Nguyên Sa (1932-1998) tên thật là Trần Bích Lan, sinh năm 1932 tại Hà Nội, là nhà thơ, nhà báo, và là một giáo sư triết học tại Sài Gòn trước năm 1975. Ông là tác giả của những bài thơ tình rất nổi tiếng, nhiều bài được các nhạc sĩ phổ nhạc và được giới trẻ rất yêu thích như Paris có gì lạ không em?, Áo lụa Hà Đông, Giáng Ngọc, Tháng sáu trời mưa….  những ca khúc này được nhiều ca sĩ thể hiện suốt gần cả nửa thế kỷ nay. Đáng kể nhất trong số đó là bài Paris có gì lạ không em?

Về sự ra đời của bài thơ này, gần đây trả lời phỏng vấn của một tờ báo ở hải ngoại, bà Trịnh Thúy Nga là vợ của nhà thơ cho biết:

“Năm 1952, sau khi hồi cư về Hà Nội, tôi được gia đình cho sang Pháp du học cùng với người anh họ. Ông Lan (tên nhà thơ Nguyên Sa) qua học trước hai năm. Tôi quen em gái ông ấy ở Paris, tình cờ đến nhà chơi nên quen ông.  Quen nhau tháng 12 năm 1952, đến mùa Hè năm 1953, ông làm bài thơ tỏ tình gởi tặng tôi..

Hồi đó tôi còn trẻ, cũng chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ lo học thi đậu xong rồi về. Phải lo học xong cho sớm chứ đời sống bên Pháp đắt đỏ lắm. Cũng trong năm 1953, thân sinh ông Lan mất ở Hà Nội, ông ấy phải ngưng học, về nước để giúp đỡ gia đình. Lúc đó chúng tôi yêu nhau rồi, trước đó ông ấy cũng muốn dỗ dành tôi về Việt Nam chung, nhưng tôi còn ham học cao lên. Tuổi trẻ mà, ai cũng có giấc mơ lớn, và tôi cũng muốn thực hiện ước mơ của mình..”.

Cuộc chia tay tạm thời này là nguyên nhân ra đời của bài thơ “Paris có gì lạ không em?” . Bài thơ được tác giả sáng tác trong sự khắc khoải, nhớ nhung để gởi đến người yêu ở lại Paris:

“Paris có gì lạ không em?

Mai anh về em có còn ngoan

Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ

Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?

Mai anh về mắt vẫn lánh đen

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm

Chả biết tay ai làm lá sen?…”

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM - Ngô Thụy Miên (thơ Nguyên Sa) - Thái Thanh  (pre75) #kyphan - YouTube

Cũng trong bài báo đó, bà Trịnh Thúy Nga cho biết thêm là hai năm sau, hai người  gặp lại nhau ở Paris. Lần này, bà khẽ gật đầu ưng thuận “làm lá sen” suốt đời cho ông. Ông đã viết ngay bài thơ đính hôn thay cho thiệp báo hỷ gởi cho gia đình, bằng hữu, trong niềm vui mừng tột độ.

“Chúng mình lấy nhau

Cần gì phải ai hỏi…

Cả anh cũng không cần phải hỏi anh

“Có bằng lòng lấy em?…”

Vì anh đã trả lời anh

Cũng như em trả lời em

Và cũng nghẹn ngào nước mắt!…”

(Nga – Nguyên Sa)

Bà Nga kể: “Sinh viên tụi tôi ở lại Pháp sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước, gia đình vào Nam nên đâu có gởi tiền qua hỗ trợ được. Chúng tôi ra Tòa Đốc Lý Paris ký giấy hôn thú, bạn bè theo đông lắm. Xong kéo nhau ra quán cà phê đối diện uống cà phê, ăn bánh. Bạn bè chung tiền trả tiền cho cô dâu, chú rể. Thế thôi! …

Đám cưới sinh viên Việt Nam nghèo ở kinh đô ánh sáng đã diễn ra như thế. Chú rể chẳng mặc lễ phục, cô dâu không có áo cưới, mà ngay cả nhẫn cưới cũng không…!”

Gần 20 năm sau, vào thập niên 1970, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ này và ca khúc Paris có gì lạ không em? nhanh chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc của miền Nam lúc đó.

Sau này, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã bày tỏ: “Mình đọc và ngâm thơ Nguyên Sa rất nhiều từ khi còn đi học nên nó đã thấm vào hồn mình”. Có lẽ nhờ vậy nên mối giao duyên từ những bài thơ của Nguyên Sa được nhạc sĩ phổ nhạc đã đem lại cho âm nhạc Việt Nam những ca khúc hay, đầy chất lãng mạn thi ca. Nhạc sĩ cũng cho biết thêm là thơ Nguyên Sa đã bàng bạc trong tâm hồn mình suốt hơn mấy chục năm sáng tác. Chính mối giao hưởng nghệ thuật kỳ diệu giữa thơ – nhạc này đã để lại cho đời những ca khúc phổ thơ tình bất hủ. Có người ví von rằng hai tác giả tài hoa Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên đã về đến được “giữa một giòng sông trắng”- giòng sông thi ca và âm nhạc…

Từ các thế kỷ trước, Paris đã được mệnh danh là Kinh thành ánh sáng, Thành phố tình yêu, Thủ đô hoa lệ… của nước Pháp với vô số những danh lam thắng cảnh, lâu đài, cung điện, bảo tàng.. nhưng dường như với tác giả Paris có gì lạ không em? những thứ xa hoa lộng lẫy đó không được ông đưa vào bài thơ. Chỉ có tên Paris, chỉ có tên dòng sông Seine và một bầu không khí tràn ngập tình yêu đương đại, thế mà người đọc vẫn thấy nó đầy chất lãng mạn, nên thơ, thật gần gũi và quen thuộc.

Bài thơ làm theo thể thơ mới 7 chữ đúng niêm luật nhưng lại không rơi vào kiểu thơ cũ với những điển tích như sông Tương, núi Tản hay những hình tượng cổ điển. Ngược lại, có lẽ vì bài thơ viết về một nơi chốn văn minh nên không thể không thấy cái hồn của Paris rộn ràng như một khúc luân vũ, hay quay cuồng trong những điệu vale đầy chất trữ tình thanh thoát của trời Âu, điều đó cho thấy sự tài hoa của thi sĩ khi ông vẫn đưa được cái hồn Việt vừa sâu lắng, vừa tinh tế qua những câu thơ thuần Việt trong mạch cảm xúc khiến bài thơ vừa đậm đà, vừa tha thiết yêu thương nhưng không rên xiết bi lụy. Những câu thơ giản dị không trau truốt nhưng bay bổng thăng hoa từ đầu tới cuối…

Được biết,  Nguyên Sa còn là nhà báo, và là một giáo sư triết học nổi tiếng. Ông du học Pháp năm 1949 và ở tại Provins. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp và lên Paris để ghi danh học triết tại Đại Học Sorbonne. Thời gian du học ở Pháp, có nhiều buổi chia ly đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà thơ viết thành các bài thơ tình bất hủ. Bút danh Nguyên Sa được ông sử dụng ngay trong những ngày đầu làm thơ ở Pháp, với ý nghĩa là ông tự cho rằng mình chỉ là một con số không, chỉ như là một hạt cát nguyên sơ (Sa nghĩa là cát).

Về sinh sống ở Sài Gòn, ông giảng dạy môn triết tại trường Trung học Chu Văn An, Đại học Văn Khoa Sài Gòn và nhiều trường tư thục khác như Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền, Võ Trường Toản. Ngoài ra ông còn biên soạn sách giáo khoa triết học cho lớp cuối trung học. Vợ chồng ông mở 2 trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi. Trước đó, Trần Bích Lan cũng có dạy môn Pháp văn nhưng sau này chỉ chuyên tâm dạy triết học. Năm 1960, ông chủ trương thực hiện tờ tạp chí Hiện Đại; cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20, đây là ba tạp chí sáng tác hàng đầu của văn học miền Nam lúc đó.

Nguyên Sa còn có bút danh khác khi viết báo là Hư Trúc, dựa theo tên nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Kim Dung. Khi lấy bút danh này, ông nói rằng Hư Trúc trong tiểu thuyết không phải là một nhà tu hành nghiêm túc mà là một người có hai bản ngã, hai cuộc đời: Ban ngày thì sống cuộc đời tu hành nghiêm khắc, giữ vững đạo hạnh, nhưng đêm về lại là người vô thức với những giấc mơ trở thành kẻ lãng tử với những chuyện tình ái, lãng mạn. Cũng giống như cuộc đời của ông; một mặt, ông là một nhà giáo khoác lên mình tấm áo mô phạm, khép mình vào khuôn khổ. Ở một khía cạnh khác, ông lại là một thi sĩ tài hoa với một tâm hồn lãng mạn, đa sầu, đa cảm

Có thể nói vào thập niên 1950 -1960, khi làng thơ miền Nam vẫn còn mang đậm không khí của thời tiền chiến thì những câu thơ tự do, trữ tình của Nguyên Sa mang từ Pháp trở về đã làm thay đổi sự cảm nhận thi- ca của đa số thanh niên miền Nam lúc bấy giờ….

Tôn Thất Thọ