Vào những ngày giáp Tết, tại các khu chợ của địa phương và trên những vỉa hè ở thành phố, người ta lại thấy xuất hiện những gian hàng tuyệt đẹp của các ông đồ, những người văn hay chữ tốt.

Câu đối và ngày Tết

Với manh chiếu nhỏ trải trên mặt đất, ông đồ ngồi trên gót chân, uốn cong xương sống và tự tin cầm chiếc bút lông nhúng vào mực tàu pha loãng đặt trên một chiếc tráp bút lớn. Ông ta nắn nót viết thư pháp trên những tờ giấy được cắt từ trước. Phía sau ông đồ là những câu đối viết sẵn treo trên sợi dây căng ngang. Những câu đối này có đủ kích thước, phục vụ mọi mục đích sử dụng như: để dán lên cánh cửa, treo trên cột ở phòng khách hoặc treo ở hai bên bàn thờ gia tiên. Màu đen bóng của mực tàu trở nên nổi bật trên nền giấy màu sặc sỡ, tôn lên đường nét hoa mỹ cũng như sự kết hợp hài hòa của chữ viết. Đối với việc lựa chọn giấy, màu đỏ, màu của niềm vui và may mắn, được ưu tiên sử dụng hơn với đầy đủ các gam màu từ hồng đào cho đến đỏ tía.

Ông đồ bán câu đối tết, thập niên 1920, nguồn: sưu tầm

Các ông đồ viết câu đối vào dịp tết để ca ngợi cảnh sắc mùa xuân, vẻ đẹp của năm mới, niềm vui sum vầy và để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Có người còn dùng câu đối để bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, mong ước của mình hoặc để thể hiện sự hài hước, sự mỉa mai trước sự chế giễu của người khác.

Câu đối là gì?

Có người nước ngoài thắc mắc: “Trên giấy viết gì vậy?”

Để họ hiểu được vấn đề, hãy cùng xem hai câu thơ trong bài La vigne paternelle (Cây nho của cha) của Lamartine dưới đây:

“Père et mère goutaient son ombre,

Enfants, oiseaux rongeaient ses fruits.”

Tạm dịch:

(Cha và mẹ hưởng bóng mát

Con cái, chim chóc nếm trái ngọt)

Ở câu thơ đầu tiên, ta có thể xóa liên từ “et” (và) mà không làm thay đổi nhịp điệu của câu.

Như vậy, đôi câu thơ này được sửa thành:

“Père, mère goutaient son ombre,

Enfants, oiseaux rongeaient ses fruits.”

Tạm dịch:

(Cha, mẹ hưởng bóng mát

Con cái, chim chóc nếm trái ngọt)

Nó tạo thành cặp câu đối hoàn hảo theo phong cách của người Tàu và người An Nam.

Thật vậy, từ “père” (cha) và “enfant” (con) là danh từ có hai âm tiết, đăng đối với nhau. “Mère” (mẹ) và “oiseaux” (chim chóc) cũng vậy. “Goutaient” (hưởng) và “rongeaient” (nếm) là động từ có hai âm tiết đối nhau. Cũng đối nhau là cặp tính từ sở hữu đơn âm tiết “Son” và “ses” (của nó). “Ombre” (bóng) tương xứng với “fruit” (trái cây), đều là những danh từ một âm tiết (âm tiết câm “bre” không được tính ở cuối câu thơ tiếng Pháp).

Thử hình dung một giàn nho hai bên treo hai tấm bảng thẳng đứng trên ghi hai câu thơ của Lamartine, với các động từ ở thì hiện tại. Phía trên là bức hoành phi có dòng chữ: La vigne paternelle.

Đây là một ví dụ đơn giản đưa ra khái niệm sơ lược về hình thức của câu đối. Ở đây, chúng ta không nói về sự kết hợp của âm, điệu trong các câu thơ.

(Bùi Tiến Rĩnh, Tập san Học chính, số 7, tháng 3/1937)

Tất nhiên, ví dụ này là một thuật đơn giản có chủ ý. Trên thực tế, một loạt các câu đối tuân theo những quy luật cấu tạo rất đa dạng và tương đối phức tạp (câu đối đồng nghĩa, câu đối đối ngẫu, câu đối tổng hợp, câu đối nhịp điệu, câu đối có 2 từ, hay như câu đối có 10 từ trở lên,…).

Vai trò của câu đối trong xã hội An Nam

Đối liễn [câu đối] là bài thực hành đầu tiên dành cho các nho sinh. Thầy đồ đọc vế ra và và học trò làm vế đối.

Ông đồ viết câu đối tết, nguồn: sưu tầm

Bằng cách tìm các từ tương ứng, các ý song song hoặc ngược lại, theo thứ tự và sự gắn kết của các thành phần câu, bố cục của câu đối liễn là một sự rèn luyện trí óc thực sự, rất hữu ích cho sự phát triển trí tuệ của chúng ta.

Ngoài ra, bố cục này còn thể hiện tính cách và năng lực của nho sinh. Trong trường hợp này, thật đúng khi nói rằng phong cách chính là con người.

Chúng tôi xin đưa ra ví dụ về Trạng Quỳnh, một nhân vật khá nổi tiếng. Khi chỉ còn là cậu bé khoảng 5-6 tuổi, một hôm, để đố Trạng Quỳnh, một ông tú ở làng đã đưa ra vế đầu tiên của câu đối liễn như sau:

Trời sinh ông Tú Cát

Một lối nói đầy kiêu hãnh thể hiện cái tôi đáng ghét!

Không chút do dự, đứa trẻ gai ngạnh đó ngay lập tức đáp lại bằng vế đối lập sau:

Đất nứt con bọ hung

Bố cục đẹp, đặt Trời đối nghịch với Đất và Cát nghĩa là may mắn đối với Hung nghĩa là xui xẻo và đồng âm với bọ hung. Nhưng đối cụm từ “ông Tú Cát” với “con bọ hung”, đó chẳng phải là sự châm biếm sâu cay tính kiêu ngạo của ông thầy đồ này hay sao? Đầu óc hài hước của vị trạng nổi tiếng đã bộc lộ rõ ở tuổi này…

Việc sử dụng câu đối không chỉ giới hạn trong ngày Tết mà mở rộng ra ở tất cả các sự kiện vui buồn trong đời sống của người An Nam. Thật vậy, nó là phần quan trọng trong các món quà chúc mừng nhân dịp cưới hỏi, đỗ đạt, thăng quan tiến chức… hay chia buồn khi có tang tóc.

Hàng bán câu đối, nguồn: Viện TTKHXH

Tuy nhiên, câu đối chỉ thực sự khiến ta say mê khi chúng ta có đủ kiến thức để tự sáng tác, hoặc ít nhất là hiểu đầy đủ các quy tắc chi phối cấu tạo của nó.

Trước một phong cảnh quyến rũ, trước một di tích lịch sử, thầy đồ sáng tác câu đối để lưu lại xúc cảm của mình. Họ còn sử dụng chúng theo lối văn vần hay thơ trào phúng để kỷ niệm một cuộc gặp gỡ, để cảm ơn khi nhận được một ân huệ, để ngợi ca những đức tính tốt, cũng như để lên án những thói hư tật xấu của thời đại.

Gần đây, người ta còn có thú thử tài văn chương của người đối thoại, bằng cách đề nghị họ sáng tác câu đối liễn hoặc đối câu thứ hai với câu đầu tiên. Đôi khi, cha của những cô gái trẻ đến tuổi lấy chồng đưa ra câu đối ứng khẩu cho những người đến cầu hôn, nghĩa là buộc những người này phải lập tức đưa ra vế thứ hai của câu đối liễn vừa ra.

Các câu đối liễn được viết ngay ở trên đá của các hang động, gỗ cửa, cột nhà, hoặc trên tường. Hoặc tùy theo hoàn cảnh, người ta viết đối liễn trên giấy hoa, vải; thêu trên lụa; khắc trên gỗ sơn mài đỏ-vàng hoặc đen-vàng; khảm xà cừ hoặc khắc trên đồng; thậm chí còn viết lên đồ sứ hoặc đồ thủy tinh.

Những người thích chơi câu đối sưu tầm chúng không chỉ vì giá trị của chất liệu sử dụng, độ tinh xảo của tay nghề mà còn vì vẻ đẹp của văn tự và nghệ thuật thư pháp.

——————

Nguồn: Tuần san Indochine năm 1944.

Hoàng Hằng

Theo TTLTQG