lập quốc gia đầu tiên của người Việt đối lại người Hoa Hạ là hoàn toàn không có cơ sở.

6. Tổng kết và đưa ra cách nhìn nhận mới: 

Khi nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc dân tộc và nguồn gốc văn hóa Việt, chúng ta đã nhận thấy được những quan điểm công nhận tính chính thống của nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam đều là thiếu cơ sở. Triệu Đà không theo văn hóa Việt, không tôn trọng người Việt, và còn rất trung thành với văn hóa Hoa Hạ và triều đình Hoa Hạ. Việc ông đánh chiếm nước Âu Lạc có thể nói là một hành động trực tiếp xâm phạm chủ quyền.

Từ việc đánh giá thông qua sự khảo sát toàn diện đó, chúng tôi xin đưa ra một cách nhìn nhận của riêng mình: Triệu Đà có vị thế của một kẻ xâm lược, một người có công truyền bá văn hóa Hoa Hạ, cũng như làm nền tảng cho quá trình đồng hóa người Việt, ông đã xâm lược đất Việt khi đó còn được độc lập và chủ quyền là nước Âu Lạc. Chúng tôi đề xuất không công nhận tính chính thống của nhà Triệu đối với lịch sử Việt Nam, giai đoạn thuộc Nam Việt là giai đoạn Bắc thuộc lần thứ nhất.

Những tranh cãi về vấn đề này xuất phát từ sự thiếu nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn gốc dân tộc. Chúng tôi đề xuất cần phải tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa của dân tộc Việt thời kỳ tiền Bắc thuộc, nó không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ của dân tộc mình, mà còn giúp chúng ta nhìn nhận chính xác hơn các vấn đề lịch sử gây ra những hiểu nhầm và ảnh hưởng không nhỏ trong tâm tư của người Việt. Sự nghiên cứu, tìm hiểu, truyền bá và phục hưng văn hóa dân tộc, là một điều quan trọng, không chỉ đối với từng cá nhân người Việt, mà còn đối với sự phát triển và đi lên của dân tộc Việt sau này.


Tài liệu tham khảo: 

[1] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Thục: “Cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta.”

[3] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[4] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.
Chuan‐Chao WANG, Shi Yan, Zhen‐Dong QIN, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611. Journal of Systematics and Evolution;51(3):280-6.

[5] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago

[6] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

[7] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[8] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
https://www.pnas.org/content/114/52/13637

[9] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols

[10] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[11] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.

[12] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.

https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[13] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49.
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[14] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

Lang Linh

luocsutocviet