“Lạy ông tôi ở bụi này” hay “lạy ông con ở bụi này”, “lạy thầy con ở bụi này” là một thành ngữ rất quen thuộc, dùng để nói về việc chỉ rõ cho đối phương thấy những điều đáng lý ra phải che giấu. Tuy gần gũi, thân quen là thế nhưng ít ai biết được gốc gác của câu ấy ra sao.

Lạy ông tôi ở bụi này
Thử địa vô ngân tam bách lượng
此地无银三百两
此地無銀三百兩
cǐ dì wú yín sān bǎi liǎnɡ
Dịch nghĩa: Lạy ông tôi ở bụi này
Giấu đầu lòi đuôi
Ở đây không có 300 lạng bạc
【解释】:比喻想要隐瞒掩饰,结果反而暴露。
Giải thích: Muốn giấu kín nhưng bị bại lộ.
Giải thích âm Hán Việt: Thử: chỗ. Địa: đất. Vô: không. Ngân: bạc.

VD: 三弟,你傻啊,知道什么叫此地无银三百两吗?
Tam đệ, đệ ngốc quá, biết cái gì gọi là lạy ông tôi ở bụi này không?
果然是你写的,还蒙我,这叫此地无银三百两,不打自招。
Quả nhiên là anh viết, còn lừa tôi, cái này là giấu đầu lòi đuôi, không đánh mà khai.

Thực tế, “lạy ông tôi ở bụi này” bắt nguồn từ một truyện dân gian vô cùng thú vị. Truyện này có nhiều dị bản, ở đây xin dẫn bản được cho là hợp lý nhất.
Xưa có tên trộm đến tuổi về già muốn tìm đệ tử để truyền nghề. Anh chàng gần đó hay tin, bèn đem dâng một mâm xôi và một con gà để xin học. Thấy anh ta khờ khạo, gã trộm muốn từ chối nhưng rồi bị năn nỉ quá đành chấp nhận.

Một hôm, hai thầy trò bàn nhau đêm tối vào nhà nọ ăn trộm vải đem bán. Vì muốn cho đệ tử luyện tập nên gã trộm chỉ nép ngoài tư vấn, còn mặc chàng khờ hành sự. Anh chàng loay hoay thế nào bị chủ nhà phát hiện, túm lấy búi tóc toan giải lên quan. Chàng ta sợ quá la lên:

– Cứu con ông ơi, nó túm tóc con rồi!
Gã trộm nghe vậy hét từ ngoài vào:
– Đừng lo, chừng nào bị túm mũi mới sợ chứ túm tóc lấy kéo cắt phứt tóc đi là xong!

Người nhà chủ nghe vậy liền buông tóc ra, toan tóm mũi anh khờ. Nhân lúc đó, anh nhanh nhảu chạy mất. Thế nhưng do bản tính vốn vụng về nên trong lúc bị rượt thục mạng, anh chàng quýnh quá chui luôn vào bụi tre gai. Gia chủ tuy thấy bụi tre nhưng nghĩ với một đống gai như thế, tên trộm không dại gì vào đó ẩn, bèn đi chỗ khác tìm. Chàng khờ nhờ vậy thoát nạn, nhưng lại bị dính vào đống gai chẳng thể nào ra được, đành nằm im tới sáng.

Hôm sau, anh chàng mở mắt ra thì thấy “thầy” của mình đi ngang, liền hét lên: “Lạy ông, con ở bụi này!”. Tên trộm lão làng bèn tới gần, thấy đệ tử mắc vào đống gai cũng ngao ngán, không biết phải cứu làm sao, bèn tự nhủ: “Hôm qua nó vì quýnh quá nên chui được vào đây, vậy phải cho nó quýnh thêm lần nữa mới đi ra được”. Thế là hắn la làng: “Bớ người ta có trộm, bớ người ta có trộm!”. Bao nhiêu người nghe vậy liền đổ xô đến bụi tre gai. Quả nhiên chàng khờ sợ xanh mặt, bất chấp gai đâm chi chít, tìm mọi cách chạy ra khỏi bụi gai rồi đâm thẳng về một hẻm nhỏ mà trốn biệt.

Nhiều người có lẽ do không hiểu rõ sự tình, thấy anh khờ kêu cứu rồi lại bị chính thầy mình hô người đến bắt nên mới dùng câu nói “lạy ông tôi (con) ở bụi này” để chỉ việc đưa ra những điều cần giấu cho kẻ khác xem. Câu này lưu truyền phổ biến trong dân gian từ đó.

(Tham khảo “Đi tìm điển tích thành ngữ”, Tiêu Hà Minh)

TH/ST