Theo sách “Trang phục Việt Nam” của nhà nghiên cứu trang phục Đoàn Thị Tình, cô dâu miền Bắc (thời Nguyễn) vào ngày cưới tóc vấn đuôi gà, đầu khăn gài con bướm bạc, cổ đeo kiềng bạc, chuỗi hạt vàng, lưng đeo xà tích, váy sồi đen, mặc áo mớ ba, bên ngoài mặc áo the đen, trong là áo hồng và áo xanh. Cô dâu các miền khác cũng có lối ăn mặc tương tự, nhưng có một số tiểu tiết khác biệt. Cô dâu miền trung và miền Nam chải lật búi tóc, thay vì vấn đuôi gà. Cô dâu miền Trung có thể mặc lồng hai áo năm thân, bên trong là màu đỏ hoặc hồng điều, bên ngoài là áo vân màu xanh chàm (Cũng có thể mặc thêm áo the đen bên ngoài thành áo mớ ba), mặc quần trắng.

Về cô dâu Nam Bộ, Sách “Trang phục Việt Nam” cũng cho biết cô dâu miền Nam mặc quần lĩnh đen, tuy nhiên không nói rõ áo màu gì. Còn heo sách “Nhà ở – Trang phục – Ăn uống của các dân tộc vùng ĐBSCL” của tác giả Phan Thị Yến Tuyết, xuất bản năm 1993, trang 66:

“Vào lễ cưới, trang phục của cô dâu chú rể vùng Gia Định trước kia và vùng ĐBSCL hiện nay có những diễn biến theo phong tục và quan điểm thẩm mỹ, thời trang. Cho đến đầu thế kỷ XX… cô dâu mặc áo vân đen mỏng, quần đũi màu hồng sậm, cổ đeo xâu chuỗi hổ phách “hạt to bằng ngón tay cái”, hai tai xỏ đôi bông búp bạc. Dâu và rể đều khoác bên ngoài áo thụng rộng xanh, lót màu cánh sen, khi ra sân có cặp lọng che. Trong những gia đình theo tục cũ, trang phục của cô dâu và chú rể đều là áo cặp.

cô dâu Đông Dương đầu thế kỉ XX, mặc áo cặp, trong đỏ ngoài xanh, đội nón cụ
cô dâu Đông Dương đầu thế kỉ XX, mặc áo cặp, trong đỏ ngoài xanh, đội nón cụ

Áo cặp ở Nam Bộ có thể là một dạng tàn dư, tồn tại biến dạng của “áo mớ” (áo mớ ba, mớ bảy) nơi tầng lớp mệnh phụ giàu có ở miền Trung. Vì khí hậu Nam Bộ nóng quanh năm, cư dân còn nghèo nên áo mớ không thể dung nạp, chỉ còn dừng lại ở dạng áo cặp trong nghi thức trang trọng như lễ cưới. Hoặc rõ rệt hơn, có thể “áo cặp” là phong tục chỉ sự “đủ đôi đủ cặp” trong lễ cưới, vì ngày trước ở vùng Gia Định có thời cô dâu, chú rể ngoài “áo cặp” còn mặc “quần cặp”. Áo cặp tức áo song khai, cô dâu dùng áo the lót gấm hồng, chú rể dùng hàng the lót gấm xanh có dệt chữ “thọ” nhỏ (chữ thọ lớn chỉ dùng cho người lớn tuổi).

cô dâu miền Nam đầu thế kỷ XX, mặc áo xanh ngoài, áo hồng bên trong, đội nón cụ. Chú rể mặc áo lam
cô dâu miền Nam đầu thế kỷ XX, mặc áo xanh ngoài, áo hồng bên trong, đội nón cụ. Chú rể mặc áo lam

Chiếc áo dài của cô dâu, chú rể mặc bên ngoài người ta gọi là áo thụng. Đó là chiếc áo dài và rộng so với áo dài mặc bên trong, tay áo thụng cũng rất dài và rộng, của tay áo có khi lên đến 30 cm. Áo thụng thường được may bằng vải gấm dày, màu lục sậm, xanh sậm hoặc xanh lam có dệt hoa văn. Ngày trước, cô dâu chú rể tầng lớp bình dân ở ĐBSCL có khi mặc áo cặp, đội nón, đội khăn nhưng đi chân đất, không mang giày dép ”

Còn theo bài viết “Gam màu đặc trưng của phục trang xứ Huế” trên trang báo Nét Cố Đô thì cô dâu Huế mặc áo cặp điều lục, đồng thời giải thích điều là màu đỏ, lục là màu xanh.

Như vậy có thể nói, kiểu mặc áo ngoài màu xanh, áo trong hồng hay đỏ (tức áo lục điều) là một kiểu phối màu phổ biến và nhất quán của cô dâu Việt thời Nguyễn, thậm chí có thể là trong những thời kỳ trước đó.

cô dâu Sài Gòn năm 1975 mặc áo gấm lục, đội khăn vành. Chú rể mặc áo lam
cô dâu Sài Gòn năm 1975 mặc áo gấm lục, đội khăn vành. Chú rể mặc áo lam
cô dâu Sài Gòn năm 1975 mặc áo gấm lục, đội khăn vành. Chú rể mặc áo lam
cô dâu Sài Gòn năm 1975 mặc áo gấm lục, đội khăn vành. Chú rể mặc áo lam
cô dâu Sài Gòn năm 1975 mặc áo gấm lục, đội khăn vành. Chú rể mặc áo lam
cô dâu Sài Gòn năm 1975 mặc áo gấm lục, đội khăn vành. Chú rể mặc áo lam

Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài màu xanh, trong một số đám cưới cô dâu có thể còn mặc nhiều màu khác nữa, tuỳ vào từng quan niệm, địa vị và hoàn cảnh. Áo đen, áo thâm là màu mang tính “bản sắc dân tộc”, được người Việt ưa chuộng trong lễ, tiết. Áo đỏ, áo vàng một phần là ảnh hưởng từ các dạng áo Nhật Bình trong cung. Áo đỏ cũng có thể do ảnh hưởng từ áo đỏ của cô dâu Trung Quốc, mang ý nghĩa đại cát, đại hỉ. Áo hồng, áo tím là màu đẹp, nhẹ nhàng, gợi cảm… Nếu có điều kiện, xin sẽ nói rõ hơn ở các bài sau về nguồn gốc và ý nghĩa các màu sắc trong đám cưới Việt xưa, đặc biệt là màu xanh đã nói đến ở trên.

TH/ST