Từ “ngàn thu” ở đây vốn bắt nguồn từ “thiên thu” trong tiếng Hán (“thiên” (千) nghĩa là “một ngàn”). Ở đây, mùa thu được dùng để tượng trưng cho một năm, mà “thiên thu” chính là “ngàn năm” và vì thế mới dùng để chỉ sự lâu dài, vĩnh viễn. Bên cạnh “thiên thu” ta còn có “ba thu” để chỉ “ba năm” như trong Truyện Kiều: “Sầu đong càng lắc càng đầy – Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”.

Thanh Tuyền - Ngàn Thu Vĩnh Biệt - YouTube

Có ý kiến cho rằng nói “thiên thu” mà không phải “thiên xuân”, “thiên hạ” hay “thiên đông” là vì mùa thu lá cây rụng, biểu hiện sự tuần hoàn của một năm. Tuy nhiên điều này khó thuyết phục vì mùa nào trong bốn mùa cũng có những nét biểu hiện sự tuần hoàn của năm cả: mùa đông tuyết rơi, mùa xuân cây đâm chồi nảy lộc…

Theo học giả An Chi thì việc dùng mùa thu để chỉ năm ở đây là do vào thời xưa tại Trung Quốc, mùa thu là mùa các hoạt động xã hội nói chung, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp dần đến chỗ kết thúc rồi ngưng hẳn trong mùa đông giá lạnh. Điều này được ghi nhận rất rõ trong sách Lịch sử thế giới cổ đại của Chiêm Tế như sau: “Đến mùa dế kêu (mùa thu – TVGĐ), đàn ông bận gặt vụ thu, làm sân đập lúa, cắt lúa, nộp một phần thóc cho quý tộc…”.

Hẳn vì điều này mùa thu đã đi vào thi ca như khoảng thời gian kết thúc của năm và từ đó trở thành tượng trưng cho một năm.

Theo tiengvietgiaudep