Trong một số truyện cổ, ta thường bắt gặp cách xưng hô với con gái là “Nha đầu”, hai chữ “Nha đầu” này từ đâu mà có?

Trong một số truyện cổ hay phim cổ trang, ta thường bắt gặp cách xưng hô với con gái là “Nha đầu”, thậm chí ngày nay một số khu vực người Hoa sinh sống vẫn dùng cách xưng hô này. Như trong hồi thứ 15 Hồng Lâu Mộng có đoạn viết: “Nghe như đằng kia có tiếng vợ gọi: ‘Nha đầu 2, đến đây!’ Nha đầu đó vội vàng chạy tới làm rơi cả guồng quay tơ”. Hai chữ “Nha đầu” này từ đâu mà có?

Ban đầu, “Nha đầu” không được dùng để gọi con gái, mà dùng để chỉ những đứa trẻ cắt đầu ba chỏm, giống chữ Nha (丫) trong tiếng Trung. Thời đó, không chỉ con gái búi tóc hai bên, mà con trai cũng thế, tất cả đều búi lên thành 2 búi trên đầu trông như hai cái sừng. Thời xưa gọi đây là “Tổng giác”, sau đó được dùng để chỉ những chàng trai chưa trưởng thành.

Con gái thời xưa sau khi làm lễ cài trâm xong thì sẽ nuôi tóc dài. Các cô gái thường búi trên đầu hai búi tóc hai bên, tạo thành hình như hình chữ Nha (丫) trong tiếng Trung, cũng vì thế mà gọi con gái là “Nha đầu”. Đời Đường đã có những vần thơ về những thiếu nữ 13, 14 tuổi với hai búi tóc trên đầu cùng nhiều trang phụ kiện cài tóc, họ cùng nhau đón những cơn gió xuân nhẹ nhàng thổi tới.

Các cô gái ngày xưa búi tóc hai bên (ảnh chụp màn hình phim “Vì bạn mà đến).

“Nha đầu” không chỉ là từ dùng để chỉ người con gái. Thời xưa, những người hầu gái thường búi tóc hình chữ Nha trong tiếng Trung, nên bị gọi là “Nha đầu”. Theo tìm hiểu, ngay từ thời nhà Tống đã thịnh hành cách gọi này.

Ngoài ra, người hầu gái còn có cách gọi khác là “Nha hoàn”. Vì “Hoàn” có nghĩa là một kiểu tóc búi cao trên đầu, giống hình vòng tròn.

Bên cạnh đó, “Nha đầu” cũng là một cách bố mẹ gọi con gái, hoặc người lớn tuổi gọi cháu gái nhỏ tuổi. Còn có cách gọi khác là “Nha đầu nhỏ”, là chỉ những bé gái, có hàm ý khinh thường trong đó. Đôi khi, nó còn ám chỉ những cô gái bị “ế” thời xưa, vì về già họ sẽ được búi cao hai búi tóc trên đầu.

Theo Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

TH/ST