Ở sân khấu buổi trình diễn nào cũng lập bàn thờ Tổ đặng nghệ sỹ trước khi ra sân khấu thắp nhang khấn vái. Họ vái Tổ rất thành khẩn nhưng hỏi Tổ là ai thì không ai biết.

Lục lọi tìm tài liệu thì phát hiện thêm một điều lạ nữa là không có ngành nghề nào ở nước ta có nhiều Tổ nghề bằng giới hát xướng.

Nhiều đến nổi không còn biết ai là tổ nghề đích thực nữa. Sẽ liệt kê dưới đây tất cả những vị được coi là tổ nghề sân khấu để những nghệ sỹ nào còn tin vào tổ nghề thì khi thắp nhang khấn vái thì biết mình đang vái ai. Đừng để xảy ra tình trạng lẫn lộn, giống như ra nghĩa địa thăm mộ người thân mà lại cứ vái lầm mộ người khác.

Ông Hoàng Bé ở Mỹ Tho hiện là bầu gánh Hát bội và dòng họ ông có thâm niên 4 đời là nghệ sỹ Hát bội, ông kể trên tờ báo Sân khấu 28/8/2011 như sau:

“Ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, gái mại dâm và gánh Hát Bội đều thờ chung một tổ nghề là Bạch Mi Lão Tổ, về sau Cải lương cũng nhập chung với Hát Bội thờ chung một tổ nghề. Dân Hát Bội không bao giờ bố thí cho ăn mày, dân trộm cướp không bao giờ ăn cướp gánh Hát Bội, dân Hát Bội không được phép mua dâm mà chỉ được bán dâm thôi, và gái mại dâm cũng không được lấy tiền kép Hát Bội”.

Trước khi nói về tổ nghề sân khấu, mình sẽ thấy như vầy:

Cướp không lấy tiền của gánh Hát Bội là bởi vì gánh Hát Bội quá nghèo cướp không thèm để ý tới. Xưa nay, có bầu show nào làm giàu bằng gánh Hát Bội đâu, toàn diễn miễn phí ở Đình Miễu cho dân chúng tới coi, lâu lâu có kéo nhau về rạp hát thì vé cũng bán không chạy, thành ra tiền bạc eo hẹp lắm, cướp bén mảng tới làm gì, chớ đã là dân trộm cướp thì có đứa nào còn tôn trọng Tổ nghiệp gì nữa.

Gái mại dâm cũng vậy, các cô không lấy tiền kép Hát Bội có thể vì mê kép hát chứ đâu phải cùng chung tổ nghề. Trên thực tế, chỉ có giới nghệ sỹ thường cúng Tổ, chứ dân trộm cướp và gái mãi dâm có ai quan tâm đến tổ đâu mà cúng. Thường thì gái mãi dâm chỉ vái Thần Tài cho may mắn, cho gặp khách “xộp” mà thôi.

Nhưng vấn đề đáng bàn ở đây là thực sự có phải Hát Bội, ăn-mày, trộm cướp, đĩ điếm thờ chung một Tổ như Ông Hoàng Bé kể hay không? Cho đến nay không thấy có tài liệu chánh thức nào xác nhận điều này. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn nghe nói nghệ sỹ và ăn mày thờ chung một Tổ.

Tôi đoán rằng thời xưa người ta muốn dìm nghề ca hát xuống theo quan niệm “xướng ca vô loài” nên mới chế ra như vậy. Hoặc vì thực tế có những người ăn mày cần sự chú ý và xót thương của khách qua lại nên ôm đàn ngồi hát. Chẳng hạn những người mù ca hát chúng ta thường hay gặp ở chợ, ở đường phố, rồi từ đó người đời cho rằng ăn mày và nghệ sỹ cùng chung một Tổ mà ra.

Tôi chắc nghệ sĩ Hát Bội và Cải Lương nhiều người không đồng ý với ông Hoàng Bé, vì Bạch Mi Sư Tổ hay Bạch Mi Lão Tổ thường được nhắc tới trong giới võ lâm, binh pháp hay bói toán, chứ chưa nghe ai nói là tổ nghề ca hát…

Khi nói về tổ nghề hát xướng là chỉ nói về Hát Tuồng, Hát Bội hoặc Cải Lương chứ không dính dáng gì đến nghệ sĩ Tân Nhạc, hay điện-ảnh hiện đại, cho nên đám ca sỹ – diễn viên tự nhận mình trót mang “nghiệp tổ” hay ăn cơm tổ là tầm bậy, đừng có nhận bừa hay bắt chước, nó không giống ai hết, rất là tào lao.

Tổ nghề bất cứ của ngành nào cũng được gọi là “Thánh sư 聖師” hay “Tổ sư 祖師” thờ cúng Tổ nghề là tỏ lòng biết ơn người đã sáng chế ra ngành nghề nào đó, rồi truyền dạy cho dân chúng làm kế sanh nhai. Hoặc không do óc sáng tạo, mà do học ở nới khác đem về dạy cho dân làng thì cũng đặng coi là Tổ. Vậy tổ nghề hát xướng là ai?

Tra cứu các tư liệu thì hầu như đều thấy chép rằng tổ nghề hát xướng là Tam Vị Thánh Tổ hoặc Nhị Vị Thánh Sư do truyền thuyết kể lại rằng: Thời xưa có hai ông Hoàng, không biết thời nào? và tên gì? trốn Hoàng cung đi coi hát, vì quá say mê coi hát ít ăn ít ngủ kiệt sức ôm nhau mà chết ở gánh gà sân khấu.

Chết rồi, lâu lâu 2 ông vẫn hiện về gánh hát, giới hát xướng tôn làm Tổ, coi ra thì không thấy dính dáng gì hết. Bởi 2 ông có ca hát bao giờ đâu, có truyền nghề hát xướng cho ai đâu mà tôn làm Tổ?

Ngoài cái vừa kể trên, thì dân Hát bội và Cải lương còn thờ thêm nhiều vị khác nữa, như: Thập Nhị Tổ Công Nghệ, 12 vị Tổ của các ngành nghề: Rèn kim, mộc, may, tóc, nhạc, võ… những ngành nghề liên quan tới ca hát, đạo cụ sân khấu.

Ngày cúng tổ vẫn không thống nhứt, nhưng nhiều nhóm hát vẫn chọn ngày 12-8 Âm lịch vì dựa theo truyền thuyết của Vua Đường Minh Hoàng bên Tàu, khi du nguyệt điện về, ông đem khúc hát ‘nghê-thường’ dạy cung nữ múa hát cho Dương Quý Phi thưởng ngoạn.

Nói chung, thì do văn hóa thời trước, cha ông ta chỉ biết dưới gầm trời này Trung Hoa là vĩ đại nhứt, cho nên có cái gì hay, gì mới đều cho là xuất phát từ Trung Hoa.

Hễ nói ra bất cứ thứ gì mà muốn chứng minh là chơn lý thì chỉ cần nói: “sách Tàu đã chép”… là tự nhiên có giá trị liền. Lý do gì mà trong giới hát xướng thờ lạy nhiều vị Tổ thì tới nay không ai biết. Cũng giống như trong nhơn gian có người cứ vái bốn phương tám hướng, trúng ai thì được lành mạnh đó vậy.

TH/ST