Trong văn chương, người đầu tiên dùng chữ Tam Bành có lẽ là đại thi hào Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, trùm lầu xanh Tú Bà đã sai gã chồng hờ là giám sinh họ Mã (tức Mã Giám Sinh): “Đi mua người ở Bắc Kinh (tức nàng Kiều) đem về”. Đến kỹ viện rồi, cái nhà mụ “nhờn nhợt màu da” ấy đã dạy nàng: “Con lạy mẹ đây/ Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”.

Và khi thấy Thúy Kiều hốt hoảng hỏi lại rằng Mã Giám Sinh bảo mua tôi về làm vợ lẽ, dọc đường từ Bắc Kinh về, gã đã cướp mất “cái ngàn vàng” của tôi rồi, bây giờ sao lại bắt tôi gọi gã bằng cậu? Thì “Bấy giờ mới nổi Tam Bành mụ lên”. Từ đấy, Tam Bành trở thành một từ thông dụng để chỉ cơn giận, cơn ghen của đàn bà.

The Little Catechism of curé of Ars – Bài 7 : Giận Dữ – Giáo Phận ...

Có ít nhất 03 giải thích khác nhau về xuất xứ của từ Tam Bành.

Giải thích thứ nhất:

Tam Bành, tương truyền vốn là ba bọc gồm sừng – (đầu) sỏ – (bó) sắt do một bà mẹ ở xã Bảo Ngũ, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là xóm Đồng, thôn Nhất, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) sinh ra vào thời vua Lê Thánh Tông. Bà mẹ sau đó sợ quá đem chôn. Nhưng từ đó, đủ các loại ma quái nổi lên quấy nhiễu dân gian, không một thầy chùa, thầy pháp nào trừ khử nổi.

Cũng thời đó, trong xứ phát sinh rất nhiều trộm cướp khiến nhân dân khốn khổ, còn quan binh của triều đình thì bất lực, dù vua Lê Thánh Tông nổi tiếng là vị vua anh minh. Thấy quân lính bó tay, nhà vua đành phải hạ chiếu cho tất cả các ma quái trong thiên hạ, ai quét sạch được kẻ trộm, giặc cướp trên cả nước, thì nhà vua sẽ phong cho chức “Âm Binh Đại Tướng Quân”. Một thời gian sau, nạn trộm cắp không còn. Các băng cướp chẳng ai đánh cũng tự tan.

Truy nguyên nguồn gốc, biết Sừng- Sỏ – Sắt đã hiển linh phù trợ, nhà vua giữ đúng lời hứa, phong cho Sừng – Sỏ – Sắt là “Tam Danh Đại Tướng Âm Binh”. Về sau, dân gian gọi trại đi là Tam Bành Thần Tướng. Không bỏ lỡ thời cơ, các thầy phù thủy chuyên trừ ma tróc quỷ trước đây đều thờ Tam Bành (hình người có 3 đầu) làm tổ sư của “nghề” này.

Giải thích thứ hai

Tam Bành vốn là con vua Hùng Thuận Vương. Nhà vua vốn hiếm muộn, một lần đến trang Đồng Mông huyện Bình Chương (nay cũng là xóm Đồng, thôn Nhất, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), thấy người con gái họ Bằng xinh đẹp, bèn lấy làm vợ. Một thời gian sau, Bằng phi có mang khiến nhà vua chứa chan hy vọng. Ngày 10 tháng 3 nàng mãn nguyệt khai hoa, sinh ra một cái bọc. Mở bọc ra, trong có 3 đứa trẻ kỳ dị: Một đứa không có mặt, một đứa không tay và đứa thứ ba không có chỏm đầu.

Cả ba đều đã chết.Nhà vua rất buồn, biết là vận nhà Hùng sắp mất, bèn sai đem chôn ba đứa trẻ ở ba cái giếng thật sâu, một giếng ở Đồng Mông, một ở trang Đắc Thắng (nay là làng Đắc Lực, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định) và một ở đồng Cao xã Vân Cát (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Vân Cát cũng là quê hương của bà chúa Liễu Hạnh). Được 100 ngày, ba đứa trẻ biến hóa rất kỳ dị, làm nhiều điều ngỗ ngược, dân gian gọi là Tam Ranh (ba vị thần trẻ con).

Thấy không thể nào kìm chế được, Thuận Vương phải về Đồng Mông thuyết phục các con rằng các con chính là được Thượng đế sai xuống trần gian để giúp đỡ chúng sinh, được Thượng đế đặt tên là Sừng – Sỏ – Sắt, vậy không nên quấy nhiễu, làm hại dân gian. Về phần mình, nhà vua phong tước cho các con là Nguyên Sừng Quận công Đỗ Phan tướng quân; Nguyên Sỏ Quận công Vị Thể tướng quân và Nguyên Sắt Quận công Trương Thỉ tướng quân. Tước thì như vậy, còn chức, thì nhà vua phong ba con là Tam Thế Độ, Tam Ranh đại tướng âm binh, cho chỉ huy các cô hồn trong thiên hạ để phù trợ, giúp đỡ dân lành. Từ khi được phong tước và nhận chức, ba vị càng linh hiển.

Thành Hoàng làng nào không phù trợ cho dân làng yên ổn làm ăn, trái lại còn nhũng nhiễu, bắt dân sửa lễ vật nhiều, tức là tham ô, vòi của đút, đều bị Tam Ranh đại tướng âm binh đánh đuổi. Hễ dân làng nào ra đình mà thấy bát hương thờ Thành Hoàng đổ lăn lóc trên bàn thờ thì biết ngay là Thành Hoàng đã bị tống cổ.

Dấu hiệu tố cáo bạn là người ghen tuông thái quá

Một số Thành Hoàng bèn kiện Tam Ranh đại tướng âm binh lên trời. Nhận được đơn, Ngọc Hoàng Thượng Đế bèn “ra quyết định thụ lý vụ kiện”, và triệu cả nguyên đơn, bị đơn lên điện Linh Tiêu để phán xử. Tại tòa, sau khi “thẩm vấn công khai” và nghe hai bên “tranh tụng”, Ngọc Hoàng Thượng đế tuyên án, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, rằng Tam Danh thần tướng chính là Tam Bành, đã có công giúp đỡ Thượng đế trừ khử bọn thần dữ quỷ ác quấy nhiễu dân gian. Từ nay, cấm các Thành Hoàng quấy nhiễu, tham ô, vòi của đút của dân chúng.

Ai còn giữ thói cũ, chỉ biết chén đẫy xôi gà của dân mà không biết làm việc tốt cho dân, sẽ tiếp tục bị Tam Bành đánh đuổi.  Còn Tam Bành, cũng không được nổi giận làm điều ngỗ ngược, phải chịu sự kiềm chế của Đức Phật Như Lai, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, phải nghe lời dạy dỗ của Quỷ Cốc Tiên sinh, của Đồ Đàn Giáo chủ.

Giải thích thứ ba

Tam Bành là tên của ba vị thần gồm Bành Cư, Bành Chất và Bành Kiện vốn sống trong 3 nơi sâu kín nhất của con người: đầu, bụng, tim. Theo tích xưa, ba vị này được Thượng Đế “cắt cử” canh giữ người để đến ngày Canh Thân, họ lại về trời tâu với Thượng Đế những gì con người đã làm. Các vị thần này rõ ràng rất giống với ba vị Táo quân, cũng ở chung với người, đợi đến ngày “báo cáo” của mình thì lên trời tâu lại với Thượng Đế.

Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất giữa Tam Bành và Táo Quân là: trong khi Táo Quân rất trung thực tâu lại những gì mình đã nghe và thấy, thậm chí còn giúp người “đỏ” lửa suốt năm thì Tam Bành lại chuyên xúi người ta nổi giận hay làm bậy dẫn đến xô xát lẫn nhau! Sau đó, ba vị thần này lại về trời tâu với Thượng Đế những việc làm sai trái của con người để người ta bị trừng phạt và mau chết đặng khỏi phải canh giữ nữa!

Quả thật, chỉ mới nghe đến “âm mưu” của ba vị thần này như thế cũng đủ khiến người ta “nổi cơn tam bành” rồi!

Trong 3 giải thích ở trên, giải thích thứ ba được khá nhiều người đồng tình và có vẻ phù hợp hơn cả.

TH/ST