Bài thơ đầu anh viết tặng cho em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh, nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia.
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khăng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.
Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải – trái
Như tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung.
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.
Cuộc đời ta mãi mãi chẳng xa lìa
Mất một chiếc, chiếc kia vào sọt rác
Hay cố lê bên những gì phế thải
Sống âm thầm nơi xó góc tối đen
Rồi ngày kia buồn chán không ánh đèn
Chiếc còn lại cũng ra đi vĩnh viễn
Ngày ra đi không một người đưa tiễn
Nhưng vui lòng vì gặp lại chiếc kia
Một nơi xa hai chiếc chẳng chia lìa
Vì đã thoát khỏi cảnh đời ô trọc
Không hơn thua ghét ghen hay lừa lọc
Bước song hành một dạ đến ngàn thu”
3 khổ thơ cuối không được phổ biến nên ít người biết .
Theo thông tin khác thì bài thơ này được sáng tác năm 1995, được đăng lần đầu trên tạp chí Thế giới mới số ngày 15-12-1997, khi đó tác giả là sinh viên lớp Văn 1K, Đại học Sự phạm TP Hồ Chí Minh. Bài thơ này sau đó đã được giải hai chương trình Tiếng thơ sinh viên năm 1998 của Nhà văn hoá Thanh niên TP Hồ Chí Minh. Nhà thơ Lê Minh Quốc đã nhận định về bài thơ như sau: “Đến với một bài thơ hay, có nhiều đường đến và nhiều hướng để cảm nhận. Với tôi, tôi nghĩ trong đời nếu có một người để mình da diết thương, mình cuồng nhiệt yêu, mình điên cuồng nhớ… thì đó đã là một hạnh phúc.
Hạnh phúc vì tin rằng dù được hoan lạc yêu hay não nùng tình phụ thì những cuộc tình đẹp vẫn tồn tại và có thật ở trên đời. Trong suy nghĩ đó, tác giả Nguyễn Trung Kiên là một người hạnh phúc. Anh đã gieo cho bạn đọc một niềm tin như thế.” Tuy nhiên, trong một thời gian dài, bài thơ này đã được lưu truyền rộng rãi trên mạng bằng một số dị bản với tiêu đề Bài thơ đôi dép mà không có thông tin về tác giả cũng như bản chính thức, dẫn đến nhiều tranh cãi và thông tin sai lệch.
Chuyện đời của “nhà thơ” bất đắc dĩ
Ngôi nhà nhỏ không mấy sáng sủa của gia đình Nguyễn Trung Kiên vẫn còn ngổn ngang sắt thép, những ô cửa lớn bé đang chờ anh thợ cơ khí hoàn thành để giao cho gia chủ. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi con người của một “nhà thơ” từng gây tiếng vang lớn trong diễn đàn tuổi mới lớn về bài thơ “Đôi dép.” Anh không nhận mình là nhà thơ có lẽ cũng phải thôi, vì thơ văn đối với anh chỉ là những giây phút ngẫu hứng sáng tác, suy ngẫm sự đời.
Anh sinh ra trong một gia đình tương đối éo le về gia cảnh. Cha mẹ anh có một thời yêu nhau và anh đã chào đời trong khoảng thời gian đó, thế nhưng hạnh phúc đã không trọn vẹn đối với anh. Cha mẹ anh chia tay nhau, người ở lại, kẻ ra đi đã làm cho tâm hồn cậu trai 17 tuổi mang một vết rạn khó lành.
Kiên theo mẹ vào Sài Gòn lập nghiệp khi anh vừa học xong lớp 11. Gia đình khiếm khuyết của anh như con tàu trước giông bão phải lặn ngụp sinh tồn với cuộc sống chốn thị thành đầy mới mẻ. Rồi Kiên cũng tìm cho mình những công việc chân tay nặng nhọc như phụ hồ, quét sơn, sửa chữa… đủ nuôi sống bản thân.
Vốn tâm hồn đa sầu đa cảm, những khi rảnh rỗi, Kiên thường ngâm nga thơ mà thơ của anh đều xuất phát từ thực tế công việc và cuộc sống vất vả, bon chen, ganh đua của người đời. Mỗi tuần một buổi, Kiên tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ thơ văn của Nhà văn hóa Thanh niên. Tại đây, anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ đa số đều là sinh viên, họ sinh hoạt vui vẻ, trao đổi thơ văn, đúc rút kinh nghiệm… khiến anh quên đi những mệt mỏi, buồn phiền của công việc. Kiên hăng say tham gia sáng tác được các bạn trong Câu lạc bộ tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ nhiệm.
Một hôm, anh và một cô bạn có cuộc tranh luận nảy lửa về đôi dép. Cô bạn hỏi Kiên rằng một đôi dép thì cái nào mòn trước. Nhiều ý kiến trái ngược nhau, không bên nào chịu nghe bên nào. Sau buổi sinh hoạt đó, về nhà, Kiên ôm đầu suy nghĩ về đôi dép kể cả đi làm, anh cũng nghĩ mông lung và bắt đầu hình thành những vần thơ nói về đôi dép. Tuy nhiên, một ý tưởng mới được hình thành, Kiên muợn hình ảnh của tình yêu để nói về đôi dép. Buổi sinh hoạt lần sau, anh đã mang bài thơ lên tặng “bạn cãi” hôm nọ và đọc cho cả Câu lạc bộ nghe. Mọi người truyền tay nhau tâm đắc bài thơ thật dung dị mà tràn đầy ý nghĩa của anh:
“Bài thơ đầu anh viết tặng em/ Là bài thơ anh kể về đôi dép/ Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết/ Những vật tầm thường cũng biến thành thơ…”
Trung Kiên cho biết, anh sáng tác bài thơ này vào năm 1995 khi đó anh 22 tuổi nhưng vẫn chưa có mối tình nào cũng chỉ mới manh nha thích thích, mến mến nhau thôi. Nhiều người nói, anh sáng tác để tặng người yêu nhưng thực chất, cô gái kia chỉ là bạn cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ. Bản thân Trung Kiên là người rất nhạy cảm; anh bảo, tình duyên của anh đến rất muộn không phải vì anh không biết yêu mà vì anh không dám yêu. Anh mặc cảm vì bản thân chỉ là thằng con trai lang bạt xứ người, công danh sự nghiệp chưa có nhưng tâm hồn anh lại tràn đầy lý tưởng về một tình yêu thủy chung, son sắc.
Lại nói đến Câu lạc bộ, Kiên là phó chủ nhiệm duy nhất và cũng là thành viên duy nhất không phải là sinh viên. Trong môi trường sinh hoạt của giới tri thức thì kẻ yêu người ghét anh đều có. Anh trân trọng, cảm ơn những người bạn đã cảm thông, thấu hiểu cho hoàn cảnh của anh còn những người ghét anh, cũng chỉ vì học vấn của anh không bằng ai, anh chỉ là người công nhân ham mê thơ văn mà tham gia sinh hoạt. Có những lời nặng nề đến tai anh rằng, “một người không có học vấn mà cũng làm Phó chủ nhiệm hẳn nhiều người không phục.” Bị xúc phạm và ức chế, Kiên quyết định sẽ đăng ký thi vào đại học để chứng tỏ rằng: Sinh viên và không sinh viên chỉ hơn nhau ở kỳ thi mà thôi.
Cuộc thách đấu nghiệt ngã với số phận
Nung nấu ý định sẽ thi vào đại học để chứng tỏ bản lĩnh không thua kém bất cứ một sinh viên nào, Kiên đã làm một việc táo bạo. Do anh chưa có bằng tú tài nên đánh liều muợn bằng của một người bạn sau đó chỉnh sửa thông tin để đăng ký dự thi. Với trí nhớ tuyệt vời cùng vốn kiến thức nền vững chắc, Kiên không hề trải qua một ngày ôn luyện nào mà ngay trong kỳ thi đó, Kiên đã thi đậu Đại học Sư phạm với số điểm cao. Trước khi thi, Kiên không hề có ý định theo học nhưng rồi sự lôi cuốn của giảng đường đại học khiến anh không thể khước từ.
Theo học được gần một năm thì sự việc vỡ lở, anh đành ngậm ngùi chia tay thầy cô, chia tay giảng đường để quay về làm một người lao động. Thầy cô, bạn bè khuyên anh nên học bổ túc thêm một năm nữa rồi thi lại, với kiến thức và trình độ như anh thì cánh cổng đại học luôn mở rộng chào đón. Nhưng, Kiên đã quyết định từ bỏ sự học, anh tâm sự:
“Tôi không có duyên với con đường học vấn, đó chỉ là trò chơi số phận của tôi thôi nhưng tôi đã chứng tỏ cho mọi người biết, tôi không phải là thằng thất học, tôi từng là một sinh viên văn khoa. Tôi sinh ra là để làm công nhân.”
Trở lại bài thơ “Đôi dép.” Vừa đậu trường Đại học Sư phạm, ngay lập tức bài thơ của anh được đăng trên tạp chí Thế giới mới và một số trang mạng đã ăn theo dư âm của bài thơ. Trong khi “tiếng tăm” của “Đôi dép” không ngừng lan truyền khắp nơi thì tác giả lại lặng bóng. Suốt một thời gian dài, Đôi dép bị “tam sao thất bản” ở cả nội dung và tên tác giả. Báo chí và lực lượng hùng hậu “fan” của bài thơ đã tốn bao nhiêu giấy mực và công sức để đi tìm người cha đẻ của “Đôi dép” mà vẫn không hề có phản hồi. Sau hơn 10 năm sống ẩn dật với gia đình riêng, một ngày gần đây, Nguyễn Trung Kiên xuất hiện và đã lên tiếng về bài thơ do mình sáng tác.
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi ngạc nhiên là anh không có phản ứng nhiều khi nhắc đến bài thơ “Đôi dép” kể cả bị người đời ngộ nhận. Anh tâm sự:
“Cái gì đã qua rồi cứ để qua đi, tôi không muốn nhắc đến nữa, đó là thời kỳ khủng hoảng nhất về tinh thần của tôi, Đôi dép cho tôi chút ít danh tiếng nhưng gắn liền với vết thương về con đường học vấn. Tôi cũng biết là một số người đã tự nhận bài thơ đó là của họ nhưng tôi không buồn bởi bài thơ của tôi hay, độc mới có người nhận miễn sao họ đừng nói xấu tôi, đừng vẽ rắn, vẽ rồng thêm vào bài thơ sẽ làm mất đi ý nghĩa dung dị của nó.”
Nguyễn Trung Kiên bây giờ hầu như không quan tâm đến chuyện thơ văn nữa, công việc của người thợ cơ khí cùng những nhọc nhằn lo toan cho gia đình thời buổi kinh tế khó khăn đã chiếm hết hồn thơ trong tim anh.
Hoa Nghiêm (ghi lại)