Dịp đầu Xuân năm nay, tôi có lên tham quan đại công trình tâm linh chùa Ngoạ Vân trong cụm di tích tâm linh Yên Tử, do Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đầu tư.

Ngôi chùa lớn thờ Phật hoàng, thờ Tam bảo lớp lang bài bản mới tinh tên gọi chùa Ngọa Vân và được quảng cáo với mỹ từ “Thánh địa Thiền phái Trúc Lâm”. Hẳn một hệ thống cáp treo do Myway đầu tư, giá vé 200k/khứ hồi dẫn du khách lên.

 

Lặng lẽ am chùa.

Trên tấm bảng mới cóong bên hông chùa đã thấy những thông báo lịch đăng ký các khoá lễ dâng sao giải hạn…

Đứng trước sự tráng lệ của ngôi chùa mới mà tôi không khỏi bâng khuâng.

Năm 1997, vừa tốt nghiệp ra trường đang tập sự, tôi đã từng lên Yên Tử. Yên Tử khi ấy còn hoang vu lắm, đa số các ngôi chùa xưa cũ chìm trong sương mù, khí hậu khắc nghiệt nên ít chùa có sư trụ trì. Và am Ngoạ Vân là nơi phế tích, hiếm hoi mới có người đặt chân tới.

Theo sử sách ghi lại, năm 1307, Thượng hoàng Trần Nhân Tông – Trúc Lâm đại sĩ đã lên tu tại một am nhỏ trên Ngọa Vân, tên của ngọn núi nơi dựng am.

Ban đầu, khi Trúc Lâm đại sĩ đến Ngọa Vân, Ngài chỉ cho dựng một am nhỏ gọi là am Ngọa Vân để tu hành. Hơn 1 năm sau, năm 1308, Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm, Ngọa Vân đã trở thành điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Sau khi Trúc Lâm đại sĩ hóa Phật, đệ tử của Ngài tiến hành hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ một phần xá lỵ của Ngài tại đây. Ngọc cốt và xá lỵ còn lại được chuyển về kinh đô Thăng Long rồi sau đó được phân chia đi an trí ở nhiều nơi.

Là nơi Phật hoàng tu hành và đắc đạo, Ngọa Vân trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, nên ngay sau khi Ngài mất, người nối dòng của Ngài là tổ Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang Ngọa Vân. Đến đây, Ngọa Vân không chỉ là am nhỏ nữa mà đã trở thành một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn trên dãy Yên Tử, trong đó am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Qua nhiều năm hoang phế, năm 2000 có vị sư chọn nơi đây gây dựng lại mái chùa trên nền cũ và Ngài bén duyên đến tận ngày nay. Ngôi chùa đơn sơ nhỏ xíu mà ấm cúng và huyền bí hiện đang bị che khuất phía sau công trình đại tâm linh hiện đại mới khánh thành. Hai bên là 2 am thờ cổ cho cảm giác rất đỗi linh thiêng.

Bên mái chùa nhỏ, tôi được nghe vãi già theo sư lên đây cỡ chục năm kể về những câu chuyện tâm linh huyền bí của am mà chính ông chứng kiến.

Ví dụ như có lần chạng vạng chiều sau khoá tụng kinh, vừa ngả lưng trên chiếc chiếu trên nền cũ của nhà tăng mé chùa, ông được chứng kiến cảnh tượng một quầng mây ngũ sắc tụ lại thành khối cầu lớn sà trước sân chùa, xoáy tròn mờ ảo như ai đó cầm bó hương lớn múa tít. Ông cố nhổm người nhìn cho rõ nhưng toàn thân như bị khoá cứng đờ, chỉ đôi mắt được nhìn. Rất lâu sau thì khối mây ngũ sắc tan biến, ông cử động lại được vội chạy vào trong chùa tìm kiếm nhưng không có chút dấu vết lạ kỳ nào nữa.

Người vãi già kể rằng đêm trước ngày người ta động thổ san ủi xây chùa, ông nằm mộng nghe thấy có người nói rằng “ngày mai xin ông đưa tôi lên đây”. Hôm sau ông xuống gặp lúc máy móc đang hoạt động, có lưu ý tìm kiếm nhưng chưa thấy. Ông nhắc đám công nhân làm cẩn thận kẻo dưới có “vật quý” nhưng họ chẳng để tâm. Và y rằng sau đó máy xúc vào chiếc tiểu. Tôi hỏi “ông có đưa lên chùa trên được như ý nguyện?” Ông cười buồn: Không! Mình muốn lắm nhưng đâu có quyền.

Và những bộ cốt ấy đã được chôn trở lại xây tháp mộ trước sân chùa mới.

 

Cây mai trong sương bảng lảng trước am thờ bài vị Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Nếu có dịp lên chùa Ngoạ Vân, mọi người đừng bỏ qua ngôi chùa và am nhỏ cổ kính phía sau. Tôi nghe đồn, chẳng bao lâu nữa, nơi đây cũng sẽ được thay thế bằng một đại công trình tâm linh mới do 1 nhà đầu tư cực lớn làm chủ.

Khi ấy, những xưa cũ rêu phong kỳ bí linh thiêng hôm nay sẽ mãi chỉ còn trong ký ức.

TH/ST