“Xui nguyên giục bị” có nghĩa là để chỉ hành vi xúi bẩy người này, kích động người kia, làm cho hai bên vốn đã mâu thuẫn lại càng mâu thuẫn gay gắt hơn.

Thành ngữ này vốn được gắn liền với việc xử các vụ kiện cáo ở phiên tòa. Trong các phiên tòa, ngoài các nhân viên tòa án, còn có bên nguyên đơn và bên bị đơn. Nguyên là người đưa đơn kiện, còn gọi là nguyên cáo. Bị là người bị tố cáo, còn gọi là bị cáo hay bên bị. Thành ngữ “Xui nguyên giục bị” dường như chú ý tới kẻ xúi giục, gây mâu thuẫn hơn là các đối tượng nguyên đơn hay bị cáo. Trong thời phong kiến, những người cầm cân nảy mực trong các phiên tòa được xem như cha mẹ của dân “Phụ mẫu chi dân”, cầm cân nẩy mực, là đèn trời soi xét.

Tù, Nhà Tù, Tội Phạm, Tù Nhân, Hình Sự, Lồng, Thanh

Nhưng chính những kẻ đó lại là người luôn luôn vòi vĩnh của đút lót, trao tay trong các vụ kiện cáo. (Ngoại trừ những vị quan xử án nổi tiếng và thanh liêm như Bao Công, Địch Nhân Kiệt bên Trung Quốc hay Trần Thì Kiến, Phí Trực, Nguyễn Mại… của Việt Nam). Hành vi vừa nhận hối lộ của hai bên vừa xúi giục, kích động họ là một trong những chiêu bài kiếm được nhiều lợi lộc nhất. Xui nguyên giục bị chẳng phải ai xa lạ mà đích thực là quan phụ mẫu ở các phiên tòa.

Theo cuốn “Đi tìm điển tích thành ngữ” của Tiêu Hà Minh thì thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu chuyện giai thoại có thể tóm tắt cơ bản như sau: Hai người hàng xóm xích mích vì mảnh đất giáp ranh mà sinh cãi nhau. Vị quan biết được mới cho người nhà tới xúi giục một bên làm đơn kiện. Anh ta nghe theo với hy vọng phần thắng về mình sau khi đã mua lễ vật lo lót. Viên quan hứa rồi nhưng lại cho người nhà tìm đến anh còn lại xúi giục . Anh ta nghe thế thì cũng sắm lễ vật và làm đơn kiện lại.

Cứ thế ngày qua tháng lại, hai bên lo lót lễ vật cho quan mà vụ việc vẫn chưa dứt điểm. Cứ động tí là hai bên lại sắm lễ vật cho quan, thành thử ai cũng tưởng phần thắng về mình. Mãi cho đến khi quan đi nhậm chức cao hơn, nhường cho quan mới giải quyết, hai anh sạch cả gia tài mới thốt lên ai oán: Đồ xui nguyên giục bị!

Thành ngữ này cũng gợi ta liên tưởng đến câu chuyện cười trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam “Nhưng nó phải bằng hai mày” hay hình ảnh quan huyện Hinh ăn bẩn và đồng hào ám ảnh của con mẹ Nuôi trong truyện ngắn “Đồng hào có ma” của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Thành ngữ này, dĩ nhiên, cũng không loại trừ những kẻ ăn ở hai lòng, lợi dụng khi người đời có mâu thuẫn, có kiện cáo lại vừa ton hót, xúi giục người này, vừa nịnh bợ, xui khiến kẻ nọ kiểu “đục nước béo cò” dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa hai bên như đổ thêm dầu vào lửa. Dẫu là quan tòa hay những kẻ có chung hành vi ấy thì đều là kẻ xui nguyên giục bị, và hành vi đó thật đáng phê phán, cần vạch mặt chỉ tên. Ví dụ: “Người ta ai cũng vì dân vì nước, thế mà những người tiếc của đỏ mắt chỉ rập rình “cáo chết quay đầu về núi”, lại còn xui nguyên giục bị, tao nghĩ bực lắm” (Vỡ tỉnh – Tô Hoài).

Thành ngữ tương tự: Đòn xóc nhọn hai đầu, Đâm bị thóc chọc bị gạo…