*Miền Nam có thành ngữ “Ông Già Ba Tri” để chỉ mấy ông già gân, hổng ngán gì hết ! nhưng  không mấy người biết chuyện Ông Già Ba Tri

Ông Già Ba Tri tên thiệt là Thái Hữu Kiểm, sống ở Ba Tri, Bến Tre từ thế kỷ 18. Năm 1806, ông Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này mần ăn. Dè đâu mấy cha ở chợ Ngoài đắp đập chặn không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vô chợ Trong. Chợ ế, dân khóc ròng !

Ông Kiểm nổi quạu, kiện lên quan huyện. Hổng biết quan có ăn hối lộ không, mà phán : “Sông bên làng xã nó nó đắp đập thây kệ cha nó !”. Ông Kiểm thua kiện ! Già mà gân, ông Kiểm nói : “Kiện lên quan hổng được, lão kiện lên… vua !”.

Hèm, hồi đó làm gì có internet hay báo chí, nên ổng hổng có lên blog để kêu được, cũng không có báo chí, điện thoại, thư tín cũng không ! Con đường chắc chắn nhất để khiếu kiện là… đi bộ ra kinh đô gặp vua.

Các bạn biết từ Ba Tri ra Huế bao xa hông ? Theo bản đồ hiện nay với đường sá đàng hoàng là có…1.035 cây số hà ! Mà hồi đó hổng có xe khách chất lượng cao – giường nằm, càng hổng có máy bay. Đoạn đường miền Tây thì sông rạch chằng chịt mà đâu có đủ cầu như bây giờ. Ra tới Trung thì đèo núi cheo leo.

Hồi mấy năm trước, Hai Ẩu có dịp đi Ba Tri. Từ thành phố Bến Tre đến Ba Tri khoảng 35 km, Hai Ẩu đi bằng xe hơi mà nghe rêm cả mình mẩy vì ổ gà ổ voi quá chừng. Vậy đó, vậy mà ông già Kiểm lặn lội từ Ba Tri ra Bến Tre, ra Mỹ Tho, Sài Gòn… rồi ra tuốt tới đèo Hải Vân, qua đèo để tới Huế. Bái phục ổng thiệt !

Ra tới kinh thành ổng oánh trống thùng thùng đòi gặp vua để kiện. Vua Minh Mạng ra tiếp, hỏi ổng : Khanh ở mô mà ra đến tê ?”. Ổng nói : Lão ở Ba Tri !”.

Rồi kể lể nguồn cơn sự việc. Minh Mạng nói : Trẫm pó tay chấm com với khanh luôn. Thế rồi vua xử cho ổng thắng kiện. Từ đó, ông Kiểm được tặng cho biệt danh Ông Già Ba Tri. Và cũng từ đó thành ngữ Ông Già Ba Tri ra đời để chỉ mấy ông già gân, đã chơi là chơi tới bến !

Như có kể một phần ở trên, đường đến Ba Tri chả thuận tiện tí nào. Xứ ấy cũng chẳng phải là nơi có nhiều thú vui chơi cho những du khách ham dzui như rì-xọot, nhà hàng, khách sạn sang trọng… Thế nhưng Hai Ẩu vẫn muốn dụ các bạn đến đó chơi một lần cho biết. Trước là biết quê hương “Ông Già Ba Tri (tới đó, bạn sẽ gặp Ông Già Ba Tri, Bà Già Ba Tri, Chàng Trai Ba Tri, Cô Gái Ba Tri, Thằng Nhỏ Ba Tri... ). Sau là… sẽ là một điều bất ngờ đối với bạn.

Đó là thế này : Cái huyện Ba Tri nhỏ bé ở miền xa heo hút ấy có đến 3 ngôi mộ của 3 vị danh nhân văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam !

Một là lăng mộ và đền thờ cụ Đồ Chiểu. Cùng với mộ Nguyễn Đình Chiểu là mộ vợ và con gái ông (Nữ Sĩ Sương Nguyệt Anh). Hai là lăng mộ và đền thờ của nhà giáo Võ Trường Toản. Và ba là mộ của quan Đại Thần Phan Thanh Giản.

Nếu thăm các di tích và tỏ lòng kính ngưỡng với tiền nhân chưa đủ hấp dẫn với bạn, thì xin giới thiệu với bạn thêm một điểm du lịch sinh thái: Sân chim Vàm Hồ ở Ba Tri.

* Sự thật và huyền thoại về Ông Già Ba Tri

Từng được coi là một trong những huyền thoại về sự can đảm, đức độ, Ông Già Ba Tri gần như là một khuôn mẫu cho hình ảnh một cụ già miền Tây Nam bộ. Xung quanh nhân vật mang đậm màu sắc dân gian này còn nhiều chuyện lạ lùng được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ.

Như chuyện ông đã đi bộ hơn ngàn cây số từ Bến Tre ra kinh thành Huế dâng đơn khiếu nại, thưa kiện với nhà vua đương triều về một việc đến nay vẫn còn tranh cãi, đó là chuyện lấp sông ngòi, kênh rạch phía thượng nguồn.

* Chuyện đời người đi mở cõi

Ông Già Ba Tri tên thật là Thái Hữu Kiểm (hay Cả Kiểm) sống vào thời đầu của triều vua Minh Mạng, tức là khoảng những năm 1820. Ông Kiểm là cháu nội của ông Thái Hữu Xưa, một người quê ở Quảng Ngãi nhưng đã xuôi thuyền vào vùng đất Ba Tri này dựng làng, lập nghiệp, xây chợ cho cư dân quanh vùng, được người dân vô cùng nể trọng và tôn kính.

Ngoài ra, lúc còn trẻ, ông Kiểm còn có công giúp Nguyễn Ánh trong những năm tháng loạn lạc chinh chiến với nhà Tây Sơn nên được sắc phong chức “trùm cả An Bình Đông” của phủ Ba Tri ngày đó. Có lẽ, chính nhờ tước hiệu của vua Gia Long ban cho mà sau này, dân quanh vùng thường gọi ông là Cả Kiểm. Tuy nhiên, những câu chuyện lưu truyền hậu thế về ông chỉ thực sự đến khi vua Gia Long mất, thời điểm mà bản thân ông Cả Kiểm cũng đã già.

Có thể nói, với cư dân ven sông Hàm Luông thuở ấy, gia tộc họ Thái Hữu là một gia tộc giàu có, uy tín trong vùng. Lúc đó, để mở rộng sinh hoạt cũng như việc làm ăn buôn bán, ông Cả Kiểm đã cho xây dựng chợ Trong (nay là chợ Ba Tri) để người dân thuận tiện trao đổi hàng hóa, thông thương với môi trường bên ngoài nhằm phát triển kinh tế.

Theo đó, do lưu thông đường thủy, đường bộ đều thuận tiện nên dân cư vùng lân cận như Phú Lễ, Bình Tây, Mỹ Chánh… kéo vào chợ Trong ngày một đông, không khí rất tấp nập, hàng hóa đa dạng vô cùng. Các thương lái buôn vải, thủy sản, nông sản, muối, rượu… ở tới tận Mỹ Tho, Trà Vinh, Tam Hiệp, Tân An… cũng men theo sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, đi qua kênh Ba Tri, con rạch duy nhất vào chợ để tìm đến đây thông thương khiến nơi này bỗng chốc trở nên nhộn nhịp khác thường. Có thể nói, từ khi chợ Ba Tri này được xây dựng, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi, ai cũng thích thú và vui mừng.

Thế nhưng, có một người là ông Xã Hạc, chủ một khu chợ Ngoài đã xây dựng trước đó, nằm ở phía đầu con kênh Ba Tri ngày ấy đã tỏ ra không hài lòng bởi khu chợ của ông đã bị vắng khách từ đó. Thế là, ông Xã Hạc bèn cho người đắp kênh, ngăn đập chắn ngang dòng Ba Tri để ghe thuyền không thể đi từ sông Hàm Luông đi vào chợ Trong được nữa.

Biết chuyện, ông Cả Kiểm bèn đâm đơn kiện ông Xã Hạc lên quan tri huyện, rồi quan tri phủ. Ngày ấy, vùng Ba Tri này còn thuộc địa phận hành chánh của tỉnh Vĩnh Long nên quan tri phủ Vĩnh Long xử cho ông Xã Hạc thắng kiện với lý lẽ theo kiểu “lệ làng” là đất, sông, kênh, rạch ở làng nào thì làng đó được quyền đào, đắp. Nghĩa là, chuyện ông Xã Hạc đắp một phần rạch Ba Tri chảy qua địa phận của làng ông ở là đúng, không xâm phạm đến đất, kênh rạch của cư dân ở làng khác, dưới dòng Ba Tri.

Có thể nói, đây là cách mà hầu hết các quan lại thời phong kiến thời đó vẫn thường phán xử trong những vụ án tranh chấp. Nhiều người gọi đó là luật làng, là những điều mà dân gian đã từng cho là đúng. Thế nên, do bị bịt mất tuyến đường thủy quan trọng từ sông Hàm Luông dẫn vào, chợ Trong của ông Cả Kiểm lại trở nên vắng khách, tiêu điều. Tuy nhiên, không hài lòng với cách xử của quan tri phủ Vĩnh Long, ông Cả Kiểm đã quyết định lên tận kinh thành Huế xa xôi để dâng đơn kiện tới tận nhà vua, quyết chí kêu oan.

Trong thời gian tìm hiểu về những giai thoại hư và thực quanh nhân vật Ông Già Ba Tri, chúng tôi may mắn gặp ông Trần Văn Tư, 77 tuổi, một người sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phú Lễ, Ba Tri. Ông Tư kể với chúng tôi, ở khắp vùng này, từ phía An Thủy, Bảo Thuận cho tới tận Tân Thị, Vàm Hồ… không ai là không biết đến ông già Ba Tri mặc dù những thông tin về đời tư của ông đều là truyền miệng, từ đời này qua đời khác chứ chưa có một tài liệu chính sử nào nhắc tới.

Theo đó, sau khi người dân vùng chợ Ba Tri đang buồn rầu vì con rạch Ba Tri bị lấp mất, chợ vắng vẻ nên ông Cả Kiểm quyết định khăn gói đi bộ cùng hai người bạn già của mình ra tận kinh thành để kêu kiện, dâng đơn lên nhà vua đương triều là Minh Mạng.

Về chuyện này, có nhiều giai thoại khác nhau. Trong đó, có người bảo bên bị đơn là ông Xã Hạc thực ra cũng là một người bạn của ông Cả Kiểm. Hai ông đều muốn mình thắng kiện để chứng minh mình đúng chứ không phải ăn thua hơn thiệt gì nên ông Xã Hạc cũng theo ông Cả Kiểm ra tận kinh thành Huế với mong muốn được gặp vua đương triều là vua Minh Mạng đòi phân xử. Tuy nhiên, theo một số người già khác ở vùng Ba Tri thì đi theo ông Cả Kiểm ra kinh thành dâng đơn khiếu nại chỉ có 2 người bạn già là ông Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi.

* Vụ kiện để đời

Kể tiếp về câu chuyện, vừa uống thêm ngụm nước, ông Tư vừa chậm rãi bảo, với những người dân miền Tây chúng tôi, vụ tranh chấp giữa ông Cả Kiểm và Xã Hạc không đơn giản chỉ là vụ kiện để tìm ra người thắng, kẻ thua mà còn là dấu mốc để xóa bỏ cách hành xử theo lệ làng, cũng được coi là dấu mốc của việc tranh chấp đất đai, dòng sông và nguồn nước đầu tiên ở mảnh đất này.

Riêng về chuyện lặn lội lên tận kinh thành Huế, ở những năm 1820, phương tiện đi lại hầu như chỉ có đi bộ nên phải mất gần nửa năm trời, đoàn cả “bị đơn – nguyên đơn” của ông Cả Kiểm mới tới nơi.Tương truyền, khi ấy ở thành Đại nội có một cái trống kêu oan gọi là trống Đăng Văn, đặt giữa sân chầu, tiếng của nó vang xa mười dặm, ai có oan ức đều có thể vào đó đánh ba hồi trống để vua biết.

Sau khi nghe tiếng trống, vua sẽ lệnh cho quan Tam Pháp ty xử án. Nếu khiếu nại đúng, sẽ được minh oan, giải quyết thỏa đáng còn nếu sai, sẽ bị trị tội để tránh việc người gióng trống vu khống. Ngoài ra, một số vị vua nhà Nguyễn thời sau đó còn cấm người dân trong Đại nội đánh trống để vua phân biệt được với tiếng trống Đăng Văn, như một hình thức trân trọng những người đi kêu oan, khiếu kiện.

Còn về chuyện Ông Già Ba Tri, sau khi đơn khiếu nại được vua Minh Mạng xem xét, thấu đáo tình hình, nhà vua đã bác bỏ cách xử của quan phủ Vĩnh Long và phán rằng : “Lòng sông lòng rạch là của chung, không phải của làng này, làng kia nên quan huyện, phủ phải coi phá đập để dòng chảy thông thương”. Điều đó có nghĩa là ông Cả Kiệm đã thắng kiện và việc tự ý đắp đập khi dòng kênh Ba Tri chảy qua địa phận làng mình của ông Xã Hạc là sai trái.

Có thể nói, đây cũng chính là vụ án đầu tiên được đích thân vua Minh Mạng xử và phán quyết ngược với những “luật làng” truyền miệng từ trước đến nay. Bản án này, sau đó đã làm nức lòng không chỉ người dân trong vùng Ba Tri mà ngay cả những người dân miền Tây đi mở cõi khác, giúp cho hệ thông sông ngòi kênh rạch được thông thương.

Nhìn rộng ra, phán quyết của nhà vua cũng đồng ý với việc mở rộng buôn bán, phản bác tất cả các hình thức ngăn sông cấm chợ trước đây. Qua đó, họ coi ông Cả Kiểm chính là hình mẫu của những người già mà không chịu khuất phục, quyết tâm đi tìm công lý, lẽ phải và trên hết, luôn muốn có những điều tốt đẹp cho mọi người xunh quanh. Sau đó, chợ Trong đổi tên thành chợ Ba Tri (có người còn gọi là chợ Đập) để khắc ghi công lao của ông Cả Kiểm thời bấy giờ.

Sau hơn 200 năm trời, vùng đất ven biển Ba Tri ngày xưa đã trù phú hơn rất nhiều, con đường đất độc đạo ngày xưa giờ đã là bùng binh, nơi giao nhau của 5 tuyến đường tỉnh và huyện lộ khác nhau. Cư dân cũng tập trung đông đúc hơn và gia tộc họ Thái Hữu cũng đã chuyển đến vùng đất khác để định cư nhưng những câu chuyện gắn liền với huyền thoại Ông Già Ba Tri thì mãi mãi vẫn còn lưu truyền cho hậu thế như một câu chuyện đẹp đẽ về hình ảnh những người tuy tuổi cao nhưng vẫn tràn đầy nghị lực và sức sống trong cuộc đời.

TH/ST