Nguyễn Phúc Ánh còn có tên huý là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn, sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8/2/1762). Năm Giáp Ngọ (1774), triều đình chúa Nguyễn suy sụp do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân, Nguyễn Ánh theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Từ đó, bôn tẩu gian nan, tìm mọi cách giành lại vương quyền cho họ Nguyễn. Năm Đinh Dậu (1777) được các tướng tôn làm Đại Nguyên suý Nhiếp chính quốc. Năm Canh Tý (1780), Gia Long lên ngôi Vương ở Sài Côn (Sài Gòn) dùng Kim Bảo truyền quốc Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh trấn chi bảo.

Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh chỉ huy quân đánh chiếm Thuận Hoá. Tháng 5 năm ấy, Nguyễn Ánh giành được toàn bộ đất đai cũ của chúa Nguyễn. Ngày 2/5/1802, Nguyễn Ánh cho lập đàn tế cáo trời đất, thiết triều tại Phú Xuân, đặt niên hiệu Gia Long năm thứ nhất, ban lệnh đại xá thiên hạ. Tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Năm Bính Dần (1806), vua Gia Long làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế ở điện Thái Hoà.

Trong thời gian trị vì, vua Gia Long đã bước đầu xây dựng nhà nước phong kiến độc lập tự chủ trên một quốc gia thống nhất, kiến lập hệ thống Lục Bộ, dựng Quốc Tử Giám, xây Văn Miếu ở Kinh đô Huế và các địa phương, mở khoa thi tuyển chọn nhân tài. Vua Gia Long còn cho xây dựng, tu sửa lăng tẩm, ra sắc mệnh dùng vàng để đúc các Bảo Tỷ dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại.

Vua Gia Long ở ngôi được 18 năm, mất vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (3/2/1820) hưởng thọ 58 tuổi. Sau khi mất, bài vị nhà vua đuợc đưa vào thờ ở Thế Miếu và có Miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Đế.

Sách Minh Mệnh chính yếu có đoạn ghi: “Đức Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng Đế ta, dựng thành quy chế, lập ra pháp luật, trăm chế độ đều mới cả, ra sắc mệnh đúc các loại ấn như: Chế cáo chi bảo, Ngự tiền chi bảo, Mệnh đức chi bảo”.

Trong bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử  Quốc gia Việt Nam hiện còn 11 chiếc kim bảo đúc dưới đời vua Gia Long. Những kim bảo này đều được đúc bằng vàng và bạc.

1.Kim Bảo: Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành : Ấn được đúc bằng vàng, quai rồng tư thế đứng, đầu quay lại, lưng cong, đuôi vút, miệng ngậm ngọc, chân 5 móng. Về thể thức kim bảo này tương tự với chiếc kim bảo đúc dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1709.

2.Kim Bảo: Quốc gia tín bảoẤn được đúc bằng vàngKim Bảo này dùng để đóng trên các văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ. Dấu Quốc gia tín bảo còn thấy chứng tích trong tờ chiếu đời Gia Long phong cho Nguyễn Du tước Du Đức hầu, ngày 19 tháng 5 năm Ất Hợi, năm Gia Long thứ 14, 1814.

3. Kim Bảo: Mệnh đức chi bảo: Ấn được đúc bằng vàng. Ấn này mở đầu cho một nhóm có cùng kiểu thức về quai rồng, kiểu ấn 1 cấp hình vuông, các ấn Chế cáo chi bảo, Sắc chính vạn dân chi bảo và Trị lịch minh thời chi bảo. Quai của những ấn này đều đúc hình rồng đứng, đầu quay lại lưng, miệng ngậm ngọc, 2 sừng dài, lưng cong, đuôi cụp lại với 7 tia xoè hình ngọn lửa, chân 5 móng. Kiểu chữ Triện trên mặt các ấn này cũng tương tự nhau, nét mảnh đều. Lưng các ấn này cũng đều không có khắc chữ gì. Mệnh đức chi bảo là loại ấn có kích thước lớn. Kim Bảo này được dùng đóng trên các bản văn ban thưởng các quan viên có công lao lớn, có thành tích đặc biệt hay trung thành.

4. Kim Bảo: Chế cáo chi bảoẤn được đúc bằng vàng, hình thể giống như Kim Bảo Mệnh đức chi bảo. Kim Bảo này được dùng đóng trên tờ huân giới, sắc, chiếu mệnh sai phái các quan văn võ cùng chiếu văn thăng giáng cấp bậc, răn dạy quan tướng.

5. Kim Bảo: Sắc chính vạn dân chi bảo: Ấn đúc bằng vàng, hình thể cũng giống như Kim Bảo Mệnh đức chi bảo. Kim Bảo này đóng trên các đạo sắc văn, khuyên giới dân chúng tứ phương, nêu gương các nhân vật tiết nghĩa hiếu hạnh.

6. Kim Bảo: Trị lịch minh thời chi bảo:  Ấn được đúc bằng bạc, hình thể cũng giống như 3 Kim Bảo trên. Kim Bảo này dùng đóng trên các bản lịch, bản chính sóc.

7. Kim Bảo: Phong tặng chi bảo: Ấn được đúc bằng bạc. Quai hình tượng rồng tư thế đang chạy, đầu ngẩng, lưng uốn, 4 chân chùng, đuôi hình dải mây. Mặt trên ấn vuông, 4 mặt vát hình thang, phía dưới hình chữ nhật. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:

– Bên trái: Phong tặng chi bảo, trọng bát hốt tứ lạng. (Ấn phong tặng chi bảo, nặng 8 thoi 4 lạng).

– Bên phải: Nhâm Tuất xuân chính nguyệt cát nhật Giám tạo. (Giám tạo vào ngày lành tháng Giêng mùa xuân năm Nhâm Tuất, 1802).

Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Triện Phong tặng chi bảo, kiểu chữ cùng đặc điểm 3 chiếc ấn trên.

Ấn này dùng đóng trên các đạo sắc, cáo phong tặng cho các quan văn võ, công thần hay nhân thần.

8. Kim Bảo: Văn lý mật sát: Ấn được đúc bằng bạc. Quai là hình tượng kỳ lân đứng, 2 chân trước chống, 2 chân sau chùng, đầu quay sang phải, đuôi bờm xoắn, trên lưng in nhiều bông hoa chấm tròn. Ấn này dùng đóng trên các bản dụ, chỉ, chương sớ, sổ sách thuộc về thường sự. Kim Bảo này có chức năng như loại Kiềm Bảo.

Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Triện xếp 2 hàng, nét chữ mảnh mai vuông vức. Vị trí đóng ấn này ở các chỗ tẩy xoá, sửa chữa viết thêm và những nơi giáp trang. Trong các tập Châu bản triều Nguyễn giai đoạn Nguyễn Sơ xuất hiện rất nhiều hình dấu Văn lý mật sát, còn các tập từ đời vua Tự Đức về sau ít thấy xuất hiện dấu này.

9. Kim Bảo: Hoàng thái tử bảo Ấn được đúc bằng vàng.

Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, vào năm Ất Hợi (1815), Hoàng tử thứ 4 của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Đảm được lập làm Thái tử, đến ở cung Thanh Hoà để dự phần xét đoán chính sự mà làm quen với việc nước.

Năm sau (1816), vua Gia Long 55 tuổi cho ban dụ về việc lập Thái tử, chế áo mũ và ban Kim Sách, Kim Bảo. Kim Bảo này là loại một cấp hình vuông, có quai hình rồng đứng thăng bằng, đầu ngẩng, mũi cao, sừng dài, lưng cong, đuôi xoắn, chân 5 móng. Lưng ấn để trơn, mặt ấn đúc nổi 4 chữ: Hoàng thái tử bảo. Nét chữ, kiểu chữ tương đồng với các ấn Quốc gia tín bảo, Phong tặng chi bảo…

Ngoài ra, còn có hai chiếc kim bảo: Hoàng thái tử thủ tín, đúc bằng bạc. Đây là hai chiếc ấn được đúc theo lệnh vua Gia Long để ban cho Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm vào năm Gia Long thứ 19 (1820).

Nguyễn Đình Chiến