Ăn ốc nói mò là thành ngữ để chỉ hành động nói năng không có căn cứ. Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ này nhờ vào quan hệ nhân quả: “ăn ốc thì nói mò” hay “vì ăn ốc nên nói mò”, tương tự như khi hiểu các tổ hợp từ ăn ốc lạnh bụng, uống rượu nhức đầu, hút thuốc khản giọng… Song, cái ý nói mò (trong mò mẫm, tức là đoán chừng, hú họa, không chắc trúng vì không đủ căn cứ) của ăn ốc nói mò lại chẳng có mối liên hệ nào với việc ăn ốc cả. Nói cách khác, ở đây, giữa ăn ốc và nói mò không có quan hệ nhân quả. Vậy thì ăn ốc và nói mò kết hợp với nhau theo quan hệ gì? Và, thành ngữ ăn ốc nói mò đã xuất hiện như thế nào?

Có người cho ăn ốc nói mò có xuất xứ ở việc uống rượu ốc ở các quán ven đường. Rượu vào lời ra. Người quá chén thường nói năng lung tung, hết chuyện này sang chuyện khác, đúng sai, hay dở, tục thanh không để ý tới. Cách giải thích này cũng có ít lý lẽ, song không phải nghĩa hoàn toàn của thành ngữ. Nói mò trong ăn ốc không phải là nói lung tung, chuyện nọ xọ chuyện kia như ở người say rượu, mà là nói hú họa, đoán chừng về một điều chưa biết chắc.

Cũng có người nghĩ tới quan hệ điều kiện – giả định giữa việc ăn ốc và mò ốc để giải nghĩa của xuất xứ thành ngữ. Nhưng tại sao ý muốn ăn ốc phải mò ốc lại liên hội được với ý nói hú họa, nói không có chứng cứ của ăn ốc nói mò đã nêu. Hay để có được ốc cũng phải mò dưới bùn chưa biết chắc chắn?

Vậy thì thử tìm hiểu nghĩa thành ngữ này theo hướng khác. Như đã biết, trong tiếng Việt có một từ mò là động từ (mò ốc, mò cua…) và một từ mò là phó từ (nói mò, đoán mò…). Mò trong ăn ốc nói mò chính là phó từ, chỉ cách thức của hoạt động cho động từ mà nó bổ nghĩa. Nhưng phó từ mò đi vào thành ngữ bằng con đường nào ?

Trong lời ăn tiếng nói của dân gian, bên cạnh ăn ốc nói mò còn các cách nói ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay, ăn đơm nói đặt… Ở những cách nói này, ý trọng tâm rơi vào các vế sau, các vế đầu chỉ giữ chức năng cấu tạo hình thái chứ không mang chức năng biểu ý. Đây là một loại cấu trúc độc đáo, rất hiếm thấy trong thành ngữ tiếng Việt. có thể hình dung cơ chế tạo lập kiểu cấu trúc này như sau:

Giải thích câu tục ngữ: Ăn ốc nói mò - Sinh viên giỏi

1, Có một từ A biểu thị một hiện thực, ví dụ, mọc biểu thị tính hay vu khống, dựng chuyện ở một loại người nào đó.

2, Do nhu cầu diễn đạt có tính hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, người ta đã tạo ra lối nói mới dựa trên khuôn mẫu của cách nói đã có trước trong ngôn ngữ. Cách nói mới này được xây dựng theo nguyên tắc:

a, Tìm trong ngôn ngữ một từ B có quan hệ logic với A sao cho khi kết hợp với A (theo trật tự AB hoặc BA) ý nghĩa cả tổ hợp (AB hoặc BA) cho được một quan niệm hợp với logic nhận thức.

b, Tùy vào đặc tính phạm trù của điều được nói đến và của hiện thực do B biểu đạt, tìm một hình thức có khả năng tương kết với AB (BA) theo một quy luật nhất định để tạo thành khuôn của cách nói mới. Chẳng hạn, điều được nói tới trong ăn măng nói mọc (ăn ốc nói mò, ăn đơm nói đặt…) có thể quy vào phạm trù ứng xử nói năng, do đó các từ được chọn làm cấu trúc có thể là ăn nói, lời lẽ, nói năng, đăm đặt… Ngoài ra còn chú ý đến quy luật hài thanh làm chất gắn kết các yếu tố A,B để tạo thành khuôn mới. Cụ thể ăn măng nói mọc được phân tích ra như sau: ăn nói tương kết với măng mọc, ăn nói – ốc mò, ăn nói – đơm đặt, ăn nói – không có…

Cách tạo thành thành ngữ từ sự chia tách và tương kết các tổ hợp từ như vậy ta thường gặp trong thành ngữ như: Bướm lả ong lơi (bướm ong/lả lơi), đi mây về gió (đi về/mây gió), lên thác xuống ghềnh (lên xuống/thác ghềnh) kén cá chọn canh (kén chọn/cá canh)…