Trong các truyện cổ, ta thường nghe tới con chằn (Thạch Sanh chém chằn tinh). Có lẽ vì “chằn” gần âm với “trăn” nên người ta cho rằng chằn thuộc họ rắn, và nhiều nơi vẽ minh hoạ chằn tinh thành mãng xà. Tuy nhiên Nam Bộ có câu “chằn ăn trăn quấn”, hàm ý rõ ràng “chằn” khác hẳn họ với “trăn” dù cùng là thú dữ. Vậy “chằn” là con gì?

Về vấn đề này, học giả An Chi đã đưa ra ba giả thuyết, tất cả đều khẳng định “chằn” đúng ra phải là con cọp. Trong đó thuyết phục nhất là cách giải thích “chằn” vốn là biến âm của “dần”, tức con giáp thứ ba để chỉ cọp.

Việc biến âm từ “ân” sang “ăn thực ra rất phổ biến trong tiếng Việt, như:

Hận (oán giận) → hằn (thù hằn)
Thân (thân mình) → thăn (thịt thăn)
Trấn (đè ép, canh giữ) → chắn (che chắn), chặn (chặn họng)

Bà chằn đanh đánh, Đọc tin Bà chằn đanh đánh mới nhất

Cũng thế, “dần” biến âm thành “dằn”. Chữ này đã xuất hiện trong “dữ dằn”, tức “dữ như dằn” hay “dữ như cọp”. Việc xây dựng từ theo cấu trúc “A như B” thành “A B” rất dễ thấy, như “đỏ hoét” là “đỏ như hoét” (“hoét” là âm xưa của “huyết”, tức máu), “trắng toát” là “trắng như toát” (“toát” là âm xưa của “tuyết”)…
Trở lại với “dằn”, ta thấy trong tiếng Việt còn có một sự biến âm dễ thấy nữa là “d” thành “ch”. Đơn cử như:

Dằng dịt → Chằng chịt
Doãi ra → Choãi ra
Dẩu môi→ Chẩu môi

Tương tự thế, “dằn” đã biến âm thành “chằn”. Tóm lại, “chằn” có nghĩa là “cọp” theo cách biến đổi “dần” → “dằn” → “chằn”.

Còn “bà chằn” thì sao? Nếu để ý, ta thấy từ này chủ yếu dùng rộng rãi trong miền Nam, người miền Bắc bắt đầu sử dụng là do sự giao thoa sau này. Giả thuyết hợp ý nhất là “bà chằn” bắt nguồn từ tiếng Mã Lai machan (matjan) có nghĩa là con cọp. Người Việt đang có chữ “chằn” chỉ cọp, khi khai khẩn Đàng Trong lại gặp thêm người Mã Lai với từ “machan” có âm na ná, thì Việt Hoá thành “bà chằn”. Từ “m” đổi thành “b” cũng có một vài trường hợp khác, như người Nam Bộ xưa thường gọi “Mã Lai” là “Bà Lai”.

Như thế, “bà chằn” cũng chỉ có nghĩa là con cọp mà thôi. Sau này do hiểu sai mà nhiều tài liệu đã giải thích thành “quái vật hình đàn bà”, và cách cắt nghĩa này được lưu hành rộng rãi đến ngày nay.

TH/ST