Nội dung

Tục ngữ đã được truyền khẩu, và gọt giũa từ thế hệ này sang thế hệ khác trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, nên câu văn rất tự nhiên, trong sáng và đã biểu lộ tính tình, phong tục của dân tộc ta một cách chất phác, chân thực. Do đó, tục ngữ còn được gọi là văn học dân gian hay văn chương truyền miệng. Tục ngữ rất phong phú, có cả hàng trăm ngàn câu, nói về đủ mọi đề tài của cuộc sống con người. Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, súc tích, có ý nghĩa đầy đủ, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội), và dùng để khuyên răn hoặc chỉ dạy, được nhân dân ta vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Rất nhiều cha mẹ Việt Nam đã dùng những câu tục ngữ để dạy dỗ con cái hiểu biết những điều thông thường để sinh sống và cư xử ở đời. Tục ngữ có những câu có vần (ví dụ: “Ăn cây nào, rào cây ấy”), hoặc không có vần (ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”). Tục ngữ thường nói về phong tục tập quán, về tâm lý người đời, về kinh nghiệm thường thức, về đạo làm người, cách ăn ở, xã giao… Chính tục ngữ đã là những lời dạy dỗ đầu đời về đạo làm người, về cách xử thế trong cuộc sống và cả những kiến thức tối thiểu để sống với đời.