Trong tiếng Việt, “chim chuột” là động từ dùng để chỉ hành động trai gái ve vãn nhau – “Giở trò chim chuột”; “Cứ lo chim chuột thì còn làm ăn được gì“.

Về từ nguyên, “chim chuột” là kết quả của sự dịch nghĩa từ các thành tố của câu thành ngữ Trung Quốc “Điểu Thử Đồng Huyệt” – 鳥鼠同穴(= Chim Chuột Cùng Hang), thường gọi tắt là Điểu Thử (= Chim Chuột).

Có ít nhất 2 giải thích về nguồn gốc câu “Điểu thử đồng huyệt”:

Chỉ sự “cộng sinh” giữa chim và chuột trên cao nguyên Thanh Tạng(1)

Ở độ cao 4.500 mét so với mực nước biển trên cao nguyên Thanh Tạng, vì thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ trung bình hàng năm nơi đây là 1.5° C, tháng nóng nhất chỉ có 10.5° C, về đêm thường có băng giá) nên gần như không có loài thực vật nào ngoại trừ đồng cỏ. Chim ở đây sống trong hang vì chúng không có cây để làm tổ. Chúng kiếm ăn bên ngoài vào ban ngày, vào hang vào ban đêm. Những cái hang này được tạo ra bởi những con chuột, và tất nhiên có những con chuột trong hang.

Sự khắc nghiệt của môi trường tạo nên hiện tượng độc đáo: chim và chuột cùng ở trong một cái hang và sống “cộng sinh” với nhau: Chim có hang để làm tổ, sinh sản, ấp trứng nhờ chuột; còn chuột vào ban ngày thị lực bị kém, nhờ có chim cảnh báo sự tấn công của đại bàng nên có thể trốn thoát đến hang động kịp thời.

Chết cười' với những hình ảnh động vật bị photoshop (P4)

Tên một ngọn núi ở Trung Quốc

Điểu Thử là tên một ngọn núi trong dãy Tần Lĩnh (秦嶺)(2), nằm ở phía Tây huyện Vị Nguyên tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Núi này có tên như thế là vì dân chúng ở địa phương đã quan sát được hiện tượng chim chuột ở cùng một hang.

Giống chim đó có tên là đồ hoặc mộc nhi chu còn giống chuột đó có tên là đột hoặc ngột nhi thử. Sách Cam Túc ghi chép: “Đất Lương Châu có con ngột nhi thử, giống như con chuột, có con chim tên là mộc nhi chu, giống như con sẻ, thường cùng con ngột nhi thử ở chung một hang. Đó chính là (chim) đồ (chuột) đột nhưng chỉ là tên xưa tên nay khác nhau mà thôi”. Vậy con mộc nhi chu, tức con chim đồ, chỉ là kẻ sống nhờ ở hang của con ngột nhi thử, tức con chuột đột. Giữa chúng không thể có quan hệ tình cảm hoặc tính dục được”.

Nhưng hậu duệ của Khổng Tử là Khổng An Quốc, khi chú giải Kinh thư (書經), đã giải thích bốn tiếng Điểu Thử Đồng Huyệt như sau: “Chim (và) chuột cùng nhau làm (con) trống (con) mái cùng chung hang sống ở núi này, (vì vậy) mới có tên núi là Chim Chuột.

Từ xưa, đã có nhiều người cực lực bác bỏ cách giải thích này của họ Khổng, chẳng hạn như Đỗ Ngạn Đạt và Trương Án đều quả quyết rằng đó không phải là chuyện đực cái hoặc trống mái giữa chim và chuột. Tuy nhiên nhà nho Việt Nam thì lại tin tưởng ở chú giải của Khổng An Quốc, bởi Khổng Tử là Đức Thánh thì Khổng An Quốc cháu ngài cũng phải là một quyền uy. Bậc quyền uy này đã giảng rằng “điểu thử đồng huyệt” là chuyện trống mái giữa chim và chuột thì việc nhà nho Việt Nam dịch hai tiếng điểu thử thành chim chuột để chỉ chuyện tán tỉnh, ve vãn giữa trai và gái cũng là điều rất tự nhiên.


Chú thích

(1) Được mệnh danh là “mái nhà của thế giới”, cao nguyên Thanh Tạng (gọi tắt trong tiếng Trung Quốc của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng) hay cao nguyên Tây Tạng là một vùng đất rộng lớn và cao nhất Trung Á cũng như thế giới, với độ cao trung bình trên 4.500 mét so với mực nước biển, bao phủ phần lớn khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc cũng như Ladakh tại Kashmir của Ấn Độ. Nó chiếm một khu vực với bề rộng và dài vào khoảng 1.000 và 2.500 km.

(2)  Tần Lĩnh (秦嶺) là một dãy núi chính chạy theo hướng đông-tây ở nam bộ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Cùng với Hoài Hà, dãy núi tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Bắc và Nam Trung Quốc. Tần Lĩnh là nơi sinh sống của rất nhiều loài thực vật và động vật hoang dã, một số loài trong số đó không thể tìm thấy ở một nơi nào khác trên trái đất.

TH/ST