Chúng ta thường dùng thành ngữ “Kẻ tám lạng, người nửa cân” để chỉ hai đối thủ ngang tài, ngang sức.

“Kẻ tám lạng, người nửa cân” chỉ mức độ “ghê gớm” của 2 bên như nhau. Câu này có sắc thái biểu cảm tiêu cực, thường sử dụng với nhận xét thiên về chê bai hơn là ca ngợi.

Nhưng đọc kĩ lại, dường như có gì đó không đúng lắm. Ai cũng biết rằng, một cân (một ki-lô-gam) bằng mười lạng (mười héc-tô-gam). Vậy hoá ra kẻ có tám lạng, tức kẻ đã gần bằng một cân, còn người thì chỉ có nửa cân. Thế thì kẻ hơn người mười mươi rồi, còn gì là ngang tài, ngang sức nữa?

7 anh hùng Tam Quốc: Cái tên nói lên số phận, Chu Du đặc biệt nhất ...

Thực ra, câu này không dựa trên hệ thống đo lường thông thường, mà tính theo cân tiểu ly. Đây là loại cân chuyên dụng cho việc kiểm tra khối lượng các món đồ quý hiếm, cần độ chính xác cao như vàng, bạc, nhân sâm và một số loại thuốc bắc. Trong trường hợp này, mười sáu lạng mới được coi là một cân. Do đó, tám lạng chính xác là nửa cân, và “kẻ tám lạng, người nửa cân” đúng là hai đối thủ ngang tài ngang sức.

Một điều nữa cần lưu ý là câu thành ngữ này vốn chủ yếu dùng theo nghĩa tiêu cực, chê bai hai bên đều tệ như nhau. Nhiều người không biết nên đã sử dụng để nói về các anh hùng giao đấu, thiết nghĩ là không phù hợp.

(Tham khảo bài viết của Chử Anh Đào)

TH/ST