Tìm hiểu cội nguồn các nghi lễ cưới truyền thống, bạn sẽ biết cách tinh giản các bước mà vẫn giữ được những gì tinh túy nhất của đám cưới Việt Nam.
Khi nhịp sống quá nhanh và bận rộn, với một số bạn trẻ, phần nghi lễ cưới truyền thống trong đám cưới đôi khi trở nên lê thê. Nhưng tìm hiểu cội nguồn của các thủ tục cưới hỏi này, bạn sẽ thấy trân trọng hơn và biết làm cách tinh giản mọi thứ mà vẫn giữ được những gì tinh túy nhất của đám cưới Việt Nam. Cùng Marry điểm lại những bước quan trọng nhất trong phong tục cưới truyền thống của dân tộc nhé!
Trước ngày cưới
Lễ dạm ngõ
Đây là một phần của nghi lễ cưới hỏi truyền thống nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ dạm ngõ ngày nay không còn theo lối xưa, mà chỉ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mai mối và cũng không cần lễ vật rườm rà. Sau lễ dạm ngõ, người con gái được xem như đã có nơi có chốn.
Lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi là thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ. Ngày nay, tuy nhiều nghi lễ cưới hỏi đã được giảm bớt, nhưng lễ ăn hỏi là một trong những phần chính vẫn được duy trì. Thủ tục cưới này đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: Cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi.
Lễ vật của lễ hỏi là cau tươi, cốm, chè (trà), rượu, bánh phu thê, phong bì tiền, heo quay, trái cây… để thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Số lượng mâm quả trong lễ ăn hỏi có thể chẵn hoặc lẻ tùy theo tập quán của gia đình, vùng miền, nhưng thường mọi người vẫn có thói quen chọn số mâm quả là chẵn, tượng trưng cho ý nghĩa có đôi có cặp.
Trong ngày cưới
Lễ cưới là đỉnh điểm của mọi nghi thức cưới hỏi truyền thống Việt Nam và chi tiết của việc kết hôn. Nghi thức lễ cưới đầy đủ bao gồm 3 nghi thức:
Phần 1: Lễ xin hôn
Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp.
Phần 2: Lễ rước dâu
Dù đoàn rước dâu của nhà trai có đi bằng phương tiện gì chăng nữa thì trước khi vào nhà gái cũng phải “chấn chỉnh đội hình”. Thông thường, đi đầu là đại diện nhà trai; tiếp đến là bố chú rể, chú rể và bạn bè. Đoàn rước dâu nên có đội hình gọn nhẹ để mọi việc nhanh chóng và diễn ra thoải mái hơn.
Sau khi đã vào nhà gái, nhà trai được mời an tọa. Hai bên giới thiệu nhau, sau một tuần trà, đại diện nhà trai đứng dậy có vài lời với nhà gái xin chính thức được rước cô dâu về. Khi được “các cụ” cho phép, chú rể vào phòng trong để trao hoa cho cô dâu, cùng cô dâu đến trước bàn thờ thắp nén hương rồi ra chào bố mẹ, họ hàng hai bên trong bộ áo dài truyền thống trang trọng. Cha mẹ cô dâu dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách sống, về tình yêu thương, về đạo lý vợ chồng. Sau đó, vị đại diện nhà trai sẽ đáp lời thay chú rể và xin rước dâu lên xe. Nhà gái sẽ cùng theo xe hoa về nhà trai dự tiệc cưới.
Về đến nhà trai, việc đầu tiên là cô dâu và chú rể được cha mẹ dẫn đến bàn thờ để thắp hương yết tổ (lễ gia tiên), rồi chào họ hàng bên chồng. Sau đó nhà trai mời nhà gái và tất cả những người cùng tham dự tiệc cưới…
Đó là nghi thức truyền thống. Ngày nay, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy có các sự kết hợp và tinh giản như sau: Lễ dạm ngõ chỉ là bữa cơm thân mật giữa hai bên gia đình. Lễ rước dâu ngày nay là sự kết hợp của cả Lễ hỏi, Lễ xin hôn và nghi thức rước dâu, và thường được làm trước một ngày hoặc chính trong ngày diễn ra tiệc cưới chính (nhưng là buổi sáng).