Điều này có lý do mà không phải ai cũng biết.

Các bạn nào trên 40 hoặc 50 tuổi thử nhớ lại coi thầy cô dạy mình  hồi lớp 1 có phải rất lớn tuổi?

Trước 1975 tại miền Nam (phía Bắc thì tôi không biết) giáo viên vừa tốt nghiệp sư phạm  không bao giờ được giao dạy lớp 1. Chỉ những giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp mới được giao dạy lớp 1. (điều này còn duy trì đến những năm 1980). Tại sao?

Học sinh lớp 1 hoàn toàn chưa biết gì. Từ tư thế ngồi học, cách cầm cây viết, cầm quyển sách cho đến những kỹ năng khác… Tất cả đều mới bắt đầu được làm quen,  để từ đó  hình thành  kỹ năng riêng.

Đây là giai đoạn rất quan trọng của trẻ mới bắt đầu vào lớp 1, cho nên cần những nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có kinh nghiệm nuôi dạy con, sự tỉ mỹ, nhẫn nại… Điều này thì những thầy cô giáo tuổi đôi mươi ko thể đáp ứng. (tốt nghiệp sư phạm tiểu học chỉ tầm trên dưới 22 tuổi). Đó là lý do vì sao các thầy cô dạy lớp 1 thời đó đều lớn tuổi (già). Tôi nhớ thầy dạy lớp 1 của tôi là thầy Thạnh năm đó chắc phải trên 35 hoặc 40 tuổi.

Trong một trường học, giáo viên cũng rất ngại được phân dạy lớp 1 vì đây là lớp khó dạy nhất trong bậc tiểu học.

Tôi nhớ năm khi mới vào nghề (khoảng năm 1985), được phân dạy lớp 4. Một ngày kia, có một cô lớp 1 nghỉ dạy, tôi được điều dạy thay buổi học này.

Đến giờ học, sau khi giới thiệu bài, tôi vừa yêu cầu các em lấy tập vở ra ghi theo vừa quay người lên bảng ghi chép ngày tháng, tựa bài học. Lúc quay mặt trở lại, tôi thấy cả mấy chục học sinh đều ngồi im như tượng. Hơi ngỡ ngàn nhưng sau một phút định thần, tôi nhận ra đây là học sinh lớp 1, chưa biết viết biết đọc  gì cả… Thế là phải vận dụng kỹ năng dạy học sinh lớp 1, đi đến từng em, từng em,… Kết thúc buổi dạy hôm đó tôi mướt mồ hôi.

Giáo dục lớp một ngày xưa được chăm chút từ cách chọn thầy cô dạy như thế. Đó là chưa nói đến sách giáo khoa còn được chọn lọc kỹ càng hơn nữa.

TH/ST