“Công tử bột” vốn là mấy tiếng dùng để chỉ những người con nhà giàu lêu lổng, vô tích sự. Dần dần, nghĩa của cụm từ này được mở rộng hơn, không chỉ con nhà khá giả mà bất cứ đứa con nào được nuông chiều quá mức đến nỗi chẳng biết làm gì ngoài ăn chơi đều có thể trở thành “công tử bột”. Tuy phổ biến là thế nhưng không phải cũng biết rõ gốc gác của từ này.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong chuyên mục “Chữ và nghĩa”, đăng trên báo Ngôn ngữ số 1 năm 1969 đã giải thích rằng cụm từ này vốn bắt nguồn từ một nhân vật có thật tên Nguyễn Đức Quý. Quý vì phải lòng cô đào hát nên bày mưu đánh cắp nhẫn kim cương đem tặng nàng. Không may hắn bị người ta phát hiện rồi bị bắt. Dương Phương Dực, phóng viên đưa tiên về vụ việc này tìm hiểu biết được Quý là con một viên chức khá cao của sở bưu điện nên gọi nhạo hắn là “công tử”. Ngoài ra, ông cũng phiên âm chữ Poste (chỉ bưu điện trong tiếng Pháp) thành “bột” và ghép lại thành “công tử bột”, với nghĩa ngầm chỉ “đứa con trai hư đốn của người làm pốt”.

Công Tử Tấn Dương | Yêu Nguyệt Hòa Không

Cách giải thích trên thoạt nghe thì rất hay nhưng lại có nhiều điểm không ổn. Thứ nhất, các từ tiếng Pháp có âm tiết -s khi phiên âm sang tiếng Việt đều mang thanh sắc, như casque – (mũ) cắt, marxiste – mác-xít, aspirine – át-pi-rin… chứ không mang thanh nặng theo kiểu poste – bột như trên. Thứ hai, cụm từ “công tử bột” đã có từ xa xưa, chứ không phải mới xuất hiện vào thời Pháp thuộc.

Thực tế, học giả Đỗ Văn Đáp, trong Việt Hán thông thoại tự vị đã chỉ ra rằng: “công tử bột”, hay viết đúng phải là công tử Bột, vốn là nhân vật sống vào thời Xuân Thu. Tên Bột này là con của một vị chư hầu, nổi tiếng vô tích sự, không làm được trò trống gì. Câu chuyện về hắn trở thành nguồn cảm hứng để hình thành nên bài hát Khách (hay hát Bắc) về thằng Bột trong hát bội. Nhân vật này còn xuất hiện trong một bài hát của Kim thạch kỳ duyên. Những câu hát vẫn còn lưu truyền, nêu rõ bản chất ăn chơi, lêu lổng của Bột: Cậu Ái lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang,… Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiếu chi hoang, sướng đê sướng đê chi sướng. Tớ trẻ đâu? Điếu đảy đôi ba thằng cho vính cướng, áo quần năm bảy sắc cho xuê xang…” (Bến Nghé Xưa, TPHCM, 1981, trang 39).

Vậy, “công tử Bột” vốn là nhân vật có thật vào thời Xuân Thu, Trung Quốc. Theo thời gian, do sự đồng âm mà người ta hiểu lầm “Bột” ở đây là “bột” trong “bột gạo”, “bột mì”… rồi dẫn đến các cách giải thích sai lầm về nguồn gốc của cụm từ này. Thậm chí có tài liệu còn cho rằng vì các diễn viên đóng vai công tử trong hát bội đều dặm mặt trắng như bột nên mới có cụm từ “công tử bột”(!) Điều này khá vô lý vì ai coi hát bội cũng biết không riêng vai công tử mà hầu như các diễn viên đều dặm mặt trắng như nhau cả!

(Tham khảo Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm – Huệ Thiên)

Tiếng Việt giàu đẹp