Nhắc tới những nhân vật lịch sử được khắc họa trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Quan Vũ có thể được xem là một trong số ít những người nổi bật hơn cả.
Đi liền với hình tượng vũ dũng, trung thành cùng nhiều chiến công anh dũng, quả cảm, tên tuổi của Quan Vũ trong tác phẩm trứ danh này còn gắn liền với hai bảo vật nức tiếng đương thời. Đó chính là Thanh Long Yển Nguyệt đao và ngựa Xích Thố.
Hai món “trang bị” nổi danh Tam Quốc ấy đã từng theo ông đi qua không ít chiến trường và thậm chí đã trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu đối với nhân vật này trong mỗi lần chinh chiến.
Thế nhưng cuối cùng, Quan Vũ vì binh bại mà vong mạng. Những món bảo vật kia cũng không thể cùng ông đi xuống suối vàng.
Vậy sau khi Quan Vân Trường qua đời, Thanh Long Yển Nguyệt đao và ngựa Xích Thố có số phận ra sao?
Số phận của Thanh Long Yển Nguyệt đao
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Thanh Long Yển Nguyệt đao được mô tả là món binh khí có mũi nhọn, cán dài, lưỡi tựa bán nguyệt, trên thân đao chạm khắc hình rồng. Tương truyền rằng, thanh đao của Quan Vũ nặng tới 82 cân theo đơn vị đo lường thời nhà Hán.
Bàn về danh tiếng, có ý kiến cho rằng, Thanh Long Yển Nguyệt đao của Quan Vân Trường năm xưa có lẽ chỉ đứng sau duy nhất cây Phương Thiên Họa Kích của Lữ Bố mà thôi.
Đây cũng được xem là món binh khí đã làm nên thanh danh “uy chấn Hoa Hạ” của vị tướng họ Quan với nhiều chiến công nổi bật hư trảm Hoa Hùng, chém Nhan Lương, giết Văn Sú…
Danh tiếng của thanh đao ấy trong diễn nghĩa còn được biết tới qua sự kiện “đơn đao phó hội”, khi Quan Vũ một mình đem theo Thanh Long Yển Nguyệt đao tới hội đàm với Lỗ Túc về vấn đề Kinh Châu.
Liên quan tới món binh khí ấy còn có không ít giai thoại khác, trong đó hầu hết đều thể hiện sự vũ dũng, quả cảm hơn người của Quan Vân Trường.
Chỉ tiếc rằng cuối cùng Quan Vũ rơi vào cảnh để mất Kinh Châu, thua chạy Mạch Thành, để rồi phải tức tưởi vong mạng dưới tay Tôn Quyền.
Sau khi ông qua đời, Thanh Long Yển Nguyệt Đao rơi vào tay một tướng Đông Ngô tên là Phan Chương.
Trong trận Di Lăng, con trai của Quan Vũ là Quan Hưng cũng theo Lưu Bị tham chiến và đã gặp được Phan Chương – kẻ đang nắm giữ thanh đao của cha mình.
Sau khi gặp được kẻ thù không đội trời chung ấy, Quan Hưng đã đánh bại Phan Chương và đoạt lại Thanh Long Yển Nguyệt đao.
Trải qua nhiều biến cố, thanh đao làm nên tên tuổi cả đời của Quan Vũ năm nào cuối cùng cũng lại trở về tay hậu nhân của gia tộc Quan thị.
Kết cục cuối cùng của ngựa Xích Thố
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Xích Thố năm xưa từng là vật cưỡi của Đinh Nguyên, sau lại về tay Lữ Bố. Kể từ khi Lữ Bố bại trận ở lầu Bạch Môn, con ngựa quý này liền về dưới trướng Tào Tháo.
Sau này vì muốn thu phục Quan Vũ, Tào Tháo liền đem ngựa quý tặng cho ông. Từ khi có được ngựa Xích Thố, sự nghiệp chinh chiến của Quan Vân Trường có thể xem là như hổ mọc thêm cánh.
Tương truyền rằng, ngựa này một ngày có thể đi ngàn dặm, trèo đèo lội suối tựa như giẫm trên đất bằng, có thể xem như độc nhất vô nhị trong Tam Quốc.
Sau khi Quan Vũ bị chém đầu, ngựa Xích Thố cũng lưu lạc trên đất Đông Ngô không lâu trước khi về tay tiểu tướng Mã Trung.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Xích Thố được miêu tả là một con ngựa có linh tính, hiểu tiếng người.
Kể từ khi không còn thấy chủ nhân, nó liên tục bỏ ăn bỏ uống, hơn nữa còn thường xuyên cất lên những tiếng rên rỉ, cuối cùng vì tuyệt thực mà chết.
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Trên thực tế, Xích Thố từng qua tay 4 đời chủ nhân. Những người chủ cũ của nó như Lữ Bố hay Tào Tháo đều là các nhân vật có tiếng tăm thời bấy giờ.
Thế nhưng, con ngựa quý ấy chỉ trung thành và tình nguyện quyên sinh vì Quan Vũ. Có lẽ cũng bởi vị tướng ấy sở hữu những phẩm chất mà nhiều chủ nhân trước đó của nó khó có thể so bì.
Theo tình tiết trong diễn nghĩa, ngựa Xích Thố tuyệt thực mà chết. Giai thoại về bảo mã vang danh Tam Quốc một thời ấy cũng vì vậy mà chấm dứt từ đó.
Sau cùng, Thanh Long Yển Nguyệt đao lại một lần nữa về tay dòng họ Quan, còn ngựa Xích Thố đã tình nguyện quyên sinh về lòng trung thành.
Đó chính là kết cục cuối cùng của hai bảo vật từng theo Quan Vũ tung hoành thiên hạ một thời năm xưa.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).
Tri Thức Trẻ