Trong giới nghệ sĩ sân khấu (cải lương, kịch nói, ca nhạc), có một điều kiêng kỵ bất thành văn là nghệ sĩ không bao giờ cho tiền người ăn mày. Điều này xuất phát từ câu chuyện được truyền miệng rằng, ông Tổ nghề sân khấu vốn xuất thân từ ăn mày, bởi nghề hát sống nhờ vào đồng tiền của khán giả thưởng thức. Hay nói trắng ra là “ăn mày” khán giả. Bởi vậy mới có chuyện nghệ sĩ làm từ thiện khắp nơi nhưng không bao giờ đi bố thí cho người ăn mày, vì làm thế khác nào phạm thượng với tổ nghiệp. Vậy
ăn mày có xuất xứ như thế nào?
Ăn mày, tiếng Anh là Beggar, Hán Việt là hành khất, tiếng lóng theo tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung là Cái Bang, còn Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn Ngữ Học) định nghĩa từ ăn mày gồm 3 lớp nghĩa: 1. xin của bố thí để sống. 2. cầu xin của thánh, Phật, theo tín ngưỡng 3. người chuyên ăn mày để sống.
Xuất xứ của từ ăn mày chính là ở lớp nghĩa thứ 3 ở trên. Trong 2 từ ăn mày thì nghĩa của từ mày có lẽ không nhiều người biết. Đây là tên gọi của lớp vảy vỏ nhỏ xíu nằm phía trên đầu của hạt gạo, khi xay xát hoặc nghiền nhỏ, mày sẽ bị rơi xuống giống như một thứ bụi vụn dễ lẫn vào cám hoặc hạt tấm “loại hai” [loại gạo bụi rất nhỏ so với tấm “loại một” vẫn bán ở các tiệm cơm tấm hiện nay]. Trường hợp hạt thóc không xay ra làm gạo mà được ủ làm lúa giống thì mày sẽ trở thành mầm lúa
Thường thì những loại này (gồm mày, tấm loại hai, cám, …), người ta dùng để nấu cho lợn ăn hoặc nếu có bỏ đi cũng không tiếc. Ăn mày nghĩa gốc ban đầu chính là dùng chỉ những người khốn khổ, đói cơm, phải đi gom nhặt những thứ người ta bỏ đi hoặc ban phát chút của “ăn không hết” là mày gạo, cám, mày ngô.
Trong tác phẩm
Ngọn cỏ gió đùa, nhà văn Hồ Biểu Chánh có một đoạn mô tả rất đắt về tình cảnh khốn cùng của nhân vật Lê Văn Đó. Nhà không còn gì ăn, những củ khoai củ bắp cuối cùng cũng đã hết sạch đến nỗi phải luộc cả cỏ mà ăn, mẹ già bệnh, chị dâu và 7 đứa cháu nằm thở thoi thóp vì đói, trong khi đã mấy ngày rồi Đó không được ai kêu mướn làm. Buộc lòng Lê Văn Đó đã phải giựt trộm nồi cháo heo của nhà ông bá hộ Cao để mẹ, chị và các cháu ăn đỡ.
Kể vậy để thấy rằng vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng mới phải ăn mày gạo, cám, … là những thứ vốn dùng cho lợn hoặc thứ bỏ đi. Và cũng vì cùng đường tận lối mới phải theo “nghề” ăn mày, chứ cũng ngậm ngùi lắm, tủi hổ lắm.
Ngày nay, ăn mày đã biến tướng và trở thành một vấn đề nhức nhối của đô thị. Bên cạnh những người ăn mày “xịn” vì hoàn cảnh mới phải xin bố thí của thiên hạ, vẫn có những thanh niên sức dài vai rộng cũng tự “biến” mình thành kẻ tàn tật để gợi lòng thương hại của người khác mà xin ăn.