Theo nghĩa hẹp, samurai là một bộ phận trong tầng lớp võ sĩ Nhật, phục vụ các tướng quân và lãnh chúa phong kiến. Tuy nhiên, từ samurai còn có thể được dùng để chỉ tầng lớp võ sĩ nói chung (bao gồm cả những vị tướng quân).
Võ sĩ samurai nổi tiếng với tính cách can trường, trung thành và trọng danh dự đến mức sẵn sàng tự mổ bụng mình để bảo toàn khí tiết (nghi thức seppuku). Bên cạnh đó, samurai cũng là những người có học thức cao.
Samurai xuất hiện tại Nhật Bản từ khoảng thế kỉ 6 và tầng lớp này bị giải tán trong cuộc Duy tân Minh Trị vào nửa sau thế kỉ 19. Dù vậy, những cựu samurai vẫn đóng vai trò quan trọng trong quân đội và giới trí thức sau này.
Chúng ta cùng điểm lại một số vị samurai nổi danh trong lịch sử nước Nhật.
1. Minamoto Tametomo
Sinh năm 1139, Minamoto Tametomo là một samurai nổi tiếng với tài bắn cung. Thời kì này, giữa dòng họ Minamoto của ông và dòng họ Taira đang diễn ra những cuộc chiến khốc liệt.
Theo sử sách, tay trái của Tametomo dài hơn tay phải khoảng 15cm. Do đó, những cú bắn cung của ông mạnh hơn hẳn người thường. Trong một trận chiến, ông đã làm đắm một thuyền chiến lớn của gia tộc Taira với chỉ một mũi tên.
Năm Tametomo 31 tuổi, người của dòng họ Taira bắt được ông và chặt đứt gân cánh tay trái. Ông đã thực hiện nghi thức mổ bụng tự sát để bảo toàn danh dự.
2. Oda Nobunaga
Sinh năm 1534, Oda Nobunaga vốn xuất thân là một lãnh chúa nhỏ ở tỉnh Owari. Năm 26 tuổi, bằng tài thao lược, ông đánh thắng đạo quân đông gấp 8 lần số quân của mình.
Điều đặc biệt ở Nobunaga lúc đương thời là ông tuyển quân không dựa theo dòng dõi gia tộc mà theo thực lực của binh sĩ. Về sau, ông liên minh với Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu trong tiến trình thống nhất nước Nhật, mở ra một thời kì hòa bình lâu dài.
Ông còn có tầm nhìn về kinh tế khi cắt giảm thuế cho các thương gia, mở rộng ngoại thương sang Đông Nam Á và châu Âu.
Năm 47 tuổi, Nobunaga đã mổ bụng tự sát theo nghi lễ seppuku khi một số kẻ phản loạn bao vây và đốt ngôi chùa mà ông đang ở trong đó.
3. Toyotomi Hideyoshi
Khác với nhiều samurai, Toyotomi Hideyoshi xuất thân trong một gia đình nông dân và từng làm người mang dép cho Oda Nobunaga. Dù vậy, bằng thực tài của mình, ông đã vươn lên trở thành một vị tướng quyền lực trong lịch sử.
Một trong những đóng góp quan trọng của ông là việc xây dựng pháo đài Osaka, một di sản tồn tại đến ngày nay. Ông đưa ra nhiều điều luật nhằm ổn định xã hội Nhật Bản vốn rất hỗn loạn lúc bấy giờ bằng cách tịch thu vũ khí của thường dân và thiết lập chế độ đẳng cấp.
Về cuối đời, ông thất bại trong 2 cuộc xâm lược nhằm vào bán đảo Triều Tiên.
4. Tokugawa Ieyasu
Sinh năm 1543, Tokugawa Ieyasu sinh ra trong cảnh hỗn loạn khi những lãnh chúa phong kiến liên tục đánh giết lẫn nhau. Ông chỉ huy trận đánh đầu tiên khi mới 16 tuổi.
Tuy không được đánh giá cao về tài thao lược quân sự, nhưng Tokugawa Ieyasu là một con người thực dụng và mưu lược. Ông lên đỉnh cao quyền lực khi đánh bại dòng họ Toyotomi vào năm 1600, từ đây, dòng họ Tokugawa nắm thực quyền cai trị Nhật Bản cho đến tận năm 1868.
Tokugawa Ieyasu đã mở ra một thời kì hòa bình, ổn định và thống nhất cho nước Nhật dưới chế độ Mạc phủ Tokugawa trong suốt 250 năm.
Người Nhật có một câu nói đánh giá về giai đoạn thống nhất đất nước như sau: “Thống nhất Nhật Bản là một cái bánh gạo. Nobunaga giã bột, Hideyoshi nhào bánh, cuối cùng chỉ Ieyasu ngồi ăn bánh.”
5. Tomoe Gozen
Theo sách sử, Tomoe Gozen là một người phụ nữ có vẻ đẹp thanh tú với làn da trắng và suối tóc đen dày, sống vào khoảng cuối thế kỉ 12, đầu thế kỉ 13. Bà là một trong số ít những phụ nữ trở thành samurai.
Truyện kể Heike cho biết, Gozen là một nữ cung thủ với tay gươm đầy sức mạnh và có phần vượt trội so với nam giới. Bà đã trải qua chiến tranh Genpei, cuộc chiến đầu tiên nổ ra giữa các dòng họ samurai. Trong một trận đánh, bà chặt đầu một samurai đối thủ – kì tích mà ít người làm được.
Về cuối đời, có người nói rằng, bà đã rửa tay gác kiếm rồi đi tu. Nguồn thông tin khác cho biết sau khi bị một samurai đánh bại, bà đã trở thành phu nhân của người này.
MASK ONLINE