Site icon Sài Gòn Xưa

Thành phố hoa phượng đỏ

Từ lâu, hoa phượng đỏ hay phượng vĩ đã trở thành biểu tượng của thành phố Hải Phòng. Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar. Người Pháp đã đưa về trồng tại Hải Phòng từ cuối thế kỷ thứ 19. Hoa phượng thường nở vào mùa hè, trùng với thời điểm kết thúc năm học, do đó còn được gọi là “hoa học trò”. Sắc đỏ rực rỡ của phượng vĩ đã đi vào thơ ca và gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân Hải Phòng nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. 

Hoa phượng nở ở Hải Phòng. (Ảnh theo tapchisaoviet.vn)

Nếu như màu hoa phượng đỏ làm nên bức tranh về một thành phố mộng mơ thì cảng biển chính là linh hồn của Hải Phòng với tên gọi thành phố Cảng rất đỗi gần gũi, thân thương của người dân đất cảng. Hải Phòng là là trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ.

Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh theo haiphong.gov.vn)

Bên cạnh đó, Hải Phòng hiện lưu giữ nhiều nét hấp dẫn về kiến trúc, bao gồm kiến trúc truyền thống với các chùa, đình, miếu cổ; và kiến trúc tân cổ điển Pháp tọa lạc trên các khu phố cũ. Không những thế, Hải Phòng cũng được biến đến như một thành phố du lịch với quần đảo Cát Bà và khu du lịch biển Đồ Sơn. Trong đó, quần đảo Cát Bà còn được UNESCO công nhận là một khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Lịch sử vùng đất cảng

Theo các kết quả khảo cổ học, Cái Bèo nay gọi Cát Bà thuộc văn hóa Hạ Long; còn Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Núi Voi, An Lão thuộc văn hóa Đông Sơn. Điều đó là minh chứng xác định vùng đất Hải Phòng từ xưa đã là nơi cư dân Việt cổ sinh tụ, làm ăn.

Dưới thời Bắc thuộc, những năm đầu Công Nguyên, các vùng đất thuộc địa bàn Hải Phòng như nội thành Hải Phòng ngày nay, huyện Thủy Nguyên, huyện An Lão, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh Bảo… là nơi nữ tướng Lê Chân về gây dựng căn cứ và tuyển mộ nghĩa quân chống quân Đông Hán dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng. Điều này đã được chép trong thần phả làng xã vẫn còn được lưu truyền lại. Nữ tướng Lê Chân là người có công đầu trong việc khai phá lập nên trang An Biên xưa, còn được biết đến là trấn Hải Tần Phòng Thủy – tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Hải Phòng xưa. (Ảnh theo vi.wikipedia.org)

Hải Phòng là nơi chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng, địa thế hiểm trở, là cửa ngõ vào kinh thành Đại La – Thăng Long. Đặc biệt, sông Bạch Đằng là nơi diễn ra những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử chống lại sự xâm lược của phương Bắc với trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn và trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo.

Thời Lê sơ, toàn bộ địa bàn Hải Phòng ngày nay thuộc trấn Hải Dương, một trong Thăng Long Tứ Trấn, hay còn được gọi là xứ Đông và là miền duyên hải cực Đông của xứ này.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập nên nhà Mạc với trung tâm quyền lực đặt ở Thăng Long. Mạc Đăng Dung vốn xuất thân từ cư dân làm nghề chài lưới và buôn bán ven biển. Năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai cả là Mạc Đăng Doanh để lui về quê hương Cổ Trai làm thái thượng hoàng. Ông đã cho xây dựng làng Cổ Trai, từ một làng chài ven biển thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn của trấn Hải Dương khi đó (ngày nay là xã Ngũ Đoan thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), trở thành kinh đô thứ hai của nhà Mạc (Dương Kinh). Mạc Đăng Dung lấy Nghi Dương làm trung tâm của Dương Kinh, cắt phủ Thuận An ở trấn Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở trấn Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh. Nhà Mạc thuộc số ít các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng phát triển công thương nghiệp, thay vì tập trung chủ yếu vào kinh tế tiểu nông truyền thống.

Dương Kinh được xây dựng như một kinh đô thu nhỏ, với vai trò là kinh đô thứ hai của nhà Mạc sau trung tâm quyền lực ở Thăng Long. Theo những mô tả của các bộ chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử), văn bia cổ còn lưu lại và hiện trường được phát lộ cùng khối lượng hiện vật phong phú thu được qua các đợt khai quật khảo cổ thì Dương Kinh bao gồm quần thể kiến trúc cung điện, lầu các với quy mô trải rộng như Các Dương Tự, điện Tường Quang, Phúc Huy, phủ Hưng Quốc, đồn binh, kho lương và cả một trường Quốc học song song với Quốc Tử Giám tại Thăng Long. Ngoài ra, còn có các đình, chùa được xây mới hoặc tu bổ, cùng với hệ thống đê bao ngăn nước mặn và chống lũ lụt. Nhà Mạc còn cho xây dựng một số thương cảng trên bến dưới thuyền làm nơi giao thương như phố Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha. Ngày nay, các nhà sử học Việt Nam có chung nhận định Dương Kinh thời Mạc không chỉ là kinh đô hướng biển mà còn là đô thị ven biển đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Toàn cảnh Hải phòng năm 1931. (Ảnh theo vi.wikipedia.org)

Như vậy, Trải qua những biến cố lịch sử đến ngày nay, nguồn gốc địa danh cái tên Hải Phòng  như sau:

Trong quá khứ, người Hải Phòng gắn bó với những cái tên như nhà “máy Tơ”, “máy Chai”, “máy Bát”, “máy Chỉ”, nhà máy cơ khí “Ca-rông”, “Com-ben”, “Sắc-rích”, các rạp chiếu phim “Khánh Nạp”, “Công Nhân”, các con phố, đường, những tên ngõ “Đất Đỏ” (nay là ngõ Hoàng Quý), ngõ “Lửa Hồng”, ngõ “Đá”…

Ngoài ra, Hải Phòng xưa cũng quen thuộc với câu thơ:

Hải Phòng có bến Sáu kho
Có sông Tam Bạc có lò Xi măng

Kiến trúc đa dạng

Kiến trúc của thành phố Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa hai nền văn hóa Á – Âu. Sự pha trộn này tạo ra cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt. Hải Phòng còn giữ được nhiều khu phố với kiến trúc khá nguyên vẹn từ thời Pháp thuộc. Như ở quận Hồng Bàng, nhiều phố với những biệt thự do người Pháp xây dựng vẫn được giữ nguyên về tổng thể, tập trung các cơ quan hành chính.

Nhà cổ trên phố Tam Bạc. (Ảnh theo eva.vn)

Ở quận Hồng Bàng có khu phố Tàu gần Chợ Sắt phố Khách nay là phố Phan Bội Châu và phố Trung Quốc nay là phố Lý Thường Kiệt, có những nét giống như khu vực Chợ Lớn ở Sài Gòn, đặc biệt là phố Tam Bạc nằm ngay bên con sông Tam Bạc thơ mộng, trên bến dưới thuyền, từng là đề tài cho nhiều họa sĩ.

Một số công trình kiến trúc công sở quận Hồng Bàng. (Ảnh theo haiphongaz.com)

Quận Hồng Bàng, và Quận Lê Chân hiện nay còn lưu giữ nhiều tòa nhà, ngôi nhà mang di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc, đặc biệt là hai tuyến phố Tam Bạc và phố Lý Thường Kiệt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Tam Bạc vẫn giữ được những nét cổ kính trong không gian kiến trúc với những tòa nhà hàng trăm năm tuổi. Phố Tam Bạc được mở từ thời Pháp thuộc, ban đầu gồm hai đoạn phố với tên gọi là Marésanne Proc và Gaull de Luis. Năm 1953, phố được đổi tên là Bạch Thái Bưởi. Sau năm 1954 đổi tên thành phố Tam Bạc. Sở dĩ có tên gọi này giản đơn vì tuyến phố chạy dọc theo một dòng sông có tên là Tam Bạc.

Biệt thự kiến trúc cổ quận Lê Chân. (Ảnh theo vtimes.com)

Chạy song song với phố Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc xưa. Nhà ở đây xuyên từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Tam Bạc. Những bức tường vàng ố màu thời gian, những cánh cửa gỗ hẹp ngang và cao của các ngôi nhà ống lợp ngói âm dương theo phong cách kiến trúc cổ Trung Quốc. Thời kỳ trước phố này được gọi là phố Khách vì có nhiều người Hoa đến đây sinh sống, buôn bán xen lẫn với những ngôi biệt thự kiến trúc Gô-tích của Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 với những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên các mái vòm cong cong, tạo nên vẻ đẹp kiến trúc giao thoa Đông – Tây cho con phố.

Nhà ở phố Lý thường Kiệt. (Ảnh theo haiphongaz.com)

Bên cạnh đó Hải Phòng còn có những đại danh nổi tiếng được thiên nhiên ban tặng như:

Đồ sơn Hải Phòng. (Ảnh theo www.foody.vn)
Quần đảo Cát Bà. (Ảnh theo wikipedia.org)
Hòn Dáu. (Ảnh theo haiphongaz.com)

Văn hóa tín ngưỡng và lễ hội

Hải Phòng có khá nhiều đền thờ như đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo, nữ tướng Lê Chân, Ngô Quyền, đền thờ chúa bà Năm Phương và hệ thống chùa chiền, đền thờ tứ phủ. Ngoài ra, Công giáo tại Việt Nam cũng có một giáo phận đặt ở Hải Phòng  gọi là Giáo phận Hải Phòng.

Cũng như mọi địa phương trên cả nước, Hải Phòng cũng là nơi có các lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.

Ẩm thực

Ẩm thực Hải Phòng bình dị và dân dã, không cầu kỳ nhưng đậm đà khó quên, chủ yếu là các món hải sản. Các nhà hàng hải sản ở khu vực Đồ Sơn có tôm cua cá mực rất tươi và giá phải chăng. Phong cách chế biến hải sản ở Hải Phòng theo phong cách dân dã, nhấn mạnh thực chất và vị tươi ngon của nguyên liệu nhiều hơn sự cầu kỳ trong gia vị và cách chế biến.

Một bát bánh đa cua – đặc sản Hải Phòng. (Ảnh theo vi.wikipedia.org)

Các món ăn như bánh đa cua, bún cá, bánh mỳ cay, cơm cháy hải sản, ốc cay, nem cua bể (nem vuông), giờ đây đã quá quen thuộc và nổi tiếng. Những món ăn này có thể được tìm thấy trên đường phố của những nơi khác như Sài Gòn, Hà Nội… nhưng được thưởng thức chúng trên thành phố hoa phượng đỏ vẫn là lý tưởng nhất vì sự lựa chọn nguyên liệu tươi ngon cùng với những bí quyết ẩm thực riêng của người đầu bếp. Ẩm thực Hải Phòng đã từng được quảng bá sang Châu Âu tại lễ hội biển Brest 2008 (Cộng hòa Pháp) và đã gây được tiếng vang lớn.

Ngoài ra, Hải Phòng còn có nhiều món ăn khác như lẩu bề bề, nộm giá, thịt san biển, sủi dìn, bánh bèo,… Một số món ăn không thể thưởng thức ở những nơi khác mà chỉ có tại Hải Phòng.

*****

Có thể nói từ lịch sử, đến phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch và lễ hội, tất cả đã làm nên những nét đặc trưng riêng của thành phố cảng Hải Phòng. Người dân đất cảng nói riêng và người Việt Nam nói chung luôn tự hào về những chiến tích lẫy lững trên sông Bạch Đằng, trong đó không thể không kể đến trận chiến của Ngô Quyền, người có công kết thúc 1000 năm Bắc Thuộc.

Người Hải Phòng ngày nay hẳn còn tự hào là một trong những thành phố phát triển giao thương cảng biển sớm và lớn nhất cả nước. Cái tên Bạch Thái Bưởi- doanh nhân hàng hải lẫy lừng, đại diện cho những tiền bối doanh nhân có khát vọng xây dựng đất nước chân chính, từng được thống sứ Bắc Kỳ Réne Robin, coi là đối thủ số một: Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”; “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”Dù không sinh ra ở Hải Phòng nhưng lập nghiệp, sống chết tại Hải Phòng, Bạch Thái Bưởi đã có công phát triển ngành hàng hải, công nghiệp đóng tàu của người Việt Nam không hề thua kém người Pháp, Trung Quốc thời đó.

Ấn tượng hơn cả đối với Hải Phòng hẳn vẫn là hình ảnh của màu hoa phượng đỏ, mà âm hưởng, sắc thái thi vị đã thấm đẫm tâm hồn người dân đất cảng với những giai điệu rất đỗi gần gũi, thân thuộc qua những bài hàt về “thành phố hoa phượng đỏ”:

Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ 
Ơi Hải Phòng thành phố quê hương 

Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất 
Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm, 
Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên 
Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt 
Ôi thân thiết tự hào quê hương…

Thanh Phong

Bài nên xem

Exit mobile version