Tôi có tình yêu và đam mê đặc biệt với những ngôi chùa Việt Nam. Sinh ra ở miền Trung, nơi không có nhiều di tích lịch sử vì đã bị đập phá quá nhiều trong cách mạng văn hóa trước đây, từ thời sinh viên, tôi bắt đầu được tới những ngôi chùa rất đặc trưng và tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Việt như chùa Láng, chùa Thầy, chùa Thiên Mụ…  Tôi có quay lại những nơi này nhiều lần. Phong cảnh, hồn quê và vẻ đẹp kiến trúc ở đó đã để lại cho tôi những kỷ niệm tuyệt vời khó quên. Vậy đâu là những tinh túy của kiến trúc Việt lưu giữ trong những ngôi chùa?

Kiến trúc hài hòa với cảnh quan, mềm mại và thăng hoa.

Kiến trúc Việt được quy hoạch dựa trên sự trân trọng, hiểu biết về cảnh quan. Ngôi chùa góp phần làm cho thiên nhiên, khung cảnh được trọn vẹn. Kiến trúc không nhấn mạnh ở sự hoàng tráng, to lớn. Tất cả những ngôi chùa Việt đều hài hòa với tỷ lệ con người và thiên nhiên, khiến một trạng thái bình an, thanh thoát khi ta chiêm ngắm chùa.

Một người bạn tôi nêu ý kiến rằng, kiến trúc Việt không hoành tráng bởi vì nghèo, chứ con người luôn muốn trở lên vĩ đại và làm thật to khi có thể. Tôi không đồng ý, ngay cả những ngôi chùa , đình được làm to lớn hoành tráng trong những thời hưng thịnh vẫn rất hài hòa với cảnh quan. Ví dụ, chùa Keo Thái Bình, chùa keo Hành Thiện. Bởi vì, ngôi chùa được xây dựng một cách vừa phải với sức người, không khoa trương và không sẵn sàng hy sinh xương máu như các kiến trúc Trung Quốc.

Rất nhiều ngôi chùa Việt xây dựng ở những nơi cảnh quan xinh đẹp, sông nước hài hòa. Yếu tố nhà Thủy đình luôn nổi lên tinh tế như bông sen giữa hồ nước. Chùa Một Cột, Chùa Thầy, chùa Nôm là đặc trưng cảnh quan đáng yêu mà ta không gặp ở những nước khác. Các yếu tố Thủy Đình đó nhỏ nhắn và tinh tế đến lạ.

Vẻ đẹp nhấn mạnh ở những chi tiết mềm mại, tinh tế

Những ngôi chùa Việt có những mái đao, đầu nóc, những trang trí viền mái trở thành những tác phẩm tuyệt đẹp. Nó như một khung cảnh của cõi Niết Bàn mà người dân ao ước. Nơi những con rồng, con phượng, con lân nhảy múa với những sắc màu, nét mặt vui tươi, hồn nhiên. Những chi tiết nhỏ nhắn và tinh tế tạo nên cái hồn của kiến trúc Việt. Những ngôi chùa ngày hôm nay có thể học hỏi những chi tiết trang trí, tinh tế đó để tạo nên một bản sắc Việt đặc trưng.

Mộc mạc gần gũi

Người Việt dùng mọi chất liệu gần gũi, và trong mọi điều kiện kinh tế đều tạo nên vẻ đẹp đầy nghệ thuật. Rất nhiều đình chùa không có nhiều chi tiết gỗ , đôi khi chỉ dùng gạch và vữa tô trát là chính, mà ông cha vẫn có thể tạo nên nét đẹp tuyệt vời. Tôi đã thầm thán phục khi nhìn đầu hồi của một tòa trong chùa toàn bằng gạch song trang trí quá đẹp và cũng rất hiện đại trong tư duy.

Còn một số điều về điêu khắc và những sáng tạo đầy lãng mạn, tinh tế thần kỳ trong các ngôi chùa, song những điều nêu trên là nét đặc trưng riêng biệt mà chúng ta phân biệt những ngôi chùa Việt và các nước khác.

Đăng lại từ Facebook Trung Quang