Nhạc sỹ Lê Trạch Lựu sinh ngày 6-9-1936 tại Hà Nội. Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông đã sáng tác hơn 10 ca khúc nhưng nổi tiếng nhất là bản Em Tôi. Ca khúc này được ông sáng tác từ cảm hứng có thật của một cuộc tình lãng mạn với một thiếu nữ tên Kim Phượng vào năm 1946 ở Hà Nội. Cuộc tình không thành khi ông rời quê hương đi du học ở Paris năm 1951, cùng lớp với thi sỹ Nguyên Sa và đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. Bản nhạc Em Tôi ông sáng tác ở Pháp rồi chép tay gởi về Việt Nam, được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế và ấn hành năm 1955.

Có thể nói từ ngày ra đời cho đến nay, ca khúc này vẫn luôn đem đến cho người nghe những xúc cảm như gần, như xa của một thời tưởng như đã thuộc về dĩ vãng nhưng vẫn tiếp tục làm rung động trái tim những trẻ tuổi ở thế hệ bây giờ. Đằng sau ca khúc lãng mạn này là một cuộc tình mang theo từ thuở vừa biết yêu cho đến tuổi xế chiều khi nhạc sỹ sáng tác “gặp” lại người xưa qua đường dây điện thoại viễn liên.

Mãi đến năm 2009, trong một buổi sinh hoạt văn học nghệ sỹ tổ chức ở Paris của một nhóm văn nghệ sỹ ở Pháp với chủ đề Thu tái ngộ, tác giả mới bộc bạch chuyện tình của mình và sự ra đời của ca khúc bất hủ này.

Tác giả cho biết ông rời Việt Nam vào năm 1951 để đi du học tại Pháp, bỏ lại sau lưng một mối tình dang dở. Khi ra đi, ông không biết người yêu của mình ở phương nào khi mà khói lửa, chiến tranh, tản cư, ly tán đã đẩy mọi người vào tình huống chẳng biết những người thân của mình trôi dạt ở nơi đâu..

Ở Pháp, ông theo học nốt bậc trung học rồi vào ngành điện ảnh và làm truyền thông. Ông vẫn nhớ hình bóng cũ; cô thiếu nữ tên Kim Phượng mà ông đã gặp và làm quen ở sân ga Hà Nội lần đầu trong một chuyến đi cắm trại của đoàn hướng đạo tại Sầm Sơn năm 1946.

Sau thời gian cắm trại ở Sầm Sơn, khi trở lại Hà Nội, ông may mắn tìm biết được địa chỉ của người mà ông say đắm. Liên tiếp trong 3 tháng ông đã viết cho  Kim Phượng gần 70 lá thư mà không thấy hồi âm. Ông tiếp cận được với người em trai của Phượng để nhờ đóng vai chim xanh đưa thư cho ông. Cho đến một ngày ông được người trong mộng hồi âm, rằng cô rất yêu ông nhưng muốn thử lòng xem ông có phải là người nghiêm túc hay không, thời điểm đó là 1 tuần lễ trước ngày Toàn quốc kháng chiến – tháng 12 năm 1946.

Sau đó, gia đình cô Phượng tản cư về Hà Đông. Từ Hà Nội ông lặn lội tìm đến thăm cô. Thì ra thân mẫu của hai người cũng là chỗ quen biết, và hai người đã cùng nhau đi chơi suốt buổi chiều bên ven sông, dưới sự… giám sát của cậu em của Phượng! Hạnh phúc đến nỗi hai người nói chuyện gì ông không thể nhớ hết, chỉ nhớ rằng hạnh phúc như chưa bao giờ có được như vậy, duy có một điều ân hận là ông chưa hề nắm lấy bàn tay của người yêu, dù chỉ một lần!

Rồi chiến tranh lan rộng, gia đình Phượng tản cư. Cả hai mất liên lạc, và chính thời điểm đó, ông được gia đình cho sang Pháp du học.

Tháng ngày ở Pháp là thời gian mà nỗi nhớ quay quắt đã là nguồn suối trào dâng để rồi một ngày, bên những người bạn như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, ông bấm lên phím đàn, đưa Em Tôi vào đời với những ca từ đầy lãng mạn:

Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh.

Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ.

Vu vơ đắm đuối, vương ngàn áng mây

Bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng.

Buồn vương man mác theo lời gió reo lời thơ

Trầm tư se sắt tơ lòng đắm theo đàn khóc

Bao nhiêu nước mắt chôn sầu đắng cho lời thơ,

Giờ này em hát câu chiều mơ…

Bẵng đi một thời gian dài, một hôm, ông tình cờ tìm lại được địa chỉ ở Hà Nội của Phượng. Ông viết thư về cho cậu em thử hỏi thăm thì được hồi âm rằng chị của cậu chờ đợi mãi, bao nhiêu đám hỏi mà không nhận lời, sau này ngỡ ông đã mất, cô lập bàn thờ để tang ông 2 năm, nhưng sau vì gia đình thúc giục và đã 26 tuổi, cô đành đi lấy chồng. Từ đó ông im lặng, cắt đứt để cho người cũ yên ấm bên chồng con.

 Ông tâm sự: “Khi bài “Em Tôi” được xuất bản trong nước và nổi tiếng, tôi không được sống cùng không khí đó vì đang ở xa, không được trực tiếp nhìn nhận rõ ràng thế nào là một bài hát được người đời yêu chuộng.

Rồi một hôm tôi tìm ra địa chỉ của Phượng, viết thư về cho Mỹ, nó trả lời tôi:

“Em nhận được thư anh, thế là anh vẫn mạnh, chị Phượng đợi anh trong một năm dài, thấy anh không về, tưởng anh chết, rồi ba năm sau chị Phượng để tang anh.

Nhiều người đến hỏi chị, chị chỉ lắc đầu. Chị vẫn đợi anh, nhưng hôm qua chị Phượng đi lấy chồng, chị đã 26 tuổi rồi, ngày ngày thầy me thúc giục”.

Thế là tôi cắt đứt, để Phượng đi lấy chồng cho êm thấm, có bổn phận với chồng với con. Tôi không muốn ám ảnh Phượng nữa để cho nàng yên phận.

Sáu chục năm rồi vẫn nhớ em,

Nhớ ai rũ tóc đứng bên thềm,

Nhớ người giặt áo bên bờ giếng,

Nhớ nhiều, nhớ mãi, mãi không quên…”

Về phần Kim Phượng, người chồng cô cũng đã biết được cô có một mối tình trước nên rất cảm thông. Nhưng đôi khi thấy vợ buồn, ông khuyên vợ để ông cất những lá thư và hình cảnh cũ, đến bao giờ vui hãy mở ra xem. Thế rồi ông ấy mất, những lá thư xưa không tìm lại được nữa…

Mãi đến đầu năm 2009, sáu mươi năm sau, ông liên lạc được một người bạn cũ từ bao năm ở tại Hà Nội, và chính người bạn này đã giúp nhạc sỹ họ Lê tìm ra số điện thoại của người xưa. Qua đường dây điện thoại, ông đã gọi về thăm hỏi bà. Bà không thể tin là ông còn sống, nhắc đi nhắc lại ba lần như ngỡ trong mơ “Anh Lê Trạch Lựu đấy ư?”. Ông kể:

Bây giờ chúng tôi nói chuyện với nhau. Tình ngày xưa xa lắc xa lơ. Cô đã đi lấy chồng, mà tôi đã lấy vợ, bây giờ chỉ coi nhau như bạn già thôi. Quý nhau, kính trọng nhau, chứ không nghĩ đến tình yêu ngày xưa nữa. Không thể nào lập lại thời đó được. Nhưng hai người vẫn rất quý nhau, tôi vẫn thường gọi cho cô, hay cô có gọi tôi, nhưng mà ăn nói như hai người bạn thân thôi…”

Từ ngày rời Hà Nội năm 1951 sang Pháp, nhạc sỹ Lê Trạch Lựu chưa một lần trở lại quê hương. Ông lập gia đình với một người vợ Pháp, gốc Ba Lan, mà theo lời ông thì bà là người rất đẹp, đoan trang, miệng cười tươi như hoa, và ông nhận là số ông may mắn, từ người yêu đến người vợ đoan chính của mình. Ông qua đời tại Paris ngày 6 tháng 2 năm 2015, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ được cử hành trong không khí thân mật gia đình với sự hiện diện của một số thân hữu và văn nghệ sỹ tại Paris.

Ngoài nhạc phẩm Em Tôi được đông đảo người nghe nhạc ưa thích, nhạc sỹ còn sáng tác những ca khúc khác như Cành Mai tóc ngắn, Em lễ chùa này, Tà áo thiên thần,  Bên bờ sông Seine, Nhớ…

Tôn Thất Thọ