Site icon Sài Gòn Xưa

Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức – Một đường lối và phương pháp giáo dục tân tiến

Từ rất nhiều năm nay, tại hải ngoại, khi nhắc lại chuyện giáo dục tai Miền Nam trước 1975, nói đến các trường trung học lớn, đa số mọi người chỉ nói về các trường Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương ở Sài Gòn, hay Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, hay Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ, hay Quốc Học, Đồng Khánh ở Huế, ít thấy ai nhắc đến tên Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (THKMTĐ).

Trường trực thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG), mặc dù ngôi trường này đã có mặt từ năm 1965, nghĩa là đã hoạt động được đúng 10 năm, và đã có những cống hiến rất quan trọng cho hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Người viết bài này, đã từng phục vụ tại THKMTĐ một thời gian khá dài (1966-1971) với tư cách giáo sư môn Kiến Thức Xã Hội (tên gọi mới của môn Sử Địa tại Trường) và Quản Thủ Thư Viện, cố gắng giới thiệu những nét đặc biệt của trường THKMTĐ khiến nó trở thành biểu tượng của một đường lối và phương pháp giáo dục thật sự tân tiến của VNCH.

Thành Lập Trường THKMTĐ

Hệ thống giáo dục của nước Việt Nam độc lập đã được đặt nền móng vững chắc từ năm 1945 dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim với Bộ Trưởng Giáo Dục đầu tiên là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Tuy tiếng Việt đã được sử dụng để giảng dạy nhưng toàn bộ hệ thống giáo dục, từ “hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử, và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp.” [1] Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có một hội nghị giáo dục được tổ chức vào năm 1958 mang tên là “Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc.” [2] Chính cuộc hội thảo giáo dục này, lần đầu tiên, đã tạo ra triết lý giáo dục cho VNCH với ba nguyên tắc chỉ đạo là Dân tộc, Nhân bản, và Khai phóng. Đại hội giáo dục toàn quốc lần thứ hai được tổ chức vào năm 1964 khẳng định lại một lần nữa ba nguyên tắc chỉ đạo vừa nêu trên, với một điều chỉnh nhỏ: nguyên tắc chỉ đạo thứ ba được đổi từ Khai phóng sang Khoa học [3] Chính trong thời gian này đã xuất hiện một số bài viết thảo luận chung quanh đề tài “một nền giáo dục mới” cho VNCH. Trường ĐHSPSG đi một bước xa hơn, không phải chỉ tham gia vào việc thảo luận suông về chuyện giáo dục mới này, mà bằng việc thực hiện một dự án giáo dục cụ thể: thiết lập THKMTĐ. Trong Dự Án Đại Cương cho ngôi trường mới này, đệ trình cho Hội Đồng Khoa của ĐHSPSG vào tháng 3-1965, người thảo dự án, Giáo sư Dương Thiệu Tống, vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường, đã khẳng định:

Một góc trường Kiểu Mẫu Thủ Đức.
Ảnh: Phanxipăng

“Chương trình ấy chỉ có thể thực hiện không phải bằng những cuộc bàn cải về lý thuyết mà phải là kết quả của các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm.” [4]

Như thế rõ ràng là THKMTĐ sẽ là nơi thực hiện các cuộc nghiên cứu và kiểm nghiệm đó. Và, quả thật, THKMTĐ, nhìn từ tất cả mọi khía cạnh, từ triết lý giáo dục, chương trình học, hệ thống lượng giá (thi cử), cho đến cơ sở vật chất, đôi ngũ giáo sư, phương pháp giảng dạy và học tập, tất cả đều hoàn toàn mới, chưa từng có tại Việt Nam nói chung và tại VNCH nói riêng, hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu và kiểm nghiệm cho một chương trình “giáo dục mới” cho VNCH.

Bộ Văn-Hóa Giáo-Dục của Chính phủ VNCH đã chính thức chấp nhận dự án thành lập THKMTĐ bằng 2 nghị-định như sau:

“Trường Trung-học Kiểu-Mẫu Thủ-Đức trực thuộc Đại-Học Sư-Phạm Saigon là một Trường Trung-Học Đệ-Nhị-Cấp thiết lập do Nghị-định số 945-GD/PC/NĐ sửa đổi bởi nghị dịnh số 840/GD/PC/NĐ, ngày 12-6-1965 của Bộ Văn-Hóa Giáo-Dục.” [5]

Triết Lý Giáo Dục của THKMTĐ

Dựa trên căn bản là các đánh giá của các nhà giáo dục qua 20 năm nước nhà được độc lập (1945-1965), và qua hai cuộc hội thảo giáo dục toàn quốc (1958 và 1964), thể hiện qua 3 nguyên tắc chỉ đạo đã nêu bên trên (Nhân Bản, Dân Tộc, và Khai Phóng – sau chỉnh lại là Khoa Học), Giáo sư Dương Thiệu Tống, sau khi đưa ra các nhận xét như sau về nền giáo dục cũ:

“1. Học đường tách rời với xã hội, kiến thức tách rời với thực tế.

2. Thiếu sự hướng dẫn do đó trẻ không được phát triển theo đúng khả năng.” [6]

đã đề nghị một triết lý giáo dục mới cho THKMTĐ như sau:

“Phương pháp giáo dục mới ở các nước tân tiến hiện nay dựa trên nguyên tắc của Khoa Tâm Lý giáo dục. Trẻ khác nhau về khả năng (ability), hứng thú (interests) và phải được phát triển toàn diện (full development). Dựa trên nguyên tắc ấy học đường và phương pháp giáo dục phải làm sao đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu hướng dẫn và phát triển khả năng và sở thích của trẻ. Do đó, bên cạnh lối giáo dục phổ thông, phải có giáo dục hướng nghiệp để chuẩn bị cho thanh thiêu niên có sẳn năng khiếu và hứng thú có thể lựa chọn nghề nghiệp thích hợp sau này; như vậy tránh được sự lãng phí về nhân lực như đã nói ở trên và tạo nên sự quân bình về các ngành hoạt động Văn Hóa, Mỹ Thuật, Kinh tế vv…. trong xã hội Việt Nam tương lai.” [7]

Chương Trình Giáo Dục của THKMTĐ

Chương trình giáo dục được áp dụng tại THKMTĐ đã thể hiện hoàn toàn triết lý giáo dục vừa nêu trên. Nói một cách cụ thể, chương trình giáo dục tại THKMTĐ là một chương trình giáo dục tổng hợp gồm 2 phần rõ rệt:

Phần giáo dục hướng nghiệp này có một số mục tiêu như sau: [8]

Dựa trên mục tiêu vừa nêu trên, các bộ môn chính của giáo dục hướng nghiệp, Công Kỹ Nghệ, Kinh Tế Gia Đình, và Doanh Thương, đã được xác định tầm quan trọng và xây dựng với nội dung cụ thể như sau:

Công Kỹ Nghệ: (sau đây xin viết tắt là CKN)

Kinh Tế Gia Đình (sau đây xin viết tắt là KTGĐ):

Doanh Thương: (sau đây sẽ viết tắt là DT) [13]

Ngoài hai phần Giáo dục phổ thông và Giáo dục hướng nghiệp vừa trình bày bên trên, THKMTĐ còn có thêm một số ban ngoại khóa hoạt động rất tích cực và đem lại hiệu quả rất tốt cho việc học tập của học sinh. Trước tiên là Ban Hướng Dẫn Khải Đạo (với Giáo sư Phạm Văn Quảng là Trưởng Ban, và hai Giáo sư Dương Thủy Ngân, và Mai Thi Thanh là thành viên) có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đở các học sinh về nhiều lãnh vực như: học tập (chọn các môn nhiệm ý chẳng hạn), hướng nghiệp, tìm hiểu và giúp các học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý, khó khăn gia đình, vv. Ban Hướng Dẩn Khải Đao luôn luôn làm việc sát cánh với hai ban ngoại khóa khác là Ban Hướng Dẫn Đức Dục (với Trưởng Ban là Giáo sư Nguyễn Nhã, và các Giáo sư Dương Thi kIm Sơn, Huỳnh Thị Bạch Tuyết, và Phạm Văn Quảng là thành viên; sẽ nói thêm về Ban này trong phần sau) và Ban Sinh Hoạt Học Đường (với Giáo sư Trần Ngọc Ban là Trưởng Ban). Sinh Hoạt Hiệu Đoàn tại THKMTĐ cũng rất phong phú vì có cả một buổi chiều Thứ Năm hàng tuần dành cho Sinh Hoạt Hiệu Đoàn gồm cả sinh hoạt Hướng Đạo với các Trưởng Hướng Đạo là các Giáo sư Dương Văn Hóa, Huỳnh Văn Nhì, và Dương Thị Kim Sơn.

Hệ Thống Lượng Giá của THKMTĐ

THKMTĐ đã chuyển hẳn lối chấm điểm theo điểm số (từ 0 đến 20) mà tất cả các trường trung học trên toàn quốc đang áp dụng sang hệ thống chấm điểm theo chữ viết (A,B.C,D,và L) như sau: [14]

Các bài kiểm tra và bài thi thường được “soạn chủ yếu dưới dạng trắc nghiệm với nhiều kiểu khác nhau: điền khuyết, chọn lựa, trả lời vắn tắt.” [15]

“Học sinh được chọn vào trường trên căn bản thi tuyển tự do và cạnh tranh. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đi tiên phong trong việc dùng đề thi trắc nghiệm trong việc khảo thí. Muốn lên lớp 12, học sinh phải đậu bằng Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11. Muốn tốt nghiệp lớp 12, học sinh phải đậu kỳ thi Chứng Chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp (sau này đổi tên thành Tú Tài Tổng Hợp). Vì lý do thử nghiệm của chương trình giáo dục tổng hợp, hai kỳ thi trên được tổ chức trong trường theo đúng tinh thần các nghị định của Bộ Giáo Dục, có thêm phần thi vấn đáp nhiều môn học. Cách chấm điểm của các kỳ thi này có phần khó hơn lối chấm điểm trong các kỳ thi Tú Tài phổ thông bên ngoài. Hai bằng này được coi là tương đương và hưởng cùng quyền lợi như văn bằng Tú Tài I và Tú Tài II.” [16]

“Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ đức được xây dựng trong Khu Trung Tâm Đại Học Thủ Đức, cách đường Xa lộ Biên Hòa khoảng 1.000 m và cách trung tâm Sàigòn khoảng 16 km, thuộc xã Linh Xuân Thôn, Quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là Q.Thủ Đức, Tp.HCM). Diện tích xây cất khu trường là 5.107 m2 (kể cả khu trường mới của Đại học Sư phạm Sàigòn) trên khuôn viên khoảng 5 ha. Kinh phí xây dựng là 40 triệu đồng cho xây cất cả khu (tài khóa 1963), 6 triệu đồng cho trang bị bàn ghế cho các lớp học và văn phòng, trang bị sơ khởi cho các Phòng Thí Nghiêm.(tài khóa 1964).” [17]

Tại thời điểm năm 1965, khi vừa được xây cất xong, THKMTĐ là trường trung học có cơ sở vật chất đồ sộ và khang trang nhất tại VNCH.

Ngôi trường đồ sộ và khang trang nhất nước này đã được thiết kế do chính Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955, và cũng chính là người, sau này, vẽ kiểu cho Dinh Độc Lập (tức Phủ Tổng Thống của Đệ Nhị Công Hòa). Việc xây cất được khởi công ngày 26/5/1963 và hoàn tất vào ngày 30/3/1964.

Đội Ngũ Giáo Sư của THKMTĐ

THKMTĐ đã từng có được một đội ngũ giáo sư hùng hậu gồm một đa số rất lớn là các giáo sư trung học đệ nhị cấp được đào tạo chính quy từ Trường ĐHSPSG về đủ tất cả các bộ môn, và trong số này rất nhiều vị sau đó đã được học bổng du học tai Hoa Kỳ và tốt nghiệp với bằng Cao Học về Giáo Dục (Master of Education).

THKMTĐ, từ khi khai giảng năm học đầu tiên (1965) cho đến biến cố ngày 30-4-1975, đã có được tất cả 5 vị Hiệu Trưởng như sau:

Khi khai giảng niên khóa đầu tiên vào năm 1965, THKMTĐ đã có một ban giảng huấn gồm tất cả 21 vị như sau: [19]

(Ghi chú: GS. Lan Đài (Nhạc) tên thật là Nguyễn Kim Đài, nhạc sĩ với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Chiều Thương Nhớ (phổ thơ của Hoàng Hương Trang), Tà Áo Tím, vv.; GS Hoàng Hương Trang (Hội Họa) tên thật là Hoàng Thị Diệm Phương, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật)

Về sau, với số học sinh ngày càng tăng, nhu cầu về giáo sư cũng tăng lên, THKMTĐ đã được tăng cường thêm một số giáo sư mới, phần đông cũng đều là giáo sư trung học đệ nhị cấp đã có một số năm kinh nghiệm dạy học từ các trường trung học lớn từ các tỉnh chuyển về:

Phương Pháp Giảng Dạy và Học Tập Tại THKMTĐ

Tỷ lệ giáo sư / học sinh

Trước hết xin đề cập đến về vấn đề sĩ số. THKMTĐ đã có quyết định ngay từ khi mở trường là mỗi lớp chỉ nhân 35 học sinh thôi, khắc hẳn với sĩ số trung bình là khoảng 50 học sinh cho mỗi lớp tại các trường trung học trên toàn quốc. Mỗi năm trường chỉ mở thêm 4 lớp Đệ Thất, tức là chỉ nhận thêm vào 140 học sinh mỗi năm. Riêng cho niên khóa đầu tiên (1965-1966), trường tuyển học sinh cho 2 cấp lớp là Đệ Lục và Đệ Thất, tức là 8 lớp, 4 lớp Đệ Lục và 4 lớp Đệ Thất, với tổng số là 280 học sinh. Như vậy, trong niên khóa đầu tiên (1970-1971) khi trường có đủ 7 cấp lớp từ Đệ Thất lên đến Đệ Nhất, THKMTĐ có một tổng số học sinh tối đa là 980 học sinh. Tỷ lệ giáo sư / học sinh, lúc THKMTĐ đã có đủ 7 cấp lớp, vào khoảng 120/980 tức là 1/8, quả thật là một tỷ lệ lý tưởng cho việc kiểm nghiệm chương trình giáo dục tổng hơp mới này. Với tỷ lệ thầy-trò này cộng thêm với hoạt động rất tích cực của Phòng Hướng Dẫn Khải Đạo, tất cả học sinh của THKMTĐ đã được các giáo sư của từng bộ môn theo dõi, tiếp cận, và hướng dẫn để giúp đở, tiếp tay mỗi khi các em có vấn đề gì về chuyện học hành hay chuyện cá nhân và gia đình. Có thể nói là các giáo sư biết rất rõ về từng học sinh của mình, một điều khó có thể có được trong các trường trung học khác.

Dạy và Học Theo Phương Pháp Thuyết Trình

Phương pháp giảng dạy và học tập căn bản của THKMTĐ là phương pháp thuyết trình. Với chủ trương tránh không phạm vào khuyết điểm từ chương, bắt học sinh học thuộc lòng của đường lối giáo dục cũ, các giáo sư của THKMTĐ đã áp dụng, gần như cho tất cả các bộ môn, cách dạy học mới theo phương pháp thuyết trình, với trình tự như sau:

Với phương pháp thuyết trình này, các giáo sư THKMTĐ đã thật sự giúp cho học sinh, qua việc truy tìm, và sử dụng tài liệu mà các em đã tìm được, tự tạo ra kiến thức cho chính các em, chớ không phải do sự nhồi nhét của thầy cô, và, do đó, kiến thức đó sẽ vĩnh viễn là một phần của vốn trí thức của các em, và các em sẽ không bao giờ quên được. Qua việc chuẩn bị cho bài thuyết trình, các em lại học được thêm cách làm việc tập thể, nắm được kỹ thuật phân công, phân nhiệm. Qua việc thuyết trình và trả lời các câu hỏi của các bạn học, các em sẽ dần dà hoàn chỉnh khả năng trình bày trước đám đông, có khả năng tự chế, tự thắng được các sự lo lắng, rụt rè của bản thân, và có thể tự tạo cho mình khả năng nói chuyện lưu loát về một đề tài. Người viết bài này đã rất tự hào khi chứng kiến tận mắt sự trình bày lưu loát của các em đại diện học sinh khi phát biểu lời cảm tạ cũng như khi trao quà lưu niệm cho các vị quản trị cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trong những lần hướng dẫn các em đi du khảo.

Du Khảo

Ngoài việc sử dụng phương pháp thuyết trình trong việc giảng dạy, các giáo sư THKMTĐ còn tạo thêm cơ hội học hỏi cho học sinh qua các buổi du khảo được tổ chức rất thường xuyên trong suốt năm học.

“Du khảo mang nhiều hình thức khác nhau tùy theo bộ môn học tập. Danh từ “du khảo” tự nó đã cho thấy phương pháp học tập này bao gồm hai đặc tính căn bản là “du” và “khảo.” Đặc tính “du” cho thấy nơi chốn thực hiện phương pháp này không phải là tại trong khuôn viên của nhà trường mà phải đi ra ngoài. Đặc tính “khảo” cho thấy nội dung của phương pháp học tập là trực tiếp quan sát, tìm hiểu đối tượng học tập. Đặc tính thứ nhứt là một điều kiện vật chất, đòi hỏi nhà trường phải cung cấp phương tiện cho Thầy Trò tham gia “du khảo” có thể đi và về giữa nhà trường và địa điểm đến để thực hiện chuyến du khảo. Trường KMTĐ là trường trung học duy nhất tại Miền Nam trong thời gian đó có dư thừa khả năng này với giàn xe buýt vàng 15 chiếc dùng để đưa đón học sinh. Các Thầy Cô chỉ cần lên kế hoạch và thông báo trước cho nhà trường thì sẽ có xe để đưa học sinh đi du khảo. Do đó điều kiện này thật ra không đòi hỏi nhiều công sức đối với các Thầy Cô. Đặc tính thứ nhì, “khảo” là một điều kiện tinh thần, thật ra mới chính là chuyện quan trọng cho bất cứ chuyến du khảo nào. Các Thầy Cô phải có kế hoạch thật chi tiết cho các chuyến du khảo. Một mặt phải lo việc chuẩn bị địa điểm du khảo, bao gồm việc liên lạc, tiếp xúc, xác định chương trình, ngày giờ, nhân sự, mua sắm quà lưu niệm, vv. Mặt khác phải chuẩn bị cho học sinh về mọi mặt để các em có thể tiếp thu tối đa kiến thức và kinh nghiệm trong chuyến du khảo.

Trong một số trường hợp, sau các chuyến du khảo, các học sinh phải viết tường trình, cho biết rõ các điều mà các em đã học hỏi được.” [20]

Thành Quả của THKMTĐ

Thành Công Kiểm Nghiệm Chương Trình Trung Học Tổng Hợp

Hè 1971, THKMTĐ hoàn tất việc kiểm nghiệm Chương trình Trung học Tổng hợp với việc tổ chức thành công hai kỳ thi:

Khóa đầu tiên của Trường, tức Lớp 12, niên khóa 1970-1971, có 125 học sinh dự thi, đã có tất cả 105 học sinh đậu Chứng chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp, tỷ lệ là 84% với: [21, 22]

Với thành quả tốt đẹp này, THKMTĐ được đánh giá là đã thành công hoàn toàn trong việc kiểm nghiệm Chương trình Trung học Tổng hợp, đưa đến kết quả là Bộ Giáo Dục đã “ra nghị định số 2346-GD/TTHBDGD/HV/NĐ ngày 10-12-1971 ban hành chương-trình trung-học tổng-hợp đệ nhất cấp; và nghị định số 5770 GD/TTH/HV/NĐ ngày 22-6-72 ban hành chương trình trung học tổng hợp bậc đệ nhị cấp.” [23] Hai chương trình giáo khoa cho các trường trung học tổng hợp trên toàn quốc đã bao gồm rất nhiều nội dung chương trình phổ thông của THKMTĐ và hầu như toàn bộ chương trình các môn hướng nghiệp và cả môn Hướng Dẫn Đức Dục.

Đầu niên khóa 1971-1972, Bộ Giáo Dục đã cho thành lập thêm hai trường Trung Học Tổng Hợp lớn tại thủ đô Sài Gòn là Trường Sương Nguyệt Ánh do Giáo sư Đặng Kim Chi, cựu Giáo sư Trung Học Gia Long tại Sài Gòn, làm Hiệu Trưởng và Trường Nguyễn An Ninh với Giáo sư Nguyễn Trung Quân, cưu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ, làm Hiệu Trưởng.[24]

Lâm Vĩnh-Thế

GHI CHÚ:

  1. Phạm Cao Dương, “Sự liên tục của lịch sử trong nền giáo dục của Miền Nam thời trước năm 1975,” trong Giáo dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975). Santa Ana, CA: Lê Văn Duyệt Foundation và Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long, 2006, tr. 130.
  1. Nguyễn Hữu Phước, “Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam (1954-1974): Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng,” trong cùng tài liều vừa dẫn bên trên, tr. 136.
  1. Trần Văn Chánh, “Giáo dục miền Nam Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/tran-van-chanh/giao-duc-mien-nam-viet-nam-1954-1975-tren-con-duong-xay-dung-va-phat-trien. Tác giả ghi rõ như sau: “Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II năm 1964 (gọi là Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964) tiếp tục tái xác nhận ba nguyên tắc định hướng căn bản nhưng sửa lại thành: nhân bản, dân tộc, khoa học.”
  1. Trường Trung Học Kiểu Mẫu (thuộc Trường Đại-Học Sư-Phạm, SAIGON): Dự án Đại Cương để Đệ Trình Hội-đồng Khoa Đại-học Su-Phạm. Saigon: Đại-học Sư-Phạm, Tháng 3 năm 1965. 14 trang. Tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.kieumauthuduc.org/images/KMTD_Docs/DuAnDaiCuong1965.pdf
  1. Phạm Văn Quảng, “Việc chuẩn bị Chương Trình Trung Học Tổng Hợp,” trong cùng tài liệu đã dẫn tại các Ghi chú số 1 và số 2, tr. 182-183. Giáo sư Phạm Văn Quảng, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Anh Văn, Khóa 1 (1958-1961), Giáo sư môn Anh Văn tại Trường Trung Học Petrus Ký, sau đó du học tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp bằng Bachelor of Art, Đại Học George Peabody College, Tennessee, và bằng Master of Education, Đại Học Southern Illinois University (SIU), Hoa Kỳ, chính là Giáo sư Trưởng Ban Hướng Dẫn Khải Đạo của THKMTĐ và cũng là vị Hiệu Trưởng thứ ba của Trường.
  1. Trường Trung Học Kiểu Mẫu, tài liệu đã dẫn, tr. 2.
  1. Trường Trung Học Kiểu Mẫu, tài liệu đã dẫn, cùng trang.
  1. Phạm Văn Quảng, “Đúc kết ý nghĩa của chương trình thực nghiệp trong hệ thống giáo dục và hướng dẫn,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/114-y-ngha-ca-chng-trinh-thc-nghip.html
  1. Trấn Cẩm Hồng, “Tầm quan trọng của môn Công Kỹ Nghệ,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/110-tm-quan-trng-ca-mon-hc-cong-k-ngh.html Giáo sư Trần Cẩm Hồng, tốt nghiệp Bachelor of Science in Industrial Arts, Đại Học Ohio, Hoa Kỳ, chính là Giáo sư Trưởng Ban Công Kỹ Nghệ của THKMTĐ.
  1. Nguyễn Văn Nam, “Nội dung môn Công Kỹ Nghệ,“ tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/111-ni-dung-mon-cong-k-ngh.html Giáo sư Nguyễn Văn Nam, tốt nghiệp Bachelor of Science in Industrial Arts, Đại Học Indiana, Hoa Kỳ, là Giáo sư ban Công Kỹ Nghệ của THKMTĐ.
  1. Dương Thị Kim Sơn, “Tầm quan trọng của môn Kinh Tế Gia Đình,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/112-tm-quan-trng-ca-mon-kinh-t-gia-inh.html?showall=1 Giáo sư Dương Thị Kim Sơn, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Anh Văn, Khóa 1 (1958-1961), Bachelor of Science in Education (1963), Master of Science (1964), Đại Học Ohio, HoaKỳ, và Post Graduate, Queen Elizabeth College / University of London, Anh Quốc (1972-1973), là Giáo sư các môn Anh Văn, Hướng Dẫn Đức Dục, và cũng chính là Giáo sư Trưởng Ban Kinh Tế Gia Đình của THKMTĐ.
  1. Huỳnh Thị Bạch Tuyết, “Phân phối chương trình Kinh Tế Gia Đình,” trong cùng tài liệu trực tuyến vừa ghi bên trên ở Ghi Chú số 11. Giáo sư Huỳnh Thị Bạch Tuyết, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Vạn Vật, Khóa 1 (1958-1961), Bachelor of Science in Education (1963), Master of Science (1964), Đại Học Ohio, HoaKỳ, và Post Graduate, Queen Elizabeth Colleg / University of London, Anh Quốc (1972-1973), là Giáo sư môn Kinh Tế Gia Đình của THKMTĐ.
  1. Phan Thanh Hoài, “Giáo dục Doanh Thương trong chương trinh trung học phổ thông,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/mon-hoc-huong-nghiep/113-giao-dc-doanh-thng-trong-chng-trinh-ph-thong.html Giáo sư Phan Thanh Hoài, tốt nghiệp Master of Education, Đại Học Kent State, Hoa Kỳ, chính là Giáo sư Trưởng Ban Doanh Thương của THKMTĐ.
  1. Huỳnh Văn Nhì, “Lược sử Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://kyuckieumauthuduc.com/kieumau/chuyen-xua/lich-su-cua-truong/thay-co-viet/209-lch-s-trng-chng-2-phn-1.html Giáo sư Huỳnh Văn Nhì, tốt nghiệp Ban Toán, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Khóa 4 (1964), chính là Giáo sư Ban Toán, Giám Học, và cũng là vị Hiệu Trường cuối cùng của THKMTĐ. Xin xem chi tiết về Hệ Thống Lượng Giá của THKMTĐ tại Chương 4 của tài liệu này với tựa đề Phương pháp đánh giá thành quả học tập của học sinh Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức.
  1. Phanxipăng, “Nhớ trường Kiểu Mẫu,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.rongmotamhon.net/static/chimvie3/55/phanxipn_155NhoTruongKieuMau.htm
  1. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.facebook.com/saigontoiyeu54/posts/979047485591835/
  1. Huỳnh Văn Nhì, tài liệu đã dẫn, Chương 1, tr. 25.
  1. Lâm Vĩnh Thế, “Thư viện Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức,” đã đăng trong Thư viện tập san, Bộ mới, số 10, Đệ 4 TCN (1970), tr. 25-31, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcdjMyMXNVa3VmSzQ/view Giáo sư Lâm Vĩnh Thế, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Địa, Khóa 3 (1963), Master of Library Science, Đại Học Syracuse, New York, Hoa Kỳ (1973), chính là Giáo sư môn Kiến Thức Xã Hội, và Quản Thủ Thư Viện của THKMTĐ.
  1. Lâm Vĩnh Thế, “Chung một giấc mơ,” đã đăng trong Nhìn vể trường xưa: đặc san 2006, Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, tr. 76-77, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcdFFXNXliUTFuRkU/view
  1. Lâm Vĩnh Thế, “Du Khảo: một nét đặc thù của chương trình giáo dục của Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức,” tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Tuyển tập Vĩnh Nhơn Lâm Vĩnh Thế tại địa chỉ Internet sau đây: https://drive.google.com/file/d/0B3Hpasd2o_vcdTdURmliZlJNS2M/view
  1. Huỳnh Văn Nhì, tài liệu đã dẫn, Chương 4, tr, 147.
  1. Phạm Gia Vinh, điện thư ngày 24-10-2020, lúc 10:31 PM; em Vinh, cựu Trưởng Ban Đại Diện Học Sinh THKMTĐ, tốt nghiệp Hạng Giỏi, Khóa 1 (1971), du học Hoa Kỳ, tốt nghiệp Kỹ Sư, thì tổng số học sinh đã trúng tuyển Hạng Giỏi bằng Thành Chung Trung Học Tổng Hơp của năm 1971 là 26, chứ không phải là 25 như trong tài liệu của Giáo Sư Huỳnh Văn Nhì.
  1. Phạm Văn Quảng, tài liệu đã dẫn, tr. 185.
  1. Nguyễn Trung Quân, “Đôi điều ghi nhớ về trường trung học tổng hợp ở Miền Nam Việt Nam,” trong Giáo dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975), tài liệu đã dẫn bên trên, tr. 194-195.

Bài nên xem

Exit mobile version