Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trước hầu hết các quán cắt tóc dành cho nam giới (barber shop) đều sẽ trang trí một chiếc đèn xoay nhiều màu sắc. Chúng xuất hiện nhiều đến mức đã trở thành một biểu tượng đặc trưng cho những tiệm barber này. Và tại sao người ta lại không dùng kéo, lược, tông-đơ, những món quen thuộc với ngành tóc mà lại là cây cột đó.

Ý nghĩa của barber pole

barber-pole-4.Jpg

Thật ra, cây cột đó có tên là barber pole, đã có từ thời xa xưa. Nguyên nhân là bởi vào thời trung cổ, tiệm cắt tóc không chỉ đơn giản chỉ làm về tóc. Những người thợ tóc cũng kiêm luôn việc lấy máu và điều trị bệnh từ đau họng cho đến dịch hạch. Nôm na là vào thời kỳ đó, bạn có thể đến tiệm barber để nhổ răng, lấy sỏi mật hay thậm chí là lấy máu. Trong khi đó, những thầy thuốc, bác sĩ thực thụ lại được coi là quá cao quý để làm những công việc dính máu, bao gồm cả những ca mổ, phẫu thuật hay nhổ răng.

barber-pole-8.jpg

Do công việc có phần “máu me”, nên vì thế barber pole lại đại diện cho một hình ảnh không mấy sạch sẽ và tươm tất. Theo đó, hình dạng ban đầu của barber pole vốn có một chiếc chậu trên đỉnh đầu đại diện cho thau chứa con đỉa và ở dưới cùng, tượng trưng cho chậu đựng máu. Còn bản thân cây cột lại là chiếc gậy mà bệnh nhân nắm chặt để các tĩnh mạch trên cánh tay hiện rõ hơn, tiện cho việc lấy máu. Trong khi đó, màu sắc trong cây cột cũng liên quan đến thủ thuật y tế này: màu đỏ tượng trưng có máu và màu trắng thì là băng gạc để cầm máu. Hình xoắn ốc đi xuống biểu thị cho hướng của động mạch chủ trong cơ thể. Tức là barber pole vốn là biểu tượng cho một chiếc băng gạc dính đầy máu.

barber-pole-11-side.jpg

Có thể bạn chưa biết, barber pole truyền thống ở Châu Âu sẽ có sọc đỏ và trắng. Còn ở Mỹ thì lại là 3 màu đỏ, trắng, xanh. Nhiều giả thuyết cho màu xanh này, có người cho rằng đó chính là những đường tĩnh mạch đã bị rạch để lấy máu, một số khác thì cho rằng màu xanh được thêm vào để thể hiện sự tôn kính đối với màu sắc quốc kỳ của Mỹ.

Tại sao lại có barber pole

barber-pole-3.jpg

Nói sơ một chút về lịch sử, thợ cắt tóc vốn là một nghề nghiệp phổ biến từ hàng ngàn năm trước. Người Ai Cập cổ đại có thể được xem là nền văn minh đầu tiên, giúp việc cạo và cắt tóc trở thành một phần thói quen sinh hoạt hàng ngày. Trên thực tế, người Ai cập cổ đại khá ám ảnh về vấn đề vệ sinh cá nhân. Hầu hết đàn ông Ai Cập đều cạo trọc đầu cũng như râu trên mặt. Thậm chí, các thầy tu còn loại bỏ hết lông trên người bởi niềm tin rằng tóc và lông là những thứ đáng xấu hổ và ô uế. Cũng vì thế mà thợ cắt tóc rất được coi trọng trong thời đại này. Những gia đình giàu có thậm chí còn có riêng cho mình một thợ cắt tóc trong nhà như một thành viên.

barber-pole-2.jpg

Không chỉ Ai Cập, mà cả người Hy Lạp cổ đại cũng rất chú trọng tóc tai. Và chính nơi đây đã xuất hiện cửa hàng tóc đầu tiên dành cho nam, nơi mà đàn ông đến để cắt tỉa tạo kiểu tóc trong khi thảo luận các vấn đề triết học, chính trị, sự kiện thời sự. Ban đầu, công việc của thợ tóc chủ yếu là chăm sóc những bộ râu rậm rạp được coi là biểu tượng cho địa vị và trí tuệ theo quan điểm của người Hy Lạp. Tuy nhiên, trong chiến dịch của Alexander Đại đế trong cuộc chiến với người Ba Tư, người ta nhận thấy râu dài là điểm bất lợi trong trận chiến.

barber-pole-1.jpg

Bởi người Ba Tư có xu hướng nắm râu của lính Hy Lạp và kéo họ té khỏi ngựa. Alexander Đại đế đã nhận thấy điều này và ra lệnh cho tất cả đàn ông phải cạo sạch sẽ râu trước khi ra chiến trận. Dần về sau, phong cách này trở nên phổ biến không chỉ với người dân Hy Lạp mà còn cả nhiều nơi khi đó, chẳng hạn như La Mã và trở thành một kiểu thời trang mới.

barber-pole-10.jpg

Sau sự mở rộng của đế chế La Mã, ý tưởng tóc tai gọn gàng cũng lan rộng ra toàn thế giới. Đến khi các tộc người Germanic, Visigoth và Franks chấm dứt sự thống trị của La Mã, râu và tóc dài bỗng trở lại thành mốt. Điều này đã ảnh hưởng đến công việc của các thợ làm tóc và buộc họ phải tìm hướng đi mới. Sự sụp đổ của Đế chế La Mã vào năm 476, đã khiến các nhà thờ Công giáo khi đó có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân. Các giáo sĩ khi đó không chỉ chăm sóc cho linh hồn và còn cho cả thể xác của người dân. Mà khi đó, các giáo sĩ lại tin rằng việc nhổ răng hay rút máu mới là cách để chống lại bệnh tật.

barber-pole-9.jpg

Đến năm 1163, Giáo hoàng Alexander III đã ban hành lệnh cấm các linh mục làm công việc này. Nhận thấy được cơ hội, thợ cắt tóc đã nắm bắt và bắt đầu cung cấp dịch vụ này. Để quảng cáo cho dịch vụ của mình, những người thợ cắt tóc bắt đầu đặt bát máu ở cửa sổ của tiệm để khách hàng, dù cho không biết chữ có thể nhận biết. Tuy nhiên, việc đặt bát màu ở ngoài quá mất vệ sinh và tạo sự hoảng sợ cho mọi người. Sau đó, bát máu bị cấm vào năm 1307. Các thợ làm tóc đã chuyển qua dùng những miếng vải có thấm máu, buộc vào những cây gậy nhỏ và treo ngoài tiệm. Đây chính là nguồn gốc của barber pole ngày nay.

barber-pole-16.jpg

Về sau, barber pole được làm thành đèn để thu hút và phù hợp với thẩm mỹ hơn. Mặc dù giờ đây, công việc của những thợ cắt tóc không còn máu me như trong quá khứ. Thế nhưng, barber pole đã trở thành một biểu tượng nhất quán cho những tiệm tóc mà ta vẫn thường thấy ngày nay.

Theo (1), (2), (3)

tinhte