Xuồng ba lá lách len rừng kênh lạch
Rễ tràm ken như địa võng thiên la
Cô gà nước, chú trích cồ, bìm bịp
Cùng bay lên cất tiếng hót chào ta! Hoàng Gia Cương (Trong Rừng Tràm Trà Sư)

anh dep mien tay 17

Thường nước ta được ví như người nông dân gánh hai thúng lúa: một thúng ngoài Bắc có lưu vực sông Hồng màu mỡ đổ đầy, một thúng trong Nam có châu thổ sông Cửu Long phì nhiêu phục vụ; đòn gánh là miền Trung dài hẹp uyển chuyển theo dãy Trường Sơn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi vùng đồng bằng Nam Bộ, rộng khoảng 4 vạn km2 ở cực nam lãnh thổ, dân số khoảng 17 triệu rưỡi, có dáng một hình tam giác, đất liền phía Bắc giáp Căm Pu Chia, biển ở hai phía Tây Nam và Đông Nam là vịnh Thái Lan và Biển Đông. Có hai phần trong đồng bằng Nam Bộ: Miền Đông lúc xưa gồm 13 tỉnh, sau nhiều lần thay đồi, nay còn 6 tỉnh (Lục tỉnh) Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; Miền Tây, ngoài thành phố Cần Thơ trực thuộc chính phủ, gồm 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Đồng bằng sông Cửu Long nguyên là phù sa trầm tích, với thời gian trở thành vùng đồng bằng thấp ngập nước. Khi mức nước biển hạ dần xuống vào cuối thời kỳ trầm tích Pleistocen (cách đây khoảng 12.000 năm), những phần đất lộ ra. Một mẫu than ở phần đất nầy được xác định có tuổi 1 8000 năm. Sau thời kỳ băng hà, mức nước biển dâng cao lanh chóng, những vật liệu trầm tích lắng đọng vào những chỗ trũng thấp của châu thổ. Những sinh vật biển như trai hàu được tìm ra và xác định trầm tích hình thành vào khoảng 5680 năm.

songrach6

Trong môi trường nước biển và nước lợ, phát triển thực vật rừng nước mặn như những cây đước Rhizophora sp, cây mấm Avicennia sp. Những thực vật chịu mặn này có khả năng giữ lại các vật liệu lắng tụ, giảm hạ sự xói mòn từ nước và gió đồng thời cung cấp sinh khối cho trầm tích châu thổ. Khi mức nước biển dâng cao, trầm tích lắng tụ theo chiều dọc gây ra những cánh đồng giàu đất sét. Khi trầm tích lắng tụ thong thả, vật liệu dần dần tích lũy cấu thành dưới chân cây một địa tầng giàu sulfua sắt pyrit, tức là phèn. Khi khô hạn, những chất phân hủy từ phèn tác dụng lên nước, giảm hạ mức acid và gây khó khăn trong ngành canh nông. Khi mức nước biển hạ thấp xuống thì nảy sinh một mức nước biển mới, hình thành một bờ biển mới, từ đấy cấu tạo một số vạt đất phù sa phì nhiêu, những giồng cát chạy song song dọc bờ biển cùng những trũng thấp trầm tích đầm mặn đất phèn như thấy ngày nay ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên-Châu Đốc-Hà Tiên-Rạch Giá, vùng Tây Nam sông Hậu, bán đảo Cà Mau. Một giồng cát nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười và vùng trầm tích phù sa được xác định vào khoảng 4.500 năm tuổi. Khi mức nước biển hạ thấp xuống thì môi trường nước biển cũng như vùng đầm lầy biển thay đổi, từ đấy những cây đước, cây mắm nước mặn cũng dần dần được những thực vật rừng nước ngọt như cây tràm Melaleuca sp, các cây hoang dại mao thư Fimbristylis sp, Udu Cyperus sp thay thế.

Châu thổ Nam Bộ trở thành vựa lúa phì nhiêu không những cho miền Nam mà còn cho cả lãnh thổ Việt Nam nhờ đóng góp to lớn của sông Cửu Long. Trung bình hằng năm sông cung cấp khoảng 4000 tỷ m3 và 100 triệu tấn phù sa. Tuy một số bị giữ lại dọc đường, phù sa lắng tụ theo dòng sông lập thành những con đê tự nhiên cao 3-4 m, hoặc bao phủ lớp phèn thay đổi độ dày tầng dất, phần lớn được đưa về lắng tụ ở cửa sông. Lớp phèn không luôn được phù sa bao phủ kín nên vật liệu trầm tích chất phèn vẫn xuất hiện ở vùng đầm lầy biển. Trái lại, ảnh hưởng thủy triều đãi rửa khá mạnh gần cửa sông và các nhánh gần cửa sông nên ở những nơi nầy độ chua tiềm tàng hết còn hiện ra. Ngoài ảnh hưởng thiên nhiên, môi trường châu thổ còn phải chịu đựng tác động của con người như nạn phá rừng ở thượng lưu, những kế hoạch xây đập nước ở Lào, Cam Pu Chia, Hoa lục giảm hạ lượng phù sa bồi đắp các cửa sông, từ đấy vùng ven biển bị ngập dần. Một ví dụ: nếu sông Cửu Long năm 1990 chở về 160 triệu tấn phù sa thì 25 năm sau, năm 2015, số lượng giảm hơn phân nửa, chỉ còn 75 triệu tấn. Nhưng tai biến lớn nhất trong tương lai sẽ là sự việc nước mặn xâm nhập và sự kiện nóng lên của quả địa cầu: theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 40% vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập trong nước do biến đổi khí hậu… Tuy chưa là cao điểm của mùa khô, tình trạng hạn hán và xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện lên đến mức báo động. Ai có nghe chăng ơi Miền Tây nước mặn dâng đầy Thương xót thương quê tôi Người dâng buông tiếng thở than (Sơn Hạ).

Các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đều cho các hồ chứa thượng lưu là nguyên nhân chi phối chủ đạo. Ngoài Trung Quốc, thủ phạm chính là việc gia tăng sử dụng nước sông Mekong của Lào, Thái Lan, và Cam Pu Chia. Tình trạng thiếu nước hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long thực sự bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận, nguyên tắc mạnh ai nấy làm trong lưu vực Mekong, và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học kéo dài từ năm 1975 cho đến nay. Nhiều bài báo gần đây đã lên tiếng báo động. Tôi đang băn khoăn tự hỏi rồi vụ cá bị nhiễm độc miền Trung liệu rồi có theo đường lưỡi bò của bọn hung đồ ngoại bang lè liếm Biển Đông đến tận bờ biển Miền Tây không? Các cụ bên ta thường có từ ngữ họa vô đơn chí! Nhà đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, nguyên tiến sĩ vật lý bên California và cũng tốt nghiệp ngành Điện ảnh, ngoài phim Khi yêu đừng quay đầu lại, là tác giả hai cuốn phim làm sống động sông nước Cửu Long lúc con nước đang còn nhạy cảm. Phim Mùa len trâu (2003) dựa lên tác phẩm cùng tên trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn miệt vườn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ XX. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề len trâu, đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ. Phim Nước 2030 (2013) mang phong cách viễn tưởng hiến một hướng nhìn ở tương lai với giả định biến đổi khí hậu toàn cầu tác động mạnh lên môi trường sinh thái của miền Nam Việt Nam, từ đó tác động trực tiếp đến số phận của mỗi con người, nhất là người nông dân gắn bó với đồng ruộng.

songrach5

Một số công trình ở Miền Tây rất quan trọng về đủ mọi mặt là hệ thống kênh rạch không những để tháo chua, rửa phèn, thoát lũ, tưới tiêu, làm đường giao thông thủy rất thuận lợi, mà còn mang tính chiến thuật, chiến lược quân sự, góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ nhiều đời nay, kênh rạch ở Nam bộ được thiên tạo hình thành, còn là một số là nhân tạo. Giai đoạn đầu trong thế kỷ XVII đến năm 1698, từng nhóm nhỏ di dân người Việt ở miền Bắc, miền Trung đi lẻ tẻ vào theo hai hướng đường biển và đường bộ, chỉ dừng lại ở Miền Đông khai khẩn những vùng đất cao ven sông, nơi có nước ngọt hay ở những vùng giáp ranh con nước ngọt-mặn mới có thể sinh hoạt và trồng trọt. Sau đó, những xóm, ấp khai hoang đất lầy để làm lúa nước tiếp tục đi vào miến Tây Nam bộ. Công cuộc khai hoang dưới triều Nguyễn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ cuối thế kỷ XVII, gia đình Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cùng nhiều dân điền, thương lái, binh lính đã đào kênh làm đường thông thương ở vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên, Cần Thơ. Đồng thời hai Tướng Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên không chịu làm tôi nhà Thanh đem 3000 quân qua xin chúa Nguyễn Phúc Tần định cư và khai khẩn ở đất Đông Phố (Gia Định), Lộc Đã (Đồng Nai). Diện tích canh tác tăng lên đáng kể, cảnh quan hoang vắng của đồng bằng đã chuyển thành một vùng cư dân sầm uất. Bên cạnh việc khai hoang lập ấp, công cuộc đào kênh, mở hệ thống dẫn nước vào các đồng ruộng, đồng thời tạo những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển buôn bán cũng quan trọng không kém.

Sông Cửu Long rất quan trọng cho Miền Tây và có thể nói Miền Tây chỉ uống nước sông Cửu Long. Trước khi vượt biên thùy Miên-Việt, bắt đầu từ Pnom Penh, sông Mekong tách ra hai nhánh: bên mặt là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mekong (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), lại còn tách ra chín (nhiều) nhánh mang tên chung Cửu Long Giang hay sông Cửu Long, chảy đổ vào Biển Đông, dài khoảng 220-250 km. Ngoài hai dòng chính nầy, Miền Tây còn nhận được nước vài ba con sông tương đối nhỏ hơn, phân lưu của Tiền Giang hay của phân lưu chính Preak Banam sông Mekong. Sông Vàm Cỏ gồm có hai nhánh đểu bắt nguồn từ Cam Pu Chia. Sông Vàm Cỏ Tây, thượng nguồn mang tên rạch Long Khốt, dài 270 km, rộng nhất 200 m, chảy qua hai tỉnh Tây Ninh và Long An, là nguồn nước chủ yếu do sông Tiền tiếp sang qua kênh Hồng Ngự, đáp ứng một phần nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho dân cư. Phần chính của sông Vàm Cỏ Tây và tất cả các chi lưu của nó vào thời nhà Nguyễn được gọi là sông Hưng Hòa. Sông Vàm Cỏ Đông dài 185 km, rộng nhất 110 m, chảy qua nhiểu huyện tỉnh Long An. Hai sông Vàm Cỏ Tây và Đông nước có nét đặc trưng riêng màu xanh khi thủy triều lên và vàng đục khi thủy triều xuống, khác với các sông khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Đổ vào rạch Long Khốt có một số rạch hoặc đang còn vận dụng như rạch Tầm Dương (hay rạch Tam Dưỡng) là nhánh Svay Rieng thượng nguồn phía đông sông Mekong, hoặc hầu như bị bồi lấp như rạch Soài Giang (hay Rạch Bào) nối thượng nguồn hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Đổ vào giữa rạch Soài Giang là rạch Tầm Long nay gọi rạch Cái Rô hay rạch Vàm Rồ chảy theo hướng Bắc-Nam đổ vào sông Vàm Cỏ Tây tại huyện Mộc Hóa.

Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông Hoài Vũ Trinh
songrach4

Sông Sở Thượng (Preak Kaoh Sampou) còn gọi rạch Sở Thượng, là đoạn hạ lưu của Preak Banam, chảy dọc theo biên giới Việt-Miên theo hướng Tây Bắc-Đông Nam đổ vào kênh Hồng Ngự dẫn vào sông Tiền Giang. Sông Sở Thượng là con sông biên giới giữa tỉnh Đồng Tháp Việt Nam và tỉnh Prey Veng Cam Pu Chia. Sông Sở Hạ, thượng nguồn được gọi rạch Cai Cỏ, tương đối nhỏ, chảy uốn lượn ngoằn ngoèo từ Tân Thành, huyện Tân Hồng, dọc theo biên giới Việt-Miên, đổ vào sông Sở Thượng tại Tân Hội. Sông Soài Rạp hay Xoài Rạp dài khoảng 40 km, bắt đầu từ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ theo hướng nam đổ ra Biển Đông tại cửa Soài Rạp, và làm ranh giới tự nhiên giữa các huyện Cần Giờ và Nhà Bè, Cần Giờ và Cần Giuộc (Long An), Cần Giờ và Gò Công Đông (Tiền Giang). Ngoài sông, rạch kẻ ô đồng bằng Nam Bộ còn có một số kênh, những tuyến đường giao thông thuỷ huyết mạch của đồng bằng sông Cửu Long. Kênh cũng là một đốt sống quan trọng bậc nhất của hệ thống nối liền TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây. Kênh Dương Văn Dương, tên liệt sĩ thiếu tướng thay thế tên La Grandière, và kênh Nguyễn Vãn Tiếp, hay kênh Tháp Mười, thay thế tên Cậu Mười Hai, chảy song song dẫn nước từ vùng Đồng Tháp Mười về phần hạ lưu sông Vàm Cỏ Tây. Những kênh Đông Điền ở Đồng Tháp, kênh Bắc ở huyện Thanh Hóa dần nước ngọt từ sông Tiền về phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho cả huyện. Phía đông hạ lưu Vàm Cỏ Tây nối thông với sông Vàm Cỏ Đông qua hệ thống các kênh Trà Cú Thượng, kênh Thủ Thừa. Một con kênh đào tại tỉnh Tiền Giang nối liền sông Tiền Giang với sông Vàm Cỏ là kênh Chợ Gạo.

Con kênh được đào đầu tiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là kênh Bảo Định. Năm Ất Dậu (1705), theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Chính thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân đem quân tiểu trừ quân giặc ngoại xâm vùng Tây Nam bộ. Để đề phòng quân giặc tập kích, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một phòng tuyến kéo dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú. Bên ngoài phòng tuyến, ông cho đào một con mương hào nối liền rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho. Sau khi công trình đã được hoàn thành mỹ mãn, vua Gia Long đặt tên là kênh Bảo Định và cho tạc sự kiện này vào bia đá dựng tại Thang Trông để “truyền mãi về sau”. Công trình thật sự thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễn ở đồng bằng song Cửu Long là kênh Thoại Hà (tức kênh Thụy Hà), nối rạch Long Xuyên với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá. Năm 1817, khi Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy tức Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, đồng thời ông nhận thấy cần phải khơi nguồn để tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển Rạch Giá nên nghĩ ngay đến việc đào một con kênh. Kênh khởi công vào đầu năm 1818, nối rạch Long Xuyên ở Tam Khê với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá, huy động khoảng 1.500 nhân công. Nhờ đào theo lạch nước cũ nên công việc khá thuận lợi, một tháng đã hoàn thành kênh rộng 51,2 m, dài 31, 744 km. Kênh đào xong, ông được vua Gia Long khen ngợi và cho phép lấy ông lấy tên mình để đặt tên cho con kênh mới đào là kênh Thụy Hà (Thoại Hà) và núi Sập là núi Thụy Sơn (Thoại Sơn). Để đánh dấu một công trình nhiều ý nghĩa này, Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá. Đầu bia chạm to hai chữ Thoại Sơn. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia tại miếu thờ Sơn thần (nay là ngôi đình thờ ông làm Thành hoàng) bên triền núi Sập. Đến nay, kênh vẫn còn có giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, nông nghiệp và kênh cũng đã làm thay đổi bộ mặt thôn xóm ở hai bên bờ. Tất cả thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nhiều mặt của triều Nguyễn.

Đời Gia Long thập thất niên,
Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai.
Đào kinh Lạc Dục rất dài,
Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông.
Rồi vừa một tháng nhơn công,
Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ. Nguyễn Liên Phong (Nam Kỳ phong tục diễn ca 1909)
songrach3

Năm 1819, sau khi đào xong kênh Thoại Hà, triều Nguyễn lại cho đào tiếp một con kênh dài nhất triều đại, 100 km, chạy dọc theo khu vực đường biên giới Việt-Miên, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Công trình kéo dài 5 năm, từ thời tướng Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn Gia Định Thành cho đến thời tướng Lê Văn Duyệt thay thế. Chỉ huy trực tiếp là các quan Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn, Trần Công Lại dưới quyền danh tướng lão luyện Nguyễn Văn Thoại. Theo hệ đo lường ngày nay thì kênh có chiều dài là 87 km, rộng 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2,55 m. Tuy nhiên, trừ đoạn láng Náo Khẩu Ca Âm (7.650 m) và chiều dài sông Giang Thành (42.500 m) có sẵn, thì phần phải đào chỉ là 37 km. Ước tính trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 90.000 dân binh. Tổng số ngày công là 3.463.500 và khối lượng đất đào là 2.845.035 m³. Vì công việc ở chốn sơn lam chướng khí, việc ăn uống, thuốc men thiếu thốn, số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn rít… lên quá cao. Số người bỏ trốn rồi bỏ mạng cũng lắm, mặc dù luật lệ ràng buộc, nhiều tai ương, cho nên khi tin vui về đến Huế, vua Minh Mạng rất đổi mãn nguyện vì nối được chí cha, liền sắc khen thưởng, dựng bia ở núi Sam và ở bờ kênh mới đào để ghi nhớ thành quả to lớn nầy. Khi hoàn thành, vua Minh Mạng lấy tên phu nhân của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế, có công nhiều giúp chồng lo công việc đại sự, đặt tên cho con kênh có tầm vóc chiến lược này là kênh Vĩnh Tế. Nước Nam trai sắc gái tài, Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn. Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên, Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu. Nghĩa trủng là nơi cải táng hài cốt của những người đã chết trong lúc đào kênh Vĩnh Tế. Tế nghĩa trủng văn còn được gọi là Thừa đế lịnh, tế cô hồn kênh Vĩnh Tế tân kinh, do Thoại Ngọc Hầu cho soạn theo lịnh vua, để ông đọc trong buổi lễ tế các chiến sĩ, các sưu dân đã bỏ mình trong công tác đào kênh Vĩnh Tế.

…Đào kênh trước, mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này…
songrach2

Dòng kênh nối từ sông Tiền (tại Tân Châu) đến sông Hậu (tại Châu Đốc) do nhân dân ba tỉnh là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên cùng góp sức đào là một công trình đem lại lợi ích nhiều mặt quốc phòng, kinh tế, thủy lợi, giao thông và phục vụ dân sinh. Lúc ban đầu kênh mang tên Vĩnh An Hà, sau này 9 còn được gọi Long An Hà, Tân Châu Hà, kênh Vĩnh An, Kênh Cũ. Kênh được thực hiện dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương (1800-1873), một đại danh thần Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873) và Nguyễn Công Nhàn. một danh tướng có công tiễu trừ cuộc nổi dậy của Lâm Sâm ở phủ Lạc Hóa (nay là Trà Vinh). đuổi được quân Xiêm xâm lấn ở Sâm Phủ, Bàn Ly, Sách Nô (1842),.. Sau này để tỏ lòng biết ơn, người ta đã đặt tên hai con đường bên bờ kênh là Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn. Kênh khởi đào từ tháng 10 năm 1843 đến tháng 4 năm sau 1844 thì xong. Tuy nhiên, lần hồi kênh cạn dần vì phù sa lắng đọng, nhất là chỗ giáp nước tại vàm kênh (Châu Giang, Châu Đốc). Đến khi người Pháp cho đào thêm Kênh Xáng sâu rộng hơn vào năm 1914 (hoàn thành năm 1918), thì kênh Vĩnh An mất hẳn vai trò quan trọng. Khi con kênh bị bồi lấp và ô nhiễm quá nặng, ngày 10 tháng 8 năm 2009, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ động thổ, khởi công công trình san lắp kênh Vĩnh An (đoạn thị trấn Tân Châu), hình thành cụm tuyến dân cư ven hai đường Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn. Năm 1861, quân Pháp tấn công Định Tường, Nguyễn Công Nhàn bị vu tội bỏ thành Mỹ Tho để đào thoát, hành động này đã bị nhiều người Việt chê trách. Tuy nhiên xét khía cạnh khác, ông vẫn được xem là người có công giữ gìn bờ cõi, là người chủ xướng việc đào kênh Vĩnh An Hà ở An Giang đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Hiện ở thị xã Tân Châu, có con đường mang tên ông.

Miền Tây là vùng sông nước kênh rạch chằng chịt. Địa hình sông nước và đồng bằng chịu đựng khí hậu nắng nóng và gió mùa đã phát triển ở người dân nơi đây một đặc trưng tính cách riêng mà các nhà nghiên cứu gọi là tính sông nước. Tính cách này được thể hệ qua thói quen di chuyển bằng xuồng, nhà ở gần kênh rạch. Nguồn thực phẩm hằng ngày của người dân nơi đây cũng từ thủy sản là chủ yếu. Từ cá, người ta chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau (luộc, kho, chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả, làm mắm,…) Từ món canh chua, người ta có thể thay đổi khẩu vị bằng cách nấu với bông điên điển hay bông so đũa. Canh chua điên điển cá linh, Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon. Đặc sản mỗi vùng tự nhiên được thích ứng với nước non, núi sông nơi đang ở. Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, Về bưng ăn cá về đồng ăn cua. Tính sông nước còn được thể hiện ngay trong nhận thức Miền Tây. Ngôn ngữ người dân rất giàu các từ ngữ chỉ các sự vật, khái niệm liên quan đến nước mà trong tiếng Việt toàn dân không có như rạch, xẻo, láng, xáng, lung, bung, bưng, bàu, đìa (nơi chứa nước), cù lao, cồn, bãi, bưng, biền, trấp (vùng đất có nước bao quanh), rong, nhửng, ương, giựt, ròng (sự vận động của nước), ghe, xuồng, tam bản, vỏ lái, tắc ráng (phương tiện vận chuyển)… Sông nước trở thành cơ sở, hình ảnh để diễn đạt tính cách con người. Chàng trai e lệ tỏ tình: Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu, Anh thấy em nhỏ xíu anh thương. Cô gái mân mê chiếc khăn rằn vắt trên vạt áo bà ba, dè dặt thổn thức: Chiếc thuyền kia nói có, chiếc ghe nọ nói không, Phải chi miếu ở gần sông, Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi. Người dân từ bốn phương trời lại sống chung ở đây, nguồn gốc tổng hợp tự nhiên hun đúc trong lòng một tính bao dung mở rộng cuộc chung sống hài hòa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khơ Me, giữa các tôn giáo Phật, Hồi, Thiên giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài. Đi lại dễ dàng, người Miền Tây thay đổi việc làm, chỗ ở không khó khăn.

Ra đi gặp vịt cũng lùa,
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu;
Ra đồng gặp vịt thì lùa,
Gặp cướp thì đánh, gặp chùa thì tu.
songrach1

Miền Tây là không gian sông ngòi kênh rạch cắt xẻ ruộng nước thành ô vuông, vùng đồng bằng thành khu vực sinh sống, đồng thời điều hòa giao thông đường thủy trong lúc đường bộ cũng cần thiết không bằng. Khi đường cái gặp sông, rạch thì bắt ngang có nhiều cầu đúc (bằng xi măng), cầu sắt, phần lớn bắt đầu từ thời Pháp thuộc: cầu treo Cả Rưng (Vĩnh Hưng), cầu Mới (cầu Mộc Hóa) tại Mộc Hóa trên quốc lộ 62, cầu Tuyên Nhơn (trên quốc lộ N2), cầu Dây Võng (Thủ Thừa), cầu nối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, cầu Tân An mới, cầu Tân An (Long An). Để vượt mương rạch, trên lộ liên xã, liên ấp, từ xưa thì có các cầu nhỏ làm toàn bằng vật liệu sẵn có trong vùng như tre, dừa, tràm, đước: cầu ván đóng đinh là cầu có mặt ván phẳng lỳ trên một trụ cầu bên dưới vững chắc trước tác dụng của nước; cầu tre lắt lẻo là loại cầu đơn giản thô sơ với vài cây tre chụm lại làm trụ, vài cây tre khác gác dọc làm thân cầu, thường có tay vịn. Qua cầu có phần khó khăn, thử thách nên cây cầu Miền Tây là biểu tượng đường đời. Nếu người miền Bắc có kiểu hát ru con à ơi mà nỗi buồn loang xa ra ngoài ngàn dặm, thì người phương Nam cũng có điệu hát ru âu ơ đặc trưng, chuyên chở những câu ca dao mộc mạc, chân phương, lai láng tình người.

Dí dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời
songrach

Ở Miền Tây còn có một loại câu nhỏ cũng không kém đơn sơ làm bằng tre, cau, dừa, lồ ô, phi lao. Tuy có tay vịn nhưng tre gác thân cầu không đồng đều nên khó sử dụng và nguy hiểm. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành đã khiến chiếc cầu mang cái tên này. Phải chi lấy được vợ vườn, Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang. Thật ra người làng tập đi rất lanh, trẻ em tụ tập trên cầu rồi nhảy xuống kênh bơi lội, người lớn miệt vườn thứ thiệt gồng gánh vác đồ hay đi xe đạp qua cầu. Trong những đoàn đám cưới, có những cô đi giày cao gót không nề hà theo nhịp bước. Tuy nhiên, nghe nói tai nạn cũng nhiều nên gần đây có phong trào xây cầu xi măng thay thế các cầu khỉ. Vẫn biết kế hoạch đúng lý đối với người ở làng xã hằng ngày phải đi lại qua cầu với những nguy hiểm có thể xảy ra. Nhưng đối với người khách phương xa, người con nhớ quê cũ về tìm những cánh rừng tràm bạt ngàn xen lẫn vị ngọt ngào của các vườn trái cây, những cuộc dạo chơi hào hứng trên các chiếc xuồng hai, ba lá giữa các hàng cây dừa, cây đước phủ bóng trên kênh, thì trước bóng vắng không phải cô lái đò xinh xắn bến cũ mà là những chiếc cầu khỉ lắt lẻo gập ghình trên lạch thì chỉ còn biết ngậm ngùi trước cảnh thôn dã thân yêu chôn vùi dần trong ký ức cùng với những kỷ niệm làng quê một thuở! Cách đây mấy năm, phong trào xây cầu nông thôn vang vọng đến thành Xô miền Nam Paris và học viên các nhóm Thái Cực Quyền ở Công viên Sceaux cũng gởi lòng về đóng góp bốn cây cầu hữu nghị giữa 2005 và 2009, nhịp cầu nối bờ vui trong chương trình Chúng Ta Hãy Cùng Nhau Xây Dựng Nhịp Cầu Tương Lai. Chiếc cầu Hữu nghị VK 96 ở xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, được tài trợ và hoàn thành năm 2009.

Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi
Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi
Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi
Bao câu tơ duyên dạt dào tim ai thắm tươi… Ngô Huỳnh (Con kênh xanh xanh) (*)
Ảnh chụp những năm 1998, 1999, 2005 sao từ dương bản và mượn trên internet:
Thành Xô mùa Phật Đản 2016
Đọc thêm
– Bùi Văn Bồng, Những dòng kênh miền Tây Nam bộ , metinfo.blogspot.com 17.01.2008
– Lê Công Lý, Tìm hiểu về hệ thống sông Vàm Cỏ, trananhtu19.blogspot.com 01.12.2011
– Phạm Văn Thành, Kênh Vĩnh Tế trong chiến lược củng cố quốc phòng – an ninh của nhà Nguyễn (1802 – 1867) …nde.agu.edu.vn 21.11.2014|
– Gia Minh, Xâm nhập mặn và khô hạn nặng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, rfa.org/vietnamese/programs 03.01.2016
– ThS. Trần Thị Hồng Nhung, Nguồn tài nguyên đất và sự phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long text.123doc.org Báo cáo khoa học
– Phước Lộc, Về miền Tây Giới thiệu về các tỉnh miền Tây, (nguồn vietgle.vn) mientay365.blogspot.com
– Nguyễn Minh Quang, Tình trạng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long, anhbasam.wordpress.com 7538; diendan.org 20.03.2016, Tinh hình thủy học của sông Mekong anhbasam.wordpress.com 7874; diendan.org 19.04.2016
– Chi tiết kênh lạch : xem Vikipedia.
– Chi tiết cầu nông thôn: xem pontvk.org; Nguyễn Văn Nghĩa, Nhịp cầu nối bờ vui, Thế giới và Việt Nam 01.02.2010

*thân tặng cháu Nguyệt Ánh, man mác hương miệt vườn

Võ Quang Yến

Theo tongphuochiep