///Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt
2023-04-09T11:45:20-05:00

Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt

Dân tộc Việt ngày nay, là dân tộc duy nhất trong vùng Đông Á còn giữ được tên gọi Việt trong tên dân tộc và đất nước của mình, nhưng lùi lại một không gian lịch sử xa hơn trong quá khứ, ở thời điểm cách đây khoảng hơn 2200 năm, thì cái tên “Việt” là một khái niệm rộng lớn hơn thế, được sử dụng để chỉ toàn thể nhóm dân cư cùng một nguồn gốc sinh sống trong vùng phía Nam sông Dương Tử kéo dài tới miền Bắc Việt Nam.

Sách sử của người Hoa Hạ đã sớm ghi nhận về cộng đồng tộc Việt dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tới thời nhà Tần, khái niệm Bách Việt đã được sử dụng để chỉ cộng đồng tộc Việt, khái niệm này đã có những ảnh hưởng nhất định trong sự nhìn nhận về cộng đồng này, như có một số quan điểm cho rằng “Bách Việt có nghĩa là 100 bộ tộc Việt”, “Bách Việt bao gồm nhiều dân tộc không có sự liên hệ với nhau”, hay “Bách Việt là một khái niệm được người Hoa Hạ sử dụng để chỉ chung những sắc dân phi Hán ở phía Nam địa bàn sinh sống của họ”.

Các phương tiện di truyền, khảo cổ học là những công cụ khoa học có độ chính xác cao, là những cơ sở đáng tin cậy nhất để từ đó chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của cộng đồng tộc Việt, đồng thời cũng giúp chúng ta xác định được chính xác nguồn gốc của dân tộc Việt và vị trí của họ trong cộng đồng này. Những dữ liệu mà di truyền và khảo cổ học đem lại đã thể hiện một diện mạo khác với những gì mà sử sách Trung Hoa đã phác họa về người Việt và cộng đồng tộc Việt, và cũng khác với những quan niệm với sự suy luận về nguồn gốc tộc Việt thông qua khái niệm Bách Việt.

Thay vì họ là một cộng đồng rời rạc, không liên quan tới nhau, thì cộng đồng tộc Việt có nguồn gốc xuất phát từ một tiến trình phát triển văn minh lâu dài trong vùng Đông Á, trong quá trình phát triển đó, cộng đồng tộc Việt đã sớm hình thành ý thức dân tộc, ý thức văn hoá thống nhất cũng như có sự gắn bó và liên hệ với nhau chặt chẽ trong quá trình tồn tại. Điều kiện khách quan của lịch sử đã khiến cộng đồng tộc Việt dần tan rã thành nhiều quốc gia và nhiều dân tộc như hiện trạng ngày nay.

Những lớp bụi mờ phủ lên lịch sử tộc Việt cũng đã tới lúc được làm rõ, ở bài viết này, thông qua các phương tiện di truyền, khảo cổ, nhân chủng, ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu toàn diện về tộc Việt, xác định những cơ sở thống nhất của cộng đồng tộc Việt, làm rõ diện mạo cũng như tiến trình phát triển của cộng đồng này, để từ đó có thể đưa ra những nhận định mới, góp phần làm rõ những hiểu lầm về tộc Việt, với hy vọng đem lại những nhận thức mới của người Việt nói riêng và các dân tộc anh em nói chung về nguồn gốc của dân tộc mình.

A. NGUỒN GỐC CỦA NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ PHÂN LẬP CỦA CỘNG ĐỒNG TỘC VIỆT:

Thư tịch lịch sử của người Hoa Hạ đã sớm có những ghi nhận về cộng đồng tộc Việt, do địa bàn sinh sống của hai dân tộc là tiếp giáp nhau, cả hai tộc người đã có những tiếp xúc và giao lưu văn hóa từ sớm. Nguồn sử liệu Trung Hoa đã cung cấp cho chúng ta những dữ liệu khá quan trọng để tìm hiểu về một phần nguồn gốc cũng như tên gọi của tộc Việt trong giai đoạn đầu của lịch sử. Trong các giai đoạn lịch sử thời Hạ – Thương – Chu, bắt đầu từ thời điểm hơn 4000 năm trước, vào thời Nghiêu, Thuấn, thì cư dân tộc Việt và cư dân Hoa Hạ đã bắt đầu có sự tiếp xúc và thông giao với nhau, tới thời nhà Thương, thì hai dân tộc bắt đầu có sự xung đột về mặt quân sự và lãnh thổ, tới thời nhà Chu, thì tộc Việt và người Hoa Hạ tiếp tục có sự liên hệ và thông giao thông qua chi tiết sứ giả Việt Thường tới cống chim trĩ trắng.

Trong các giai đoạn này, người Hoa Hạ có nhiều cái tên để chỉ tộc Việt, trong đó bao gồm hai từ ghép lại với nhau, từ đi trước thể hiện yếu tố nhận thức, ý niệm và thái độ của họ về tộc Việt, đi cùng với đó là cái tên Việt tự nhận của người Việt. Vào thời nhà Hạ, người Hoa Hạ gọi cộng đồng tộc Việt là Vu Việt 于越, đời Thương gọi là Man Việt 蛮越 hoặc Nam Việt 南越, tới đời nhà Chu thì gọi là Dương Việt 扬越 hoặc Lạc Việt 骆越 [1]. Các tên gọi trong các giai đoạn trên đều thể hiện một ý niệm về sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt.

Các cách gọi này cũng thể hiện một phần thái độ và nhận định của người Hoa Hạ về cộng đồng tộc Việt trong từng giai đoạn, ví dụ trong thời nhà Thương, họ gọi tộc Việt là Man Việt, có thể xuất phát từ sự xung đột, xâm chiếm lãnh thổ của triều đại này xuống đất của tộc Việt, hay thời nhà Chu, họ gọi tộc Việt là Dương Việt hay Lạc Việt, trong đó Dương Việt là cái tên thể hiện đặc trưng văn hóa tộc Việt là thờ Trời, và Lạc Việt cái tên tự nhận của tộc Việt. Mục đích và thái độ của họ về tộc Việt trong cách gọi tên được thể hiện rõ ràng hơn trong giai đoạn sau đây, khi vào thời nhà Tần, họ bắt đầu gọi tộc Việt bằng cái tên Bách Việt. 

Vào thời nhà Tần, bắt nguồn từ sách Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vi biên soạn, đã xuất hiện khái niệm Bách Việt trong chi tiết: “Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế” nghĩa là phía nam đất Hán là đất Bách Việt. Đây cũng chính là thời điểm mà vùng Hoa Bắc đã được thống nhất dưới triều đại nhà Tần của Tần Thủy Hoàng, sự thống nhất đó đã bắt đầu thúc đẩy họ nhòm ngó sang các vùng lãnh thổ khác, trong đó chủ yếu là vùng đất phía Nam của tộc Việt. Việc họ sử dụng khái niệm Bách Việt để chỉ tộc Việt có thể ẩn chứa một toan tính sâu xa đi cùng với cuộc xâm lược của họ vào vùng đất của tộc Việt.

Trong sử sách của các triều đại sau của người Hoa Hạ, họ đều ghi lại về tộc Việt dưới cái tên Bách Việt, sự ảnh hưởng còn thể hiện rõ rệt cho tới tận ngày nay, khi hầu hết các nghiên cứu về tộc Việt đều dựa trên khái niệm Bách Việt được ghi lại trong cổ sử Trung Hoa, với quan điểm “Bách” trong Bách Việt có nghĩa là nhiều Việt, cách hiểu này về khái niệm Bách Việt đã có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của các nhà nghiên cứu cũng như những người quan tâm tới nguồn gốc dân tộc khi tìm hiểu và nghiên cứu về cộng đồng tộc Việt.

Trong thực tế thì trước khi khái niệm Bách Việt được sử dụng để nhận định về cộng đồng tộc Việt, thì cộng đồng tộc Việt có sự liên hệ và gắn bó với nhau một cách chặt chẽ, cùng tồn tại trong một cộng đồng chung, có ý thức dân tộc và văn hóa thống nhất được hình thành từ sớm. Các dữ liệu di truyền, khảo cổ mà chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu sau đây sẽ cùng góp phần chứng minh tính thống nhất của cộng đồng tộc Việt.

B. CÁC CƠ SỞ THỐNG NHẤT CỦA CỘNG ĐỒNG TỘC VIỆT:

I. Nguồn gốc tộc Việt và cơ sở thống nhất từ di truyền và nhân chủng:

1. Tộc Việt có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Và người cổ Đông Nam Á có nguồn gốc từ châu Phi:

Bản đồ thiên di nhân loại khoảng 70000-10000 năm trước. (Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63)

Các nghiên cứu di truyền được thực hiện và công bố trong khoảng hơn 20 năm gần đây, đã xác định cơ bản nguồn gốc nhân loại, nguồn gốc người Đông Á, và cũng đồng thời xác định nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt và người Việt.

Cộng đồng tộc Việt và người Việt được di truyền học xác định có nguồn gốc từ những người rời khỏi châu Phi, di cư tới Việt Nam và Đông Nam Á theo con đường phía Nam, chia thành hai đợt vào khoảng 60000 năm và 30000 năm trước ngày nay [2][3]. Khi đó cư dân cổ đang còn thuộc chủng Australoid da đen.

Các cư dân cổ rời khỏi châu Phi đã sinh sống trong vùng miền Bắc Việt Nam và Đông Nam Á, xây dựng nên các văn hóa thuộc nền văn hóa Hòa Bình, với các giai đoạn:

  • Hòa Bình sớm hay tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 BC [trước Công Nguyên]), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 BC).
  • Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 BC).
  • Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn – 1541/I).

Văn hóa Hòa Bình là văn hóa có đặc trưng đá cuội được ghè đẽo và đục lỗ. Đặc trưng văn hóa Hòa Bình phân bố khắp Việt Nam, Lào, Thái Lan và lên cả vùng phía nam Đông Á, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Châu như hình minh họa phía dưới. Bên cạnh đó là những đặc điểm từng vùng như mộ táng với tư thế nằm co, mộ có nắp. [4]

Bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình. [Chú dẫn bản đồ: 1. Đường gạch chéo: khu vực văn hóa Hoabinhian được nói trong bài [4]; 2. Các chấm tròn: các khu vực có đá đục lỗ; Các chấm vuông: các khu vực có táng với tư thế nằm co; 3. Vòng tròn màu đỏ: khu vực tiềm năng có người cao; vòng tròn màu xanh: khu vực tiềm năng có mộ có nắp.] [4]

Họ sinh sống trải rộng trong vùng Đông Nam Á lục địa, miền Bắc Việt Nam và cả một phần vùng nam Đông Á. Nhưng trong đó nhóm quan trọng nhất đã sinh sống ở vùng nay là vịnh Bắc Bộ. Trong đợt băng hà lớn cuối cùng, diễn ra vào thời điểm cách ngày nay hơn 28.000 năm, thì mực nước biển xuống thấp cực đại, ở mức 130-120m [5], vùng thềm lục địa vịnh Bắc Bộ vốn là một vịnh nông với độ sâu dưới 100m, nên khi nước biển rút sâu, đã làm lộ ra một vùng đồng bằng rộng lớn tại miền Bắc Việt Nam và vùng đồng bằng sông Châu.

Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại. [6]

Địa bàn sinh sống và phát triển chính của cư dân rời khỏi châu Phi là vùng đồng bằng tại vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó các cư dân cổ rời khỏi châu Phi còn sinh sống tại khắp các vùng Đông Nam Á lục địa và vùng nam Đông Á, có thể có sự liên hệ với nhau, khi kỹ thuật đá và đặc trưng mộ táng thể hiện sự tương đồng trong một địa bàn rộng lớn như bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình phía trên đã thể hiện [4].

Tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ, cư dân cổ rời khỏi châu Phi đã thuần hóa lúa nước, với việc nghiên cứu di truyền của lúa đã xác định sự thuần hóa lúa nước được thực hiện sớm nhất tại vùng đồng bằng này [7]. Sự kiện thuần hóa lúa nước đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng về dân số so với thời kỳ săn bắt hái lượm.

Tới khoảng hơn 12000 năm cách ngày nay, thì nước biển bắt đầu dâng trở lại [5], khiến cho vùng đồng bằng này dần dần chìm xuống mực nước biển, đã thúc đẩy cư dân cổ vùng Đông Nam Á di cư lên phía Bắc, do tại vùng Lĩnh Nam và Đông Nam Á, địa bàn thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp là vùng vịnh Bắc Bộ, đã biến mất, nên họ phải di cư lên rất xa. Các nghiên cứu di truyền đã thể hiện cơ bản dòng di cư này của người cổ Đông Nam Á.

Nghiên cứu của J.Y. Chu và cộng sự năm 1998 đã đưa ra kết luận người Đông Á có nguồn gốc từ người Đông Nam Á di cư lên. Nhóm dân cư này có nguồn gốc từ châu Phi đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. [8]

Tổ chức bộ gen người Hugo với công trình “Mapping human genetic diversity in Asia” đăng trên tạp chí Science năm 2009, nghiên cứu kiểu biến thiên hình thái gen trên 73 sắc dân châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á, đã xác định người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á. [9]

Kết quả nghiên cứu di truyền của Hua Zhong và cộng sự năm 2010, cũng cho thấy người Đông Á có nguồn gốc chính là từ Đông Nam Á.[10]

Nghiên cứu của Chuan Chao Wang và cộng sự năm 2013 [11] đã phát hiện một dòng di cư rất lớn từ Đông Nam Á vào thời điểm 12.000 năm trước lên vùng Động Đình, Dương Tử, dòng di cư này cũng đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

Cư dân cổ Đông Nam Á đã di cư lên vùng đồng bằng sông Dương Tử, và có nhóm đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. Các cư dân cổ có nguồn gốc Đông Nam Á tại đây đã xây dựng nên các văn hóa lớn trong thời Đá mới, trong đó bao gồm các văn hoá Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) tại vùng Động Đình, Dương Tử với nông nghiệp lúa nước [12], và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC) tại vùng Bắc Đông Á với nông nghiệp trồng cả lúa và kê [13].

Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á.

Cư dân tại các văn hóa bắc Đông Á và nam Đông Á tới thời điểm hơn 5300 năm trước đã hợp nhất để hình thành tộc Việt ở vùng Dương Tử, với sự di cư về phía Nam của một phần lớn cư dân bắc Đông Á, chủ yếu tại các văn hóa ở phía Đông là Đại Vấn Khẩu và Hồng Sơn, hình thành nên các văn hóa lớn là Lương Chử (Liangzhu, 3400 – 2250 BC) và Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC). Tới thời điểm đó, thì tại vùng bắc Đông Á vẫn còn một lượng nhất định cư dân cổ Đông Á sinh sống, chủ yếu tại văn hóa Ngưỡng Thiều, sau đó đã diễn ra sự xâm nhập của cư dân Bắc Á có nguồn gốc Trung Á vào thời điểm hơn 4500 năm trước, đem theo kỹ nghệ luyện kim, xe ngựa, cừu của Trung Á tràn vào Bắc Đông Á [14], làm biến đổi một phần di truyền và văn hóa tại vùng bắc Đông Á, dần dần hình thành tộc người Hoa Hạ ở các văn hóa Long Sơn và Nhị Lý Đầu.

Gen người Việt ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Bắc Đông Á (Devil’s Cave), và 10% gen Hòa Bình cổ, chứng minh cho sự hợp nhất của hai nhóm hậu duệ người Hoabinhian ở Bắc Đông Á và Nam Đông Á. [15]

Tới khoảng hơn 4000 năm trước ngày nay, thì cư dân tộc Việt bắt đầu di cư về phía Nam, do nạn hạn hán [16] diễn ra tại vùng này. Các nghiên cứu di truyền đã thể hiện cơ bản dòng di cư này của cộng đồng tộc Việt. Cư dân tộc Việt đã di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo, trong đó tầng lớp cao nhất đã trở về Việt Nam, là các cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á, họ đã hợp nhất với người Hòa Bình ở lại sau đợt biển tiến để hình thành văn hóa Phùng Nguyên. Trong thành phần gen của người Việt (Kinh) ngày nay có khoảng 10% gen của người Hòa Bình đã thể hiện sự hòa hợp này (bản đồ trên).

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.700 – 4.000 năm trước [17].

Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [18] (hình 9) cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.

Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới  Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm. [18]

Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại. [18]

Giai đoạn sau cuộc di cư này, các cư dân tộc Việt tại vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung, có sự liên hệ với nhau chặt chẽ. Đây cũng là giai đoạn khởi nguồn của kỷ nguyên đồ đồng, cộng đồng tộc Việt đã phát triển và hình thành nên nền văn hóa trống đồng, đây chính là biểu trưng quan trọng nhất cho nền văn hóa chung của cộng đồng tộc Việt.

2. Di truyền của các cư dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt là thống nhất với nhau:

Các công trình nghiên cứu di truyền đều thể hiện sự thống nhất và gần gũi của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

Công trình nghiên cứu gen của nhóm các nhà khoa học Viện Pháp Á bao gồm Bs Trần Đại Sỹ (Việt Nam), Gs Tarentino (Ý), và Gs Varcilla Pascale (Pháp) tiến hành khảo sát, nghiên cứu những bộ xương cổ, đồng thời kiểm tra máu của 35 dòng họ tại Nam Đông Á và Việt Nam, đối chiếu với các dòng họ Bắc Đông Á, cũng như tiến hành khảo sát y phục, mồ mả, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: cư dân Nam Đông Á, từ miền Nam Dương Tử tới miền Trung Việt Nam, Lào, Thái đều cùng một chủng tộc, huyết thống, hoàn toàn khác biệt với cư dân Hán Hoa Bắc. [18]

Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt như Việt (Kinh), Tày, Nùng, Mường, Thái, Dai, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [177]

Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng… [17]

Nghiên cứu gen của Zhang và cộng sự et al. 2019 [19] cho thấy người Việt (Kinh) có di truyền gần gũi với người Choang ở Quảng Tây, người Hán Quảng Đông và người Miêu tại vùng Quý Châu. Đây là các nhóm dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, sự gần gũi di truyền chứng tỏ sự tương tác và hòa huyết thường xuyên của cư dân tộc Việt tại các vùng.

Nghiên cứu của Zhang và cộng sự et al. 2019 cho thấy gen người Việt (Kinh) gần với người Miêu Quý Châu, người Choang và người Hán Quảng Đông. [19]

Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu gen của Gs Lâm Mã Lý, Đài Loan đã nghiên cứu trên hệ thống miễn nhiễm ở nhiễm sắc thể 6 qua máu của các dân Mân Nam (Hoklo), Hakka và các mẫu máu từ nhiều nước, kết quả cho thấy người Mân Nam và Hakka gần về mặt di truyền với người Việt, người Thái và các nhóm dân thuộc chủng Nam Mongoloid, khác biệt với người Hán Hoa Bắc thuộc chủng Mongoloid phía Bắc. Giáo sư Lâm Mã Lý cho rằng người “Đài Loan” thuộc dân Mân Việt chứ không phải dân tộc Hán, mặc dù đã có sự pha trộn trong lịch sử với người Hán di cư đến từ phương Bắc. [20]

Các cư dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt có sự thống nhất về mặt di truyền, về mặt nhân chủng, thì các cư dân tộc Việt thuộc chủng Nam Mongoloid, chủng này có nguồn gốc chủ yếu từ phương Nam, với gen của người cổ Đông Nam Á chiếm khoảng 7-80% bộ gen chung. [2]

3. Các nhóm cư dân có nguồn gốc tộc Việt cũng có sự thống nhất về chỉ số sọ và kiểu răng:

Bên cạnh sự thống nhất về di truyền, thì các nghiên cứu chỉ số sọ, kiểu răng cũng hỗ trợ cho sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt:

Trong thời Pháp thuộc, các nhà nghiên cứu Khảo tiền sử người Pháp của trường Viễn Đông Bác Cổ đã thu thập số liệu chỉ số sọ của người Việt, chỉ số sọ trung bình của người Việt là 82,13. Dung lượng sọ Việt là 1341,48, thuộc loại là sọ tròn. Chỉ số sọ trung bình của dân Hán Hoa Nam và Hoa Đông là 81,22, cũng thuộc loại sọ tròn. Chỉ số sọ của người Hán Hoa Bắc là 76,51, thuộc loại sọ dài, có dung lượng sọ là 1440. 2 nhóm dân cư Hoa Bắc và Hoa Nam thuộc hai chủng khác nhau do có sự cách biệt trên 2 chỉ số. Sọ người Hán Hoa Nam và sọ người Việt cách nhau hơn chưa tới 1 chỉ số (0,91), nhưng giữa người Hán Hoa Nam và người Hán Hoa Bắc lại cách biệt nhau tới hơn 4 chỉ số (4,71). Như vậy người Hán Hoa Nam và người Việt có cách biệt không quá 2 đơn vị (0,91) nghĩa là cùng một chủng tộc, còn người Hán Hoa Nam và Hoa Bắc cách biệt hơn 4 chỉ số nên thuộc hai chủng tộc khác nhau.

Khảo cổ học cũng phát hiện kiểu răng Sundadont phổ biến khắp Nam Đông Á và Đông Nam Á, được các nhà nghiên cứu cho là có nguồn gốc từ vùng Nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam, hoàn toàn khác với kiểu Sinodont của chủng Mongoloid phương Bắc [Turner, C.G. 1989], thậm chí kiểu răng Sundadont còn được cho là tổ tiên của kiểu răng Sinodont. [21]

Bản đồ phân bố chủng Mongoloid thể hiện rất rõ tính thống nhất trong nhân chủng của cộng đồng tộc Việt, và nhân chủng các cư dân có nguồn gốc tộc Việt thuộc chủng Nam Mongoloid có sự khác biệt với người Hán Hoa Bắc thuộc chủng Mongoloid phía Bắc. Vùng phân bố của cư dân tộc Việt phương Nam trải rộng trong địa bàn phía Nam sông Dương Tử, và còn xuất hiện tại vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, đó là vùng có sự di cư tới của các dân tộc có nguồn tốc tộc Việt. (Phần di cư và tách khỏi cộng đồng tộc Việt của các dân tộc này sẽ được chúng tôi khảo cứu kỹ lưỡng hơn ở phía cuối bài viết.)

Bản đồ phân bố chủng Mongoloid theo di truyền học. [22]

II. Cốt lõi của nền văn hóa tộc Việt: 

1. Văn hóa thờ vật Tổ và thờ cúng Tổ Tiên:

Cộng đồng tộc Việt có nguồn gốc chính tại văn minh Dương Tử, sau đó tới thời kỳ đồ đồng, thì nền văn hóa Đông Sơn là cốt lõi của nền văn hóa tộc Việt, với trung tâm là miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ các văn hóa này, thì người Việt có văn hóa thờ vật Tổ và thờ cúng Tổ Tiên song song với văn hóa thờ Trời, trong đó văn hóa thờ vật Tổ và thờ cúng Tổ Tiên chiếm một vị trí khá quan trọng.

Vật Tổ của người Việt trong thời kỳ này là Rồng và chim Tiên, chi tiết này đã được huyền sử Hồng Bàng ghi lại:

“Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất…” [Lĩnh Nam chích quái, bản dịch Lê Hữu Mục].

Và trong thực tế khảo cổ học, thì tại văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Động Đình, trung tâm của tộc Việt trong giai đoạn hơn 4000 năm trước cũng đã tìm thấy các miếng ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và ngọc Rồng.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

Văn hóa thờ vật Tổ hay thờ cúng Tổ Tiên vẫn tiếp tục được kế thừa trong thời đồ đồng, hình ảnh chim Tiên, hay chim Lạc xuất hiện trên hầu hết các trống đồng tộc Việt, có xu hướng chuyển hóa thành hình ảnh thân dài, mỏ dài, sự biến chuyển này không chỉ tồn tại ở văn hóa Việt mà còn thấy được ở văn hóa Hoa Hạ.

Chim Tiên (Phượng Hoàng) thời văn hóa Đông Sơn được chuyển đổi theo dáng thân dài, mỏ dài, tuy vậy cái mào vẫn rất đặc trưng. [Nguồn: Hoa văn Việt Nam, Nguyễn Du Chi]

Bản vẽ mặt trống đồng Ngọc Lũ, có thể thấy chim Tiên được thể hiện trên trống đồng với mật độ khá dày, nắm ở vòng ngoài cùng của mặt trống.

Rồng và chim Tiên là các hình tượng dựa trên thiên văn học, không có thực, nên hình tượng Rồng và chim có sự biến đổi theo thời gian. Tới thời kỳ đồ đồng, thì chim Tiên biến đổi theo hướng thân dài, mỏ dài, còn Rồng biến đổi theo hướng đa hình dáng, có hình tượng thể hiện rõ đặc trưng của rồng, nhưng cũng có hình tượng có phần giống với cá sấu.

Rồng ít xuất hiện trên các mặt trống đồng, nhưng cũng được thể hiện trên rất nhiều cổ vật thời văn hóa Đông Sơn, thường là trên các rìu đồng với hình tượng Rồng kép. Các loại hình này đều là Rồng, không phải là giao long hay cá sấu như đã được nhiều nhà nghiên cứu nhận định.

Rồng được thể hiện trong các đồ đồng Đông Sơn. [23]

Một loại hình Rồng cũng tương đồng với Rồng Đông Sơn của nhà Thương. [Nguồn: dẫn]

Cả Rồng và chim Tiên cũng được thể hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn. Motif này thể hiện hình ảnh rồng, chim Tiên chầu thái cực, motif này có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, sau đó thời Đông Sơn đã kế thừa hình ảnh này, và người Việt thời tự chủ vẫn tiếp tục duy trì hình tượng này trên các mái đình, chùa.

Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng Phú Xuyên. [24]

Motif chim Tiên chầu Thái cực được thể hiện sớm nhất tại văn hóa Hà Mẫu Độ trong vùng Chiết Giang, tiền thân của văn hóa Lương Chử, sau đó hình tượng này tiếp tục được kế thừa trong văn hóa Việt, với hình ảnh “lưỡng long chầu thái cực”.

Hình ảnh đôi chim Tiên chầu thái cực được thể hiện trên cổ vật gỗ của văn hóa Hà Mẫu Độ. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, dẫn]

Hình tượng lưỡng long chầu thái cực trên mái đình Việt.

Bên cạnh trống đồng, rìu đồng, thì hình tượng chim Tiên (chim Phượng) và Rồng còn được thể hiện trên các cổ vật khác cũng được sử dụng trong dịp tế lễ như chiếc mũi giáo đồng phía dưới. Hình tượng chim Tiên trên trống đồng đã được cách điệu, trên chiếc mũi giáo chim Tiên lại thêm một lần được cách điệu, thể hiện hình dáng của chim Tiên có thể được thể hiện theo nhiều cách thức khác nhau.

Hình tượng chim Tiên và Rồng kép được thể hiện trên chiếc mũi giáo đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Thierry Ollivier, dẫn]

Chim Tiên (Phượng Hoàng) Đông Á trong giai đoạn này có sự biến chuyển sang hình ảnh thân dài, chân dài, mỏ dài, Rồng cũng có sự biến đổi tương ứng trong cả văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ.

Rồng trên cổ vật thời nhà Chu và chim Tiên (Phượng Hoàng) trên tranh cổ của mộ Sở tại Trường Sa tương ứng với sự hay đổi hình tượng của Rồng và chim Tiên trong văn hóa Việt. [Nguồn: bảo tàng Trung Quốc, dẫn; bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Văn hóa thờ vật Tổ ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong tâm thức của người Việt trong thời kỳ đồ đồng, với việc xăm mình hình rồng và đội mũ lông chim, đây là các nghi thức mang tính tâm linh, có ý nghĩa nhắc nhở người Việt về cội nguồn của dân tộc mình, các hoạt động nghi lễ được tiến hành bên cạnh thờ Trời còn là thờ cúng Tổ Tiên của dân tộc là Tiên – Rồng, hay Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Hoạt động tâm linh này được thực hành trong khắp các vùng tộc Việt, biểu hiện qua sự phân bố của những chiếc trống đồng có trang trí người đội mũ và mặc áo lông chim đang thực hiện lễ cúng tế.

Các hình tượng thuyền được khắc họa trên các trống đồng đều là hình tượng thuyền Rồng, phía mui thuyền được thể hiện hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng, đây là một hình ảnh có ý nghĩa rất quan trọng về mặt văn hóa, biểu hiện cho nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng của tộc Việt.

Hình ảnh thuyền Rồng được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. [24]

Văn hóa này còn để lại dấu ấn đậm nét cho tới ngày nay, với phong tục đua thuyền Rồng còn được khắp các dân tộc và quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á thực hành, như một phần của nền văn hóa vật Tổ có nguồn gốc từ thời xa xưa khi các cư dân tại nam Đông Á và Việt Nam đang còn trong một cộng đồng chung.

Lễ hội đua thuyền Rồng tại Việt Nam còn được lưu giữ ở nhiều nơi, nhưng nơi tổ chức nhiều nhất là tỉnh Thanh Hóa. Tại Trung Quốc, thì hội đua thuyền Rồng cũng được nhiều địa phương tổ chức, trong đó lớn và nổi tiếng nhất là tại các địa phương Hồ Bắc, Hồ Nam xung quanh vùng hồ Động Đình, đây là trung tâm của tộc Việt, đặc biệt là người Nam Á, bên cạnh đó người Miêu tại vùng Quý Châu, một trong các hậu duệ của tộc Việt, cũng còn giữ được tục đua thuyền Rồng.

Lễ hội đua thuyền Rồng được tổ chức tại xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. [Nguồn: trang tin Tĩnh Gia, dẫn]

Lễ hội đua thuyền Rồng còn được tổ chức rộng khắp các quốc gia Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Phillipines, Campuchia… Đây cũng là các quốc gia có nguồn gốc và chịu sự ảnh hưởng nhất định từ nền văn hóa Đông Á cổ xưa trong các giai đoạn khác nhau nên vẫn giữ phong tục đua thuyền Rồng, nét văn hoá có nguồn gốc văn hóa Đông Á cổ.

Lễ hội đua thuyền Rồng được tổ chức trong vùng Đông Á và Đông Nam Á: 1. Lễ hội Yueyang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc; 2. Lễ hội đua thuyền Rồng của người Miêu tại tỉnh Quý Châu; 3. Lễ hội Naha được tổ chức tại Okinawa, Nhật Bản; 4. Lễ hội Bon Om Touk của người Campuchia; 5. Lễ hội đua thuyền Rồng tại Thái Lan; 6. Lễ hội Tuen Ng tại Hồng Kông [Nguồn: 123456.]

Văn hóa thờ vật Tổ hay văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng còn thể hiện sự ảnh hưởng rõ nét qua những truyền thuyết về nguồn gốc của các tộc người có nguồn gốc từ tộc Việt. Người Mường cũng có truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên giống như người Việt, tuy có khác ở một số chi tiết. Theo truyền thuyết người Mường, họ vốn là hậu duệ của công chúa Ngu Cơ (Hươu Sao) và hoàng tử Long Vương (Cá Chéo), kết quả đã sinh ra 100 người con, trong đó có 50 nam và 50 nữ. Người Thái cũng có truyền thuyết tương đồng về mặt ý thức văn hóa lưỡng hợp, người Thái cho rằng khởi nguyên dân tộc Thái là sự kết hợp của chim én – loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ). Các truyền thuyết này đều thể hiện rất rõ ý thức về nguồn cội Rồng – Tiên của dân tộc, cùng một ý niệm về cha Rồng – mẹ Tiên, một người trên núi và một người dưới nước. Điều này thể hiện một sức sống rất mạnh mẽ của văn hóa vật Tổ và cội nguồn trong tâm thức của các cư dân có nguồn gốc từ tộc Việt.

2. Văn hóa thờ Trời:

Văn hóa thờ Trời có thể nguồn gốc từ rất xa xưa, nhưng về mặt hiện vật, thì văn hóa thờ Trời bắt nguồn từ văn hóa Lương Chử với ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất. [25]

Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 12]

Đĩa bích tế trời (trên) và ngọc tông tế đất (dưới) được chế tác tinh xảo của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: các bộ sưu tập tư nhân được trích trong catalogue của J.J. Lally & Co. – Oriental Art, dẫn]

Sau đó tới thời kỳ đồ đồng, thì văn hóa thờ Trời có ưu thế hơn văn hóa thờ vật Tổ, có thể nói văn hóa thờ Trời đóng vai trò trung tâm trong văn hóa của tộc Việt trong giai đoạn này. Văn hoá thờ vật Tổ vẫn tồn tại song song với văn hoá thờ Trời, khi trên trống đồng Đông Sơn hầu như đều xuất hiện hai hình tượng mặt trời ở tâm và chim Tiên ở vòng ngoài cùng.

Văn hóa thờ Trời không chỉ có ở văn hóa tộc Việt mà còn có ở văn hóa Hoa Hạ, đây là hai nền văn hóa kế thừa nền văn hóa Đông Á cổ xưa. Và văn hóa thờ Trời còn tồn tại ở rất nhiều nền văn hóa cổ xưa khác của thế giới như Ai Cập, châu Mỹ, Ấn Độ.

Thời kỳ đồ đồng, bởi đồng có đặc tính cảm ứng, phù hợp với tính chất của các hoạt động tâm linh, và có độ bền đẹp qua thời gian, nên đã thay thế hoàn toàn đồ ngọc trong thời văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà.

1. Trống đồng Sông Đà, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp. [dẫn]2. Trống đồng Khai Hóa, hiện đang trưng bài tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo. [dẫn]3, 4. Trống đồng Hoàng Hạ và trống đồng Ngọc Lũ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. 

Văn hóa thờ Trời của người Việt trong thời kỳ đồ đồng được biểu hiện qua những chiếc trống đồng, chúng là trung tâm của văn hóa Việt, và cũng đóng vai trò quan trọng, tương tự như một vật biểu quyền lực của các vua Hùng và thủ lĩnh tại các vùng.

III. Sự thống nhất của tộc Việt được thể hiện qua trống đồng:

Trống đồng xuất hiện trên một địa bàn rộng khắp Việt Nam, vùng nam Đông Á, Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Nhưng về nguồn gốc chính, thì trống đồng có nguồn gốc và sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt. Về mặt niên đại chính xác, thì trống đồng xuất hiện sớm nhất tại vùng miền Bắc Việt Nam và Vân Nam với niên đại vào khoảng 800-700 năm TCN. [26]

Sự xuất hiện trên địa bàn rộng khắp Đông Á và Đông Nam Á của trống đồng xuất phát từ nguyên nhân có tính lịch sử, khi nạn hạn hán [16] đã thúc đẩy sự di cư của các cư dân tộc Việt về Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Các cư dân tại vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo sau khi di cư vẫn tiếp tục truyền thống thờ Trời đã có từ thời còn trong cộng đồng chung tại vùng Dương Tử, nên đã tới miền Bắc Việt Nam để xin trống về.

Quan niệm cũ cho rằng trống đồng là vật đại diện của shaman giáo, tuy nhiên các nghiên cứu đã chứng minh trống đồng là vật thờ Trời, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa biểu trưng quyền lực [27][28]. Trống đồng tại miền Bắc Việt Nam thuộc loại I Heger là những trống to và đẹp nhất, trống đồng tại các vùng khác của tộc Việt cũng như vùng Đông Nam Á thường nhỏ hơn, biểu trưng cho quyền lực thấp hơn.

Trống đồng là vật biểu trưng cho hệ thống tôn giáo thờ Trời của tộc Việt, hay được gọi là hệ thống “tôn giáo trống” [25]. Tại vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, thì trống được các cư dân tại các vùng này trực tiếp tới miền Bắc Việt Nam để xin trống về, còn trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam, thì trống đồng được đúc tại nhiều nơi, với thành phần chất liệu tương tự nhau, kết cấu, hoa văn trang trí của các trống đồng trong các vùng tộc Việt là hoàn toàn tương đồng với nhau, chứng tỏ tính thống nhất của văn hóa tộc Việt.

Bản đồ phân bố trống đồng. [Bản đồ theo Trung Quốc Cổ đại Đồng cổ Nghiên cứu hội, Bắc Kinh, Wenwu Press, 1988. [26]]

Thành phần chất liệu của trống đồng ở nam Đông Á, Việt Nam, Lào, Thái là gần giống nhau:

Ðồng53%
Thiếc15-16%
Chì17-19%
Sắt4%
Một ít vàng bạc

Trống đồng Việt Nam (Sông Đà), Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. [Nguồn: 1. Bảo tàng Guimet, Pháp, dẫn; 2. Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn; Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc trong thế kỷ trước đã có sự tranh cãi khá gay gắt về nguồn gốc của trống đồng, nhưng cuộc tranh cãi cơ bản là không cần thiết, vì trống được tạo ra và sử dụng cùng bởi một tộc người. Sự xuất hiện rộng khắp của trống đồng trên địa bàn tộc Việt chứng minh cho chúng ta thấy tính thống nhất của văn hóa tộc Việt.

IV. Sự thống nhất của văn hóa tộc Việt dựa trên các nghiên cứu văn hóa học:

Văn hóa tộc Việt có cốt lõi là các văn hóa thờ vật Tổ và thờ Trời, nhưng bên cạnh đó, tính thống nhất của văn hóa tộc Việt còn được thể hiện trên nhiều nét văn hóa tinh thần tạo nên sự đặc trưng của nền văn hóa tộc Việt. Những dấu ấn của chúng còn thấy được trong khắp các các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt tại vùng nam Đông Á, Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.

Theo các kết quả của nghiên cứu văn hóa học, thì nền văn hóa tộc Việt xưa được nhận diện thông qua hàng loạt các dấu hiệu quan trọng trong dân tộc học, khảo cổ học như:

Trong văn hóa tinh thần: huyền thoại mang nét lưỡng hợp, nguyên lý Mẹ, thờ tổ tiên, tín ngưỡng đa thần, dùng thuyền rồng tế bái thủy thần, dùng kê bốc, xà bốc..;

Trong văn hóa tổ chức xã hội: tổ chức đời sống theo thôn làng, liên làng rồi lên nhà nước, làm nông nghiệp lúa nước, coi trọng vai trò phụ nữ..;

Trong văn hóa vật chất: cắt tóc xăm mình, búi tóc, ở nhà sàn, thức ăn thiên về thủy sản, phụ nữ mặc váy, nhuộm răng đen, thạo dùng thuyền và giỏi đi biển, chế tác đồ sứ mang hoa văn kỷ hà (geometric pottery, 几何 印纹陶), sử dụng bôn có nấc (rìu có mấu, stepped adze, 有段石锛) và bôn có tay cầm (rìu có vai, shouldered adze, 有肩石锛), sính trân châu (vùng Hợp Phố – Lôi Châu ở Lĩnh Nam, khác với truyền thống sính kim ngọc phương Bắc), tả nhậm… [21]

Tác giả Joseph Needham, trong tác phẩm Science and Civilization in China, đã tóm lược 25 đặc điểm đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa tộc Việt [29]:

1 – Văn hóa biển và sông nước
2 – Kỹ thuật đóng tầu dài
3 – Đặc điểm nhà làng để cho dân tụ tập sinh hoạt
4 – Tục đua thuyền
5 – Huyền thoại con rồng
6 – Thờ phụng loài rắn
7 – Tục linh thiêng hóa ngọn núi
8 – Đặc thù về giống chó
9 – Văn minh trống đồng
10 – Thuật dùng nỏ bắn bằng tên
11 – Phép làm quần áo bằng vỏ cây
12 – Tục xâm mình
13 – Đốt rừng làm rẫy
14 – Hội về mùa xuân và mùa thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng
15 – Văn minh trồng lúa nước
16 – Thuật đào mương dẫn nước
17 – Thuật làm nương rẫy
18 – Phép thuần hóa trâu để cầy
19 – Tục thờ cúng ông bà
20 – Tục giết heo để cúng bái
21 – Tục cầu tự
22 – Thuật làm khí giới có chất độc
23 – Thuật trồng cây tre và sử dụng dụng cụ bằng tre
24 – Kỹ thuật đúc sắt
25- Kỹ thuật làm sơn mài

Jeffrey Barlow cũng nhắc đến ý kiến của các học giả Trung Hoa hiện đại nói về đặc trưng của văn hóa tộc Việt. Yu Tianjin và đồng nghiệp nêu 9 đặc trưng của văn hóa tộc Việt là:

1 – Tục cắt tóc ngắn và xâm mình
2 – Kỹ thuật làm nhà sàn
3 – Tục mặc quần ngắn hay váy ngắn, đội khăn
4 – Sử dụng trai, sò và các động vật lưỡng tính (vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước) làm thực phẩm chính
5 – Nhổ răng (?)
6 – Truyền thống đàn ông tham dự vào tiến trình sinh nở và săn sóc hài nhi để đàn bà được sớm ra làm đồng
7- Đúc trống đồng và sử dụng trống trong những dịp cúng tế
8 – Tục bói bằng xương, đặc biệt xương gà
9 – Tín ngưỡng vật tổ, đặc biệt đối với chim, rắn

Chen Guoqiang và đồng nghiệp thêm vào bảng trên 4 đặc trưng văn hóa sau:

1 – Tục mai táng theo thế bó gối
2 – Chuyên sử dụng thuyền bè và giỏi hải chiến
3 – Sản xuất gốm và sứ theo dạng hình học
4 – Có kỹ thuật dệt vải phát triển [30]

Đặc điểm của văn hóa tộc Việt xuất hiện trong toàn vùng có sự phân bố của cư dân tộc Việt. Người Hán Hoa Nam ngày nay mặc dù đã bị đồng hóa, ý thức mình là người Hán, nhưng đặc điểm văn hóa của họ vẫn rất đậm nét dấu ấn của văn hóa tộc Việt, có sự khác biệt lớn so với văn hóa của người Hán Hoa Bắc. Những đặc điểm chung của nền văn hóa tộc Việt vẫn thể hiện ở văn hóa của dân tộc Việt cũng như các dân tộc anh em của người Việt tại vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam.

Văn hóa tộc Việt cổ được giới hạn trong vùng Nam Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, nhưng vùng ảnh hưởng của nó thì lại rộng hơn thế, nguyên nhân xuất phát từ sự di cư của các cư dân tộc Việt trong nhiều giai đoạn khác nhau tới vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Đặc trưng văn hóa tộc Việt có thể nhận thấy ở cả các dân tộc tại Đông Nam Á lục địa, và các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Đảo.

Như học giả Andréas Lommel trong tác phẩm “Tiền sử” đã ghi nhận như sau: “Tất cả miền đất mênh mông từ Thái Bình Dương trở lên đến Hoa Nam Trung Quốc đều có cùng một nền văn hóa. Đảo Bornéo ở Nam Dương (Indonesia) cũng có cùng nghệ thuật như miền sông Hoài thuộc Giang Tô miền Nam nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đặc tính văn hóa gắn liền với môi trường sinh sống của thực vật và động vật từ trầu cau, cây dâu đến heo, gà, công. Các phong tục tập quán từ nhuộm răng ăn trầu, xâm mình, cà răng đến lễ hội mừng nước, đua thuyền, vai trò quan trọng của trống đồng và cồng chiêng trong các lễ hội dân gian. Đó là khu vực văn hóa Trống đồng của cộng đồng Bách Việt từ Nam Trung Quốc, Đài Loan, Hải Nam tới Đông Dương gồm Việt, Miên, Lào, Thái Lan xuống tới bán đảo Mallacca, Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia), Phi Luật Tân (Philippine), Guinée, quần đảo Micronesia và Pâques”. [31]

Những đặc trưng chung của văn hóa tộc Việt, cũng như sự tương đồng của văn hóa tộc Việt với các dân tộc tại vùng Nam Đảo đã thể hiện tính thống nhất cũng như sức sống mạnh mẽ của nền văn hóa Việt cổ.

V. Sự thống nhất qua tên gọi địa danh:

Các địa danh tại các vùng tộc Việt tới hiện nay vẫn còn giữ được những nét thống nhất rất rõ ràng. Hệ thống các địa danh của các vùng Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam thể hiện thống nhất trong các tên gọi địa danh liên quan tới Pu/Pù (núi), Tà (sông nước), Na/Nà (ruộng lúa). Ở bảng phía dưới chúng tôi chỉ dẫn ra những tài liệu chỉ cụm phức hợp địa danh tại từng vùng để đối chiếu và so sánh trực tiếp, ngoài ra còn rất nhiều tên địa danh khác có sự tương đồng và gần gũi. [31*]

Pu/PùNa/Nà
Nam Ninh (Quảng Tây)Pu Pâu (Xào Cheng), Pu Thảng (Thái Dung Sơn). (Nam Ninh có rất nhiều Pu).Tà Môn, Tà Thủng, Tà Phình, Tà Nen, Tà Sa Phinh, Tà Suay, Tà Lý, Tà Tháng, Tà Phấng, Tà Trang, Tà Pho, Tà An, Ta Uy, Tà Châu, Tà Xeo, Tà Lung, Tà Oan.Na Chin, Na Pái, Na Thung, Na Chi, Na Lao, Na Tẩu, Na Mà, Na Tha, Na Siêu.
Trạm Giang (Quảng Đông)Pù Thâu, Pù Mây, Pu SầngTà Lu, Tà Chữ, Tà Lung Mầu, Tà Thung.Nà Sô, Na Lứa, Na Mèn, Na Xac, Nà Xuy, Na Li, Na Pù, Na Xứ, Na Bua, Na Cang, Na Sâu, Na Cheo.
Vụ Bản (Nam Định)Pù Biêng, Pù Han Le, Pù Cột Ca.Tà Hu, Tà La.Na Kou, Na Nha, Nà Trâm, Na Trâm, Na Tông, Na Ca, Na Bạc, Na Sa.
Bái Thượng Thường Xuân (Thanh Hóa)Pù Kha, Pù Câu, Pà Ton, Pù Quàng, Pù Cầm, Pù Ham, Pù Chó, Pù Doanh.Tà Lèo, Tà Hinh, Tà Lu (thuộc hệ thống sông Chu).Na Chú, Na Am, Na Thảo, Na Châm, Na Tú, Na Nôm, Na Vu, Na Cơ.
Qùy Châu (Nghệ Tĩnh)Pù Co, Pù Tang, Pù Quang, Pù Câm, Pù Mun.Tà Hom, Tà Luc, Tà Nhâu, Tà Nôm..  Na Xai, Na Toong, Na Ta, Na Táng, Na Thang, Na Vang, Na Mu, Na Ca, Na Khang, Na Tram
Bảng so sánh các từ chỉ địa danh phổ biến các vùng Quảng Tây, Quảng Đông, đồng bằng sông Hồng và Thanh Nghệ Tĩnh. [31*]

Toàn bộ vùng Lưỡng Quảng cũng có nhiều nơi có địa danh có từ kẻ, các địa danh có từ kẻ ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam hiện tại vẫn được tìm thấy rất nhiều. [31*]

– Phiên Ngung có Kẻ Lâu Trường.
– Thương Ngô có Kẻ Lãm.
– Quế Bình có Kẻ Lăng.
– Nam Hải có Kẻ Táo.
– Quế Lâm có Kẻ Trúc.
– Thương Lâm có Kẻ Lập.
– Hạ Huyện có Kẻ Luân.
[31*]

Đảo Hải Nam, một vùng thuộc lãnh thổ đất Việt xưa cũng có những địa danh có chứ chữa Tà: Tà Phăng xơ (Xương Hóa Giang chảy ra cửa Đạm Thủy); Tà Xiền, Tà Câu, Tà Tinh (Nam Đồ hà chảy ra cửa Hải Khẩu), Tà Phâng, Tà Phô, Tà Chu, Tà Xinh, Tà Thùng… [31*]

Qua một thời gian rất dài tách biệt nhau, hơn 2000 năm, một vùng sinh hoạt và chịu ảnh hưởng của người Hán và văn hóa Hán, một vùng giữ được độc lập, là một quốc gia độc lập, dân tộc độc lập, nhưng các địa danh vẫn rất tương đồng với nhau. Đây là các địa danh có từ thời xa xưa, có thể từ thời kỳ văn minh sông Dương Tử (hơn 4000 năm trước), bởi các dân tộc Tây Nguyên, các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á cũng còn giữ được những địa danh có các tên có tên tương đồng với các tên này.

VI. Sự thống nhất của văn hóa tộc Việt trong thực tế khảo cổ học:

Sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt còn được thể hiện rất rõ thông qua các loại hình cổ vật khác, các loại hình đặc trưng văn hóa Đông Sơn xuất hiện rất rộng trong địa bàn của tộc Việt xưa kia.

Vùng Hồ Nam là nơi trung tâm của tộc Việt xưa kia, với nền văn hóa Thạch Gia Hà có ảnh hưởng rộng rãi trong vùng Đông Á. Tại đây đã phát hiện nhiều cổ vật có phong cách Đông Sơn, sự tương đồng còn thể hiện rõ trong loại hình đặc trưng của Đông Sơn là cán dao găm hình người.

Hai cán dao găm, một của văn hóa Đông Sơn Lạc Việt, và một của vùng Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Ngoài ra tại Hồ Nam còn tìm thấy nhiều rìu cân xòe và rìu xéo khác. [31]

Ở phía Tây Nam, vùng Vân Nam phía Tây nước Văn Lang, là văn hóa Điền Việt, theo các nhà nghiên cứu, thì văn hóa Điền Việt là anh em với văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam, tức là cùng một nền văn hóa:

Học giả Mỹ Chiou Peng (2008 a: 34) về Điền Việt và Đông Sơn: “Những tư liệu tích lũy hơn nửa thế kỷ qua khẳng định những hiện vật tương đồng từ vùng Đông Sơn và Vân Nam thuộc về hai nền văn hóa anh em trong một vùng văn hóa của người Việt ở bán đảo Đông Dương và Tây Nam Trung Quốc”. Nhà khảo cổ học Việt Nam Chử Văn Tần (1980/2003) đã xác định một loạt các yếu tố tương đồng Điền – Đông Sơn, ngoài trống đồng còn có lưỡi cày hay cuốc hình tim, lưỡi liềm, dao gặt, bàn chải bầu dục, dao găm, kiếm ngắn, rìu lưỡi cân hoa văn hình vảy cá, muôi hình quả bầu, tên đồng mặt cắt tam giác .v.v. [21]

Dao găm tại các vùng: Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam. [Nguồn: 1. Kiều Quang Chẩn, 2018, Vang vọng từ trống Đông Sơn; 2. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn ; 4. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn; 5. Bảo tàng thành phố Côn Minh, Vân Nam, dẫn]

Chuông tai dê tại các vùng: Quảng Đông, Việt Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 2. Báo Đảng Cộng Sản, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, được dẫn lại trong nghiên cứu của bảo tàng Quảng Tây [dẫn]; 4. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 5. Bảo tàng Ngọc Khê, Vân Nam; 6. Bảo tàng thành phố Trường Sa, Hồ Nam.]

– Bên cạnh đó, văn hóa Điền và văn hóa Đông Sơn còn chia sẻ đặc điểm chung với các văn hóa cùng thời ở Hồ Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quí Châu một loạt các lễ khí như qua ngắn có hình người – ếch, dao găm cán hình người, rìu hình hia, chuông tai dê, chiêng, nồi hình trống. [27]

Rìu cân xòe tại các vùng tộc Việt: Việt Nam, Chiết Giang, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam. [Nguồn: 1. Art Gallery of New South Wales, dẫn; 2. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, dẫn; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, dẫn; 4. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 5. Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn; 6. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, China Institute, dẫn.]

– Về phía Bắc Quảng Tây, giáp Hồ Nam, giáp vùng trung tâm của tộc Việt trong một thời gian dài: “Tại di chỉ núi Ngân Sơn Lĩnh, huyện Bình Lạc, tỉnh Quảng Tây, giáp với vùng Hồ Nam, là nơi phát hiện ra một khu mộ với 165 ngôi mộ, với 110 ngôi mộ cùng thời Đông Sơn. Trong số 1044 hiện vật khai quật được, có nhiều hiện vật có dấu ấn Đông Sơn đậm nét: những dao găm cán chắn tay ngang, giáo lưỡi hình tam giác, lưỡi hình lá, nhóm rìu xoè cân (hơn 10 chiếc), nhóm rìu hình lưỡi xéo với đầy đủ các tiểu loại tìm thấy ở rìu lưỡi xoè và lưỡi xéo Đông Sơn. Ở đây cũng tìm thấy công cụ lao động bằng sắt, cũng như khuyên tai 4 mấu bằng đá ngọc giống với các văn hóa Đông Sơn và tiền Đông Sơn.” [31]

Thạp đồng các vùng tộc Việt: Việt Nam, Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, lưu vực sông Dương Tử. [Nguồn: 1. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn; 2. Bảo tàng tỉnh Quảng Đông, dẫn.; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, dẫn; 4. Trình Năng Chung, 2015, tr. 325, Mối Quan Hệ Văn Hoá Đông Sơn Và Các Văn Hoá Kim Khí Ở Miền Nam Trung Quốc; 5. Bảo tàng Văn minh Trường Giang, Trung Quốc, dẫn]

– Tại vùng Nam Ninh, giáp biên giới với Việt Nam, cổ vật cũng tương đồng với di vật của văn hóa Đông Sơn: Tại thôn An Đẳng Ương thuộc thôn Mã Đầu, huyện Vũ Minh, thành phố Nam Ninh, gần với biên giới Việt Nam, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật 86 ngôi mộ, trong số các di vật đồng, thì nhóm rìu lưỡi xoè cân có số lượng lớn nhất, tiếp đến là nhóm mũi tên, nhóm giáo đồng và rìu lưỡi xéo gót tròn mang đặc trưng Đông Sơn. Ngoài ra còn 5 chiếc chuông hình thang cân, 10 chiếc vòng tay bằng đồng có khắc hoa văn chữ S, đặc trưng của Đông Sơn. Ngoài ra thì còn tìm thấy cuốc sắt giống với di vật Đông Sơn, trang sức bằng đá gồm vòng tai với mặt cắt hình thang và khuyên tai 4 mấu. [31]

Rìu lưỡi hài tại các vùng: Việt Nam, Hồ Nam, Quảng Đông. [Nguồn: 1. Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn; 3. Nguồn: Bảo tàng Nanshan, Thâm Quyến, dẫn]

Qua những nghiên cứu văn hoá cùng sự so sánh cổ vật của các vùng mà chúng tôi đã dẫn ở trên, có thể thấy cộng đồng tộc Việt không chỉ thống nhất về mặt văn hóa tinh thần, mà còn tương đồng về mặt văn hóa vật chất, với biểu hiện là di vật khảo cổ, với nhiều di vật đồng nhất với nhau trên diện rộng. Nhìn một cách toàn thể, kết hợp với những chiếc trống đồng là biểu trưng quan trọng nhất, thì chúng ta cũng có thể thấy được sự thống nhất trong đa dạng về mặt văn hóa của cộng đồng tộc Việt.

C. NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA TÊN GỌI “VIỆT”:

I. Có phải tên Việt là cách gọi chung các tộc người phía Nam của người Hoa Hạ?

Có một quan điểm phổ biến trong nhận định về nguồn gốc của tộc Việt, đó là “khái niệm Việt được người Hoa Hạ sử dụng để chỉ chung các dân tộc không liên quan tới nhau ở phía Nam địa bàn sinh sống của họ”, nhưng trong thực tế các tài liệu lịch sử Trung Hoa, khái niệm Việt được họ sử dụng để chỉ trực tiếp tộc Việt trong nhiều giai đoạn như chúng tôi đã dẫn ở các phần trên, không phải là khái niệm có tính gộp chung các sắc dân không liên quan tới nhau như một số quan điểm đã thể hiện. Thay vào đó, họ có sự phân biệt thông qua khái niệm “Nam Man”.

Trong Kinh Lễ, thiên Vương Chế, người Hoa Hạ hay người Hán dùng từ Nam Man (南蠻) để chỉ chung chung cư dân phía Nam Dương Tử với ý miệt thị. [32].

Tên Việt của cộng đồng tộc Việt có nguồn gốc từ sự phát triển nội sinh tại vùng Dương Tử, xuất hiện khi cộng đồng cư dân tại vùng Dương Tử bắt đầu hình thành ý thức dân tộc, đó không phải tên người Hoa Hạ đặt cho tộc Việt. Điều này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn qua phần phía sau đây.

II. Nguồn gốc và ý nghĩa của tên “Việt”:

Tên Việt của cộng đồng Việt có nguồn gốc từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Đại Vấn Khẩu và Lương Chử, sau đó được cư dân văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa, phát triển thành hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đội mũ lông chim (số 15, hình dưới) trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh văn hóa Thạch Gia Hà (hình ảnh này sau đó đã được kế thừa trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời kỳ này trên trống đồng cũng xuất hiện phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu tương tự văn hóa Thạch Gia Hà). Chữ Việt được phát triển lên từ hình ảnh đó. Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên trên (người khác), giống với ý nghĩa chữ Việt (vượt) ngày nay chúng ta đang dùng. Tên “Việt” theo nghĩa thông thường là tộc những người sử dụng rìu lễ khí và biểu thị quyền lực, nghĩa bóng là vượt qua.

Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian. 1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hóa Đại Vấn Khẩu [33]. 3-6: biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên trên bình gồm của văn hóa Lương Chử [34]. 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa) ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư [35]. 11-14: chữ Việt (vượt qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư [36]. 15: Bình gồm có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu [6] [37]. 16: Hình người cầm rìu trên trống đồng Miếu Môn [38]. [39]

Chữ Việt từ đó đã gắn liền với cộng đồng tộc Việt trong hơn 3000 năm lịch sử cho tới khi họ thất bại trong các cuộc chiến chống xâm lược và chiếm đóng của người Hán, sau đó cái tên này đã được giữ gìn và kế thừa bởi người Việt ở miền Bắc Việt Nam. Cái tên Việt có nguồn gốc và phát triển nội sinh từ văn hóa tộc Việt, có hệ thống và tính kế thừa, không phải cái tên được người Hoa Hạ gọi chung cho những sắc dân phi Hoa ở phía Nam Trung Hoa.

III. Lịch sử của tên gọi Việt:

Tộc Việt có tên gọi chung là Việt trong hơn 3000 năm, trong sách sử của người Trung Hoa, họ lại ghi những cái tên khác nhau để chỉ cộng đồng tộc Việt, với kết cấu chữ đệm + tên Việt mà chúng tôi đã có đề cập tới ở trên. Các tên gọi này là những tư liệu quan trọng để chúng ta biết được sự phát triển và thay đổi của tên gọi Việt.

1. Các tên tự xưng: 

– Tên tự xưng đầu tiên của người Việt là Việt Thường, được sử dụng vào thời điểm hơn 4000 năm trước vào thời nhà Hạ, được ghi lại từ các sử liệu cổ trong sách Thông chí của Trịnh Tiều thời Tống (1127-1279): “Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch.”. Đây là tên tự xưng đầu tiên của người Việt, tên Việt Thường được sử dụng để gọi sứ giả của đất Việt tới thông giao với vua Nghiêu.

Tên gọi Việt Thường sau đó vẫn tiếp tục được người Việt tự xưng tới ít nhất tới thời nhà Chu, khi vào đời Chu Thành Vương, người Việt cũng đã tới để cống chim trĩ trắng, tự xưng là Việt Thường.

– Vào giai đoạn sau thời Chu Thành Vương, tên tự xưng của tộc Việt có thể đã được chuyển sang Lạc Việt, với đoạn sử trong sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”. [41] Cái tên này được ghi lại trong nhiều tài liệu lịch sử ở các giai đoạn sau để chỉ người Việt, cái tên này cũng gắn bó chặt chẽ với người Việt trong một thời gian dài cho tới tận trong thời Bắc thuộc.

1. Các tên được gọi bởi người Hoa Hạ: 

Trong các giai đoạn thì người Hoa Hạ có những cái tên khác nhau để gọi tộc Việt, với cấu trúc tên đệm + với tên Việt của tộc Việt, thể hiện một phần thái độ và nhận định của họ về tộc Việt trong từng giai đoạn mà chúng tôi đã đã ở phần đầu bài viết.

– Nhà Hạ gọi cộng đồng người Việt là Vu Việt 于越.

– Nhà Thương gọi là Man Việt 蛮越 hoặc Nam Việt 南越.

– Tới thời Chu thì tên Dương Việt 扬越 được người Hoa Hạ sử dụng để gọi cộng đồng tộc Việt, tên Dương Việt được sử dụng tới thời nhà Sở (400BC): Cuốn Chiến Quốc Sách có ghi sự kiện Ngô Khởi “Nam công Dương Việt” (tấn công Dương Việt phía Nam) thời Sở Điệu Vương (楚悼王) (đây là đoạn sử ghi lại thời điểm Sở đánh xuống vùng phía Tây của lãnh thổ tộc Việt).

– Tới thời Tần, bắt đầu xuất hiện tên gọi Bách Việt, được ghi đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu: “Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế” nghĩa là “phía nam đất Hán là đất Bách Việt.”. [42]

Tên gọi này có ý thể hiện sự phân lập của cộng đồng tộc Việt, có ảnh hưởng sâu rộng trong các giai đoạn sau này, tuy nhiên như chúng tôi đã chứng minh ở các phần trên, cộng đồng tộc Việt không phân lập, mà có ý thức thống nhất cao về văn hóa, dân tộc. Bên cạnh đó, có những cơ sở nhất định để cho rằng họ cùng tồn tại trong một quốc gia.

IV. Tìm hiểu về danh xưng Việt Thường:

Như chúng tôi đã dẫn ở phần trên, thì tên gọi Việt Thường được người Việt tự xưng khi thông giao với người Hoa Hạ bắt đầu từ thời nhà Hạ tới thời nhà Chu, tuy nhiên trong sử sách Trung Hoa khi ghi lại chi tiết người Việt thông giao với nhà Chu lại gọi Việt Thường là một nước, nên cần bàn qua một chút về danh xưng Việt Thường này.

Trong Thượng thư đại truyện (TK 3 TCN) và Tiền Hán Thư có ghi lại chi tiết về người Việt Thường tới cống chim trĩ trắng cho Chu Thành Vương.

“Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường. Châu Công (tên Cơ Đán 姬旦) nhiếp chính được sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình. Người nước Việt Thường qua quan Tam tượng nhiều lần phiên dịch mà dâng chim trĩ trắng.” [45]

Sách Thượng thư đại truyện gọi Việt Thường là một nước, và nó nằm ở phía Nam đất Giao Chỉ, ở điểm này sách sử Trung Hoa có thể có sự nhầm lẫn trong ghi chép, bởi đất Giao Chỉ được sử dụng để chỉ đất của tộc Việt, trong địa bàn phía Nam Dương Tử, không thấy có dấu hiệu nào có sự xuất hiện của một quốc gia khác trong thời điểm hơn 3000 năm trước, ngoài quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt, do đó nước Việt Thường không có khả năng tồn tại, nếu tồn tại, nó sẽ phải nằm tại vùng phía Nam miền Bắc Việt Nam, tuy vậy trong huyền sử đã ghi lại phía Nam nước Văn Lang là nước Hồ Tôn, chứ không phải là Việt Thường. Thêm nữa tên Việt trong cổ sử Trung Hoa ghi chép lại luôn luôn được dùng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, đó là cái tên tự nhận của họ như chúng tôi đã chứng minh ở trên. Họ có thể nhầm lẫn cái tên tự xưng Việt Thường thành tên nước, từ sự hiểu nhầm do phiên dịch mà thành. Trong tài liệu lịch sử Trung Hoa cũng có sách chép là “Việt Thường”, chứ không ghi trực tiếp là tên của một nước.

Sách Luận Hành (Hán – Vương Sung soạn) chép: “成王之時,越常獻雉,倭人貢暢。幽厲歷衰微,戎狄攻周,平王東走,以避其難。至漢,四夷朝貢。孝平元始元年,越常重譯獻白雉一、黑雉二。夫以成王之賢,輔以周公,越常獻一,平帝得三。” – “Vào thời Thành Vương, người Việt Thường tặng chim trĩ, người Oa cống lúa nếp. Vào thời U-Lệ suy kém, người Nhung Địch đánh nhà Chu, Bình Vương chạy sang miền đông để tránh nạn ấy. Đến thời nhà Hán, người Di bốn phương chầu cống. Vào năm Nguyên Thủy thứ nhất (năm 5) người Việt Thường qua nhiều lần phiên dịch tặng một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen. Vậy là Thành Vương là vua hiền được Chu Công giúp, mà người Việt Thường chỉ cống một con, còn Bình Đế được ba con.”

Chi tiết này cũng được Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại, thể hiện rõ hơn là Việt Thường là cái tên tự nhận của người Việt, chứ không phải là một nước: truyện Bạch Trĩ trong Lĩnh Nam Chích Quái kể:

Đời vua Chu Thành Vương, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là người Việt Thường đem chim bạch trĩ sang cống… Chu Công hỏi: “Người Giao Chỉ cắt tóc ngắn, xăm mình, để đầu trần, đi chân đất, nhuộm răng đen là cớ làm sao?” Sứ đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình vua rồng bơi lội dưới sông, giao long không làm hại. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Để đầu trần cho khỏi nóng bức. Ăn trầu cau để khỏi hôi mồm cho nên răng đen.”

[Lĩnh Nam chích quái, Trần Thế Pháp]

Chi tiết trong truyện Bạch Trĩ trên đã xác định rất rõ Việt Thường là một danh xưng của người Việt, truyện cũng cho thấy người Việt Thường cũng là người Giao Chỉ, một cái tên gắn liền với người Việt trong nhiều giai đoạn, sứ giả là bề tôi của vua Hùng, người làm chủ nước Văn Lang.

Dựa vào những dữ liệu phân tích và tổng hợp, thì cái tên Việt Thường là cái tên người Việt tự xưng, không phải là một cái tên được sử dụng để chỉ quốc gia, việc người Hoa Hạ gọi đây là một quốc gia có thể là một sự nhầm lẫn trong quá trình phiên dịch và ghi nhận. Cái tên tự nhận này được sử dụng bắt đầu từ thời nhà Hạ, và sau đó có thể tiếp tục được sử dụng cho tới thời Chu Thành Vương, sau đó danh xưng có thể được chuyển thành Lạc Việt.

V. Tìm hiểu về danh xưng Lạc Việt:

1. Danh xưng Lạc Việt có thể là danh xưng chung của tộc Việt:

Tới thời nhà Chu, có thể ở giai đoạn sau Chu Thành Vương, thì danh xưng của người Việt chuyển sang Lạc Việt. Danh xưng này chúng tôi nhận thấy có thể là một danh xưng chung của cộng đồng tộc Việt, với nhiều dữ kiện hỗ trợ cho giả thuyết này.

Đầu tiên trong sách Lã Thị Xuân Thu, đã ghi về tộc Việt như sau: “Quế Dương Chiêu Dao sơn đích quế; Việt Lạc (cổ quốc) đích hương khuẩn; lí ngư hòa vị ngư nhục tố đích tương; Đại Hạ (cổ quốc) quốc đích diêm”. Cao Dụ chú “Lạc Việt = Việt Lạc: quốc danh. Khuẩn: măng trúc”, [46] Đàm Thánh Mẫn giải thích “Việt Lạc cũng là Lạc Việt, do thứ tự cú pháp tiếng Việt đặt ngược với tiếng Hán mà ra.”. Các tác giả của Lã Thị Xuân Thu có thể nhận thấy người Việt tự nhận mình là Lạc Việt, nên đã cho đó là quốc danh.

– Tại vùng Hồ Nam, theo Lăng Thuần Thanh, thì là nơi sinh sống của người Lạc Việt, ông đã nhận thấy bài Đông Quân được Khuất Nguyên miêu tả hoạt động cúng tế của cư dân vùng này, trùng khớp với các hình vẽ được mô tả trên hoa văn trống đồng Ngọc Lũ của người Việt tại miền Bắc Việt Nam.

– Hồ Bắc cũng là nơi sinh sống của người Lạc Việt, trong Hậu Hán Thư ghi: “Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.”. [53]

– Hậu Hán thư – Mã Viện liệt truyện: 條奏越律與漢律駮者十餘事,與越人申明舊制以約束之,自後駱越奉行馬將軍故事。駱者,越別名。” – “Tấu kể luật của người Việt khác với luật của người Hán đến hơn mười điều, liền nêu rõ phép tắc cũ với người Việt để gò buộc họ, từ đó về sau người Lạc Việt làm theo phép cũ của Mã tướng quân. Lạc là tên nhóm khác của người Việt.”. Cuộc chiến của Hai Bà Trưng xuất phát từ miền Bắc Việt Nam, tài liệu lịch sử này cho thấy người Việt tại miền Bắc Việt Nam là người Lạc Việt.

– Sách Hậu Hán thư, truyện Mã Viện, truyện Nhâm Diên ghi rõ người các quận Giao Chỉ và Cửu Chân là người Lạc Việt. Vùng miền Bắc Việt Nam là nơi sinh sống của người Lạc Việt.

– Trong Hậu Hán Thư thế kỷ thứ V trong Mã Viện liệt truyện ghi: “Viện hiếu kỵ, thiện biệt danh mã, ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi chú vi thức, hoàn thượng chi”. Tức là Mã Viện thích ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay; tại Giao Chỉ lấy được trống đồng của dân Lạc Việt. Sau khi cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng thất bại, Mã Viện đã thu trống của người Lạc Việt tại vùng Giao Chỉ, chi tiết này có thể là Giao Chỉ bộ hoặc Giao Chỉ quận, ở chi tiết này chưa thực sự rõ ràng nên Mã Viện có thể thu trống tại Giao Chỉ bộ hoặc Giao Chỉ quận, đây là nơi sinh sống của người Lạc Việt.

– Bên cạnh các chi tiết trên, thì còn một chi tiết được ghi lại trong sách “Giao Châu Ngoại Vực Ký”: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có Lạc điền [雒田; ruộng lạc], ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực [墾食] ruộng ấy, nên gọi là “Lạc dân” [雒民]. Lập ra “Lạc vương” [雒王], “Lạc hầu” [雒侯], coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có “Lạc tướng” [雒將], các Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh. Sau Thục vương tử mang 3 vạn binh đến đánh lạc vương, lạc hầu, thu phục các lạc tướng. Thục vương tử sau đó xưng An Dương vương.” [Bản dịch của Tích Dã]

Giao Chỉ theo đoạn trích dẫn trên là đất của người Lạc Việt, Giao Chỉ ở đây có ý nghĩa là Giao Chỉ bộ, vì khi đó “chưa có quận huyện”, địa bàn của Giao Chỉ trong thời điểm đó có thể bao gồm Lưỡng Quảng, Hải Nam, miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Dựa vào đoạn trích trên, chúng ta có thể thấy toàn vùng Giao Chỉ là nơi ở của Lạc dân, có Lạc điền, sau có Lạc Vương cai quản, Lạc Hầu coi giữ các quận huyện. Các chi tiết này cũng gợi ý trực tiếp về sự tồn tại của danh xưng Lạc Việt trong cộng đồng tộc Việt.

– Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu” [41], vào thời nhà Chu, Giao Chỉ khi đó tương ứng với danh xưng Lạc Việt. Giao Chỉ ở đây là Giao Chỉ bộ, lãnh thổ Giao Chỉ thời kỳ này bao gồm vùng Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam.

– Sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường, chương Cổ Nam Việt cũng có nhắc tới Tây Âu là đất của người Lạc Việt. “古西甌、駱越之地” – “Cổ Tây Âu, Lạc Việt chi địa”, tạm dịch: “Cổ Tây Âu là đất của Lạc Việt”. Một đoạn trích khác cũng có ý nghĩa tương tự: “西甌即駱越也” “Tây Âu cũng là Lạc Việt”.

– Tây Âu được sử dụng để chỉ trực tiếp người Việt tại vùng Quảng Tây, cũng theo tài liệu lịch sử, thì người Tây Âu là một nhánh của người Lạc Việt, khái niệm Tây Âu có phạm vi hẹp hơn khái niệm Lạc Việt, điều này cũng thể hiện khái niệm Lạc Việt có thể được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt.

Cựu đường thư – Địa lí chí: 潘州茂名州所治。古西甌、駱越地,秦屬桂林郡,漢為合浦郡之地。“Huyện Mậu Danh của châu Phan là sở trị của châu. Là đất của người Tây Âu, Lạc Việt thời xưa. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm, thời nhà Hán là đất của quận Hợp Phố.”

Phương ngôn (Hán – Dương Hùng soạn, Đông Tấn – Quách Phác chú): “允、訦、恂、展、諒、穆,信也。齊魯之間曰允,燕代東齊曰訦,宋衞汝潁之間曰恂,荊吳淮汭之間曰展。西甌毒屋黃石野之間曰穆。西甌,駱越別種也,音嘔。” – “Các từ doãn, kham, tuân, triển, lượng, mục là nói về ‘tín’. Vùng nước Tề-Lỗ gọi là ‘doãn’; vùng nước Yên-Đại, Đông Tề gọi là ‘kham’; vùng nước Tống-Vệ, Nhữ-Dĩnh gọi là ‘tuân’; vùng nước Kinh-Ngô, Hoài-Nhuế gọi là ‘triển’; vùng Tây Âu, Độc Thất, Hoàng Thạch Dã gọi là ‘mục’. Tây Âu là một chủng khác của người Lạc Việt, đọc là ‘âu’.”

– Các tên gọi như Mân Việt, Âu Việt, Điền Việt, Đông Việt, Dạ Lang, Tây Âu… đều là những cách gọi xuất hiện muộn trong lịch sử, các tên gọi này ban đầu quốc danh khi các vùng này tách ra khỏi quốc gia chung Văn Lang, sau đó qua thời gian mới trở thành tộc danh để chỉ cư dân từng vùng, chúng không xuất hiện trước các danh xưng Việt Thường hay Lạc Việt.

– Trong số các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt ngày nay, thì người Choang và người Bố Y trong vùng Hoa Nam vẫn còn tự nhận mình là người Lạc Việt.

Qua các dẫn chứng trên, có cơ sở để cho rằng cả cộng đồng tộc Việt đã tự nhận mình là Lạc Việt, tuy vẫn còn cần nghiên cứu thêm, nhưng đây cũng là một gợi ý quan trọng giúp chúng ta hiểu thêm về một phần lịch sử tên gọi của cộng đồng tộc Việt.

2. Thử tìm hiểu về ý nghĩa của danh xưng Lạc Việt [47]:

Dựa vào các dẫn chứng trên, có thể nói có cơ sở để cho rằng danh xưng Lạc Việt là danh xưng của cộng đồng tộc Việt. Vậy danh xưng Lạc Việt chính xác có nghĩa là gì? Nguồn gốc khái niệm “Lạc Việt” theo khảo cứu của M. Ferlus, thì là “những chữ được sử dụng ở đây là chữ ghi âm dùng để ghi lại những tên gọi không thuộc Hán”, Gs Trần Trí Dõi cũng có quan điểm tương đồng với M. Ferlus: đây là các chữ “‘ký tự bằng chữ Hán’ dùng để biểu thị một ‘từ mô phỏng (onomatopoeia)’ ngữ âm của ngôn ngữ một cư dân phi Hán ở phía nam sông Dương Tử”. Như vậy đây là chữ được người Việt tự nhận và được người Hán ghi lại theo ngữ âm của người Việt.

Cũng đã có nhiều tác giả thử tìm hiểu và nghiên cứu về chữ Lạc trong tổ hợp Lạc Việt, như Nguyễn Kim Thản – Vương Lộc (1971), các tác giả này cho rằng Lạc=Nước, theo giả thiết của Trần Gia Phụng, thì ông cho rằng chữ Lạc là “ló, lo hay lô”, có nghĩa là lúa gạo. Tuy nhiên các giả thuyết này chưa thực sự hợp lý, như giải nghĩa chữ Lạc=Nước thì có thể giải thích được khái niệm Lạc Điền trong “Giao Châu ngoại vực ký” là Ruộng Nước, nhưng với các yếu tố khác trong sách này, như Lạc Dân, Lạc Hầu, Lạc Tướng thì lại chưa hợp lý.

Bên cạnh đó cách giải thích “Lạc (Luò 雒)” là “người có vật tổ là chim Lạc” và “Việt (Yuè 越)” là “người Việt”; cho nên “Lạc Việt (Luòyuè 雒 越)” có nghĩa là “người Việt có vật tổ là chim Lạc” (Yue des Lạc)” như đã có một vài ý kiến đề nghị [M. Ferlus 2011: 1] cũng không đủ cơ sở về lịch sử cũng như ngữ âm học.

Học giả M. Ferlus đưa ra cho chúng ta một cách giải lý khá phù hợp với các tài liệu lịch sử, ông dựa vào những tái lập tiếng Hán cổ đã công bố để đưa ra dạng thức ngữ âm thời “Sử ký” hay “Hán thư” của yếu tố này:

luò 雒 SV lạc < MC *lak < OC *C-rak [(C).r ak ]

M. Ferlus và Trần Trí Dõi đã dẫn ra nhiều trường hợp các dân tộc ở vùng nam Đông Á vẫn còn lưu giữ dấu vết dạng thức *rak của tiếng Hán cổ, những ngôn ngữ mà các tác giả này dẫn ra có dạng thức ngữ âm tương ứng với từ ngữ âm *p.rak Hán cổ đều mang nét nghĩa “chỉ người”.

“Như vậy, có thể thấy sự hiện diện dạng thức từ ngữ âm có nét nghĩa “chỉ người” của các nhóm ngôn ngữ Khmú, Palaung – Wa, Việt – Mường, Bahnar v.v thuộc nhánh Nam Á của họ Nam Á có nghĩa là dạng thức ngữ âm *p.rak Hán cổ được biểu thị bằng chữ Hán 雒 (hoặc 駱 hay絡) là để biểu âm một từ gốc Nam Á dùng để chỉ “người”. Sự phân bố rộng rãi ở những nhóm ngôn ngữ khác nhau của các ngôn ngữ Nam Á là chứng cứ rõ ràng nhất chứng minh cho khả năng này. Đồng thời, dạng thức âm đầu l trong các ngôn ngữ Tai-Kadai cũng đã xác nhận điều đó. Rõ ràng, với logic lập luận và thao tác làm việc phù hợp với cách thức nghiên cứu của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử, việc xác lập nghĩa từ nguyên của yếu tố lạc (luò 雒) với nghĩa chỉ “người” mà M Ferlus đề nghị là đảm bảo cơ sở ngôn ngữ học nên có thể chấp nhận được. Vì thế, chữ Hán 雒 (hoặc 駱 hay絡) có âm đọc Hán – Việt “lạc” được dùng ở giai đoạn Hán cổ (OC) để ghi một tên gọi phi Hán có nghĩa từ nguyên là “người (person)”.”

Qua khảo cứu, đối chiếu, so sánh với các ngôn ngữ khác thuộc hệ ngữ Nam Á của M. Ferlus và Trần Trí Dõi, chúng ta đã thấy được gốc của từ “lạc” có nghĩa từ nguyên là “người”. Như vậy khái niệm Lạc Việt có thể nghĩa là “người Việt”, cách hiểu này hoàn toàn phù hợp với các tài liệu lịch sử, việc cư dân các vùng tộc Việt tự nhận là “Lạc Việt” hay “người Việt” là hợp logic và có ý nghĩa.

Còn một vấn đề nữa cần bàn qua, bài viết của Gs Trần Trí Dõi cũng nhắc tới việc phục nguyên chữ Việt của M. Ferlus, ông cho rằng chữ Việt có âm gốc là *wat, có nghĩa chung là “một phạm vi, một vùng”, tuy nhiên khái niệm Việt là danh xưng của cộng đồng tộc Việt, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử và có tiến trình phát triển như chúng tôi đã trình bày với bạn đọc, cách giải nghĩa của M. Ferlus về khái niệm Việt chưa thực sự hợp lý, người Việt hiện nay vẫn tự nhận mình là “Việt”, có ý nghĩa là “vượt lên trên người khác”, đây là một từ có ý nghĩa rõ ràng, không phải từ hoàn toàn ký âm như M. Ferlus đã đề xuất, vậy nên chúng tôi cho rằng khái niệm Việt được giải thích như “một phạm vi, một vùng” là chưa thực sự phù hợp, cách giải thích “Lạc Việt” = “người Việt” có nhiều cơ sở hỗ trợ và cũng hợp lý hơn với các tài liệu lịch sử.

D. QUỐC GIA CHUNG CỦA CỘNG ĐỒNG TỘC VIỆT:

Cơ sở về di truyền, khảo cổ, văn hóa như chúng tôi đã chứng minh ở các phần trên, thì cộng đồng tộc Việt có chung một nền văn hóa, có một ý thức thống nhất và gắn bó, liên hệ với nhau chặt chẽ. Bên cạnh đó, thì qua nhiều tư liệu lịch sử, khảo cổ, có cơ sở để bàn về sự thống nhất của tộc Việt trong một quốc gia chung, là các quốc gia của các vua Hùng.

I. Quốc gia của tộc Việt trong sử sách: 

1. Sử sách Trung Quốc:

Các sách sử Việt Nam đa phần đều đã không còn sau thời nhà Trần, vì vậy chúng ta cần dựa vào các tài liệu của Trung Quốc để xác định những thư tịch sớm nhất có chép về quốc gia chung của tộc Việt. Các tài liệu Trung Quốc sớm nhất ghi về quốc gia của tộc Việt dưới khái niệm Giao Chỉ.

Hoài Nam Tử của Lưu An viết vào thời nhà Hán, trong thiên Tu vụ huấn viết: “Vua Nghiêu lên làm vua, hiếu từ nhân ái, khiến dân như con em, phương Tây dạy mán ốc dân, phương Đông đến mán Hắc xỉ, phương Bắc vỗ về đất U Đô, phương Nam thông nước Giao Chỉ. [49]

Lã Thị Xuân Thu, trong thiên Thận hành luận, chép về lãnh thổ vua Vũ thời nhà Hạ: “南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處” – “Phía nam đến các nước Giao Chỉ, Tôn Bốc, Tục Man, các núi Đan Túc, Tất Thụ, Phất Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, các xứ Vũ Nhân, Khỏa Dân, hương Bất Tử.”

Giai đoạn này thì lãnh thổ của người Hoa Hạ mới phân bố tại vùng phía bắc Đông Á, nên lãnh thổ nước Giao Chỉ của người Việt được ghi lại trong các tài liệu lịch sử trên nằm ngay phía dưới lãnh thổ của nhà Hạ, tức là vùng Dương Tử.

Bên cạnh đó, sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận cũng ghi lại về quốc gia của tộc Việt qua các tư liệu thời cổ: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường-Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處.” – ““Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi.”

Vậy đây là quốc gia do ai làm chủ? Các tài liệu lịch sử cũng cho chúng ta thấy những người làm chủ quốc gia chung của tộc Việt là các vị vua Hùng.

Thủy kinh chúquyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [50]

Thủy Kinh chú chép về chi tiết: “đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện”, chi tiết này cho chúng ta thấy khái niệm Giao Chỉ ở đây được sử dụng để chỉ Giao Chỉ bộ, khi đó thuộc một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Nam sông Dương Tử, ở đây tài liệu chưa cho biết chính xác mốc thời gian, nên qua đây chúng ta tạm hiểu hiểu Giao Chỉ ở đây là một vùng rộng lớn, có thể phía Nam Dương Tử hoặc phía Nam Ngũ Lĩnh mà không chỉ gói gọn trong vùng miền Bắc Việt Nam. Đây là quốc gia do “Lạc Vương” làm chủ, có các Lạc Hầu, Lạc Tướng làm chủ các quận huyện. “Lạc Vương” ở đây sách Thủy Kinh chú chép nhầm từ “Hùng Vương”, hay Lạc Vương cũng chính là Hùng Vương, theo sách Cựu Đường Thư dẫn Nam Việt chí, thì người làm chủ quốc gia của tộc Việt là Hùng Vương.

Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngu phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [50]

Như vậy chúng ta có thể thấy được Giao Chỉ là đất của cộng đồng tộc Việt, quốc gia của tộc Việt có địa bàn trải rộng trong vùng phía Nam sông Dương Tử, và có các vua Hùng lãnh đạo và quản lý.

2. Sử sách Việt Nam:

Trong sách sử Việt Nam, thì quốc gia của cộng đồng tộc Việt được ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, được biên soạn vào thời Hậu Lê bởi Ngô Sĩ Liên dựa trên sách Đại Việt sử ký được viết bởi Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên từ trước đó.

Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).

Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.[51]

Lĩnh Nam Chích Quái, sách ghi lại các truyền thuyết trong dân gian của người Việt đã chép lại như sau:

“Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.[52]

Mô phỏng bản đồ nước Văn Lang của các vua Hùng trong thời kỳ đầu hình thành.

Chúng tôi muốn bàn về tính thực tế của huyền sử Hồng Bàng, thì các chi tiết trong huyền sử Hồng Bàng đã thể hiện sự chính xác với các nghiên cứu di truyền học [48]. Do đó, huyền sử Hồng Bàng có thể là một câu chuyện được truyền miệng trong dân gian, sau đó được Trần Thế Pháp ghi lại thành văn vào thời nhà Trần, các dữ liệu không đủ để có thể phủ nhận giá trị thực tế của huyền sử Hồng Bàng. Từ cơ sở đó, huyền sử Hồng Bàng là một nguồn tư liệu có thể tham khảo được về nguồn gốc dân tộc.

Tuy nhiên bối cảnh của huyền sử Hồng Bàng khi các quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang được thành lập là tại vùng Dương Tử, khi đó cư dân tộc Việt chưa di cư về phía Nam, chỉ tới khi có sự di cư rộng khắp về vùng Lĩnh Nam và Việt Nam, thì lãnh thổ mới được giãn theo dòng di cư của cư dân tộc Việt, được ghi trong huyền sử với lãnh thổ là từ vùng Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam.

Những tư liệu lịch sử này về quốc gia của cộng đồng tộc Việt được hỗ trợ bằng những nghiên cứu khảo cổ và di truyền học mà chúng tôi sẽ dẫn ra ngay sau đây.

II. Huyền sử Hồng Bàng và nhà nước của người Việt cổ trên cơ sở thực tế khảo cổ học

Huyền sử Hồng Bàng là bản sử ghi lại giai đoạn văn hiến đầu tiên của tộc Việt, loại trừ các chi tiết mang tính truyền thuyết được thêm thắt trong các giai đoạn sau, thì các chi tiết cốt lõi của huyền sử Hồng Bàng đã chứng minh tính thực tế của mình thông qua các nghiên cứu di truyền học [48]. Cũng theo các nghiên cứu di truyền học, thì không gian ban đầu của huyền sử Hồng Bàng là vùng Động Đình và hạ lưu Dương Tử chứ không phải tại miền Bắc Việt Nam, do đó chúng ta cần tìm hiểu về quốc gia của tộc Việt thông qua các tư liệu khảo cổ tại vùng Động Đình, Dương Tử, những tư liệu tại đây đã chứng minh về sự tồn tại của một quốc gia phát triển.

Tại vùng văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử, các nhà khảo cổ thế giới đã chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [54][55], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [56]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [57].

Nếu xét về niên đại, thì văn hóa Lương Chử có thể là kinh đô của quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương. Trong huyền sử, thì quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương được thành lập vào khoảng 4879 năm cách ngày nay, niên đại của văn hóa Lương Chử là vào khoảng 5400 – 4250 cách ngày nay, mốc niên đại này đã thể hiện sự phù hợp với huyền sử Hồng Bàng. Cư dân tộc Việt trong thời điểm này chỉ ở tại vùng Dương Tử, họ sống trải dài trong vùng đồng bằng này, nhưng trung tâm trong từng thời điểm là khác nhau, với sự chuyển dịch của tầng lớp tinh hoa. Tới thời văn hóa Thạch Gia Hà, thì trung tâm tộc Việt được chuyển về vùng Động Đình, với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa tại vùng này.

Theo chi tiết trong huyền sử, thì trung tâm của tộc Việt sau đó cũng dịch chuyển về vùng Động Đình, khi Kinh Dương Vương đã gặp Long Nữ, bà là con gái của vua Động Đình, hai người đã kết duyên và sinh ra Sùng Lãm. Niên đại của văn hóa Thạch Gia Hà là khoảng 4500-4000 năm, mốc niên đại quốc gia Văn Lang của Lạc Long Quân là sau thời điểm 4879 của quốc gia Xích Quỷ không lâu, các mốc niên đại cũng là phù hợp với tiến trình phát triển của các nền văn hóa tại vùng đồng bằng sông Dương Tử.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [57]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [57][58]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [58].

Qua những nghiên cứu khảo cổ ở trên về các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, trung tâm của tộc Việt xưa kia, thì việc huyền sử cho rằng Xích Quỷ hay Văn Lang là một nước, là hoàn toàn có cơ sở khảo cổ học.

Vào khoảng hơn 4000 năm trước ngày nay, thì các cư dân của các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà đã di cư về Việt Nam và Đông Nam Á theo các nghiên cứu di truyền học [17][18], trong đó nhóm Nam Á, là tầng lớp cao nhất trong xã hội tộc Việt đã di cư về miền Bắc Việt Nam, trung tâm chính trị, văn hóa và tâm linh cũng dịch chuyển theo dòng di cư này, các tư liệu khảo cổ tại miền Bắc Việt Nam cũng đã thể hiện những dấu hiệu chứng tỏ tồn tại một nhà nước trong vùng miền Bắc Việt Nam.

III. Nha chương và quyền lực của các vua Hùng tại miền Bắc Việt Nam: 

Tổ chức nhà nước từ thời văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Động Đình có thể đã được kế thừa tại vùng miền Bắc Việt Nam cùng với sự dịch chuyển của tầng lớp cao nhất của tộc Việt, với vật biểu quyền lực rất quan trọng trong đầu thời kỳ đồ đồng, là những chiếc Nha chương bằng ngọc.

Nha chương là vật biểu quyền lực quan trọng của vùng Đông Á trong giai đoạn khoảng 4000 năm trước, có địa bàn phân bố rộng từ vùng Hoa Bắc, Tứ Xuyên cho tới miền Bắc Việt Nam và Quảng Đông. Vai trò của Nha chương theo Chu Lễ thì “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”, nha chương có chức năng giống như một chiếc quyền trượng hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của vua và tướng lĩnh dùng để điều binh khiển tướng, quan điểm này được đồng thuận bởi nhiều nhà nghiên cứu.

Nha chương tìm thấy tại văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều nha chương tại các văn hóa Phùng Nguyên và Xóm Rền. Có nhiều ý kiến cho rằng những chiếc nha chương được nhập từ Trung Quốc, nhưng vai trò quan trọng của chúng trong thời cổ đại, nên chúng không thể được giao thương, trao đổi. Thêm nữa tại văn hóa Phùng Nguyên đã tìm thấy những công xưởng chế tác ngọc tại Gò Chè, Hồng Đà với hiện vật như hạt chuỗi, hoằng, vòng, khuyên tai, công cụ sản xuất có cùng chất liệu ngọc, kỹ thuật chế tác với Nha chương [60], đã chứng minh chúng được tộc Việt tại miền Bắc Việt Nam chế tác để sử dụng cho hoạt động chính trị, quân sự.

Nha chương có nguồn gốc từ văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng Sơn Đông hơn 5000 năm trước công nguyên, khi đó chưa có chức năng đại diện quyền lực chính trị, sau đó cư dân tại vùng này đã di cư về vùng Động Đình, Dương Tử, văn hóa Thạch Gia Hà (4600 – 4000 BC) đã kế thừa Nha chương, truyền thống này tiếp tục được kế thừa tại văn hóa Phùng Nguyên khi cư dân tộc Việt di cư về Việt Nam trong khoảng hơn 4000 năm trước. Do vậy Nha Chương là vật có nguồn gốc từ truyền thống tộc Việt, không phải có nguồn gốc từ các văn hóa Tam Tinh Đôi, Nhị Lý Đầu, hay từ nhà Hạ, nhà Thương như một số nhà nghiên cứu quan niệm.

Nha chương văn hóa Thạch Gia Hà. [61]

Đây là những bằng chứng rất quan trọng chứng minh về một nhà nước tại vùng miền Bắc Việt Nam. Quyền lực khi đó theo di truyền, đối chiếu với huyền sử, cũng đã chuyển về miền Bắc Việt Nam, theo nhóm Nam Á của các vị vua Hùng. Các vị vẫn duy trì quyền lực của mình với các vùng Việt khác với vật biểu quyền lực là Nha chương, được sử dụng để điều động quân đội, quản lý lãnh thổ.

IV. Trống đồng – biểu trưng quyền lực tộc Việt trong thời kỳ đồ đồng: 

Trong giai đoạn đồ đồng, thì Nha chương đã không còn vai trò trong chế độ chính trị. Thời kỳ này, trống đồng đã đóng cả hai vai trò, tâm linh và chính trị.

Trống như chúng tôi đã nói tới ở phần trên, là biểu tượng quyền lực chính thống. Trong cộng đồng tộc Việt, thì trống đồng được phép đúc tại các vùng Việt khác, nhưng chỉ trống tại vùng trung tâm miền Bắc Việt Nam mới lớn và đẹp nhất, tại các vùng Việt khác đều nhỏ hơn tại miền Bắc Việt Nam. Ngoài cộng đồng tộc Việt, thì trống được các nhóm dân cư Đông Nam Á lục địa và hải đảo trực tiếp tới Việt Nam để được ban trống, các vị vua Hùng ban cho những thủ lĩnh tới xin trống, thì thủ lĩnh đó mới có quyền lực tâm linh và chính trị để có được sự công nhận của người dân địa phương.

Đây cũng là một biểu trưng quan trọng cho quyền lực chính trị và tâm linh của các vị vua Hùng trong giai đoạn sau này, không phải ngẫu nhiên mà trống đồng lại xuất hiện trong một địa bàn rộng lớn như vậy, những chiếc trống lớn nhất tại Việt Nam đại diện cho quyền lực của các vua Hùng, còn trống đồng tại các vùng khác có thể là sở hữu của các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các gia đình quý tộc.

Đây là biểu trưng quyền lực và nhà nước quan trọng của thời kỳ này, tổ chức nhà nước được thể hiện trên trống đồng là cả hai khía cạnh thế quyền và thần quyền.

1. Trống đồng Sông Đà, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp. [dẫn]
2. Trống đồng Khai Hóa, hiện đang trưng bài tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo. [dẫn]
3, 4. Trống đồng Hoàng Hạ và trống đồng Ngọc Lũ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. 

V. Trung tâm của quốc gia Văn Lang theo từng thời kỳ:

Cư dân tộc Việt sinh sống trải rộng trong vùng phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên trung tâm từng thời kỳ có thể có sự thay đổi. Trung tâm của tộc Việt trong giai đoạn 4000 năm dựa trên các tài liệu lịch sử và khảo cổ, được đặt tại miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên, theo các tài liệu di truyền, lịch sử và khảo cổ, thì trung tâm của tộc Việt có thể dịch chuyển lên phía Bắc tại vùng Dương Tử vào thời điểm hơn 3500 trước khi họ di cư trở lại Việt Nam vào khoảng 2700 năm trước, trùng với thời điểm hình thành văn hóa Đông Sơn.

Tại miền Bắc Việt Nam, trung tâm được đặt tại đây vào các thời điểm hơn 4000 năm trước, khi cuộc di cư của tộc Việt về phía Nam do nạn hạn hán, tính trung tâm được thể hiện trực tiếp qua những chiếc nha chương bằng ngọc được chế tác trực tiếp tại chỗ, là biểu tượng quyền lực nhà nước quan trọng của Đông Á trong thời kỳ đá mới. Tới thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì trung tâm lại tiếp tục được dịch chuyển về miền Bắc Việt Nam, với Việt Nam là trung tâm lan tỏa của văn hóa Đông Sơn, đặc trưng văn hóa Đông Sơn từ trung tâm miền Bắc Việt Nam lan tỏa ra khắp vùng nam Đông Nam Á và Đông Nam Á, với trống đồng vừa là biểu tượng tâm linh vừa là biểu tượng quyền lực chính thống, ở Việt Nam cũng là nơi tập trung nhiều trống lớn và đẹp nhất. Nhưng trung tâm giữa hai giai đoạn này có thể không nằm tại Việt Nam, mà có một cuộc di cư với sự dịch chuyển của trung tâm lên vùng phía Bắc, có nhiều tư liệu hỗ trợ cho giả thiết này của chúng tôi.

◊ Sự hòa huyết giữa các cư dân tại vùng Dương Tử:

Người Việt có gốc ngôn ngữ và văn hóa là người Nam Á trong cả thời văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn, nhưng gen của người Việt ngày nay lại gần các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, theo nghiên cứu của Hugh McColl và cộng sự, thì vào thời điểm 2700 năm trước, cuộc di cư của tộc Việt bao gồm cư dân của cả hai hệ ngữ Nam Á và tiền Tai-Kadai. [18]. Theo nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc [42c], thì người Việt có gen không bị tác động bởi dòng gen ngoài trong thời điểm trước 2500 năm trước.

Sơ đồ Admixture graph trong công trình nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc cho thấy người Việt có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ, sự tương tác giữa người Việt và các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai diễn ra trước và trong đầu thời Đông Sơn. [66]

Qua hai nghiên cứu này, có thể đã diễn ra cuộc di cư của người Việt từ miền Bắc Việt Nam lên vùng Dương Tử, tại vùng Dương Tử thì người Việt nhóm Nam Á và người Việt nhóm tiền Tai-Kadai đã sinh sống trong một cộng đồng chung, có sự hòa huyết với nhau. Về cơ bản, người Việt Nam Á không có sự thay đổi đáng kể trong di truyền, ngôn ngữ và văn hóa, vẫn giữ cốt lõi Nam Á của mình, với 60% gen Nam Á [18], do đây là dòng văn hóa chủ đạo nên có sức ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng tộc Việt.

Tới thời điểm hơn 2700 năm trước, thì người Việt Nam Á và người tiền Tai-Kadai đã cùng di cư về vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam, người Nam Á di cư chủ yếu về miền Bắc Việt Nam, còn người Tai-Kadai phân bố chủ yếu tại vùng biên giới Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay. Sự hòa huyết đã diễn ra trước thời điểm 2500 năm, có nghĩa có thể cư dân thuộc hai hệ ngữ đã có sự hòa huyết khi còn ở tại vùng Dương Tử, không phải tới khi về Việt Nam và Lĩnh Nam mới diễn ra sự hòa huyết, gợi ý cho chúng ta về cuộc di cư này.

◊ Cơ sở từ dữ liệu lịch sử:

Thư tịch lịch sử cũng ghi lại một chi tiết về việc người Việt dâng chim trĩ trắng tới nhà Chu, chi tiết này được ghi lại đầu tiên trong Thượng thư đại truyện (Đại cáo 尚書大傳 – 大誥, TK 3 TCN), sau cũng được Tiền Hán Thư ghi lại. Truyện Bạch Trĩ trong Lĩnh Nam Chích Quái kể lại một cách chi tiết hơn: “Đời Chu Thành Vương (1042 – 1021 TCN), Hùng Vương sai bề tôi xưng là người Việt Thường đem bạch trĩ sang cống… “.

Câu chuyện này diễn ra trong giai đoạn khoảng 3000 năm cách ngày nay, thời điểm đó nếu trung tâm tộc Việt ở tại miền Bắc Việt Nam, thì chi tiết này lại trở nên thiếu cơ sở, do không gian địa lý giữa miền Bắc Việt Nam và kinh đô nhà Chu là rất xa xôi, và người Việt và người Hoa Hạ trong giai đoạn này không có quan hệ lệ thuộc như trong thời phong kiến, vậy nên nếu trung tâm của người Việt đang còn ở miền Bắc Việt Nam, thì chi tiết vua Hùng từ phía Nam cử sứ giả tới kinh đô nhà Chu để thông giao với Chu Thành Vương qua hành động cống chim trĩ trắng sẽ khó có được sự lý giải hợp lý. Nhưng nếu người Việt thời điểm đó có trung tâm ở vùng Dương Tử, thì câu chuyện sẽ có một cơ sở thực tế hơn, khi đó không gian sinh sống của hai tộc người là gần nhau, do đó có thể có sự va chạm, lưu truyền thông tin cũng như có thông giao trực tiếp.

Văn hóa tại vùng Động Đình trong giai đoạn muộn:

Sau cuộc di cư của người Việt về miền Bắc Việt Nam vào thời điểm hơn 2700 năm trước, thì vẫn có một lượng nhất định cư dân tộc Việt sinh sống tại vùng Động Đình, văn hóa ở đây hoàn toàn tương đồng với văn hóa tại miền Bắc Việt Nam, sự tương đồng còn có phần mạnh hơn so với các vùng khác nếu so sánh cổ vật đặc trưng của miền Bắc Việt Nam (ít thấy tại các vùng khác) như cán dao găm hình người hay muỗng có đặc trưng Đông Sơn.

Dao găm hình người văn hóa Đông Sơn và vùng Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Muỗng đồng tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam và muỗng đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng thành phố Trường Sa, Hồ Nam, dẫn; 2. BST Kiều Quang Chẩn, Vang vọng từ trống Đông Sơn]

Sự tương đồng còn được thể hiện qua một chi tiết về văn hóa: bài Đông Quân của Khuất Nguyên, được ghi lại vào khoảng thế kỷ 3 TCN, nằm trong tập Cửu Ca, bộ Sở Từ, theo Lăng Thuần Thanh [62], các hoạt động tế lễ được mô tả trong bài thơ này tương hợp với các hình họa trên trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt tại miền Bắc Việt Nam.

Chi tiết này ủng hộ giả thiết về cuộc di cư của tộc Việt di cư trở lại vùng Dương Tử vào thời điểm 3500 năm trước, và sau đó di cư về miền Bắc Việt Nam vào thời điểm hơn 2700 năm trước, sau cuộc di cư này tại vùng Dương Tử vẫn có cư dân ở lại, qua thông tin của Lăng Thuần Thanh, có thể thấy hoạt động văn hóa của cư dân tộc Việt tại đây là giống với các hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ, là cơ sở thể hiện các cư dân ở đây phải trực tiếp cùng một nguồn gốc với người Việt tại miền Bắc Việt Nam, bởi văn hóa tộc Việt tuy thống nhất nhưng cũng khá đa dạng, bên cạnh văn hóa chung, thì có sự tồn tại của đặc trưng riêng của từng vùng.

Ngoài dao găm hình người, thì tại Hồ Nam còn tìm thấy nhiều rìu cân xòe và rìu xéo khác. [63]

Bên cạnh các cơ sở trên, thì trong cuộc di cư diễn ra vào thời điểm hơn 4000 năm trước do nạn hạn hán tại vùng Dương Tử, thì phần lớn cư dân tộc Việt đã di cư về phía Nam, tản ra Lĩnh Nam, Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo, do đó nếu không có cuộc di cư trở lại vùng Dương Tử, thì số lượng cư dân tộc Việt tại đây sẽ là không thực sự đáng kể, sẽ khó có khả năng diễn ra cuộc di cư tiếp theo vào thời điểm hơn 2700 năm trước.

Ở phần dưới, chúng tôi sẽ triển khai thêm các tư liệu về cuộc chiến giữa tộc Việt và nhà Thương trong thời điểm hơn 3000 năm trước tại vùng Dương Tử dựa trên tài liệu khảo cổ, các tài liệu này cũng hỗ trợ cho giả thuyết về sự dịch chuyển của trung tâm tộc Việt trong thời điểm hơn 3500 tới 2700 năm trước.

Các thông tin dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, lịch sử và truyền thuyết này là cơ sở để chúng tôi giả thiết về cuộc di cư lên xuống trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam của người Việt, trung tâm tộc Việt có thể được dịch chuyển lên vùng Dương Tử vào thời điểm hơn 3500 năm trước khi trở lại Việt Nam vào thời điểm 2700 năm trước. Tuy vậy vẫn cần thêm các nghiên cứu di truyền và khảo cổ để làm rõ thêm về cuộc di cư này.

VI. Tính thực tế trong địa giới của quốc gia Văn Lang:

Địa giới của nước Văn Lang có thể còn rộng hơn trong sử sách ghi lại, với những bằng chứng được nêu ra sau đây, do tác giả Phan Anh Dũng khảo cứu và tổng hợp [64]

– Mặt phía Đông giáp biển Đông Hải, và nam giáp nước Hồ Tôn thì coi như đã rõ ràng.

– Về mặt phía Bắc, địa giới được xác định tới hồ Động Đình. Theo khảo cứu của Lăng Thuần Thanh, thì vùng Hồ Nam, là nơi sinh sống của người Lạc Việt, theo khảo cứu của mình, ông đã nhận thấy những hoạt động của cư dân vùng này được khắc họa trong bài Đông Quân của Khuất Nguyên giống với các họa họa tiết được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt ở Việt Nam. Cổ vật tại đây đã thể hiện phong cách chung của cổ vật tộc Việt trong nhiều loại hình.

Các cổ vật đặc trưng văn hóa tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn: 1, 2, 3, 4]

Nhưng cư dân tộc Việt có thể còn sinh sống ở cả vùng phía Bắc hồ Động Đình. Theo sách Hậu Hán Thư, truyện Tang Cung, thì người Lạc Việt từng cư trú ở tận huyện Trung Lư, thủ phủ là Tương Dương – Phàn Thành, thuộc tỉnh Hồ Bắc, nằm ở phía Bắc hồ Động Đình: “Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương – Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.”. [41] Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng diễn ra vào năm 40 SCN, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa này của người Việt, Mã Viện đã đày nhiều gia đình quý tộc Lạc Việt lên vùng hồ Động Đình, tuy nhiên sự kiện được ghi lại trong Hậu Hán thư diễn ra vào khoảng năm 35 SCN, có nghĩa là trước khi cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng diễn ra, do đó đây không phải là các gia đình quý tộc Lạc Việt bị đày lên vùng này trong khởi nghĩa hai bà Trưng, mà đã sinh sống tại đây từ trước đó.

Rìu đồng phong cách tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Bắc. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn]

– Về mặt phía Tây giáp Ba Thục, thì Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, vùng đất của quốc gia Ba Thục xưa, cư dân tại đây có tỉ lệ gen M88 là 11,8% (theo Xue, 2006), có nghĩa khoảng 1,18 triệu trong số 10 triệu người Thành Đô có gốc gác M88, M88 là nhóm gen (haplogroup) đặc trưng của người Việt (Kinh) và một số dân tộc có nguồn gốc tộc Việt. Điều này có nghĩa địa bàn sinh sống của cư dân tộc Việt còn có phần lấn sang đất của Ba Thục, chứ không chỉ ở vùng giáp ranh với Ba Thục.

Nếu lấy kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang để định hướng thì Ba Thục lại ở hướng Bắc, nên khi nói phía Tây giáp Ba Thục, thì khi đó đất trung tâm của người Lạc Việt có thể là vùng hồ Động Đình, sự định hướng như vậy sẽ có được sự chính xác hơn. Trung tâm của tộc Việt thời kỳ đó theo huyền sử và khảo cổ học cũng chính là hồ Động Đình, là nơi có văn hóa Thạch Gia Hà, niên đại của văn hóa Thạch Gia Hà cũng gần trùng với mốc thành lập của quốc gia Văn Lang trong huyền sử. Giới hạn phía Tây của văn hóa Thạch Gia Hà cũng giáp với vùng Tứ Xuyên ngày nay.

Vùng Quý Châu giáp với Ba Thục, nằm ở phía Tây nước Văn Lang cũng là địa bàn sinh sống của cư dân tộc Việt, các loại hình cổ vật tại đây có đặc trưng cổ vật tộc Việt, hoàn toàn tương đồng với các vùng tộc Việt khác.

Các cổ vật tìm thấy tại tỉnh Quý Châu. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

Qua đây chúng ta có thể thấy được cơ sở thực tế của địa giới quốc gia Văn Lang được ghi trong huyền sử của tộc Việt.

VII. Sự biến động lãnh thổ của quốc gia Văn Lang trong từng thời kỳ:

Lãnh thổ của quốc gia Văn Lang trong thời kỳ đầu có biên giới tương tự như huyền sử Hồng Bàng đã ghi lại, tuy nhiên sau đó thì lãnh thổ của quốc gia Văn Lang đã có sự biến động và thu hẹp dần bởi những cuộc chiến tranh xâm lược của các triều đại Hoa Hạ qua nhiều giai đoạn.

1. Quốc gia Văn Lang của tộc Việt mất dần lãnh thổ của mình vào những thời điểm nào?

Khảo cứu trong dã sử và truyền thuyết, thì cuộc chiến tranh đầu tiên của tộc Việt với người Hoa Hạ là trước nhà Ân (Thương), được ghi lại trong truyền thuyết Thánh Gióng, cách ngày nay khoảng 3200 năm, nhà Thương đã đánh xuống lãnh thổ của tộc Việt tại vùng Động Đình, Dương Tử, tới cuối cuộc chiến, họ đã chiếm được vùng hạ lưu Dương Tử và tỉnh Phúc Kiến, sau đó là vùng phía Bắc hồ Động Đình (Hồ Bắc), các vùng đất này sau được nhà Chu phân phong cho các chư hầu của mình, trở thành các quốc gia Sở, Ngô, Ư Việt.

Bản đồ Văn Lang, Lạc Việt sau 3000 năm cách ngày nay, sau khi mất phần Dương Tử (và cả Động Đình) cho nhà Thương.

Thời kỳ sau đó, nước Sở cũng đã tiến hành lấn chiếm dần dần đất Việt, trong đó bao gồm các vùng Hồ Nam, Vân Nam, vùng Quý Châu có thể được chiếm bởi nhà Tần hoặc nhà Sở cùng thời điểm với cuộc hành quân của tướng Sở Trang Kiểu vào vùng Vân Nam. Tới thời nhà Tần, vào khoảng 2200 năm trước, Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất bắc Đông Á đã tổ chức một cuộc xâm lược quy mô vào các vùng đất còn lại của tộc Việt, khiến tộc Việt chỉ còn lại duy nhất đất Bắc Việt Nam. Và tại các vùng đất nhà Tần chiếm được, sau khi nước Tần sụp đổ, đã được Triệu Đà lập nên quốc gia Nam Việt trên địa bàn của đất Việt cũ. Sau đó, Triệu Đà cũng đã dùng mưu chiếm nốt phần đất còn lại của quốc gia Văn Lang là miền Bắc Việt Nam (thời điểm đó là Tây Âu Lạc). Đất Việt gần như mất hẳn từ đó.

Bảng phân tích thời điểm thành lập của các quốc gia Nam Đông Á.

Tên nướcThời điểm thành lập
Các quốc gia được lập bởi chư hầu nhà Chu
Ngô1200 TCN
Sở1030 TCN
Ư Việt1000 TCN
Các quốc gia hậu duệ Ư Việt
Đông Âu191 TCN
Mân Việt334 TCN
Các quốc gia tách khỏi đất Việt thời Sở – Tần
Tây Âu (Văn Lang)257 TCN
Âu Lạc218 TCN
Điền Việt (Sở)~ 200 TCN
Dạ Lang (Tần)~ 200 TCN
Nam Việt (Tần)204 TCN

Bản đồ các tiểu quốc tách ra từ nước Văn Lang. Tây Âu Lạc, kế thừa lãnh thổ còn lại của nước Văn Lang bao gồm Lưỡng Quảng, Hải Nam và miền Bắc Việt Nam.

Phân tích quá trình mất đất của tộc Việt: Các vùng đất ở cực Bắc đất Việt bao gồm các tỉnh ngày nay là Hồ Bắc, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến bị chiếm bởi nhà Thương và được nhà Chu phong cho quý tộc của triều đại này (~1000 TCN), sau đó trở thành các quốc gia chư hầu của nhà Chu: Sở, Ngô, Ư Việt tương ứng với các vùng phía Bắc Động Đình và hạ lưu Dương Tử. Các quốc gia như Đông Âu, Mân Việt được thành lập bởi hậu duệ Ư Việt (~3-200 TCN). Sau đó Sở-Tần chiếm các vùng Hồ Nam, Vân Nam (Điền Việt) và Quý Châu (Dạ Lang) (~200 TCN). Lãnh thổ của quốc gia Văn Lang khi đó còn lại vùng Lưỡng Quảng, Hải Nam và miền Bắc Việt Nam. An Dương Vương, một thủ lĩnh trên đất của các vua Hùng, nhân triều Hùng Vương suy yếu đã nổi lên giành ngôi và đổi tên nước thành Tây Âu Lạc (257 TCN). Tần đánh xuống Tây Âu Lạc, khiến đất của người Việt chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam (Âu Lạc). Tại đất nhà Tần chiếm được, Triệu Đà lập nên quốc gia Nam Việt (204 TCN). Sau đó quốc gia Âu Lạc cũng mất nước về quốc gia Nam Việt của Triệu Đà.

2. Các địa danh của các vùng tộc Việt và những biến động của lịch sử:

Tộc Việt có lãnh thổ bao trùm trong vùng nam Đông Á, đúng trong địa bàn có sự phân bố của các cư dân tộc Việt và trong các thư tịch lịch sử có ghi nhận về cộng đồng tộc Việt. Những bước chân xâm lược của người Hoa Hạ đã làm tan rã cộng đồng tộc Việt, hình thành các tiểu quốc, với các quốc danh sau đó trở thành tộc danh.

a. Tây Âu, Đông Âu và Mân Việt:

Đầu tiên là Tây Âu, cái tên Tây Âu lần đầu tiên được ghi trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Nam Việt Úy Đà liệt truyện, trong chi tiết ghi về việc Triệu Đà sử dụng của cải để buộc người Việt tại các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc phải lệ thuộc theo mình.

“Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình.” [40]

Tây Âu (Lạc) thời điểm này đã bị thu hẹp vào không gian miền Bắc Việt Nam, khi nhà Tần đã chiếm thành công vùng Lĩnh Nam, sau đó Triệu Đà thành lập nước Nam Việt trên vùng lãnh thổ này. Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương có ghi rõ hơn về cái tên Tây Âu:

Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu” [41]

Giao Chỉ là cái tên gắn liền với sự biến động lãnh thổ của tộc Việt mà chúng tôi sẽ dẫn ra ở phần sau đây, tới thời nhà Tần, thì Giao Chỉ tương ứng với Tây Âu, có nghĩa khi đó vẫn bao gồm cả vùng Lĩnh Nam, miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam. Do đó cái tên Tây Âu bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Tần.

Bên cạnh cái tên Tây Âu, thì trong Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng nhắc tới Đông Âu. Đông Âu ở đây phân bố ở vùng Chiết Giang, phía trên nước Mân Việt. Đông Âu cũng chính là Âu Việt, do đó Âu Việt được dùng để chỉ người Việt tại vùng Chiết Giang, người Việt tại vùng Quảng Tây được gọi là Tây Âu.

“Từ đó về sau, bọn Nghiêm Trợ, Chu Mãi Thần gọi dân Đông Âu đến và theo đuổi hai nước Việt.”. [Nhữ Thành chú thêm trong bản dịch: “Vua Đông Âu bị vua Mân Việt đánh, Vũ Đế cho di 4 vạn người Đông Âu vào giữa miền sông Trường Giang và sông Hoài. Hai nước là Mân Việt Đô ở Phúc Châu và Nam Việt Đô ở Quảng Châu.”] [43]

Các quốc gia Đông Âu và Mân Việt được thành lập bởi hậu duệ của Ư Việt. Về thời điểm xuất hiện và thành lập của quốc gia này chúng tôi đã ghi chú rõ trong bản đồ phía trên. Các quốc gia này được thành lập với sự di cư về của hoàng tộc nước Việt, kết hợp với cư dân Việt bản địa để hình thành các quốc gia Đông Âu và Mân Việt tại các vùng Chiết Giang và Phúc Kiến. Sử sách có ghi rất rõ về nguồn gốc của nước Mân Việt, vua nước này là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn.

“閩越王無諸及越東海王搖者其先皆越王句踐之後也姓騶氏。【集解】徐廣曰「騶一作『駱』。」【索隱】徐廣云一作「駱」是上云「歐駱」不姓騶。” – “Vua nước Mân Việt tên là Vô Chư cùng vua nước Đông Hải người Việt tên là Dao có tổ tiên đều là dòng dõi của vua nước Việt tên là Câu Tiễn, mang họ Sô.

[Sử Ký, Tư Mã Thiên, Đông Việt liệt truyện, dịch bởi Tích Dã]

Chúng tôi muốn bàn kỹ hơn về “Đông Âu” và “Tây Âu”, đây là tên của hai địa danh có liên hệ trực tiếp với nhau. Tây Âu và Đông Âu ngăn cách với nhau bởi dãy Ngũ Lĩnh, dãy núi chạy ngang phía Bắc vùng Lưỡng Quảng ngày nay, “Âu” trong “Tây Âu” và “Đông Âu” là núi, “Tây Âu” là phía Tây của núi, và “Đông Âu” là phía đông của núi, núi ở đây là dãy Ngũ Lĩnh, đây là những cái tên được sử dụng để chỉ địa danh, sau đó trở thành tên nước và cuối cùng là trở thành tộc danh. Điều này cũng có nghĩa những cái tên này vốn đã được người Việt đặt từ trước đó khi còn thống nhất, sau đó trở thành quốc danh và tộc danh khi các vùng này tách khỏi tộc Việt.

b. Điền Việt:

Điền Việt cũng là một cái tên xuất hiện muộn, nó được ghi sớm nhất trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, trong phần Hóa thực liệt truyện.

“… Ông cả mừng, kịp đến nơi ông tìm được quặng sắt trong núi, bèn bắt tay vào nấu quặng và tính toán việc doanh lợi, chẳng mấy chốc đứng đầu nghề buôn trong đám dân Điền và Thục.” [44]

Trong phần Tây Nam di liệt truyện có ghi rõ hơn về nước Điền.

Phía tây nước ấy có hàng chục quân trưởng người Mi Mạc, [Chính nghĩa: Ở phía nam đất Thục xuống phía dưới về phía tây. Huyện Mi Phi ở phía bắc châu Diêu, cách tây kinh bốn ngàn chín trăm ba mươi lăm dặm về phía nam là chỗ của người rợ Mi Mạc. Sách ẩn: Là tên ấp của người Di, quân trưởng ấp này cùng họ với quân trưởng nước Điền.] lớn nhất là quân trưởng nước Điền. [Tập giải: Như Thuần nói: Điền, đọc là ‘điên’. Ngựa điên có từ nước này.” Sách ẩn: Thôi Hạo nói: “Sau đặt thành huyện, là chỗ mà quan Thái thú quận Việt Tủy đóng sở trị.” Chính nghĩa: Các châu Côn-Lang vốn là nước Điền, cách tây kinh năm ngàn ba trăm bảy chục dặm.] Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Điền lên phía bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Cung Đô, người ở đây đều búi tóc, cày ruộng, có làng ấp.” [65]

Tướng nước Sở Trang Kiểu sau đó đã đánh xuống vùng đất này, chi tiết này cũng được Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Tây Nam Di liệt truyện chép lại khá chi tiết.

Lúc trước vào thời Uy Vương nước Sở, sai tướng quân tên là Trang Cược (Trang Kiểu) đem quân ngược theo sông Giang đánh lấy các nước từ quận Ba-Thục-Kiềm Trung về phía tây. [Chính nghĩa: Đọc là ‘kì lược’ phiên. Các châu Lang-Côn là chỗ mà Trang Cược làm vua.] Trang Cược vốn là dòng dõi của Trang Vương nước Sở. [Sách ẩn: Cược, đọc là ‘cự chước’ phiên. Là em của Trang Vương nước Sở, từng làm kẻ cướp.] Cược đến đầm Điền, đầm rộng ba trăm dặm, [Sách ẩn: Địa lí chí chép: “Quận Ích Châu có huyện Điền Trì, có đầm ở phía tây bắc.” Hậu Hán thư chép: “Nguồn nước đầm này sâu rộng, lại đổi thành nông hẹp như dòng nước chảy ngược, cho nên gọi là đầm Điền.”] bên đầm là đất bằng màu mỡ rộng mấy ngàn dặm, bèn đem quân uy hiếp lấy gộp vào nước Sở. Muốn về báo tin, nhưng gặp lúc quân nước Tần đánh lấy các quận Ba-Kiềm Trung của nước Sở, đường bị nghẽn chẳng thông, do đó quay lại, làm vua của người nước Điền, đổi áo theo thói của người ở đấy để làm kẻ đứng đầu.” [65]

Điền Việt tách ra khỏi tộc Việt khi tướng nước Sở là Trang Kiểu đánh chiếm và cai trị vùng này vào năm 278 TCN, lập nên Vương quốc Điền, sau khi nước Sở sụp đổ. Cái tên Điền được giả thuyết vốn có nguồn gốc từ hồ Điền Trì, tên hồ đã trở thành quốc danh và sau đó là tộc danh. Đây cũng là một cái tên xuất hiện muộn trong lịch sử, bắt đầu xuất hiện khi người Điền Việt tách khỏi vùng đất của tộc Việt.

c. Dạ Lang:

Dạ Lang có vùng phân bố tại tỉnh Quý Châu, vương quốc Dạ Lang thành lập khi các quốc gia Hoa Hạ tiến hành lấn chiếm xuống vùng Quý Châu, Vân Nam và Hồ Nam của tộc Việt. Trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, phần Tây Nam Di liệt truyện cũng có ghi rất rõ về nước này:

Có hàng chục quân trưởng người Di ở miền tây nam, [Chính nghĩa: Ở phía nam của quận Thục.] trong đó lớn nhất là quân trưởng nước Dạ Lang. [Sách ẩn: Tuân Duyệt nói: “Là nước thuộc quận Kiền Vi.” Vi Chiêu nói: “Nhà Hán đặt thành huyện, thuộc quận Tang Kha.” Xét: Hậu Hán thư chép: “Nước Dạ Lang phía đông liền quận Giao Chỉ, nước này ở phía nam hồ, có quân trưởng vốn sinh ra từ cây tre, nhân đó lấy làm họ Trúc.” Chính nghĩa: Là các châu Khúc-Hiệp ở bờ nam sông lớn của châu Lư, vốn là nước Dạ Lang.]” [65]

Quốc gia và tên gọi Dạ Lang cũng xuất hiện muộn trong lịch sử khi vùng này bị quốc gia Hoa Hạ chiếm, tới thời nhà Hán, thì quốc gia này vẫn còn tồn tại, hậu duệ của họ là người Bố Y vẫn nhận là người Lạc Việt, và tự cho mình có nguồn gốc từ nước Dạ Lang.

Về vấn đề nước Dạ Lang được thành lập bởi quý tộc của quốc gia nào, thì theo các tư liệu tản mác, có nhiều khả năng tướng nước Sở là Trang Kiểu đã không trực tiếp chiếm vùng Dạ Lang, mà ông sử dụng lối vòng qua vùng đất này để tiến vào vùng Vân Nam. Vùng Ba Thục trước khi tướng Sở Trang Kiểu đưa quân xuống đã bị nước Tần chiếm, sau khi tướng Sở Trang Kiểu xuống thành công vùng Vân Nam, thì ngay sau đó quân nhà Tần đã chiếm lấy vùng Quý Châu, từ đó mới cắt đứt đường duy nhất về nước Sở của đoàn quân Trang Kiểu, nên Trang Kiểu đã tự lập mình làm vua của Điền Việt. Nước Dạ Lang được thành lập bởi tướng nước Tần sau khi nhà Tần sụp đổ, hiện trạng cũng tương tự như quốc gia Nam Việt của Triệu Đà.

d. Kết luận:

Như vậy thông qua việc khảo cứu các tên gọi được xem như các tên để chỉ các vùng tộc Việt, thì đây đều là những cái tên xuất hiện muộn, xuất phát từ các địa danh, sau đó trở thành quốc danh khi các vùng này tách khỏi tộc Việt và trở thành tộc danh.

3. Nước Việt và vùng Chiết Giang với văn hóa tộc Việt:

Nước Việt có nguồn gốc từ vùng đất mà nhà Thương đã chiếm được của tộc Việt ở vùng hạ lưu Dương Tử, các tài liệu khảo cổ và lịch sử đã cho thấy rất rõ yếu tố văn hóa Việt tại vùng Chiết Giang.

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, thì vùng Cối Kê được phân phong cho tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn, trước đó vùng đất này là của người Việt, nơi có người Việt sinh sống, nên khi được phong cho vùng đất này, “con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ” đã “xăm mình, cắt tóc” theo phong tục của tộc Việt, hòa đồng với người Việt tại đó để lập quốc.

“Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp.” [40]

Các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy sự hiện diện của văn hóa tộc Việt trong dòng văn hóa nước Việt, với chiếc rìu có phong cách đặc trưng tộc Việt và tượng người xăm mình, cắt tóc và có cả dạng búi tóc.

Rìu đồng cân xòe phong cách tộc Việt tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, dẫn]

Tượng người Việt xăm mình, búi tóc tại Chiết Giang, Trung Quốc. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng tỉnh Chiết Giang]

Những tài liệu này cho chúng ta thấy rất rõ tiến trình lịch sử khi người Hoa Hạ thời nhà Thương chiếm được vùng Hồ Bắc và hạ lưu Dương Tử, các vùng đất này được nhà Chu phân phong cho chư hầu, trở thành các quốc gia Sở, Ngô, Việt, với sự hòa trộn giữa văn hóa Hoa Hạ và văn hóa tộc Việt, trong đó văn hóa tộc Việt có sức ảnh hưởng mạnh, đủ để khiến vua nước Sở là Sở Hùng Cừ tự nhận định: “Ta là man di không cùng hiệu thụy với Trung Quốc” [68]. Man di là cách gọi có tính miệt thị của người Hoa Hạ đối với người Việt, tuy nhiên đoạn trích cũng cho chúng ta thấy được tư tưởng của vua nước Sở đã bị ảnh hưởng nhất định của văn hóa tộc Việt.

4. Cuộc chiến tranh của tộc Việt và nhà Thương qua các tư liệu khảo cổ hiện có:

Vào thời điểm hơn 3300 năm trước, tộc Việt và tộc Hoa đã có sự xung đột về lãnh thổ, thời điểm đó triều đại của Hoa Hạ là nhà Thương (Ân). Sự xung đột này thể hiện rất rõ trong thực tế khảo cổ học tại vùng Hồ Bắc, khi các nhà nghiên cứu khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC) tại vùng Hồ Bắc, nằm trong vùng trung lưu Dương Tử, đây là trung tâm của tộc Việt trong thời điểm hơn 4000 năm trước, tuy nhiên nạn hạn hán xảy ra vào thời điểm này đã khiến cư dân tộc Việt phải di cư xuống Lĩnh Nam, Việt Nam và tản ra vùng Đông Nam Á lục địa [17][18], sau đó người Hoa Hạ đã chiếm vùng đất này, nhà Thương đã đưa cư dân của mình di cư xuống vùng này để hình thành nên văn hóa Bàn Long Thành. Theo các nhà nghiên cứu, thì cổ vật văn hóa Bàn Long Thành có nguồn gốc từ cổ vật nhà Thương trong thời văn hóa Nhị Lý Cương (Erligang, 1510 – 1460 BC). [68]

Cổ vật văn hóa Nhị Lý Cương tại Hà Nam và cổ vật tại văn hóa Bàn Long Thành tại tỉnh Hồ Bắc. [68]

Văn hóa này chỉ tồn tại được trong 200 năm, bởi thời điểm sau đó trung tâm tộc Việt đã được chuyển trở lại lên vùng Động Đình, Dương Tử trong khoảng 3500 năm trước mà chúng tôi đã chứng minh trong một bài viết khác [69], cuộc chiến tranh đã diễn ra giữa tộc Việt và tộc Hoa, thời điểm đó vùng Hồ Bắc đã được tộc Việt chiếm lại, đồng thời với sự biến mất của văn hóa Bàn Long Thành vào thời điểm hơn 3300 năm trước. Trong thời điểm đó thì nhà Thương rất mạnh, tuy nhiên tộc Việt cũng có sức mạnh tương đương có thể đánh bại nhà Thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ.

Bản đồ biểu thị lãnh thổ của nhà Thương qua từng giai đoạn: màu đỏ đại diện cho giai đoạn Nhị Lý Đầu (Erlitou), màu vàng đại diện cho giai đoạn Nhị Lý Cương (Erligang), màu tím đại diện cho giai đoạn An Dương (Anyang). Tới thời An Dương thì vùng Hồ Bắc không còn nằm trong sự kiểm soát của nhà Thương. [Nguồn: dẫn]

Phải tới cuối thời Thương, thì người Hoa Hạ mới chiếm được vùng Hồ Bắc của tộc Việt, sau đó được nhà Chu phân phong cho chư hầu, trở thành nước Sở. Mất đi vùng nông nghiệp lúa nước rộng lớn này khiến tộc Việt suy yếu, tộc Hoa bắt đầu mạnh lên và đẩy lùi tộc Việt dần dần phải di cư về phía Nam.

5. Văn hóa Ngô Thành và sự biến động lãnh thổ của tộc Việt ở vùng Dương Tử:

Văn hóa Ngô Thành (Wucheng, 1500 – 1000 BC), phân bố tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay là một nền văn hóa lớn trong thời kỳ đồ đồng đã được tìm thấy trong vùng Dương Tử, bên cạnh các văn hóa Bàn Long Thành và văn hóa Tam Tinh Đôi. Văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC) tại tỉnh Hồ Bắc như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, có cổ vật đặc trưng của nhà Thương, tại đây có thể là nơi có cư dân nhà Thương di cư xuống vào thời điểm 3500 năm trước, sau khi tộc Việt di cư phần lớn về phía Nam. Bên cạnh văn hóa này, thì văn hóa Ngô Thành cũng là một văn hóa rất đáng chú ý, nó nằm tại vùng trung và hạ lưu Dương Tử, đây vốn là một trong những trung tâm phát triển của tộc Việt.

Rìu đồng văn hóa Ngô Thành (1) và rìu đồng văn hóa Đồng Đậu (2). [70]

Rìu cân xòe cùng với công cụ lao động của văn hóa Ngô Thành (A) và văn hóa Đồng Đậu (B), có thể thấy rất rõ đặc trưng của văn hóa tộc Việt trên các cổ vật này của văn hóa Ngô Thành. [Nguồn: 1. [70]; 2. [71]]

Theo các kết quả khảo cổ, thì các cổ vật tại đây có đặc trưng riêng biệt, có dấu ấn rất rõ nét của văn hóa tộc Việt, trong đó các cổ vật Ngô Thành có sự liên hệ với các cổ vật của văn hóa Đồng Đậu tại miền Bắc Việt Nam trên một số loại hình quan trọng như rìu và công cụ lao động, một số loại hình như trang sức, đồ ngọc có liên hệ với các văn hóa lớn tại miền Bắc Việt Nam là Phùng Nguyên và Đông Sơn. [70]

Tại văn hóa này cũng ít thấy cổ vật có đặc trưng của nhà Thương, không như văn hóa Bàn Long Thành, tại các di chỉ Ngô Thành chỉ tìm thấy một số chiếc chén uống rượu sừng trâu (được gọi là Quang) và một số cổ vật khác có đặc trưng cổ vật Hoa Bắc, theo nghiên cứu của S.V. Lapteff, thì các cổ vật này giống với các cổ vật của nhà Thương, chúng có thể xuất hiện tại đây theo con đường giao thương. Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện các cổ vật, thì văn hóa này không phải là văn hóa của nhà Thương, mà do cư dân tộc Việt phương Nam kiến tạo nên. [70]

Tượng người bằng ngọc văn hóa Ngô Thành và tượng người cõng có phong cách tương đồng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]

Khuyên tai ngọc hình vành khăn văn hóa Ngô Thành và khuyên tai ngọc văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; 2. [72]]

Như chúng tôi đã đề xuất ở phần trên, thì có thể đã có một cuộc di cư của cư dân tộc Việt lên vùng Dương Tử vào thời điểm 3500 năm trước, sau cuộc chiến tranh với nhà Thương thì tộc Việt đã chiếm lại được vùng Hồ Bắc. Trong cuộc di cư lên phía Bắc cư dân tộc Việt có thể phân bố trải dài trong vùng trung và hạ lưu Dương Tử, trong đó bao gồm cả tỉnh Giang Tây, văn hóa Ngô Thành thể hiện một sự phức tạp hơn trong giai đoạn này, có sự giao lưu văn hoá với nhà Thương, thêm vào đó có thể có cả sự giao lưu với văn hóa Tam Tinh Đôi tại vùng Ba Thục với sự xuất hiện của mặt nạ văn hóa này tại vùng phân bố văn hóa Ngô Thành. Thời điểm bắt đầu của văn hóa này cũng tương ứng với thời điểm di cư lên của tộc Việt (1500 BC), thời điểm biến mất của nền văn hóa này là khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên, sau đó được thay thế bằng các di tích với đặc trưng của nhà Thương, sau đó là cổ vật Chu, triều đại kế thừa trực tiếp từ nhà Thương. [70]

Tượng trâu của văn hóa Ngô Thành (1) cũng là một hình tượng có đặc trưng văn hóa tộc Việt được kế thừa trong giai đoạn sau, như ở văn hóa Điền Việt (2) và văn hóa Đông Sơn (ảnh dưới). [Nguồn: 1. [70]; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Qua ngọc văn hóa Ngô Thành và qua ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]

Tạm thời qua các thông tin hiện có, thì chúng tôi đưa ra giả thuyết văn hóa Ngô Thành là một nền văn hóa của tộc Việt sau khi di cư lên vùng phía Bắc, văn hóa này đã có sự giao lưu mạnh với các văn hóa thời đồ đồng trong vùng Đông Á là nhà Thương và văn hóa Tam Tinh Đôi của Ba Thục. Tới thời điểm 3000 năm trước, thì vùng Giang Tây có thể đã bị người Hoa Hạ chiếm vào cuối thời nhà Thương, là nguyên nhân trực tiếp khiến nền văn hóa này biến mất, theo đó vùng ảnh hưởng của tộc Việt bị thu hẹp lại, nhà Thương sau đó đã đưa cư dân xuống vùng này, đem theo đặc trưng văn hóa Thương trong cổ vật các vùng khác tại Giang Tây trong giai đoạn sau. Vùng đất này sau được nhà Chu phân phong cho chư hầu, sau trở thành lãnh thổ của các quốc gia chư hầu nhà Chu trong thời kỳ Xuân Thu tại vùng Hoa Bắc, cổ vật tại đây bắt đầu có sự xuất hiện của đặc trưng nhà Chu.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn để xác định mối liên hệ của văn hóa này với văn hóa chung của tộc Việt trong thời đồ đồng và xác định vị trí của Ngô Thành với tiến trình phát triển chung của nền văn hóa tộc Việt, bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng đây mới chỉ là một trong số các nền văn hóa trong thời kỳ đồ đồng tại vùng Dương Tử, qua cuộc di cư của tộc Việt được giả thiết dựa trên nhiều yếu tố, thì có cơ sở để cho rằng tại vùng Dương Tử còn nhiều di tích khác trong thời kỳ đồ đồng chưa được khám phá và khai quật, hy vọng những cuộc khai quật và tìm kiếm trong tương lai tại các văn hóa vùng Dương Tử sẽ cung cấp thêm cho chúng ta thông tin về văn hóa tộc Việt tại vùng này trong giai đoạn 3500 – 2700 năm trước ngày nay.

6. Giao Chỉ ứng với địa giới thực tế của quốc gia Văn Lang trong từng thời kỳ:

Giao Chỉ là một địa danh gắn với cộng đồng người Việt qua nhiều giai đoạn lịch sử, chúng tôi nhận thấy Giao Chỉ cũng là một khái niệm thể hiện sự thay đổi lãnh thổ của quốc gia Văn Lang trong từng thời kỳ.

Giao Chỉ lần đầu tiên được ghi lại qua danh từ “Nam Giao” trong các sách Thượng Thư, thiên Nghiêu Điển và Sử Ký, mục Đế Nghiêu, xuất hiện vào thời vua Nghiêu (2356-2255 TCN), theo Tư Mã Trinh thì Nam Giao cũng là Giao Chỉ. [49]

Hàn Phi Tử thiên Thập quá: “Ngày xưa vua Nghiêu có thiên hạ, ăn bằng bát đất (quỷ), uống bằng liễn đất (hình), địa giới phương nam đến đất Giao Chỉ, phương Bắc đến đất U Đô, phương đông, phương tây đến tận nơi mặt trời lặn mọc, tất thảy đều phục tùng.” [49]

Hoài Nam Tử, thiên Tu vụ huấn: “Vua Nghiêu lên làm vua, hiếu từ nhân ái, khiến dân như con em, phương Tây dạy mán ốc dân, phương Đông đến mán Hắc xỉ, phương Bắc vỗ về đất U Đô, phương Nam thông nước Giao Chỉ.” [49]

Khi đó, nhà Hạ của Nghiêu, Thuấn có lãnh thổ nằm ở vùng Bắc Đông Á, đất Giao Chỉ được ghi lại trong sách Hàn Phi Tử và Hoài Nam Tử khi đó tiếp giáp vùng của nhà Hạ kéo dài tới vùng Động Đình, Dương Tử. Lãnh thổ của tộc Việt thời kỳ đó cũng tương ứng với khái niệm Giao Chỉ, phía Bắc cũng tới hồ Động Đình.

Lã Thị Xuân Thu, thiên Thận Hành Luận, viết về lãnh thổ thời Hạ Vũ: 南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處 – “Phía nam đến các nước Giao Chỉ, Tôn Bốc, Tục Man, các núi Đan Túc, Tất Thụ, Phất Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, các xứ Vũ Nhân, Khỏa Dân, hương Bất Tử.” [Bản dịch của Quốc Bảo]

Tới thời Hạ Vũ, thì đất của người Việt vẫn tới hồ Động Đình, chưa có sự biến động về lãnh thổ, Giao Chỉ khi đó được gọi là một nước, tương ứng với quốc gia của người Việt trong thời điểm đó.

Tuy nhiên giai đoạn nhà Thương, thì tộc Việt mất các vùng hạ lưu Dương Tử và phía Bắc hồ Động Đình (Hồ Bắc) về nhà Thương, tới thời Chu, thì địa giới Việt là bao gồm các vùng từ phía nam hồ Động Đình cho tới miền Bắc Việt Nam.

Dư địa chí của Cố Dã Vương đã viết như sau:  交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”. [41]

Tới thời nhà Tần, thì lãnh thổ tộc Việt chỉ còn lại vùng Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, Giao Chỉ: Tần thời viết Tây Âu, đã thể hiện sự thu hẹp tương ứng của khái niệm Giao Chỉ với lãnh thổ của nước Văn Lang, khi đó nước Việt là nước Tây Âu, là nhà nước mà An Dương Vương đã lập nên sau khi giành ngôi của vị vua Hùng cuối cùng.

Tới khi nhà Tần chiếm được Lưỡng Quảng, đất Việt chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam, thì khái niệm Giao Chỉ cũng bị thu hẹp lại, được dùng để chỉ vùng miền Bắc Việt Nam. Sau đó Triệu Đà, quan đô hộ nhà Tần lập nên quốc gia Nam Việt, lập ra quận Giao Chỉ tương ứng với miền Bắc Việt Nam.

Tới thời nhà Hán, thì Giao Chỉ được dùng với 2 khái niệm: Giao Chỉ bộ, chỉ toàn bộ vùng đất Tây Âu cũ (Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam, Hải Nam), Giao Chỉ quận, dùng để chỉ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Khái niệm Giao Chỉ trong thư tịch lịch sử được sử dụng tương ứng với sự thay đổi trong lãnh thổ của quốc gia Văn Lang. Phải chăng Giao Chỉ là khái niệm tương đương với vùng đất, và có ý nghĩa nào đó quan trọng với người Việt?

7. Chiến tranh xâm lược của nước Sở vào lãnh thổ tộc Việt theo tài liệu lịch sử [73]:

Các tài liệu lịch sử đã thể hiện rất rõ cuộc chiến tranh xâm lược của người Hoa Hạ vào đất Hồ Nam của tộc Việt, khi họ gọi vùng đất của tộc Việt là Dương Việt.

Chiến Quốc sách, khi viết về Ngô Khởi (440 TCN – 381 TCN) đã ghi lại: 南攻楊越,北並陳、蔡… (Nam đánh Dương Việt, Bắc thôn tính Trần, Sái…). Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng chép: “Hùng Cừ (vua Sở) rất được lòng dân miền Giang Hán, liền đem quân đánh các nước Dung, Dương Việt.”. [74]

Các nước Ngô, Việt nằm ở phía Đông của nước Sở, nên việc “Nam đánh Dương Việt” không thể là vùng Ngô, Việt, mà phía Nam của nước Sở thời kỳ đó là vùng Hồ Nam ngày nay, khi đó vẫn còn là đất của tộc Việt.

Theo ngữ âm lịch sử, với tư liệu phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân, thì các chữ dương 陽 và 楊 là giống nhau và trùng với âm “lang”, còn tác giả Vương Lực thì còn phục nguyên có giới âm -i- tức đọc gần như “lương”. Như vậy tên nước Dương Việt 楊越 trong thư tịch cổ của Trung Quốc cũng đọc là Lang Việt, cũng chính là Văn Lang theo các tư liệu lịch sử.

Chiến Quốc sách khi ghi về cuộc chiến với tộc Việt, họ ghi bằng chữ “đánh”, chứ không dùng chữ “thôn tính” như với các quốc gia Trần, Sái, có nghĩa họ chiếm được vùng đất Hồ Nam nhưng đất đai của người Việt vẫn còn rộng, quốc gia Văn Lang vẫn chưa bị tiêu diệt. Từ thời Ngô Khởi, nước Sở đã trở nên rất hùng mạnh, sau thời Ngô Khởi gần 50 năm, họ đã diệt nước Việt (khi đó đã thôn tính cả nước Ngô) vào năm 334 TCN, mở rộng bờ cõi ra vùng hạ lưu Dương Tử. Nước Sở đã chiếm hết vùng hạ lưu sông Dương Tử rộng lớn, nhưng vẫn không thôn tính được nước Văn Lang (Dương Việt), chứng tỏ nước Văn Lang cũng là một quốc gia hùng mạnh và phát triển không thua kém nước Sở. Nhưng sau đó nước Sở cũng đã chiếm được vùng Hồ Nam.

Bản đồ minh họa vị trí của vùng phía Bắc hồ Động Đình, trung tâm nước Sở và phía Nam hồ Động Đình của tộc Việt. [Nguồn: dẫn]

Trong lịch sử, người Hoa Hạ vào thời nhà Sở vẫn ghi lại rằng vùng Hồ Nam là đất của người Man (đây là một cách gọi có tính miệt thị của người Hoa Hạ với người Việt), Khuất Nguyên sau đó đã bị đày tới đây và sáng tác nên tập Ly Tao, trong đó có bài Đông Quân được Lăng Thuần Thanh xác định đã mô tả lại chính xác các hoạt động của cư dân tộc Việt, tương ứng với các hình ảnh được minh họa trên trống đồng Ngọc Lũ, do đó khi họ chiếm được đất Hồ Nam, cho tới thời Khuất Nguyên, tại đây vẫn cơ bản là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt. [75]

Sử Ký của Tư Mã Thiên viết 秦時已并天下,略定楊越,置桂林、南海、象郡 (Thời Tần thôn tính thiên hạ, lược định Dương Việt đặt làm các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận). Theo nội dung câu văn thì Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận là đất Dương Việt tức Lang Việt hay Văn Lang. Thời điểm nhà Tần đánh xuống đất của người Việt, họ mới chỉ chiếm được vùng Lưỡng Quảng và đảo Hải Nam, do đó Tư Mã Thiên đã sử dụng từ “lược định”, chứ không phải “bình định”, thực tế trong thời điểm đó người Việt vẫn còn giữ được độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam và một phần Quảng Tây, tại đây An Dương Vương đã thành lập nước Âu Lạc.

Trong phần Hóa thực liệt truyện, Tư Mã Thiên còn viết: “九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。”  (Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân “Lang Việt”). Thông tin này rất quan trọng xác định dân vùng ven biển Lưỡng Quảng đa số là người “Lang Việt”.

Phần “Tự tự” của Thái Sử Công (Tư Mã Thiên tự viết bài tựa sách Sử Ký)  viết như sau: “漢既平中國,而佗能集楊越以保南藩,納貢職。作南越列傳第五十三” (Nhà Hán đã bình được Trung Quốc, mà Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam, chịu nạp cống lễ. Nên ta viết thành quyển thứ 53 “Nam Việt Liệt Truyện”). Triệu Đà đã tập hợp đất đai và chiêu mộ các thủ lĩnh đất Dương Việt hay Văn Lang của tộc Việt để hình thành nên nước Nam Việt.

Sách Phương Ngô của Dương Hùng đời Tây Hán cũng có đề cập tới tên Dương Việt, nhưng dùng chữ dương bộ thủ  揚, điều này cho thấy đây là tên phiên âm, chỉ lấy âm chứ không lấy nghĩa, ví dụ: 癡,騃也。揚越之郊凡人相侮以為無知謂之眲。眲,耳目不相信也。或謂之斫   (si, ngãi dã, Dương Việt chi Giao phàm nhân tương vũ dĩ vi vô tri vị chi nạch, nạch: nhĩ mục bất tương tín dã hoặc vị chi chước – Si là lẩn thẩn, người Dương Việt ở đất Giao gọi những kẻ lơ ngơ chả biết gì là “nạch”, ý là tai mắt chả biết nhìn nhận chi, hoặc còn gọi là “chước”). Thông tin quan trọng ở đoạn trích này cho thấy Dương Việt là đất Giao (Giao Chỉ hoặc Giao Châu), thông tin này đã khẳng định Dương Việt, Lang Việt cũng là Văn Lang, là Giao Chỉ.

Các thông tin từ lịch sử và ngữ âm học lịch sử đã cho thấy cuộc chiến tranh giữa tộc Việt và nước Sở, sau đó nước Sở đã chiếm được vùng Hồ Nam, đất đai của nước Văn Lang chỉ còn lại vùng Lưỡng Quảng và miền Bắc Việt Nam, vùng Lưỡng Quảng sau đó đã bị nhà Tần chiếm, đất Việt chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam và một phần Quảng Tây, tại đây nước Âu Lạc đã được thành lập, sau đó nước Âu Lạc cũng mất về Nam Việt, khi Nam Việt thất thủ, đất đai của tộc Việt chính thức mất hẳn về tay người Hán.

8. Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng chiếm lại đất của các vua Hùng xưa:

Vào khoảng năm 40 SCN, 65 năm sau khi triều Nam Việt sụp đổ, toàn bộ đất đai tộc Việt bị sáp nhập vào đế quốc Hán, thì ở miền Bắc Việt Nam, chị em họ Trưng, những nữ nhi hậu duệ của vua Hùng, đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa lớn, tập hợp, khơi dậy được tinh thần chiến đấu của người Việt, phát động một cuộc chiến quy mô giành lại giang sơn. Cuộc khởi nghĩa của bà nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cư dân tộc Việt toàn vùng Lĩnh Nam, giành thắng lợi diện rộng, đánh đuổi quân Hán khỏi bờ cõi. Cuộc khởi nghĩa này đã để lại những dấu tích rất rõ ràng ở toàn vùng Lĩnh Nam, với những đền thờ hai bà Trưng và các tướng lĩnh:

– Đại Việt sử ký toàn thư kỷ Thuộc Đông Hán có ghi chép rằng: “Người địa phương (Quảng Đông) thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có).” [76]

– Quận Khúc Giang thuộc địa cấp thị Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, còn đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng là Đàm Ngọc Nga. [76]

– Tại Quảng Đông cũng có nhiều đền thờ Thánh Thiên. [76]

– Tại vùng biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam có nhiều đền thờ nữ tướng Trần Quốc, tước Gia Hưng công chúa. [76]

– Nhà báo Phạm Hồng từng cho biết ông đã thấy nhiều đền thờ Trưng Trắc, Trưng Nhị ở Quảng Tây. Nơi đây cũng có nhiều đền thờ nữ Đại tướng quân Thánh Thiên. [76]

– Tại Hồ Nam cũng có di tích thờ hai bà Trưng, do sứ giả Việt Nguyễn Thực ghi lại trong bài thơ “Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh”. [77]

Bản đồ Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng.

Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi quân Hán tới tận hồ Động Đình, các trận đánh cũng diễn ra trong địa bàn rộng lớn của nước Văn Lang cổ, là một dấu tích quan trọng chứng tỏ sự thống nhất trong mặt ý thức, dân tộc, đó là nền tảng để hai bà Trưng có thể tạo nên một cuộc khởi nghĩa có sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, nhận được sự hưởng ứng của người dân toàn vùng Lĩnh Nam.

Tiếng nói của hai bà Trưng, hay sự tập trung của những nữ tướng ở vùng miền Bắc Việt Nam, cũng là dấu tích chứng minh tính trung tâm của vùng miền Bắc Việt Nam, từ trung tâm đó, tiếng nói quyết định được phát đi để cuộc khởi nghĩa có sức lan tỏa mạnh tới các vùng khác. Cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi vẻ vang, hai bà đã giành lại được độc lập cho người Việt, lập nên quốc gia Lĩnh Nam, trong vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam, một bộ phận của nước Văn Lang cổ. Nhưng nước Lĩnh Nam chỉ tồn tại được 3 năm, trước khi một lần nữa thất bại trước sức mạnh quân sự vượt trội của người Hán, đất Việt rơi vào 900 năm Bắc thuộc trước khi người Việt giành lại được độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam vào năm 931 SCN.

E. CỘNG ĐỒNG TỘC VIỆT VÀ SỰ TAN RÃ CỦA CỘNG ĐỒNG TỘC VIỆT:

I. Các thời điểm tách ra từ cộng đồng tộc Việt của các hệ ngữ: 

Tộc Việt như chúng tôi đã chứng minh ở các phần trên, là một cộng đồng thống nhất, qua các nghiên cứu di truyền, văn hóa, khảo cổ đều thể hiện sự gắn bó và liên hệ chặt chẽ của cư dân tộc Việt tại các vùng. Những biến động từ tự nhiên và lịch sử đã khiến các nhóm dân có nguồn gốc tộc Việt tách ra vào nhiều thời điểm khác nhau, dựa trên các dữ liệu di truyền và ngôn ngữ, chúng tôi sẽ khái quát lại cơ bản lại các nhân tố và biến động khiến các nhóm dân tách ra khỏi cộng đồng tộc Việt.

1. Cuộc di cư của cư dân tộc Việt nhóm Nam Đảo và sự hình thành các dân tộc nói tiếng Nam Á: 

Cuộc di cư lớn đầu tiên diễn ra vào thời điểm hơn 4000 năm trước, khi vùng Động Đình, Dương Tử đã xảy ra một đợt hạn hán lớn [16], khiến cho cư dân tộc Việt tại vùng này đã phải di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Trong cuộc di cư này, bao gồm các nhóm Nam Á di cư về Đông Nam Á lục địa, và nhóm Nam Đảo chuyên về nghề biển tại vùng hạ lưu Dương Tử đã di cư qua Đài Loan, sau đó tiếp tục di cư xuống vùng Đa Đảo, để hình thành nhóm Nam Đảo [78][79], đây là nhóm đầu tiên tách khỏi tộc Việt. Sau đó tộc Việt vẫn tiếp tục phát triển tại vùng Nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam, duy trì một cộng đồng chung trong gần 2000 năm tiếp theo với thành phần cư dân thuộc hai hệ ngữ chính là Nam Á và Tai-Kadai.

Bản đồ mở rộng phạm vi của Ngữ hệ Nam Đảo. Các thời kỳ dựa trên những nghiên cứu khảo cổ học. [80]

Cuộc di cư diễn ra vào khoảng hơn 4000 năm trước [17][18] bao gồm cả cư dân tộc Việt nói tiếng Nam Á di cư xuống Việt Nam và vùng Đông Nam Á lục địa, trong đó nhóm chính đã di cư về Việt Nam, các nhóm tộc Việt khác đã di cư xuống phía nam, hình thành nên các dân tộc nói tiếng Nam Á ở vùng Đông Nam Á lục địa, lan sang cả vùng Ấn Độ, tại Việt Nam có thể kể tới các dân tộc tiêu biểu như như Mảng, Khơ Mú… và các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Bản đồ phân bố các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á tại vùng Đông Nam Á lục địa và Ấn Độ. [81]

Tại vùng phía Bắc Thái Lan ngày nay thì cư dân nói tiếng Nam Á cũng là những người xây dựng nên các văn hóa nổi tiếng như Ban Chiang, Non Nok Tha… kể từ thời đá mới cho tới thời kỳ đồ đồng, có sự liên hệ chặt chẽ với tộc Việt tại Nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam, với sự tương đồng trong di vật đồ đá và đồ đồng.

2. Sự tan rã của cộng đồng tộc Việt và sự hình thành các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á và Tai-Kadai: 

Cư dân tộc Việt sau thời điểm 4000 năm trước vẫn tiếp tục phát triển trong vùng Nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam với hai hệ ngữ chính là Nam Á và Tai-Kadai. Tới khoảng 2400 năm trước, thì vùng phía Nam hồ Động Đình bắt đầu chịu sự xâm lấn của quốc gia gốc Hoa Hạ là nước Sở, khiến cư dân tộc Việt bắt đầu phải di cư về phía Nam, trong đó tập trung đông nhất là về Việt Nam, bao gồm các tầng lớp tinh hoa. Tới khoảng năm 218 TCN, đã diễn ra chiến tranh xâm lược của nhà Tần vào vùng đất còn lại của tộc Việt. Những cuộc xâm lược này đã trực tiếp làm tan rã cộng đồng tộc Việt, khiến cộng đồng tộc Việt dần phân mảnh thành nhiều dân tộc qua các giai đoạn để hình thành các dân tộc như hiện trạng ngày nay.

Các cư dân tộc Việt trong giai đoạn này chủ yếu di cư về miền Bắc Việt Nam, thuộc các hệ ngữ Nam Á và tiền Tai-Kadai, đó là nguyên nhân dẫn đến việc tiếng Việt ngày nay có sự phức hợp giữa hai hệ ngữ này, với tiếng Nam Á đóng vai trò cốt lõi.

Tộc Việt đã bị tan rã sau khi thất bại trong cuộc chiến chống lại xâm lược và đô hộ của người Hán, và các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai cũng được hình thành sau sự tan rã này.

Hệ ngữ Tai-Kadai được hình thành tại vùng biên giới giữa Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay vào khoảng 330 năm TCN, hai hướng di cư chính hình thành nên các nhóm cư dân nói tiếng Tai-Kadai ở Đông Nam Á bao gồm hướng di cư lên Vân Nam, sau đó xuống sông Mê Kông và các hệ thống sông Salween và Irawadi, hướng di cư này có đi về phía Tây đến vùng Chindwin và sang cả Ấn Độ. Một tuyến di cư khác đã đi qua miền Bắc Việt Nam rồi xuống tới thung lũng sông Mê Kông và Chaophraya. Đây là hai hướng di cư chính hình thành nên các tộc người nói tiếng Tai-Kadai. [82]

Bản đồ các hướng di cư của hệ ngữ Tai-Kadai. [82]

Dữ liệu về tục táng treo cũng thể hiện một phần nguồn gốc và sự phân tách của các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai.

Theo nghiên cứu di truyền mới đây của Zhang và cộng sự et al. 2020 [83], nghiên cứu trên các mẫu DNA từ các ngôi mộ táng treo tại Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam) và tại miền Bắc Thái Lan, thì các mẫu gen cổ tương đồng với gen của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai.

Nguồn gốc của hệ ngữ Tai-Kadai thể hiện rõ ràng qua nghiên cứu này với sự phân tán từ Hoa Nam xuống phía Nam, xuất phát từ vùng Phúc Kiến vào khoảng 3600 năm cách ngày nay, sau đó di cư xuống Quảng Tây và xuất hiện tại vùng Vân Nam vào khoảng 2200 năm cách ngày nay, sau đó lan sang phía Bắc Thái Lan.

Bản đồ sự phân tán của hình thức táng treo theo di truyền và niên đại của mộ táng. [83]

Niên đại xuất hiện của tục táng treo xuất hiện tại Quảng Tây cũng phù hợp với cuộc di cư của tộc Việt từ vùng Dương Tử trở về Việt Nam và Lĩnh Nam vào khoảng 2700 năm trước theo các nghiên cứu di truyền chúng tôi đã dẫn ở trên [17][18], cư dân hệ ngữ Tai-Kadai thời điểm đó có thể phân bố chủ yếu tại vùng Quảng Tây, còn tại Việt Nam là địa bàn của hệ ngữ Nam Á. Thời điểm hình thành hệ ngữ Tai-Kadai vào năm 330 TCN cũng là lúc bắt đầu sự suy yếu của triều Hùng Vương, đây cũng có thể là thời điểm cư dân tộc Việt hệ ngữ Tai-Kadai tách khỏi tộc Việt, sau đó một thủ lĩnh của các cư dân hệ ngữ này là Thục Phán đã nổi lên giành ngôi của các vua Hùng, lập nên triều Âu Lạc vào năm 257 TCN.

Sau khi di cư tới vùng Đông Nam Á, các cư dân có nguồn gốc tộc Việt nói tiếng Tai-Kadai đã tách ra và hình thành ý thức dân tộc Thái. Sau đó các cư dân nói hệ ngữ Tai-Kadai có ý thức Thái này đã di cư ngược trở về Việt Nam, chính là dân tộc Thái ở Việt Nam ngày nay.

3. Bản đồ phân bố chủng Mongoloid: 

Bản đồ phân bố chủng Mongoloid thể hiện rất rõ sự phân bố của cư dân tộc Việt trong các cuộc di cư tại các thời điểm khác nhau. Các vùng có sự di cư của cư dân tộc Việt đều có sự phân bố của chủng Nam Mongoloid, bao gồm các vùng từ phía Nam sông Dương Tử, miền Bắc Việt Nam, Đông Nam Á lục địa cho tới vùng Đông Nam Á hải đảo, với các hệ ngữ Nam Á, Tai-Kadai, Nam Đảo.

Bản đồ phân bố chủng Mongoloid theo di truyền học. [22]

Bên cạnh các dân tộc thuộc 2 hệ ngữ chính, thì còn các dân tộc thuộc hệ ngữ Hán-Tạng có thể là những người thuộc các hệ ngữ của cộng đồng tộc Việt này đã bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ và ý thức dân tộc thành người Hán và nói tiếng Hán, nhưng về mặt di truyền và nhân chủng, thì họ vẫn gần với các nhóm dân chính có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

4. Kết luận: 

Qua sự khái quát của chúng tôi, bạn đọc cũng đã hình dung được sự hình thành của các dân tộc thuộc chủng Nam Mongoloid thuộc các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai tại vùng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Sự sụp đổ của văn minh tộc Việt trong 2 giai đoạn chính đã tạo ra sự phân mảnh thành vô số các dân tộc như hiện trạng ngày nay, với địa bàn sinh sống trải dài khắp vùng nam Đông Á, Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

II. Người Hoa Hạ và cư dân tộc Việt tại vùng Lĩnh Nam và Việt Nam:

Dưới những bước chân lược của người Hoa Hạ, cộng đồng tộc Việt chính thức tan rã vào thời Tần – Hán, tuy nhiên quá trình đồng hóa người Việt tại vùng Lĩnh Nam diễn ra không hề dễ dàng. Văn hóa Việt đã có một quá trình phát triển rất lâu dài như chúng tôi đã chứng minh ở trên, họ có ý thức thống nhất và gắn bó với nhau một cách chặt chẽ, sự phát triển này đã hình thành một sức sống rất mạnh mẽ, giúp họ chống lại sự đồng hóa của người Hoa Hạ. Quá trình đồng hóa của người Hoa Hạ với người Việt phía Nam trong vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam chủ yếu dựa trên các yếu tố văn hóa và di dân, từ đó chuyển hóa cơ cấu văn hóa của cư dân tại vùng Hoa Nam.

1. Yếu tố dân số:

Theo cuốn Tiền Hán Thư của Ban Cố, phần Địa lý chí hạ, vào thời Tây Hán, toàn quận Giao Chỉ có 92.440 hộ và 746.237 người, nhiều hơn tổng số dân 4 quận vùng Lưỡng Quảng (Hợp Phố, Hải Nam, Uất Lâm, Thương Ngô) cộng lại là 71.805 hộ và 390.555 người. Hai quận Cửu Chân và Nhật Nam có 235.508 người.

Như vậy vào thời Tây Hán, thì cơ cấu dân số tại vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam là rất chênh lệch, vùng Lĩnh Nam có tổng cộng 390.555 người, trong khi miền Bắc Việt Nam có tổng cộng gần 1 triệu người, điều này là yếu tố rất quan trọng quyết định người Việt tại các vùng có bị đồng hóa hay không, bởi quá trình đồng hóa của người Hoa Hạ được thực hiện chủ yếu qua việc đưa dân di cư xuống vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam và các chủ thuyết văn hóa qua các thời kỳ.

Qua các tài liệu lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy những dòng di cư lớn tác động tới tình hình dân cư tại các vùng tộc Việt. Vào thời nhà Tần, thì theo tài liệu lịch sử, Triệu Đà đã xin Tần Thủy Hoàng điều 50 vạn dân xuống Hoa Nam để đồng hóa người Việt, tới thời điểm này, thì nhà Tần mới chiếm được vùng Lưỡng Quảng, người Việt vẫn giữ được độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam, nên cuộc di dân này tác động trực tiếp tới người Việt tại Lĩnh Nam, người Việt ở miền Bắc Việt Nam cơ bản không bị ảnh hưởng, nhóm dân di cư này đã ở lẫn với người Việt, tuy số lượng di dân ở lại chỉ khoảng 10 vạn người, không áp đảo được dân Việt bản địa, nhưng cũng đã bắt đầu gây ra khó khăn trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa và khởi nghĩa giành tự chủ, chủ trương dung hòa văn hóa Việt Hoa của Triệu Đà cũng góp phần tạo ra sự thay đổi trong văn hóa và nhận thức của người Việt Lĩnh Nam.

Tới thời kỳ Hán – Đường, thì người Hoa Hạ cũng đưa dân di cư xuống vùng Lĩnh Nam, kết hợp với những người đã di cư từ trước đó, đã tạo nên một ảnh hưởng lớn trong sự thay đổi ý thức văn hóa cũng như tác động tới tinh thần khởi nghĩa giành tự chủ của người Việt Lĩnh Nam. Văn hóa của người Việt vùng Lĩnh Nam trong thời kỳ này bắt đầu quá trình hòa trộn mạnh giữa văn hóa Việt cổ và văn hóa phương Bắc.

Dân số tại vùng Lĩnh Nam qua tài liệu lịch sử, dưới áp lực của dòng di cư từ phía Bắc, đã bị thay đổi và tác động dần dần, quá trình đồng hóa diễn ra trong một giai đoạn rất dài và không hề dễ dàng, tới thời Tống, việc đồng hóa về cơ bản vẫn chưa hoàn thành.

2. Yếu tố trung tâm văn hóa:

Trung tâm của tộc Việt trước khi họ thất bại dưới cuộc xâm lược của người Hoa Hạ là ở miền Bắc Việt Nam, được thể hiện trực tiếp thông qua ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn và những chiếc trống đồng tới các vùng tộc Việt và Đông Nam Á, sau đó là cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng cũng được phát động từ vùng miền Bắc Việt Nam. Trung tâm cũng là nơi tập trung tầng lớp tinh hoa, là trụ cột về văn hóa và sức ảnh hưởng lớn tới các vùng tộc Việt khác. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng quyết định tới khả năng bị đồng hóa.

Văn hóa tộc Việt có sức sống rất mạnh, họ đã xây dựng nên một ý thức văn hóa mạnh mẽ ngay từ khi còn ở vùng Dương Tử trong thời điểm hơn 4000 năm trước. Ý thức thống nhất về cội nguồn và văn hóa đó là một yếu tố rất quan trọng trong việc chống đồng hóa, trung tâm nằm tại miền Bắc Việt Nam, nên người Việt mặc dù ở ngay trị sở đô hộ các triều đại của người Hoa Hạ, họ vẫn tiếp tục truyền thống văn hóa dân tộc mình, giữ được tiếng nói, văn hóa và giành lại độc lập vào năm 938 SCN vào thời Ngô Quyền.

3. Di truyền của các nhóm dân có nguồn gốc từ tộc Việt:

Tuy quá trình đồng hóa người Việt vùng nam Đông Á hiện nay cơ bản đã hoàn thành, họ đã tự nhận mình người Hán, nhưng cư dân Hán nam Đông Á vẫn có di truyền gần với người Việt và các dân tộc anh em như Mường, Tày, Thái, Nùng, Dai… Và có sự khác biệt so với di truyền của người Hán ở vùng phía Bắc.

Admixture công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019 cho thấy người Hán Hoa Nam có gen tương đồng với các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Thái, Tày, Nùng… [17]

4. Kết luận:

Tộc Việt đã xây dựng nên một nền văn hóa có sức sống mạnh mẽ, sự xâm lược của người Hoa Hạ đã trực tiếp khiến cộng đồng tộc Việt tan rã, người Việt hiện nay vẫn giữ được tiếng nói, văn hóa và là một quốc gia độc lập, tuy nhiên người Việt nam Đông Á đã không được may mắn như thế, hiện họ đã bị đồng hóa về mặt ý thức và văn hóa thành người Hán, nhưng di truyền vẫn còn gần với người Việt và các dân tộc anh em, văn hóa của họ vẫn rất đậm chất văn hóa của tộc Việt xưa, chứng tỏ sức sống rất mạnh mẽ của nền văn hóa tộc Việt.

III. Người Việt và sự kế thừa truyền thống tộc Việt:

1. Người Việt là hậu duệ chính thống của cộng đồng tộc Việt:

Qua tiến trình phát triển của tộc Việt được xác định qua di truyền học và khảo cổ học, thì có thể nói người Việt là một trong những hậu duệ chính thống nhất của của cộng đồng tộc Việt. Cư dân cổ rời khỏi châu Phi đã định cư tại Việt Nam và Đông Nam Á, trước khi di cư lên vùng phía Bắc để phát triển đời sống văn minh của mình, tới thời điểm hơn 4000 năm trước, điều kiện khách quan tự nhiên đã buộc họ di cư về Việt Nam, trong đó bao gồm miền Bắc Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Nguồn gốc của người Việt không chỉ là dòng di cư của tộc Việt hơn 4000 năm trước, với tầng lớp tinh hoa của tộc Việt, mà còn là của các cư dân thuộc các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai, hòa hợp để dần dần hình thành nên người Việt ngày nay. Dấu vết ngôn ngữ học thể hiện rõ sự hòa hợp đó.

Về mặt cấu trúc ngôn ngữ, thì tiếng Việt là có sự phức hợp và tồn tại dấu ấn của các hệ ngữ Nam Á, Tai-Kadai và Nam Đảo, đây là một bằng chứng thể hiện sự hòa hợp của nhiều nhóm người đã trở về Việt Nam trong nhiều giai đoạn khác nhau, với cốt lõi là người Nam Á trong các văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn.

Khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều dấu tích của nhiều cổ vật tộc Việt có đặc trưng vùng tại các vùng Vân Nam, Quý Châu, đây là các dòng di cư nội tộc Việt diễn ra trong các giai đoạn các vùng đất tộc Việt bị người Hoa Hạ chiếm đóng. Họ đã trở về và hòa hợp với cư dân Việt đã về từ trước đó. Dòng di cư này diễn ra một cách liên tục và mạnh mẽ trước và trong thời Bắc thuộc. [84]

Tượng người Việt xăm mình, búi tóc tại Chiết Giang, Trung Quốc. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng tỉnh Chiết Giang]

Trong lịch sử, cũng có một số dòng họ hoàng tộc Việt Nam có gốc Chiết Giang, Phúc Kiến như các họ Lý, Trần, Hồ, đây là những vùng đất cổ của tộc Việt, nhiều nhóm cư dân tại đây sau đó đã di cư tới Việt Nam để tránh ách đô hộ của người Hán.

Vào thời Hán, thì dân số của vùng đồng bằng sông Hồng áp đảo so với vùng Lĩnh Nam, cơ cấu dân số thời kỳ này biểu hiện sự tập trung về phương Nam của cư dân tộc Việt: Theo Tiền Hán Thư, vào tk. II trCN, toàn quận Giao Chỉ có 92.440 hộ và 746.237 người, nhiều hơn tổng số dân 4 quận vùng Lưỡng Quảng (Hợp Phố, Hải Nam, Uất Lâm, Thương Ngô) cộng lại (71.805 hộ và 390.555 người). Hai quận Cửu Chân và Nhật Nam có 235.508 người.

Bản đồ thống kê dân cư dựa trên sách Tiền Hán Thư vào TK II SCN, có thể thấy được sự tập trung về miền Bắc Việt Nam của cư dân tộc Việt. [Nguồn ảnh: dẫn]

Người Việt (Kinh) ngày nay là đại diện chính thống của cộng đồng tộc Việt, họ là tộc người duy nhất còn giữ tên Việt trong tên dân tộc và đất nước mình, cũng như là những người đã giữ gìn truyền thuyết họ Hồng Bàng, là cội nguồn của cả tộc Việt, bên cạnh đó họ cũng là những đã giữ gìn các đền miếu và thờ tự các vị Tiên Tổ của tộc Việt trong các giai đoạn kể từ thời Hồng Bàng cho tới thời kỳ Hùng Vương.

Cùng với các dân tộc anh em như Mường, Tày, Thái, Choang, Bố Y… người Việt đã cùng họ giữ gìn truyền thống, văn hóa của tộc Việt cổ xưa, nhưng lịch sử đã chứng tỏ người Việt đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giữ gìn khối văn hóa cổ của tộc Việt. Là những người kế thừa và giữ gìn truyền thống, lịch sử của cộng đồng tộc Việt, người Việt có quyền, và có trách nhiệm đối với cộng đồng tộc Việt, trong đó bao gồm trách nhiệm nghiên cứu, chứng minh và khôi phục những di sản của cộng đồng tộc Việt khi còn tồn tại.

2. Những cuộc di cư về phía Nam của tộc Việt:

Các cư dân tộc Việt cũng đã di cư về Việt Nam trong các cuộc chiến tranh loạn lạc, khi người Việt thất bại trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ. Vì Việt Nam là trung tâm của cộng đồng tộc Việt, có đông người Việt sinh sống nhất, nên các dòng di cư từ các vùng Quý Châu, Vân Nam, Ngô Việt chủ yếu tập trung về miền Bắc Việt Nam. Văn hóa tộc Việt tuy thống nhất nhưng cũng rất đa dạng, mỗi vùng lại có những đặc trưng riêng nhất định, dựa vào đó, chúng ta có thể nhận thấy những cuộc di cư về Việt Nam của người Bách Việt.

a. Điền Việt:

Đầu tiên là người Điền Việt, thì chúng ta có thể nhận thấy được những dấu tích di cư rất rõ của người Điền Việt về Việt Nam thông qua nhiều cổ vật.

Các trống đồng Động Xá và Làng Vạc là các trống khá nổi tiếng của văn hóa Đông Sơn, tuy nhiên chúng ta nhận thấy được phong cách trống đồng của người Điền Việt được thể hiện khá rõ ràng trên hình dáng và hoa văn của những chiếc trống này. Cũng có tác giả đã kết nối về sự kế thừa của những chiếc trống Đông Sơn với văn hóa Điền như Tạ Đức. [10]

Trống đồng Điền Việt và trống đồng Động Xá. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

Trống đồng Điền Việt và trống đồng Làng Vạc. [Nguồn: 1. Gary Todd, chụp tại Bảo tàng tỉnh Côn Minh, dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Các trống này có sự khác biệt rất đáng kể so với trống đồng truyền thống của người Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, có thể nói trống Điền Việt tuy có cùng ý nghĩa, nhưng có bản sắc riêng, từ đó chúng ta thấy được cuộc di cư của những cư dân tộc Việt tại vùng Vân Nam về miền Bắc Việt Nam.

b. Dạ Lang:

Cư dân Dạ Lang trong vùng Quý Châu có thể cũng đã di cư về miền Bắc Việt Nam, với việc phát hiện một số chiếc kiếm đồng có phong cách tương đồng với vùng Dạ Lang tại miền Bắc Việt Nam. Phong cách kiếm này là phong cách chung của tộc Việt, tuy nhiên, kiếm dạng này khá đa dạng về cách trang trí, có một số dạng nhất định lại gần với người Dạ Lang.

Kiếm đồng Việt Nam và kiếm đồng Quý Châu văn hóa Kele. [Nguồn: 1. Kiều Quang Chẩn, 2018, Vang vọng từ trống Đông Sơn; 2. [85]

c. Tây Âu:

Người Tây Âu tại vùng Quảng Tây cũng di cư về miền Bắc Việt Nam trong thời An Dương Vương, các tài liệu khảo cổ cho thấy An Dương Vương có nguồn gốc Tây Âu, ông cùng một lượng nhất định cư dân Tây Âu đã di cư về miền Bắc Việt Nam để hình thành nước Âu Lạc, [86], có nhiều tài liệu khảo cổ, lịch sử chứng minh về cuộc di cư này.

Chiếc trống đồng Cổ Loa, được tìm thấy tại khu di tích Thành Cổ Loa gắn liền với thời kỳ An Dương Vương, có khắc một số minh văn chữ Hán, những chữ viết trên trống đồng giúp chúng ta nhận diện được sự hiện diện của người Tây Âu tại miền Bắc Việt Nam. Chữ được khắc trên chiếc trống đồng được tiến sĩ Nguyễn Việt giải mã như sau:

“Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”

Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân” [87]

Trống đồng Cổ Loa và minh văn khắc trên thân trống. [Nguồn: 12]

Bên cạnh chiếc trống đồng này, còn một chiếc ấm đồng khác cũng được khắc dòng chữ Hán có nghĩa là “Tây Vu”, chiếc ấm đồng này có niên đại vào khoảng thế kỷ I-II TCN.

Ấm đồng có niên đại vào thế kỷ I-II TCN có khắc chữ Tây Vu. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

d. Ngô Việt:

Người Ngô Việt cũng đã di cư về miền Bắc Việt Nam, mang theo những đặc trưng văn hóa của mình hòa vào dòng văn hóa của người Việt tại miền Bắc Việt Nam. Trong tiếng Việt hiện nay có nhiều từ có gốc tích Ngô Việt như: chết; chó, đồng (trong đồng cốt), sông, khái (hổ), ngà (trong ngà voi), con (trong con cái), ruồi, đằm (trong đằm ướt), sam (con sam), biết; bọt , bèo… [88]

Một số cổ vật có phong cách Ngô Việt trong mộ Việt Khê. [14]

5. Tiểu kết:

Dựa trên những bằng chứng khảo cổ, ngôn ngữ, có thể nói rằng, người Việt không chỉ là một phần quan trọng của cộng đồng tộc Việt, mà còn là tổng hòa di truyền và văn hóa của cả cộng đồng tộc Việt, đón nhận và hòa hợp cùng với nhiều dòng di cư của tộc Việt về miền Bắc Việt Nam trong nhiều thời kỳ để hình thành dân tộc Việt.

3. Vị trí và vai trò của người Việt trong cộng đồng tộc Việt:

Người Việt là hậu duệ chính thống của tộc Việt, họ không chỉ có nguồn gốc từ cốt lõi là người Nam Á [53], mà còn đón nhận những dòng di cư của các cư dân tộc Việt tại các vùng về miền Bắc Việt Nam, các nhóm tộc Việt trở về đều hòa vào cốt lõi Nam Á để hình thành người Việt.

Trong thời điểm trước khi cộng đồng tộc Việt tan rã, thì người Việt nhóm Nam Á cũng đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng tộc Việt. Trong hai giai đoạn Phùng Nguyên và Đông Sơn, thì trung tâm của tộc Việt được đặt tại miền Bắc Việt Nam.

Tại miền Bắc Việt Nam trong thời Phùng Nguyên (2000 – 1500 BC), thì những chiếc nha chương đã biểu trưng cho quyền lực của tộc Việt, tới thời đồ đồng, thì văn hóa Đông Sơn (800 – 200 BC) tại miền Bắc Việt Nam là trung tâm lan tỏa, trong đó có những chiếc trống đồng là biểu trưng quan trọng nhất, tính trung tâm được thể hiện qua những chiếc trống đồng và sự lan tỏa của những loại hình cổ vật từ miền Bắc Việt Nam, với chủ nhân của các văn hóa này là cư dân Nam Á.

Theo nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học [89], cư dân ở văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn là cư dân nói hệ ngữ Nam Á. Nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức cũng xác định cư dân các ngữ hệ khác nhau cùng tồn tại ở Hoa Nam và có tương tác mạnh với nhau. [17] Đợt di cư 4.000 năm trước về Việt Nam là cư dân nói ngữ hệ Nam Á còn đợt di cư 2.700 năm trước về Việt Nam là cư dân ngữ hệ Nam Á và Tai-Kadai. [18]

Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ. (Cư dân ngữ hệ Tai-Kadai và Austronesian tụ lại ở 1 nhóm) [49]

Người Việt có nguồn gốc tại các văn hóa tại vùng trung lưu Dương Tử, trong đó nổi bật nhất là các văn hóa Cao Miếu (5000 – 3500 BC), Đại Khê (5000 – 3000 BC), Khuất Gia Lĩnh (Qujialing, 3400 – 2600 BC), Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC), đây đều là các văn hóa có trình độ phát triển cao trong vùng Đông Á cổ.

Vùng trung lưu Dương Tử cũng là trung tâm tộc Việt trong giai đoạn văn hóa Thạch Gia Hà, trung tâm trước đó được đặt tại vùng hạ lưu Dương Tử với văn hóa Lương Chử. Văn hóa Thạch Gia Hà trong thời điểm đó cũng có nhà nước phát triển, có sức ảnh lớn tới các vùng xung quanh, có thiết chế ràng buộc các cộng đồng dân cư [40][41]. Cư dân tại đây chủ yếu là người Nam Á và tiền thân của cư dân hệ ngữ Hmong-Mien. Người Nam Á đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng tộc Việt, họ là những người nắm vai trò chính trong các vấn đề chính trị, văn hóa và tâm linh trong nhiều giai đoạn của cộng đồng này. Cư dân Nam Á tại văn hóa Thạch Gia Hà thời kỳ này đã di cư về miền Bắc Việt Nam để hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên cũng như di cư tản ra vùng Đông Nam Á lục địa.

Cuộc di cư về Việt Nam chủ yếu từ cư dân tại vùng trung lưu Dương Tử, trong đó bao gồm tầng lớp cao nhất là các vị vua Hùng. Sự kế thừa truyền thống của tộc Việt được thể hiện trực tiếp qua các nồi gốm cùng chạc gốm, xuất hiện sớm nhất tại trung lưu Dương Tử vào hơn 7000 năm TCN, các thời kỳ sau trong thời Phùng Nguyên và Đông Sơn, đều xuất hiện loại hình nồi gốm cùng chạc gốm này.

1. Nồi gốm và chạc gốm tại tỉnh Hồ Bắc, thuộc di chỉ tại văn hóa sông Chengbei, tiền thân của các văn hóa tại trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình) có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN; 2. Nồi gốm và chạc gốm tại các văn hóa Phùng Nguyên (A: 1.700-1.500 TCN; B: 2.000 TCN) và văn hóa Đông Sơn. (C: 800 TCN – 200 TCN) [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn lại bởi Huang Mingchong, dẫn]

Sau cuộc di cư của tộc Việt về vùng Đông Nam Á lục địa, thì tộc Việt trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung, cư dân Nam Á vẫn nắm vai trò quan trọng trong cộng đồng này, với tính trung tâm được thể hiện qua những chiếc trống đồng và sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn từ miền Bắc Việt Nam.

Qua đó chúng ta có thể thấy người Việt không chỉ là một phần của cộng đồng tộc Việt, mà còn nắm một vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của cộng đồng này. Nguồn gen của người Việt hiện tại chỉ khác tối đa 5-10% so với thời văn hóa Đông Sơn, là hậu duệ trực tiếp của cư dân tộc Việt thời Hùng Vương, khi tộc Việt đang còn trong một cộng đồng chung. [17]

Admixture công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019 thể hiện gen người Việt khác biệt không đáng kể với mẫu của văn hóa Đông Sơn (Núi Nấp). [17]

F. KẾT LUẬN:

Qua sự chứng minh tuần với từng yếu tố thể hiện sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt ở các phần trên, chúng ta có đủ cơ sở để nhận định về cộng đồng hay tộc Việt, là một cộng đồng thống nhất về văn hóa, về chủng tộc, họ có thể chung sống dưới một quốc gia thống nhất cho tới trước khi tan rã dưới bước chân xâm lược của người Hoa Hạ. Có thể nói họ không phải là cộng đồng phân lập, rời rạc và không liên quan tới nhau như đã từng được nhận định.

Sự thăng trầm và biến động của dòng lịch sử khiến cho những hiểu biết về cộng đồng tộc Việt trở nên mờ nhòa, nhưng các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, văn hoá, ngôn ngữ đã cùng góp phần làm rõ nguồn gốc và tiến trình phát triển của tộc Việt, đồng thời góp phần chứng minh được sự gắn bó và liên hệ chặt chẽ của tộc Việt qua các giai đoạn. Tộc Việt là hậu duệ của cư dân Đông Á cổ, là những đã người xây dựng nên những nền văn hoá lớn ở vùng Đông Á trong thời tiền sử, họ cũng là những người thuần hoá lúa nước từ sớm, sản xuất đồ ngọc đạt mức tinh xảo, phát triển kỹ thuật luyện đồng, là một nền văn minh nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn ở vùng Đông Á. Tuy nền văn minh cổ đó gần như không còn dấu tích, nhưng diện mạo của nền văn minh này dần được làm rõ nhờ những khám phá của di truyền và khảo cổ học, giúp chúng ta nhận diện chính xác hơn về nguồn gốc và tiến trình phát triển các nền văn hóa cổ của tiền nhân người Việt và các dân tộc anh em.

Các dân tộc tại Việt Nam ngày nay đều là đồng bào, sinh ra từ một bọc, ý nghĩa của từ đồng bào là có cơ sở thực tế, có nguồn gốc từ sự thống nhất trong một cộng đồng chung, với sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ của cộng đồng tộc Việt, với hậu duệ là các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam ngày nay. Ý thức về cội nguồn, truyền thống lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt là một sự kế thừa truyền thống cổ xưa.

Hậu duệ, là chúng ta ngày nay, hãy cùng nhau phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa chung cổ xưa đó. Biết, hiểu, ý thức về cội nguồn của tộc Việt là một điều quan trọng, không phải để đòi lại đất đai đã mất, mà để trân trọng giá trị cổ truyền, nhận thức lại về nền văn minh cổ xưa mà Tổ Tiên chúng ta đã dựng xây nên, từ đó khôi phục và phát triển lại những đặc trưng của văn hóa tộc Việt trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Đó là nền tảng và cơ sở quan trọng từ quá khứ, để có thể kiến tạo một tương lai mới rực rỡ hơn.


Tài liệu tham khảo: 

[1] Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt – Trần Gia Ninh

[2] Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society

[3] DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152

[4] Valéry Zeitouna, Prasit Auetrakulvitb, Antoine Zazzoc, Alain Pierretd, Stéphane Frèree, Hubert Forestierf, (2019), Discovery of an outstanding Hoabinhian site from the Late Pleistocene at Doi Pha Kan.
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352226718300345

[5] Peter U.Clark, Alan C. Mix, 2001, Ice sheets and sea level of the Last Glacial Maximum
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277379101001184

[6] Robert Hall, Christopher K. Morley et al. (2004), Sundaland Basins.
https://www.researchgate.net/publication/258699653_Sundaland_Basins

[7] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[8] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

[9] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[10] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

[11] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

[12] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159

[13] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.

[14] Hirofumi Matsumura, Hsiao-chun Hung, Charles Higham, et al. (2019). Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific reports;9(1):1451.

[15] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history

[16] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[17] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[18] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[19] Zhang H, He G, Guo J, Ren Z, Zhang H, Wang Q, Ji J, Yang M, Huang J, Wang CC. Genetic diversity, structure and forensic characteristics of Hmong-Mien-speaking Miao revealed by autosomal insertion/deletion markers. Mol Genet Genomics. 2019 Dec;294(6):1487-1498. doi: 10.1007/s00438-019-01591-7. Epub 2019 Jul 16. PMID: 31312894.

[20] Nguyễn Đức Hiệp, Đài Loan và cội nguồn Bách Việt
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/van-hoa-trung-hoa-va-dong-bac-a/103-nguyen-duc-hiep-dai-loan-va-coi-nguon-bach-viet.html

[21] Luận văn tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong quan hệ với văn hóa Việt Nam truyền thống – Nguyễn Ngọc Thơ, 2011.

[22] Matsumoto, Hideo, The origin of the Japanese race based on genetic markers of immunoglobulin G, Proc Jpn Acad Ser B Phys Biol Sci. 2009 Feb; 85(2): 69–82. Published online 2009 Feb 12. doi: 10.2183/pjab.85.69

[23] Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước. Nhà xuất bản Thanh niên, 2000

[24] Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam. Nxb: Viện Bảo Tàng Lịch Sử VN (1974).

[25] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Tri Thức.

[26] Han Xiaorong, The present Echoes of the Ancient Bronze Drum: Nationalism and Archeology in Modern Vietnam and China, Explorations in Southeast Asian Studies, Vol. 2, No. 2, Fall 1998, Hawaii University

[27] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[28] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

[29] Cung Đình Thanh, “Khái niệm về biển tiến ở Việt Nam”, Tập San Tư Tưởng số 3, ngày 15/7/1999, trg 11 – 16. Joseph Needham, Science and Civilization in China – Tome I : Introduction – Cambridge, England, 1956.

[30] Jeffrey Barlow, The Zhuang : Ethnogenesis, Pacific University, http://mcel.pacificuedu/as/resources/zhaung/zhuangintrohtm

[31] Andréas Lommel, 1966, Prehistoric and primitive man. McGraw-Hill publishing.

[31] Trình Năng Chung, 2015, Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời đại kim khí ở Nam Trung Quốc.

[31*] Lê Trọng Khánh, Những tín hiệu thu nhận từ bản lược đồ địa danh – ngôn ngữ Việt cổ – bước đầu góp phần vào việc tiếp cận một số vấn đề lịch sử cổ đại
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/71284/1/263%281992-4%29%285%29.pdf

[32] Kinh Lễ. Thiên Vương Chế. https://ctext.org/liji/wang-zhi

[33] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.

[34] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.

[35] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.

[36] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.

[37] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[38] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[39] Hoàng Nguyễn, Văn hóa Thạch Gia Hà và nguồn gốc dân tộc Việt.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10162414047920526&id=519710525

[40] Sử Ký Tư Mã Thiên, Việt Vương Câu Tiễn thế gia, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học (2003).

[41] Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt
http://fanzung.com/?p=2379

[42] Lã Bất Vi (chủ biên) (239 TCN). Lã Thị Xuân Thu.
https://ctext.org/lv-shi-chun-qiu/zh?searchu=百越

[43] Sử Ký Tư Mã Thiên, Bình chuẩn thư, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học (2003).

[44] Sử Ký Tư Mã Thiên, Hóa Thực liệt truyện, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học (2003).

[45] Tích Dã, Truyền kỳ về nước Việt Thường thời xưa
https://nghiencuulichsu.com/2020/10/05/truyen-ky-ve-nuoc-vie%CC%A3t-thuong-thoi-xua/

[46] Phan Anh Dũng, Tên gọi Việt Lạc (Lạc Việt) có từ trước đời Thành Thanh
http://fanzung.com/?p=2213

[47] Phần này chúng tôi lấy tư liệu chủ yếu từ bài viết: Trần Trí Dõi, Trao đổi thêm về từ nguyên của yếu tố “lạc (luò 雒/駱)” trong tổ hợp “lạc việt (luòyuè 雒越)”. Bài  Hội thảo Quốc tế ”Văn hóa tộc người Trung Quốc – ASEAN lần thứ 2 (The 2nd Chia-ASEAN Ethnic Cultural Forum)” ngày 13-16.4.2017 tại Quảng Tây, Trung Quốc và Hội thảo Quốc tế “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam (Modern Linguistic trends and Language Studies in Vietnam)” do Viện Ngôn ngữ học (Viên Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức ngày 22.4.2017 tại Hà Nội, Việt Nam. In trong tạp chí Bảo tàng&Nhân học, số 2 (18)-2017, tr 41-53 .ISSN: 0866-7616.

[48] Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Lang Linh.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[49] Trần Kinh Hòa (Cheng Ching-Ho), 1960, Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ, tạp chí Đại học Huế.

[50] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/

[51] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển I, Kỷ Hồng Bàng thị. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1993).

[52] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[53] Phan Anh Dũng, Vùng Lĩnh Nam lập quốc từ thời Đường Ngu ?
http://fanzung.com/?p=719

[54] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

[55] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[56] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
https://www.pnas.org/content/114/52/13637

[57] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols

[58] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[59] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.

[60] Nguyễn Kim Dung, Truyền thống chế tạo đồ ngọc ở Việt Nam thời tiền sử, Tạp chí KHẢO CỔ HỌC số 4 năm 1998, tr.23-40.

[61] Dương Việt Đông 杨越东 (2017). Bộ sưu tập và nghiên cứu ngọc văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化玉器收藏与研究: Nhà xuất bản Chiết Giang.

[62] Ling Shun Sheng, (凌純聲), “Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố” 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈 (đăng trong Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học bảo, kỳ thứ nhất, 1950)

[63] Trình Năng Chung, 2015, Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời đại kim khí ở Nam Trung Quốc.

[64] Phan Anh Dũng, Về địa giới phía Tây của nước Văn Lang
http://fanzung.com/?p=2612

[65] Tích Dã, Vương quốc Dạ Lang
https://nghiencuulichsu.com/2014/04/21/vuong-quoc-da-lang/

[66] Kim J, Jeon S, Choi JP, Blazyte A, Jeon Y, Kim JI, Ohashi J, Tokunaga K, Sugano S, Fucharoen S, Al-Mulla F, Bhak J. The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences. Genome Biol Evol. 2020 May 1;12(5):553-565. doi: 10.1093/gbe/evaa062. PMID: 32219389; PMCID: PMC7250502.

[67] Tư Mã Thiên, sđd, q. 40 – Sử thế gia, tờ 3b.

[68] Ruiliang Liu, A. M. Pollard, Jessica Rawson, Xiaojia Tang, 2019, Panlongcheng, Zhengzhou and the Movement of Metal in Early Bronze Age China.
https://www.researchgate.net/publication/337567322_Panlongcheng_Zhengzhou_and_the_Movement_of_Metal_in_Early_Bronze_Age_China

[69] Lang Linh, 2020, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/10/11/503-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[70] S.V. Lapteff, The origin and development of the wucheng culture (in the context of intercultural contacts between bronze age inhabitants of the lower yangtze valley and Indochina Peninsula), Archaeology, Ethnology and Anthropology of Eurasia, Volume 38, Issue 4, 2010, Pages 93-102, ISSN 1563-0110,
https://doi.org/10.1016/j.aeae.2011.02.008.

[71] Bùi Hữu Tiến, 2016, Văn hóa Đồng Đậu và vị trí của nó trong thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng.

[72] Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.

[73] Phần này chúng tôi lấy tư liệu chủ yếu từ bài khảo cứu của tác giả Phan Anh Dũng: Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử được đăng trên báo Văn Hóa Nghệ An.
http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su

[74] Tư Mã Thiên (thời Hán). Sở thế gia. Sử Ký.
http://www.guoxue.com/book/shiji/0040.htm

[75]  Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng, 凌純聲), giáo sư đại học Đài Loan, “Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố” 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈 (đăng trong Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học bảo, kỳ thứ nhất, 1950)

[76] Trần Hưng, Dấu tích chiến công của các tướng Lĩnh Nam tại Trung Quốc.
https://trithucvn.org/van-hoa/dau-tich-chien-cong-cua-cac-tuong-linh-nam-nuoc-ta-tai-trung-quoc.html

[7] Nguyễn Vinh Phúc, Miếu thờ Hai Bà Trưng trên đất Hồ Nam.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/75768/mi7871%3Bu-th7901%3B-tr432%3Bng-v432%3B417%3Bng-tren-273%3B7845%3Bt-h7891%3B-nam

[78] Bing Su, Li Jin, Peter Underhill, Jeremy Martinson, Nilmani Saha, Stephen T. McGarvey, Mark D. Shriver, Jiayou Chu, Peter Oefner, Ranajit Chakraborty, and Ranjan Deka (2000). Polynesian origins: Insights from the Y chromosome.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC26928/

[79] Per Hage, Jeff Marck, (2003). Matrilineality and the Melanesian Origin of Polynesian Y Chromosomes
https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.1086/379272

[80] Dựa theo the Atlas historique des migrations by Michel Jan et al. 1999 and “The Austronesian Basic Vocabulary Database” 2008.

[81] Gerard Diffloth (p.c.), trích trong Handbook of East and Southeast Asian Archaeology, 2017, Junko Habu, Peter V. Lape, John W. Olsen.

[82] Chris Baker, From Yue To Tai, Journal of the Siam Society 90.1 & 2 (2002)

[83] Zhang và cộng sự, 2020, A Matrilineal Genetic Perspective of Hanging Coffin Custom in Southern China and Northern Thailand
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2589004220302169

[84] Bách Việt và quá trình Nam tiến của người Bách Việt – Kiều Quang Chẩn.

[85] Guizhou Provincial Institute of Antiquity and Archaeology, Tombs of the Yelang Period at Kele in Hezhang, Guizhou
http://www.kaogu.net.cn/en/Chinese%20Archaeology/Tombs%20of%20the%20Yelang%20Period%20at%20Kele%20in%20Hezhang,%20Guizhou.pdf

[86] Lang Linh, An Dương vương trong dòng lịch sử tộc Việt
https://luocsutocviet.wordpress.com/2021/04/12/524-khao-su-ve-quoc-gia-van-lang-va-thoi-ky-hung-vuong/

87] Phương Hòa, Chiếc trống có chữ khắc duy nhất trong thành Cổ Loa.
https://vnexpress.net/chiec-trong-co-chu-khac-duy-nhat-trong-thanh-co-loa-3361963.html

[88] Jerry Norman and Tsu-lin Mei, Monumenta Serica, Vol. 32 (1976), pp.274-301, Published by: Taylor & Francis, Ltd.

[89] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.  https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

Lang Linh

Theo luocsutocviet

Bài cùng thể loại

Bài nên xem