Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng “hát xẩm” là “lối hát của người mù đi hát rong, gồm nhiều giọng và thường có đệm, nhị, hổ, phách”. Riêng từ “xẩm”, quyển từ điển này giảng: “xẩm: Người mù chuyên đi hát rong”. Quay ngược về từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes (Roma, 1651), ta thấy “xẩm” được dịch là cego (tiếng Bồ Đào Nha) và caecus (tiếng La Tinh) nghĩa là “đui, mù”. Vậy ban đầu từ này có nghĩa là “đui, mù”, sau mới có nghĩa chuyển như trong từ điển của Hoàng Phê.

Vĩnh biệt nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - Tuổi Trẻ Online

Nhưng “đui, mù” vẫn chưa phải là nghĩa gốc của “xẩm”. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: “Xẩm: Cháng váng, chóng mặt. Xây xẩm: cháng váng, chóng mặt. Xẩm mắt: tối mắt, loà con mắt. Xẩm trời/ trời xẩm: Trời áng mây, không có sáng, không có nắng, trời gần tối”. Như vậy có thể kết luận “xẩm” có nghĩa “đui, mù” vốn là một với “xẩm” trong “xẩm trời”, “xây xẩm”, tức “tối, mờ”.

Tóm lại, ta có đường phát triển nghĩa của “xẩm” như sau:

1. Tối, mờ > 2. Tối mắt, mờ mắt > Khó nhìn thấy > Không nhìn thấy >= Mù, đui > Người mù.

(Theo Học giả An Chi)

TH/ST