Thanh Hoá là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều anh tài vang danh lịch sử như Lê Văn Hưu, Lê Lợi, Lương Đắc Bằng, Đào Duy Từ, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Hữu Cảnh… Tuy nhiên ít ai biết được tên gọi của vùng đất này bắt nguồn từ đâu.

Tài liệu Mộc bản của sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” quyển 21, mặt khắc 20 có chép: Đời Hùng Vương xưa Thanh Hóa thuộc bộ Cửu Chân; nhà Tần thuộc Tượng Quận; nhà Hán là quận Cửu Chân; Ngô, Tần và Tống cũng theo tên cũ của Hán; Lương Võ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu; nhà Tùy lại gọi là Cửu Chân quận; nhà Đường chia đặt làm 2 quận: Ái Châu và Cửu Chân. Nhà Đinh và nhà Lê gọi Thanh Hóa là Ái Châu; nhà Lý đổi làm trại, năm Thiên Thành thứ hai đổi làm Thanh Hoá phủ”.

Như vậy, tên gọi Thanh Hoá xuất hiện đầu tiên vào đời vua Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 (1029). Căn cứ vào chữ khắc trên Mộc bản thì Hán tự của Thanh Hoá là 清化.Trong đó, Thanh (清) nghĩa là trong sạch như trong “thanh minh”, “thanh danh”, “thanh khiết”. Còn Hoá (化) có nghĩa là biến đổi, cứ như các cụm từ “toàn cầu hoá”, “thương mại hoá”, “công nghiệp hoá” thì cũng có thể dịch là “trở nên”, “trở thành”. Vậy Thanh Hoá dịch thuần ra là “biến đổi trở nên trong sạch, tinh khiết”.

Có một thời gian Thánh Hoá bị đổi thành Thanh Hoa. Nguyên nhân của việc đổi tên này hiện vẫn chưa rõ. Ngay cả mốc thời gian đổi, các tài liệu cũng chép rất khác nhau. Có tài liệu ghi là vào đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10. Tài liệu khác lại nói là đời vua Lê Trung Hưng, năm Quang Hưng thứ 16.

Đến đời vua Thiệu Trị, ông có mẹ là Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên quy định các văn sách phải kiêng dè chữ “hoa”, có viết cũng viết thiếu nét. Đây cũng là cơ sở để chữ “bông” được lan truyền rộng rãi, đặc biệt được ưa chuộng và đón nhận tại Nam Bộ. Đến năm Thiệu Trị thứ 3, nhà vua cho đổi lại Thanh Hoa thành Thanh Hoá, phần vì kiêng tên mẹ, phần vì đây là tên gọi cũ của đất này. Từ đó, tên gọi Thanh Hoá được sử dụng ổn định cho đến ngày nay.

TH/ST