“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Đa nghệ tinh tất linh linh”. Có lẽ là câu nói vui mà người đời bảo với nhau nghe, khi bàn luận về cái nghề cái nghiệp.

Có khá nhiều người quan niệm rằng, trong cuộc sống này, biết càng nhiều thứ càng tốt. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, việc biết nhiều nhưng không giỏi, không tinh thông, không tường tận ở một lĩnh vực nào cả khiến nhiều người cảm thấy chênh vênh hơn cả. Từ xa xưa, nhiều tục ngữ, thành ngữ đã trăn trở về điều này, Nhất nghệ tinh nhất thân vinh là một trong số đó. Vậy Nhất nghệ tinh nhất thân vinh là gì? Bạn nên hay không nên “nhất nghệ tinh”? Chúng ta cũng lắng lại để suy ngẫm sau những chia sẻ dưới đây nhé!

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh là một cụm từ thuộc thể loại tục ngữ của văn học Hán ngữ. Trong từ điển tiếng Hán, Nhất nghệ tinh nhất thân vinh được viết là “一艺精, 一身荣”, phiên âm tiếng Việt đọc là “yī yì jīng, yì shēn róng”. Nếu bạn nào đã từng học qua tiếng Trung, bạn có thể tách nghĩa của từng từ một trong câu tục ngữ này.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh | Đọt Chuối Non

Về cơ bản, có thể giải thích như sau: Chữ (一) tương ứng với từ Nhất, nghĩa là số 1, đứng đầu. Chữ (艺) tương ứng với từ nghệ, nghĩa chỉ một nghề, một lĩnh vực hay một kỹ năng nhất định nào đó. Chữ (精) tương ứng với từ tinh, nghĩa là tinh tường, tinh thông, thành thạo. Như vậy, có thể hiểu ở vế đầu tiên (一艺精) có nghĩa là tinh thông nhất, giỏi nhất ở một lĩnh vực nào đó.

Đối với vế sau, chữ (身) nghĩa là thân, cơ thể của một con người. Chữ (荣) nghĩa là danh vọng, thành đạt, thành công. Như vậy cả vế sau (一身荣) sẽ được hiểu là một người vinh quang, thành công rực rỡ, được người người ngước nhìn, ngưỡng mộ.

Khi phân tách nghĩa của từng vế và ghép lại, chúng ta có thể hiểu được nghĩa của câu tục ngữ này là: tinh thông một nghề, vinh quang một đời. Trên thực tế, trong kho tàng văn hộc dân gian, từ cổ đại đến hiện đại của Trung Quốc, có rất rất nhiều tục ngữ, thành ngữ hay, đầy ý nghĩa và mang nhiều thông điệp đa dạng. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh được con người sử dụng như một lời nhắc nhở, khuyên răn trong mọi bối cảnh và lĩnh vực, phổ biến nhất là trong kinh doanh, chọn nghề, chọn ngành, cũng như chọn con đường đi đến đỉnh cao của sự nghiệp.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh có thể còn khá xa lạ với nhiều người không có kiến thức nhiều về tiếng Hán. Tuy nhiên, nếu nói về tiếng Việt, chắc hẳn bạn sẽ quen thuộc với các câu như: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” hay câu “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”,… Trên cơ bản, những câu tục ngữ này đều mang ý nghĩa tương đồng nhau nhé các bạn!

Tinh thần Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Vào một ngày nọ, có một vị tiến sĩ thuê một lão ngư chở mình ra biển để thư giãn. Sau một hồi, thuyền đã ra xa, vị tiến sĩ liền hỏi ông lão: “Ông có biết gì về vật lý học không?”. Ông lão kia trả lời không, vị tiến sĩ liền nói: “Vậy cuộc đời ông mất đi 1/4 rồi”.

Một lúc sau, vị tiến sĩ lại hỏi: “Ông có biết gì về sinh học không?”. Ông lão trả lời không, vị tiến sĩ lại nói: “Vậy cuộc đời ông lại mất đi 1/2 rồi.

Vị tiến sĩ liền cười mỉm về sự lạc hậu của ông lão. Tiếp tục lại hỏi: “Vậy còn triết học thì sao, chẳng lẽ ông cũng không biết luôn sao?

Trong lúc ông lão chưa kịp trả lời, thì bỗng nhiên có một cơn sóng lớn liền ập tới. Gió thổi mạnh mạn thuyền, khiến con thuyền bị lật sấp. Lúc này ông lão liền hỏi lại: “Ông có biết bơi không?”. Vị tiến sĩ trả lời K-h-ô-n-g… Ông lão nói: “Vậy cuộc đời ông hết thật rồi!”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra được bài học quý giá: Không sợ cái gì cũng biết, chỉ sợ một cái không biết. Mỗi người đều có vai trò khác nhau trong xã hội. Cho nên việc “tinh thông” vào một chuyên môn nào đó là đã quá đủ rồi.

Bởi vậy mới có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh“. Xem ra câu nói xưa vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Khi bạn sống chuyên tâm vào một lĩnh vực cụ thể, thì rất dễ thành công và đạt vinh hoa trong lĩnh vực của mình. Sống có đam mê và sự tâm huyết với một vấn đề nào đó, thì nghề đó sẽ không bao giờ phụ ta hết.

Các ca sĩ, diễn viên, hay cầu thủ bóng đá… chính là những người đòi hỏi phải có đủ sự đam mê. Cần phải trau dồi, tập luyện khổ luyện, mới mong mình thành tài và được sự nổi tiếng. Ở đây không có chỗ của sự lười biếng, hời hợt. Muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần phải có đầy đủ sự chuyên môn lĩnh vực mình theo đuổi.

Xã hội cần tất cả nghề nghiệp, nghề nào cũng quý, cho nên:

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Nghề mà thông thạo gia đình ấm no.
Không có nghề nhỏ, nghề to
Nghề nào cũng có ích cho mọi người.
Dù là cày cấy, chăn nuôi
Dù là buôn bán ngược xuôi kiếm tiền.
Hay là công chức, thợ thuyền
Chớ nên phân biệt nghề hèn, nghề sang.
Làm nghề cốt phải chu toàn
Trau giồi nghề nghiệp ngày càng tiến lên.”

Như nhà khoa học Pa-xtơ đã từng nói: ‘’Không phải nghề nghiệp làm danh giá con người, mà chính con người mới làm danh giá cho nghề nghiệp”. Quả thật đúng như vậy. Nghề nghiệp cũng chỉ là công việc của chúng ta mà thôi, còn sự danh giá chính là giá trị của người đó đối với xã hội.

Chúng ta không thể nói rằng, người thầy giáo danh giá hơn người thầy thuốc. Hay anh giám đốc danh giá hơn anh công nhân. Bởi lẽ, mỗi người đều có vai trò khác nhau trong xã hội. Xã hội là một mối tương quan mật thiết, không có cái này sao có cái khác được. Điều quan trọng ở đây chính là đạo đức trong nghề nghiệp của mình.

Khi bạn hiểu được “Ý nghĩa của từ Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Sau đó bạn vận dụng vào đời sống thực tiễn, cho lựa chọn nghề nghiệp, thì điều này thực sự rất tốt đấy.

Người xưa chẳng bảo “Sông có nguồn, nghề có tổ sư.” đấy sao?

Trong kinh doanh chúng ta thấy. Harland Sanders đã thành công cho KFC ở lĩnh vực gà chiên (gà rán). Starbuck chỉ có cà phê, hay McDonald chỉ giỏi làm Hamburger nhanh…

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh không chỉ áp dụng ở một cá nhân, một công ty. Mà nó còn thể hiện rõ nét ở cả một nhóm, nó trở thành một phần danh tính trong nghề nghiệp.

Ở Gia Lâm có làng nghề gốm sứ bát tràng, Cự Đà nổi tiếng với nghề gia truyền làm tương. Văn Lâm nổi tiếng với nghề thêu ren với nhiều đường nét tinh xảo. Xa hơn, Italia nổi tiếng với món bánh Pizza. Đến Đức, đến Bỉ chúng ta nhớ đến rượu bia thượng hạng…

Đấy! Không có nghề nhỏ nghề to, nghề nào cũng mang ích lợi cho tất cả mọi người. Cho xã hội và phát triển đất nước. Do đó, không có nghề nghiệp nào để gọi là thấp hèn!

Là con người, khi bước vào đời ai cũng phải lựa chọn cho mình một ngành nghề, để tự nuôi sống bản thân và lo cho gia đình.

Trong cái nghề có nghề lao động trí óc và lao động chân tay. Dù nghề nào đi chăng nữa, điều cốt lõi là bạn cần phải “tinh thông” nghề nghiệp của mình. Bởi khi bạn đạt được sự chuyên môn đó, thì công việc của bạn mới đạt hiệu quả, năng suất cao.

Chân thành và trong sáng với nghề nghiệp là điều thật tuyệt vời. Đã từ lâu, ông bà ta cũng đã khẳng định: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, ai ơi phải quý nghề mình mới nên”.

Muốn được như vậy, bạn cần phải biết yêu nghề, quý trọng nghề nghiệp của mình. Người nào chưa “sống chết với nghề”, thì đừng mong rằng thành đạt trong lĩnh vực của mình.

Trong thực tế, có nhiều người không chuyên tâm vào một nghề nghiệp phù hợp với sở trường, năng lực bản thân. Để rồi chạy “mốt” nghề theo ngẫu hứng. Nhiều người gọi đây là sự “ảo tưởng nghề nghiệp”, tình trạng ảo tưởng năng lực bản thân. Điều này thật sự rất tai hại!

Bạn cần phải biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, để có quyết định phù hợp nhất. Bạn không cần phải biết nhiều thứ hơn thiên hạ. Mà chỉ cần biết một thứ, nhưng giỏi thứ đó hơn bất kỳ ai trong thiên hạ, thì bạn đáng để người ta phục bạn rồi.

“Bá nghệ bá tri vị chi bá láp” quả không sai. Việc định hướng nghề nghiệp yếu kém, dễ khiến người ta sai một li đi một dặm. Nhiều người đố lỗi cho sự “nhạy cảm” trong nghề nghiệp, tức là  khi công việc trở nên quá thường xuyên, sẽ sinh ra tính nhạy cảm đó. Họ gọi đó là sự nhàm chán, nhưng thực chất đó lại chính là sự hời hợt, không kiên định của bản thân.

Nói chung, bạn đừng nên chạy theo “mốt” nghề nghiệp làm gì cả. Vì thực tế bạn còn phải phụ thuộc vào khả năng tư duy, năng khiếu và điều kiện tài chính của bạn nữa.

“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, chạy theo phong trào, theo cảm tính thì bạn nên suy nghĩ lại. Bởi tiêu chí quan trọng nhất là nghành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Đừng “đứng núi này trông núi nọ”, vì sức người là có hạn.

Nghề nghiệp không phù hợp, khó mà phát huy được sở trường của mình. Dễ sinh chán nản, lại chẳng đóng góp được bao nhiêu cho xã hội cho đất nước. Mọi sự chạy theo “hư danh”, sẽ đem đến hậu quả không tốt, gây hại cho cả cuộc đời.

Hãy chọn ngành nghề bạn làm tốt nhất có thể, còn yếu tố yêu thích chỉ nên xếp thứ hai. Việc lựa chọn ngành nghề mang tính “hên xui” là tỉ lệ rủi ro rất cao.

Đừng phí phạm thời gian, công sức, tiền bạc của cha mẹ và những người giúp đỡ bạn. “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Đa nghệ tinh tất linh tinh“, có lẽ là câu nói phù hợp cho kiểu người như thế này.

Lời khuyên là bạn cần phải định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn nhỏ. Ý thức từ lúc nhỏ để xác lập mục tiêu cho bản thân. Tham khảo thêm ý kiến của cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh. Ngoài ra, cần phải cố gắng học tập, nâng cao kiến thức hiểu biết trình độ bản thân. Thì lúc đó bạn sẽ dễ dàng “tiệm cận” hơn với nghề nghiệp của mình.

Quan niệm “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” có còn phù hợp với thời đại ngày nay?

Mặc dù tinh thần “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” thật đáng trân quý. Nhưng chúng ta cũng nên thực tế một chút, đó là quan niệm của thời xưa. Câu này rất đúng trong quá khứ, nhưng trong thời buổi chộp giựt như hiện tại, có lẽ nó không còn phù hợp nữa.

Nhất nghệ hay bách nghệ?

Người xưa trọng nghề vì nghề nuôi sống được thợ. Có nghề thì đời sống luôn được đảm bảo. Có miếng cơm, manh áo để nuôi thân, lo cho vợ con, cho gia đình.

Người xưa luôn tận tụy với nghề duy nhất, để lòng mình không hoen ố là cái thứ nhất. Để thấm nhuần câu nói: Một nghề thì sống đống nghề thì chết. Và họ luôn biết rằng: “Giỏi một nghề, phú quý vinh sang muôn đời”.

Chúng ta không phủ nhận hoàn toàn câu thành ngữ: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Lời răn này tuy đúng, nhưng thực sự là chưa đủ.

Bởi trong thời đại vệ tinh di động, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Kể cả chuyện cọc đi tìm trâu, hoa đi tìm bướm.

Cho nên, một nghề không đủ để giúp bạn sống sót trong cuộc sống hiện đại. Có nhiều nghề thịnh hôm nay, ngày mai có thể chết. Máy vi tính đã giết chết nhiều ngành nghề của kế toán. Internet làm thay đổi quan niệm về đĩa nhạc, báo chí, phim ảnh… Chưa kể những nghề: Thợ rèn, xe đạp ôm, viết thư thuê, quấn thuốc lá… cũng tuyệt chủng hàng loạt.

Những người đã tự cho mình là “chín” nghề, giỏi nghề của quan niệm xưa. Đã không thể sống sót trước cơn bão của khoa học kỹ thuật. Và trong cuộc cách mạng công nghiêp 4.0, điều này thì lại có khoảng cách xa vời. Họ có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp, phải đổi nghề là lẽ tất yếu.

Đào sâu hay đào rộng?

Thời thế đảo điên và thay đổi quá nhiều, khiến con người ta không thể dậm chân tại 1 chỗ. Cuộc sống hiện đại, cố gắng để làm tốt một việc dường như không đủ.

Ngoài “tinh thông” một nghề, bạn cần phải hiểu biết thêm nhiều ngành nghề khác nữa. Để phù hợp với sự phát triển chung của thời đại. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh, đòi hỏi chúng ta cần phải linh động để chuyển hướng nghề nghiệp mà không bị bế tắc.

“Người khôn ai lại nhận mình khôn
Bước chân ra phố thấy bồn chồn.
Bách nghệ xưa kia thường không ổn
Nhưng thời lộn xộn lại thành khôn.”

Đó chính là phẩm chất con người mới ngày hôm nay. Người ta gọi đấy là “người đa năng” (multi- tasking), có biệt tài làm nhiều việc cùng lúc.

Tôi khá khâm phục bản thân mình, vì tôi cũng là thành phần của “multi- tasking”. Bạn biết đấy, ban ngày tôi đi phụ hồ ở công trình, ban đêm tôi lại dành thời gian để viết blog, có sao đâu?

Ở đây tôi sử dụng các “kỹ năng chuyên biệt” và “nghệ thuật cân bằng”. Và tôi luôn nắm bắt các xu hướng nghề nghiệp để phù hợp và ngày càng thích nghi.

Trong xã hội, cái phẩm chất này có lẽ đã trở thành một “mốt” thịnh hành. Người ta dễ dàng định hình phong cách sống và phong cách làm việc, nhưng được nâng cấp lên một tầm cao mới.

Người làm kinh doanh không chỉ đơn thuần với chỉ một công việc. Mà cần phải có một hệ thống các kỹ năng từ giản đơn đến phức tạp.

Một chủ quản lý sản phẩm trong doanh nghiệp, cần phải có nhiều kỹ năng hơn để am hiểu tường tận sản phẩm của mình. Họ cần phải quan sát sản phẩm, các dịch vụ… từ góc độ sản xuất cho tới phân phối. Không chỉ soi từng chi tiết, mà còn phải biết nhìn tổng thể mọi mặt.

Bạn muốn làm trưởng phòng tiền sảnh, trước tiên bạn cần phải giỏi các kỹ năng của một anh nhân viên tiền sảnh. Sau đó nâng cao lên ở vị trí giám sát, đến trợ lý trưởng phòng. Rồi đích đến cuối cùng là cái ghế trưởng phòng mà bạn đang mong muốn.

Kỹ năng chuyên biệt cụ thể (job-specific skill) chắc chắn sẽ rất cần thiết. Nhưng nếu bạn giỏi thêm các kỹ năng chuyển đổi (transferable skill) thì lại càng hữu ích hơn. Bởi vì trong mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn, bạn sẽ dễ dàng vượt qua nó.

“Một nghề thì sống đống nghề thì chết” câu nói này có lẽ không còn đúng nữa. Bởi vì, người mà chỉ biết mỗi một nghề, có thể dễ bị đối mặt với nhiều nguy cơ mà họ không thể lường trước được: Máy móc đang dần dần thay thế sức lao động, luân chuyển công tác và thay đổi vị trí, không linh hoạt đáp ứng các yêu cầu công việc mới…

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh là gì? Câu hỏi khó cho thời đại mới. Xã hội càng phát triển, chúng ta càng khó vận dụng câu thành ngữ cho công việc ngày hôm nay.

Theo lý thuyết quản trị: “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Việc định hướng thế này có lẽ sẽ tốt hơn. Giảm thiếu được các sai lầm cần thiết.

Tôi nhớ có lần mẹ tôi bảo rằng: “Con làm công việc nào cũng được, miễn là làm ra đồng tiền và không hổ thẹn với lương tâm”. Tôi đã thấm nhuần câu nói này từ người mẹ của tôi cho đến tận bây giờ.

Có thể bạn sẽ đồng ý với tôi. Khi bạn học đại học, bạn luôn mong muốn kiếm được tấm bằng loại giỏi, loại xuất sắc. Nhưng điều quan trọng ở đây là sau khi ra trường, bạn có dám chắc bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn người ta không?

Bạn có dám chắc bạn sẽ có vinh hoa, địa vị cao trong xã hội hay không? Hay vẫn lủi củi công việc như những anh công nhân bình thường. Tôi đã chứng kiến điều này rất nhiều lần, từ chính bạn bè của tôi. Họ mài sách trên ghế nhà trường, nhưng rồi vẫn than vãn điều này điều nọ.

Đời khó nói lắm bạn à, đôi khi nghề phụ lại nuôi nghề chính mới ngặt chớ.

Bởi vậy, gắn bó với nghề và yêu nghề không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau. Gắn bó là ý thức trách nhiệm, còn yêu là tình cảm. Nhưng xã hội nhiều thay đổi quá, đôi lúc bạn còn chẳng biết mình đang làm gì, và làm như thế nào?

Nhìn chung, Nhất nghệ, bách nghệ, hay vạn nghệ… thì cũng đều đòi hỏi mỗi cá nhân phải có sự nỗ lực thực sự, cố gắng cho công việc của mình. Cái đích cuối của bạn là có tiền để trang trải cho cuộc sống, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ, và trau dồi hoàn thiện kiến thức của bản thân. Có chuyên tâm vào công việc thì mới mong có thành công.

Đừng phí phạm tuổi trẻ, mà hãy tranh thủ học hỏi khi bạn càng có thể. Đừng tạm hài lòng với những gì mình đang có, vì nay đây mai đó, ai biết được điều gì đâu?

Vậy tóm lại, nên chọn 1 nghề hay nhiều nghề?

Thời đại ngày nay ưa chuộng những người đa năng. Nhưng thực tế thì việc chọn ngành nghề cốt lõi là cần phải dựa vào năng lực, sở thích của bản thân người đó, không ai giống ai cả.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, hay Đa nghệ tinh nhất thân vinh. Câu nói nào cũng đúng cả, câu nào cũng phán ảnh hoàn toàn hợp lý.

Điều quan trọng là khi làm một việc nào đó, bạn cần phải tâm huyết với nó. Tập trung chuyên môn trong công việc, và không làm những việc sai trái với đạo đức là được rồi.

“Duyên nghề, nợ nghiệp đành ôm lấy
Nghề đó, nghiệp đây cốt ấm no.”

Cái nghề, cái nghiệp là lựa chọn của bạn dành cho cả cuộc đời. Vì vậy cần phải suy nghĩ chín chắn, để không bị lãng phí quá nhiều công sức và thời gian.

Nhưng tốt nhất, khi còn trẻ, bạn nên thử sức mình với nhiều công việc khác nhau. Lúc đó bạn mới có thể tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn. Lúc đó mới định hình được sở trường thực sự của mình là gì, thì bạn mới thực sự tâm huyết với nghề đó.

Lý thuyết và thực hành bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Cho nên chỉ khi lao vào các công việc, áp dụng thực tế thì bạn mới thành công. Không chỉ trong công việc, mà ngay cả trong cuộc sống của bạn.

Lời kết

Chọn ngành nghề là nguyện vọng riêng của mỗi cá nhân. Bạn sống với tinh thần “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cũng là một điều rất tốt. Nhưng khi bạn đa dạng nghề nghiệp của mình thì lại càng tốt hơn nữa. Quan trọng là năng lực, sở thích, nguồn tài chính, điều kiện hoàn cảnh để có sự chọn lựa cho phù hợp.

Mong rằng, bạn đừng chọn nhầm phải đôi giầy quá khổ hoặc khoác lên mình chiếc áo quá rộng. Suy nghĩ chín chắn, xác lập mục tiêu rõ ràng, nghiêm túc trong mọi công việc. Đó là những gì chúng tôi muốn truyền tải tới bạn.

TH/ST