Chúng ta thường dùng câu “cầm cân nảy mực” để chỉ những người thi hành công lý. Chính vì liên quan đến pháp luật mà không ít người đã hiểu lầm rằng “cân” ở đây chính là chiếc cân đĩa, biểu tượng của sự công bằng. Điều này dẫn đến việc cụm từ “nảy mực” trở nên khó hiểu. Vì có bao giờ các ông quan vừa cầm cân đĩa, vừa lấy bút viết đâu!

Thực tế, câu “cầm cân nảy mực” vốn xuất phát từ nghề thợ mộc. Khi xẻ các lát gỗ lớn, để đánh dấu vị trí cần xẻ, người thợ mộc không dùng bút lông hay các loại bút thông thường, mà dùng một cuộn dây lớn có thấm mực tàu. Sau khi cố định một đầu dây vào vật nặng chuyên dụng gọi là “cân”, người thợ cầm đầu dây còn lại kéo dọc theo thớ gỗ sao cho khớp với chiều mà mình muốn xẻ. Khi đã ướm đúng vị trí rồi, bác cả liền bật dây nảy lên nảy xuống đôi lần sao cho mực ăn vào mặt gỗ. Vậy là đã có một “chuẩn mực”, cánh thợ xẻ cứ theo đường đó mà kéo cưa, tạo ra các lát cắt đều như ý.

Lý giải thú vị nghĩa của từ cầm cân nảy mực

Tóm lại ở đây, “cầm cân” là cầm vật nặng cố định đầu dây có thấm mực tàu, “nảy mực” là nảy sợi dây lên xuống cho mực ăn dính vào đoạn gỗ cần cắt, tạo thành đường định vị cho bác cả. Người thực thi công lý cũng phải biết xử sự thận trọng, đưa ra những phán quyết chính xác nhằm mang lại lợi ích cho dân, điều này cũng cần sự khéo léo, tỉ mỉ không khác gì thợ mộc đánh dấu phần cần cắt. Người ta ví việc phân xử với “cầm cân nảy mực” cũng là vì vậy.

Phạm Văn Tình

TH/ST