Từ xa xưa, trong cách đặt tên cổ của người Việt đã xuất hiện nam – văn, nữ – thị và được truyền lại bao đời nay. Chữ “văn” trong tên của người nam có cách hiểu đơn giản hơn không đáng bàn, riêng chữ “thị” trong tên người nữ vẫn là một ẩn số với nhiều cách lý giải khác nhau. Giới trẻ ngày nay, đặc biệt là phụ nữ ai có tên lót chữ “thị” đa phần đều mặc cảm và né tránh dùng chữ “thị” ấy khi giao tiếp với người ngoài. Vậy chữ “thị” hiểu thế nào cho đúng? Bài viết này tôi xin được phép lạm bàn đôi chút để các bạn nữ hiểu và thêm yêu tên Việt của mình.

Cách đặt tên trước hết khu biệt trong yếu tố giới tính. Khác với phương Tây, khi đọc tên một cá nhân, người ta có thể biết được đàn ông hay đàn bà vì đặc trưng riêng của nó. Còn với người Việt xưa, các cụ thường đệm chữ “văn” cho con trai và chữ “thị” cho con gái để giúp người khác có thể phân biệt giới tính ngay trong cách gọi. Đây là một quan niệm có từ thời phong kiến, cho rằng người nam thì phải lo văn chương đèn sách, dùi mài kinh sử còn người nữ phải đảm đang chợ búa, quán xuyến việc nhà.

Nói một cách chính xác thì nguồn gốc chữ “thị” trong tên lót của nữ giới bắt đầu xuất hiện sau thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Do tính chất trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến, chỉ có con trai được sinh ra mới được đặt tên ngay để ghi vào sổ họ của gia tộc, sổ đình của làng xã trong khi người nữ không cần phải ghi vào sổ sách. Bởi lẽ quan niệm nữ giới thì không can dự vào việc họ, việc làng nên chẳng cần phải đặt tên chính thức mà chỉ đặt tên tục như cái Tấm, cái Đĩ, bé Lớn, bé Nhỏ… Điểm này có thể thấy được qua nhiều câu chuyện dân gian, cổ tích Việt Nam như Tấm Cám là điển hình (nhiều chuyện khác nhân vật nữ thường không có tên). Mặc dù không có tên chính thức nhưng khi có việc cần dùng trong chốn quan trường, việc hành chính thì người ta cứ lấy họ của người nữ mà gọi, ví dụ như Nguyễn thị, Trần thị, Lê thị… Lâu dần thành lệ, mãi đến sau này khi người nữ đã được đặt tên thì vẫn kèm theo chữ lót “thị” trước tên riêng để phân biệt cho rõ ràng.

Về mặt nguồn gốc từ nguyên, theo học giả An Chi, “thị” là một từ Việt gốc Hán dùng để chỉ phụ nữ. Trong quyển Từ nguyên từ điển có câu “Phu nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị). Từ điển này cũng giải thích thêm từ “thị” còn là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng. Tuy nhiên ở Trung Hoa, người ta không dùng chữ “thị” trong cách đặt tên con cái  mà chỉ dùng đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô. Ví dụ Vương Đào Thị, “Vương” là họ của chồng, còn “Đào” là họ của cha.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Lý Quốc Chính, xuất bản năm 1930 ghi chú: “Thị là từ mà ngày xưa được dùng để chỉ phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh”. Trong văn học Việt Nam từ dân gian đến hiện đại, nhiều nhân vật có tên lót chữ “thị” xuất hiện với thiên tính nữ đặc biệt. Trong vở tuồng “Quan Âm Thị Kính” có nhân vật Thị Kính, Thị Mầu; trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao có nhân vật Thị Nở; trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân có một nhân vật nữ không tên được tác giả gọi là thị. Và mới đây nhất trong bộ phim “Mỹ nhân kế”, đạo diễn Nguyễn Quan Dũng đã tận dụng yếu tố thuần phong mỹ tục này trong tên Việt để gọi tên các nhân vật như Đào Thị, Liễu Thị, Mai Thị, Lan Thị v.v.

Hiểu theo khía cạnh tích cực, chữ “thị” trong tên người nữ còn chỉ tích trái thị trong câu chuyện Tấm Cám, khi Tấm trong hóa thân trái thị được bà lão đem về nhà. “Thị” trong cách hiểu này mang thuần túy nghĩa Việt, ý chỉ sự đảm đang, ngoan hiền của cô gái trong việc quán xuyến chuyện nội trợ gia đình mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng kì vọng ở con gái họ. Về mặt tâm linh theo nhà văn hóa Nguyễn Đăng Duy, chữ “thị” trong tên Việt còn nhằm nói đến một loại cây tử, cây dâu, mang ý nghĩa cội nguồn lớn lao trong văn hóa Việt.

Trong “Kinh thi” có câu “Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ” (Kìa cây dâu với cây tử là cây do cha mẹ trồng cho con nên nhớ đến đó mà sinh lòng cung kính). Trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du có hai câu thơ “Sân lai cách mấy nắng mưa – Có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Gốc tử vừa người ôm ở đây ý nói bậc cha mẹ đã già ở phương xa mà nàng Kiều vẫn đau đáu nhớ về trong lúc lưu lạc. Cách hiểu này mang đậm sắc thái tâm linh của đạo Mẫu Việt Nam, vì khi xưa có vị Mẫu là tổ của nghề trồng dâu dệt vải truyền lại cho những người nữ. Cho nên nhắc đến cây tử, cây dâu cũng là nhắc đến bậc cha mẹ, đấng sinh thành đã nuôi dưỡng nên mình. Và chữ “thị” trong tên người nữ Việt cũng là một phương tiện để cha ông gửi gắm sự ý thức về cội nguồn, dân tộc tính dầu con người ta có sống ở nơi phương xa nào chăng nữa.

Tựu trung lại, chữ “thị” trong tên Việt có nhiều cách hiểu khác nhau, từ khía cạnh tích cực đến một phần nhỏ tiêu cực theo quan niệm xưa. Tuy nhiên dầu có hiểu thế nào thì chữ “thị” vẫn là một phần bản sắc Việt, mạng đậm văn hóa của người Việt Nam so với các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy các bạn trẻ hãy biết trân trọng và yêu quý tên thuần Việt của mình, cũng như bạn đang trân quý tiếng mẹ đẻ vậy. Bạn có tự hào khi nói đầy đủ họ tên mình?

TH/ST