Theo truyền thuyết, tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời vua Hùng Vương thứ IV, theo đó chiếc bình vôi có thể đã có mặt từ thời thượng cổ, nhưng khảo cổ học chưa phát hiện được bình vôi nào thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Tính đến cuối thế kỷ XX thì bình vôi cổ nhất tìm được ở Việt Nam mang niên đại thế kỷ IV, khai quật trong ngôi cổ mộ thời Bắc thuộc.
Có câu chuyện cổ tích thần kỳ nói về sự tích cái bình vôi: Ngày xưa có một tên trộm rất tài tình. Khi về già thì ăn năn hối cải, bỏ nghề, xin vào chùa tá túc nghe kinh. Sư cụ trụ trì giao việc giữ lửa, gà gáy sáng có phận sự nấu nước pha trà cúng Phật. Tên trộm chăm lo giữ lửa và làm tất cả mọi việc nặng trong chùa, thành tâm tu tập, được sư cụ tin cậy. Trong chùa có chú tiểu nhỏ không ưa tên trộm và sinh lòng ghét bỏ, ghen tỵ về lòng tin cậy của sư cụ. Một đêm, chú lén dập tắt lửa. Sáng dậy thấy không còn lửa đã vùi ủ kín đêm qua, tên trộm rầu rĩ chẳng biết cách xoay xở. Chú tiểu bèn bày mưu hại, bảo tên trộm leo lên cây đa thiêng bên chùa cầu Phật gia hộ. Chú bảo :
– Leo lên ! Leo tuốt cao tận ngọn, buông tay buông chân như buông thả bản thân, buông thả ngũ uẩn. Phật sẽ gia hộ đưa đến nơi có lửa.
Tên trộm cả tin theo lời, khi buông mình, thay vì rơi xuống đất chết, lại được một đám mây vàng nhẹ nhàng cứu độ đưa về cõi Niết bàn không sinh không diệt. Chú tiểu ngỡ ngàng, nhưng lòng tham sân si bùng mạnh, chú đi dập tắt lửa rồi leo lên tận ngọn đa, buông mình. Chú rơi nhanh. một cành đa nhọn đâm xuyên thủng bụng. Chú chết, không được vãn sinh tịnh độ, mà biến thành một cái bình tròn bụng chứa đầy vôi nồng – tượng trưng lòng đố kỵ – cành đa nhọn là chiếc dao nhỏ dùng quệt vôi têm trầu và màu đỏ của trầu quệt trên miệng bình vôi là máu loang ở vết thương thấu tim gan…
Trải dài qua năm tháng, chưa thấy ai bình giải về nội dung và ý nghĩa của câu chuyện mang tính nhân quả về sự tích chiếc bình vôi. Chỉ biết rằng bình vôi là vật dụng quá quen thuộc trong mỗi gia đình người Việt qua nhiều thế kỷ. Trong một truyện ngắn có tên là Ông Bình vôi, nhà văn Phan Khôi (1887- 1959) viết:
“Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi. Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ bình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng.
Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên…Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre, những thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu…”
Theo mô tả của nhà văn Phan Khôi thì chiếc bình vôi xưa thường làm bằng đất nung, có quai xách. Phía trên thường có hai cái lỗ, trông như hai cái miệng tròn xinh xắn. Một lỗ để đưa vôi vào hoặc lấy vôi ra bằng một thanh tre mỏng và dài, quết vào lá trầu. Một lỗ nữa để thoát hơi nước khi vôi sôi. Mỗi khi vôi trong bình đóng chặt một lớp dày cứng, hoặc bình bị nứt nẻ, không dùng nữa, người ta thường mang nó đem đặt dưới gốc cây thị, gốc đa đầu làng cùng với vô số ông đầu rau (ông táo) to nhỏ, được mọi nhà mang đến đặt vào đó, nhất là những dịp cúng đưa ông Táo về trời, hay cúng rước ông bà chiều 30 Tết. Gốc cây cổ thụ đầu làng như một “nghĩa địa” nhỏ, an nghỉ những vật dụng mang trong nó cái hồn đầy vẻ tâm linh của cộng đồng làng xã.
Để đưa vôi vào ống, người ta lấy cái thanh tre dài có một đầu nhọn để quệt vôi nhét vào cái lỗ bên, gọi là “cho Ông Bình ăn”. Để phù hợp với mục đích sử dụng, bình vôi có loại chỉ nhỏ bằng quả quýt để mang theo người, lại có loại bằng quả bưởi để trên án, trên bàn tiếp khách. Cũng có loại to cỡ cối đá để luôn ngoài đình cho cả làng cùng sử dụng mỗi khi có hội hè đình đám. Từ nhu cầu của chiếc bình vôi trong dân gian, những người thợ thủ công tài hoa đã chế tác ra các loại bình vôi khác nhau. Kiểu dáng đời sau nối tiếp đời trước mỗi ngày một phong phú. Chất liệu cũng dần được cải tiến; từ đất nung, sành, gốm, sứ rồi đồng… Nhưng phổ biến hơn cả và được giới sưu tầm cất công lùng kiếm là bình vôi làm từ chất liệu gốm. Màu men của bình vôi gốm rất khác nhau. Từ men trắng, men lục thời Lý-Trần đến men lam, men màu huyết đỉa thời Lê sơ sau này là cả một cuộc cách mạng.
Cũng trong truyện ngắn trên, nhà văn Phan Khôi còn cho biết: đối với người “xưa”, hễ cái gì, vật gì có thể hại được con người, hoặc tự nó sống lâu hơn đời sống con người thì được gọi bằng Ông:
“Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng “Ông”? Đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể hại mình được thì gọi bằng “Ông”, vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng “Ông”.
Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng “Ông Cọp”, con khỉ phá hoa màu mình được, gọi bằng “Ông Trưởng’, con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng “Ông Tí”. Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng “Ông Núc”, cái che, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng “Ông Che”. Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng “Ông” để tỏ lòng tôn kính, sùng bái…”
Chiếc bình vôi lại được một nhà thơ tiền chiến gắn với hình ảnh của những người già đang sống ở lứa tuổi xế chiều:
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng bé lại.
Do đã quá gần gũi, quen thuộc với đời sống của người Việt, có khi người dùng đã qua đời mà nó vẫn tồn tại, nên người Việt đã nhân hóa nó thành một vật sống mãi, gọi nó bằng Ông, và không biết tự khi nào, cái từ Ông Bình Vôi đã trở nên gần gũi với biết bao thế hệ sống vào khoảng giữa thế kỷ XX trở về trước.
“Miếng trầu là đầu câu chuyện ”, cũng là mở đầu cho những cuộc tình duyên, kết bạn làm quen, gắn bó cùng nhau. Miếng cau với lá trầu cần phải có một chút vôi trắng muốt quệt vào mới đủ, mới đậm đà, ngon miệng và say. Chính cái chút vôi trắng muốt mới có được cái màu đỏ làm hồng môi. Cái màu đỏ thắm tượng trưng cho lòng chung thủy, tin yêu.
Có nhiều tác giả nghiên cứu về chiếc bình vôi đã cho rằng, từ xa xưa trước khi con người tìm ra kim loại, dụng cụ chủ yếu sử dụng trong săn bắt, hái lượm, chiến tranh là những dụng cụ bằng đá như dao, ghè, búa, rìu… Chính từ lý do đó, đá được thần thánh hóa và tục thờ đá ra đời. Sau này, các nhà khoa học gọi đó là “tín ngưỡng đá”. Vôi có nguồn gốc từ đá và qua tín ngưỡng cổ mà có được một chỗ đứng vững chắc và tôn nghiêm trong đời sống người Việt. Ngoài việc dùng để ăn trầu, vôi còn để sát trùng, đánh gió và đôi khi được dùng để chế biến thực phẩm. Vào mỗi dịp năm mới, cùng với việc trồng cây nêu, người ta lại vẽ lên mặt đất những cung tên bằng vôi, nhằm trừ tà ma để chủ nhân của ngôi nhà đón một năm mới nhiều phúc lộc. Theo giáo sư Kiều Thu Hoạch, nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian thì chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có bình đựng vôi và có hàng trăm mẫu với các cỡ khác nhau.
Hình ảnh những chiếc bình vôi hầu như đã không còn trong mỗi gia đình, hay ở gốc đa, gốc thị đầu làng. Thế nhưng mỗi khi thấy nó, chúng ta lại nhớ đến hình ảnh của người bà tóc bạc răng đen bỏm bẻm nhai trầu. Nhớ đến những ngày giỗ Tết, hay trong các đám cưới hỏi ngày xưa, các bà các cô xúm lại bổ cau, quệt vôi têm trầu bên cạnh chiếc bình vôi với những câu chuyện râm ran và tiếng cười giòn giã…Hình ảnh đậm nét quê nhà đó đã đi vào dĩ vãng, đi vào hoài niệm của những người nay đã tóc bạc răng long…