Site icon Sài Gòn Xưa

Bộ phim “Kiếp hoa” và nhạc phẩm “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý

Kiếp hoa là một trong những bộ phim có âm thanh đầu tiên do người Việt sản xuất, trước đó cũng có nhiều phim truyện do người Pháp hoặc người Việt thực hiện với diễn viên, cảnh trí Việt Nam, song thời lượng thường rất ngắn và chất lượng, nội dung không cao. Được quay tại Hà Nội năm 1953 và trình chiếu trên toàn quốc năm 1954, sự xuất hiện của bộ phim Kiếp hoa là sự kiện “vô tiền khoáng hậu” lúc bấy giờ, gây nên làn sóng ái mộ trên khắp ba miền; điều mà trước đó chỉ có ở phim ảnh nhập từ nước ngoài.

Nội dung truyện phim xoay quanh câu chuyện của hai chị em gái tên là Ngọc Lan và Ngọc Thủy. Trong thời gian loạn lạc, họ cùng với bà mẹ già yếu phải chạy tản cư. Trên đường đi, họ may mắn được Thiện; một thanh niên cho về ở nhờ. Với lòng hào hiệp, Thiện đã giúp đỡ họ trong thời điểm khó khăn, chẳng mấy chốc, chàng đã có mối thiện cảm với cô chị Ngọc Lan. Hai người đã yêu nhau.

Những tháng ngày yên ổn kéo dài không lâu, cha Thiện nhắn chàng về Hà Nội. Phút chia tay, Thiện và Lan đã trao ảnh làm tin. Ít lâu sau, người mẹ đã qua đời vì bạo bệnh. Chiến sự xảy ra, hai chị em phải rời nơi tá túc, họ trở về Hà Nội tìm Thiện nhưng  không gặp. Không nhà cửa, tiền bạc cũng hết, hai chị em tìm đến gánh hát Kim Chung xin thi tuyển diễn viên nhưng không được chào đón. Đang bơ vơ không chốn nương thân, lần này họ lại may mắn gặp được Tam; một người quen biết cũ. Hai chị em xin ở nhờ, đồng thời giúp việc cho quán mì của Tam.

Một ngày nọ, Lan gặp Nhạc, một người bạn của Thiện. Chính Thiện đã đưa ảnh Lan cho Nhạc nhờ bạn đi tìm Lan. Mê mẩn trước nhan sắc của Lan, Nhạc nảy sinh ý đồ muốn chiếm người thương của bạn. Anh ta báo tin cho Lan rằng Thiện đã mất vì đạn lạc. Nhưng trời bất dung gian, khi Nhạc giở trò tán tỉnh thì bị Lan từ chối và tát cho một cái rất mạnh.

Mấy hôm sau,Tam mượn cớ để Lan khuây khỏa nỗi phiền muộn, anh ta mời hai chị em  đi xem cải lương ở rạp Kim Chung. Khi bức màn sân khấu hạ xuống,Tam chuốc rượu cho Lan say khướt. Nàng thất thân với Tam, đành phải cắn răng chấp nhận lấy Tam làm chồng để tránh điều tiếng. Tuy nhiên, khi biết Tam có ý đồ đen tối là “hoa nhổ cả cụm”, Lan và Thủy đành phải rời bỏ hàng mì ra đi. Sau một đêm lang thang ngoài vỉa hè, hai cô tình cờ gặp lại bà hàng xóm cũ. Bà cho họ một số vốn để làm ăn, họ mở hàng thuốc lá bên vệ đường.

Một hôm, có chiếc xe mui trần màu trắng sang trọng ghé vào mua thuốc lá. Chàng công tử vận đồ trắng trên xe chính là Thiện. Thoạt đầu Lan cố lẩn tránh, nhưng sau cùng đã chấp nhận lời cầu hôn của Thiện.

Trong tiệc cưới, Lan nhận ra người bồi bưng khay rượu mừng chính là bạn của Tam. Sợ quá khứ bị lộ, hại đến thanh danh của Thiện và gia đình, nàng lén bỏ đi trong đêm. Hôm sau, người ta phát hiện nàng đã mất trong một căn nhà hoang đổ nát…

Thời điểm đó, phim Kiếp hoa chỉ là một dự án phim mang tính gia đình, bởi lúc đó chưa có nhà làm phim chuyên nghiệp. Để chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm điện ảnh do chính mình chỉ đạo sản xuất, ông bầu Long (tức Trần Viết Long, nghệ danh Trần Lang, trưởng đoàn hát Kim Chung) đã tổ chức một cuộc thi sáng tác truyện phim và chọn ra kịch bản tâm đắc Kiếp hoa từ hơn 300 tác phẩm ứng thí. Vốn đầu tư sản xuất là toàn bộ doanh thu từ các đêm diễn của đoàn Kim Chung.

Các tài tử của bầu Long ban ngày thì đóng phim, tối lại phải lên sâu khấu diễn cải lương. Ngoại cảnh Kiếp hoa được quay tại Hà Nội, nhưng nội cảnh thì phải sang Hồng Kông quay.. Đạo diễn và nhà quay phim đều là người Hồng Kông. Nội cảnh nhà nhân vật nam chính được sắp đặt y như nội thất nhà riêng của ông bầu Long đang ở lúc đó, nơi ngày nay là số 84 phố Nguyễn Du (Hà Nội). Đảm nhiệm vai Ngọc Lan là nữ tài tử Kim Chung (phu nhân của ông bầu Trần Viết Long), nữ tài tử Kim Xuân (em dâu của bà Kim Chung) đóng vai Ngọc Thủy ; nhân vật nam chính (Thiện) do tài tử Trần Quang Tứ thủ diễn. Để tăng phần hấp dẫn cho Kiếp hoa, các nhà làm phim đã mượn giai điệu và lời ca của một số ca khúc làm nhạc nền, trong đó ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gây ấn tượng nhất.

Ra đời trong thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương, trong khi điện ảnh vẫn còn  xa lạ với công chúng, do đó cách dàn dựng trong phim còn nặng tính ước lệ, lối diễn xuất cũng như kỹ thuật hóa trang chưa thoát khỏi ảnh hưởng của ca kịch, tuy nhiên so với mặt bằng chung của điện ảnh thế giới bấy giờ thì thực trạng như vậy cũng không đến nỗi nào đối với một bộ phim truyện đầu tiên ra mắt công chúng.

Ngay từ khi sắp công chiếu, Kiếp hoa đã trở thành một sự kiện đình đám. Thậm chí nhà sản xuất còn thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh Hồ Gươm Hà Nội. Do đó, khi trình chiếu, bộ phim được đông đảo công chúng nô nức đến xem.Tiền bán vé thu được đã giúp ông bầu sắm được một ngôi biệt thự sang trọng, đồng thời giúp ông đầu tư phát triển tới 7 đoàn Kim Chung đi diễn khắp miền Nam về sau.

Không chỉ chiếu ở Hà Nội, phim còn được chiếu ở Sài Gòn và nhiều tỉnh ở miền Tây Nam bộ. Nhiều nơi, bộ phim gây “cháy vé”, một phần nhờ vai Ngọc Thủy của nghệ sĩ Kim Xuân; một diễn viên cải lương ăn khách thời bấy giờ. Theo nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh thì nghề đầu cơ vé xem phim ở Việt Nam bắt đầu từ bộ phim này.

Ở Hà Nội, suốt tháng 10 năm 1953, Kiếp hoa được chiếu cùng lúc tại rạp Đại Nam (phố Huế) và Bắc Đô (Hàng Giấy), có chênh nhau nửa giờ. Cứ xong một cuộn ở rạp này, có người chạy xe mang sang rạp kia chiếu tiếp. Ở Sài Gòn, phim cũng chiếu cùng lúc hai rạp Nam Quang và Nam Việt.

Do tình hình biến động của đất nước, suốt một thời gian dài sau năm 1954, phim Kiếp hoa vắng bóng ở cả hai miền Nam Bắc.Thật may, gần đây trước khi từ trần (2008), nữ danh ca Kim Chung đã gửi tặng Viện Lưu trữ phim Việt Nam 8 cuộn băng gốc của bộ phim này. Các chuyên viên kỹ thuật của viện đã bắt tay vào việc phục chế bộ phim và hoàn tất vào năm 2012.

Nhân đây xin được nói qua về ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; bài hát góp phần làm cho bộ phim thành công vang dội.

Dư âm được sáng tác năm 1949. Theo lời kể của nhạc sĩ trong một lần trả lời phỏng vấn thì vào năm 1949, ông là trưởng đoàn văn công của Sư đoàn 304, lúc đó mặc dù rất tài hoa nhưng ông chưa có người yêu. Một ngày nọ, một người bạn rủ ông về nhà chơi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà bạn có 2 người con gái: người chị 22 tuổi và cô em mới vừa 16. Ý định của người bạn là muốn mai mối cô chị cho ông.

Khi hai người đang nói chuyện thì cô em bất thần xuất hiện, đến sau lưng chị, tì cằm vào ghế chị ngồi và nhìn ông với đôi mắt đen tròn lay láy. Ông kể: “Ôi! Đôi mắt kỳ diệu đã hút hồn khiến tôi sững sờ, đờ đẫn, rồi lặng im như người mất hồn”. Thấy anh chàng nhạc sĩ 26 tuổi bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và… đứng dậy bỏ đi. Cô em sợ quá, cũng đi luôn vào trong.

Lúc ấy nhạc sĩ biết mình đã dính phải tình yêu “sét đánh”, và ông cũng tin cô gái 16 tuổi kia ít nhiều cũng có tình cảm với mình. Sau đó, bị gia đình cấm bén mảng vì cô em còn quá nhỏ, nhưng vì quá nhớ nhung nên ông vẫn đánh bạo ghé thăm, song chỉ được ngồi ngoài sân trò chuyện cùng với người bạn thân.

Một đêm trăng sáng, khi hai người bạn đang ngồi trò chuyện, nhạc sĩ một lần nữa rụng tim khi thấy cô em ra ngoài thềm ngồi hong tóc. Xong cô ôm đàn ngồi hát khe khẽ. Đó là khoảnh khắc đã tạo nên câu hát “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…”Cảm xúc từ hình ảnh ấy đã giúp ông hoàn thành tác phẩm Dư âm của mình.

Có thể nói rằng, sự kết hợp của Kiếp hoaDư âm đã góp phần làm thăng hoa cho một tác phẩm điện ảnh được ra đời trong thời điểm mà nghệ thuật thứ bảy còn rất sơ khai…

Bài nên xem

Exit mobile version