Khi nói về người vô ý vô tứ, thiếu suy nghĩ, thường thích tọc mạch, xen vào chuyện người khác để thị phi hoặc thể hiện trong một lĩnh vực mà mình chẳng am hiểu chút nào, ta hay dùng từ “xớn xác”. Ít ai biết rằng, đây là một cách dùng sai.
Thật vậy, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức có giảng: “Sớn sác: Cũng nghĩa như “nhớn nhác”… Nhớn nhác: Trỏ bộ hoảng hốt bở ngỡ: Nhớn nhác như người mất cắp”. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê cũng ghi nhận rằng “sớn sác” mới là từ đúng và có cùng một nghĩa với “nhớn nhác”.
Vậy có từ điển nào ghi nhận nghĩa hiện hành của “sớn sác” không? Xin thưa rằng có. Đó chính là Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức. Từ điển này giảng: “Sớn sác: 1. Vô ý, không dè dặt, không nhắm trước xem sau: sớn sác đi đụng người ta; sớn sác trách người, không ngờ lỗi mình. 2. Như nhớn nhác, dớn dác”. Ngoài ra, tư liệu này cũng giảng thêm rằng “sớn” có nghĩa là “mẻ, sứt, bể theo vành theo cạnh” như trong “chén sớn cạnh” còn “sác” là “vô ý, hay quên”. Như vậy, cả hai chữ này khi tách riêng ra vẫn thể hiện phần nào mối liên hệ với “sớn sác”.
Tóm lại, “sớn sác” mới là cách dùng đúng. “Xớn xác” chỉ là hệ quả của sự nhầm lẫn s, x và việc liên tưởng đến “xác” trong “thân xác” mà ra.
Tiếng Việt giàu đẹp