Site icon Sài Gòn Xưa

Vua Hùng – Quốc tổ của dân tộc Việt Nam

Với chiều dài 2.622 năm, thời kỳ Hùng Vương đã để lại nền văn hóa đặc sắc với nội hàm thâm sâu cho dân tộc. Đó là một thời kỳ mang đậm tính Thần thoại với những truyền thuyết về Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử. Có thể nói rằng nền văn hóa Việt Nam chính là một nền văn hóa được thiên thượng truyền xuống…

(Ảnh: Trí Thức VN)

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại Việt Nam đã chú trọng việc quản lý Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Việt Trì, Phú Thọ. Người dân địa phương phụ trách việc trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, đổi lại họ được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Về thời đại Hùng Vương, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép tại phần đầu tiên đặt tên là Kỷ Hồng Bàng thị, với 3 tiểu mục là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương. Sách Lĩnh Nam Chích Quái đặt tên thời đại này là Truyện Hồng Bàng.

Truyền thuyết về vua Hùng bắt đầu từ chuyện cha rồng Lạc Long Quân cùng mẹ tiên Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, rồi chia 50 con theo mẹ trên đất, 50 con theo cha xuống bể. Mẹ Âu Cơ cùng năm mươi con trai ở tại Phong Châu, suy tôn người con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.

(Ảnh qua viennam.com)

Vua Hùng Vương đời thứ nhất lên ngôi vào năm 2.879 trước Công Nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền 18 đời đến năm 258 trước Công Nguyên thì bị Thục Phán (An Dương Vương) chiếm mất nước; tổng cộng được 2.622 năm.

Tuy nhiên, các nhà nhiên cứu đã chỉ ra nghi vấn rằng: Nếu 18 đời vua Hùng kéo dài 2.622 năm, thì trung bình mỗi đời vua trị vì đến 150 năm. Điều này có vẻ không hợp lý và đã dẫn đến nhiều tranh luận trên các diễn đàn lý học và lịch sử.

Công trình nghiên cứu của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá về Hùng Vương và cuốn “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê đã góp phần đưa ra một góc nhìn khác về vấn đề này. Theo đó thì chữ “đời” vua thường hay dùng phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự, nghĩa là không phải là một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời” hay “chi”. “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” chép rằng thời đại Hùng Vương kéo dài 2.622 qua 47 đời vua trị vì với 18 chi, mỗi một chi qua mấy đời vua. Mà “chi” đầu tiên lại được chép là Kinh Dương Vương.

Đơn cử như riêng chi Hùng Vương thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm. Hiện nay ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Vĩnh Phú, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”, thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc chi Hùng Vương thứ 18 này. Chi này chấm dứt vào năm 258 TCN, tức là vào cuối đời nhà Chu bên Trung Quốc.

Bức tranh “Quốc tổ Hùng Vương” của hoạ sĩ Trọng Nội vẽ năm 1966 đang được trưng bày tại phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập. (Ảnh qua panoramio.com)

18 chi được sắp theo bát quái (8 quái): 1 Càn (trời) (☰), 2 Đoài (đầm) (☱), 3 Ly (hỏa) (☲), 4 Chấn (sấm) (☳), 5 Tốn (gió) (☴), 6 Khảm (nước) (☵), 7 Cấn (núi) (☶), 8 Khôn (đất) (☷) và 10 thiên can Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

18 chi thời Vua Hùng theo “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” lần lượt là:

Từ xa xưa trong ca dao người Việt đã nhắc nhở về ngày giỗ tổ thế này:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Vậy vì sao giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10/3? Trong văn hóa cổ truyền thì người Việt là con rồng cháu tiên, vì vậy mà tháng tháng 3 là tháng Thìn, tức tháng rồng được chọn. 10 thiên can được sử dụng để đặt tên cho các chi đời Vua Hùng, hết 10 thiên can là cũng hết các đời Vua Hùng. Vì thế mà ngày 10 được chọn.

Lăng Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6. (Ảnh Wikipedia)

Với chiều dài 2.622 năm, thời kỳ Hùng Vương đã để lại nền văn hóa đặc sắc với nội hàm thâm sâu cho dân tộc. Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử trong tín ngưỡng dân gian đều là những vị Thần thuộc vào thời kỳ Hùng Vương. Trong những câu chuyện như sự tích “Bánh chưng bánh giầy”, chúng ta cũng thấy sự xuất hiện của một vị Thần dạy cho hoàng tử Lang Liêu cách làm bánh. Cũng có nhiều câu chuyện cổ tích nhắc đến vị Bụt, thực chất là phát âm của từ Buddha (từ Phật trong tiếng Phạn).

Có thể nói rằng, nền văn hóa Việt Nam chính là một nền văn hóa mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, là một nền văn hóa “Thần truyền”. Từ cội nguồn đó, người Việt biết cách phân biệt đúng sai, tốt xấu, biết hướng đến những điều thiện lành, tốt đẹp.

Trần Hưng

Bài nên xem

Exit mobile version