Miền Nam nước Việt, xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa, hay là vùng Đồng Nai Cửu Long rộng lớn ngày nay, với đất đai phì nhiêu, đời sống thịnh vượng, tiến bộ nhất của nước Việt Nam, chỉ mới được chánh thức thành hình từ cuối thế kỷ XVII. Nhưng sự tiến vào miền Nam khai phá lập nghiệp của người lưu dân Việt thì thật sự đã bắt đầu từ hơn thế kỷ trước, và nơi đầu tiên người Việt đặt chân đến là vùng Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa bây giờ. Chúng tôi xin bắt đầu loạt bài về các tỉnh vùng Đồng Nai Cửu Long bằng khởi điểm Bà Rịa Vũng Tàu.

Bà Rịa và Vũng Tàu là những địa danh rất quen thuộc đối với đa số người Việt ở Miền Nam. Trên đường từ Sài Gòn đi Vũng Tàu chúng ta phải đi qua hai tỉnh Biên Hòa và Phước Tuy. Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Phước Tuy là tỉnh Bà Rịa, và Bà Rịa xưa kia được gọi là Mô Xoài.

Mô Xoài là nơi mà người Việt đã đến khai phá, định cư sớm nhất so với các nơi khác ở Miền Nam. Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn cho rằng xứ Mô Xoài là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng người lưu dân Việt đầu tiên đặt chân vào để khai phá mở mang Miền Nam nước Việt. Năm 1621 khi sứ thần cùng đoàn quân tùy tùng đưa Ngọc Vạn Công Chúa, con gái thứ hai của Chúa Sải, Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), về Oudong (Campuchia) theo chồng là vua Chey Chetta II của Chân Lạp thì lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung đã có mặt ở Mô Xoài (tức Bà Rịa) rồi. Theo chân Ngọc Vạn Công Chúa, lưu dân người Việt càng ngày càng vào Nam lập nghiệp nhiều hơn. Về phương diện chính trị ngoại giao, cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chey Chetta II là bước mở đầu cho mối liên hệ ngoại giao giữa hai dân tộc Việt-Khờ Me và về phương diện xã hội nó cũng được xem như là một sự mở đầu cho những bành trướng lãnh thổ quy mô về phương Nam của dân tộc Việt. Sử Khờ Me ghi là sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng Công Chúa xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát (tức Công Chúa Ngọc Vạn) có đem nhiều đồng hương sang Campuchia. Có người làm quan trong triều, có người làm thủ công, có người buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Theo hồi ký của giáo sĩ Chistofo Borri, một người Ý đã sống gần Qui Nhơn từ 1618 đến 1622, thì chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp (Campuchia) cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm. Borri cũng tả rõ phái đoàn quan quân Việt Nam đưa Công Chúa Ngọc Vạn về Oudong như sau: „Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bài trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì dân chúng Khờ Me, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.“ Hai năm sau, 1623, chúa Nguyễn sai phái bộ tới Oudong yêu cầu vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia. Từ khi có các đồn thu thuế của chúa Nguyễn, vùng này đã trở nên vùng thị tứ trên bến dưới thuyền rất là sầm uất.

Trước khi người Việt đến Mô Xoài khai phá, thì nơi đây còn là cả một vùng „toàn rừng rậm mấy nghìn dặm“ theo sự ghi chú của Lê Quý Đôn trong Phú Biên Tạp Lục. Vùng rừng rậm hoang vu này là vùng cư trú của nhóm thiểu số người Mạ mà hiện giờ có khoảng hơn 20 ngàn người sinh sống trên vùng rừng núi Tây Bắc Nam phần. Từ sau ngày Ngọc Vạn Công Chúa được gả về Campuchia vùng Mô Xoài đã trở nên vùng tuyến đầu quan trọng của người Việt trong quá trình tiến về phương Nam. Dân tộc Mạ hay Châu Mạ (Châu theo tiếng Mạ có nghĩa là người) nói tiếng gốc Mã Lai. Địa bàn sinh sống của Châu Mạ ngày xưa là cả vùng Đồng Nai xuống đến Mỹ Tho. Đất thì quá rộng mà người thì quá ít cho nên dân cư quá thưa thớt, và phần lớn đất đai là rừng rú hoang vu đầy muôn thú. Khi người Việt bắt đầu vào khai khẩn đất hoang vùng Mô Xoài thì người Mạ từ từ rút lui dần, nhường đất cho người lưu dân mới đến khai phá. Đến giữa thế kỷ XVII người Mạ còn sinh sống ở vùng phía Bắc Bà Rịa, Bắc Biên Hòa dài lên Long Khánh, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Lưu bản nháp tự động

Nhưng biết và nói đến vùng Bà Rịa xưa nhất là người Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ XIII, Châu Đạt Quan khi đi theo đoàn sứ giả Trung Hoa đến thăm nước Chân Lạp, có ghi một đoạn như sau về vùng Bà Rịa-Vũng Tàu trong quyển „Chân Lạp phong thổ ký“ của ông: „Chúng tôi vượt biển Thất Châu Dương (tức Biển Đông) đi ngang biển Giao Chỉ dương đến xứ Chiêm Thành. Ở đấy nhờ gió thuận, trong vòng 15 ngày ta có thể đến thị trấn Chân Bồ, đó là biên giới xứ Chân Lạp.“ Nhiều học giả Việt Nam cho rằng Chân Bồ là một thị trấn vùng Bà Rịa-Vũng Tàu.

Vào thế kỷ XVII người Âu Châu đã có qua lại vùng Bà Rịa Vũng Tàu. Ông Phan Phát Huờn trong quyển „Việt Nam giáo sứ“ có nói đến trường hợp của giáo sĩ Gaspar de Santa Cruz đi từ Malacca đến Hà Tiên, ở Hà Tiên một thời gian ngắn rồi tới Bà Rịa để xuống tàu sang Quảng Châu. Như vậy Bà Rịa đã từng là nơi dừng chân của nhiều tàu buôn trên đường từ Âu Châu sang Trung Quốc. Trên bản đồ hải trình của các nước Âu Châu như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, đều có ghi Vũng Tàu như một nơi dừng chân của các tàu trên đường viễn dương.

Năm 1698 thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh của Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược. Nguyễn Hữu Cảnh „lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn… Đất đai đã mở rộng ngàn dặm, dân số hơn bốn vạn hộ.“ Phần đầu của Nam Kỳ Lục Tỉnh được thành hình. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt nền hành chánh cai trị trên các vùng có người Việt định cư. Lúc này Mô Xoài/Bà Rịa nằm trong huyện Phước Long của xứ Đồng Nai. Thời Minh Mệnh với Nam Kỳ gồm Lục Tỉnh, thì phủ Phước Tuy (Bà Rịa) thuộc tỉnh Biên Hòa gồm các huyện Phước An (Mô Xoài), huyện Long Thành và huyện Long Khánh.

Trong Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức nói về Bà Rịa như sau:

„Bà Rịa ấy là đầu địa giới trấn Biên Hòa là đất danh tiếng, cho nên các phủ miền Bắc có ngạn ngữ rằng „Cơm Nai, Rịa, cá Rí, Rang“, là vì lấy Đồng Nai – Bà Rịa là đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ ở cả trong đó. Đất ấy lưng ở dựa núi, mặt nhìn biển, rừng rậm tre dài, ở trên có trường tuần để vời gọi những người Man Mạch đến đổi chác, ở dưới có cửa bến, để xét hỏi ghe thuyền ra biển, trạm thủy, trạm bộ giao tiếp nhau, việc cung nộp lâm sản chống trị người Đê, người Mọi, bắt bớ giặc cướp, thì có huyện nha đạo thủ chia nhau làm việc, vốn là nơi bận rộn khó nhọc bậc nhất. Có nhiều cửa quan hiểm yếu, có thành trì xưa di chỉ hãy còn, như là quốc đô của vua nào vậy. Xét Bà Rịa là đất Lục Chân Lạp xưa. Khảo sách Tân Đường thư nói: „Nước Bà Lỵ ở thẳng phía đông nam Chiêm Thành, từ cửa biển Giao Châu vượt biển trải qua các nước Xích Thổ, Đan Đan mới đến. Đất ấy có bãi rộng, nhiều ngựa, cũng gọi tên là Mã Lễ. Tục hay xâm lỗ tai đeo ngọc, dùng một mảnh vải cát bối [vải bông gòn] cuốn ngang lưng. Phía Nam có nước Thù Nại, sau đời Vĩnh Huy bị nước Chân Lạp thôn tính“. Cứ đó mà nói, thì ước lược cũng giống tục của người Cao Mên, người Đê, người Mọi ngày nay, mà đất cũng dáng như thế. Tra ở sách Chính Vận, chữ lỵ âm lực địa thiết, ngờ Bà Rịa tức là nước Bà Lỵ xưa chăng mà Thù Nại lại cùng với tiếng Đồng Nai, Nông Nại nghe hơi giống nhau, hoặc nay là đất Sài Gòn chăng? Tạm chép phụ ở đây để chờ những bực học rộng sau này khảo biên.“

Sang thế kỷ XVIII đã có nhiều người Việt Nam vùng Bà Rịa, Đất Đỏ, theo đạo Thiên Chúa. Danh mục các họ đạo của tỉnh Đồng Nai có ghi địa danh Bà Rịa hồi năm 1747 có được 140 giáo dân và Đất Đỏ 350 giáo dân. Một người theo Thiên Chúa giáo, gốc Bà Rịa, đã rất nổi tiếng trong buổi đầu của nền văn học chữ Quốc Ngữ là Paulus Huỳnh Tịnh Của. Paulus Huỳnh Tịnh Của và Petrus Trương Vĩnh Ký là hai người đầu tiên mở đầu cho nền văn chương chữ Quốc Ngữ. Cả hai ông đều là người theo Thiên Chúa giáo, đều được học chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ rất sớm, và đều có những công trình viết lách, soạn thảo bằng chữ Quốc Ngữ quan trọng đầu tiên ở Việt Nam. Nhà bác học Petrus Ký là người Vĩnh Long, rất nổi tiếng về những công trình của ông đối với văn học, báo chí và học thuật mới ở buổi giao thời. Tên ông đã được dùng đặt cho trường trung học lớn nhất và nổi tiếng nhất ở miền Nam, đó là trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Paulus Của là người Bà Rịa, tuy không được nổi tiếng bằng Petrus Ký nhưng cũng có công trình soạn thảo đáng kể là bộ Quốc Âm Tự Vị.

Dưới thời Pháp thuộc, Bà Rịa là một tỉnh trong số 20 tỉnh ở Nam Kỳ. Trước 1945 người ta ghép chữ đầu của 20 tỉnh thành bài thơ sau đây cho dễ nhớ:

Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà
Sa, Bến, Long, Tân, Sóc.
Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà,
Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc, và Sau đó thêm Cấp.

Đó là các tỉnh:

Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh,
Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng.
Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa,
Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu. và Cap Saint Jacques (tức là Vũng Tàu).

Lúc này tỉnh Bà Rịa gồm 5 tổng Việt là An Phú Hạ, An Phú Tân, An Phú Thượng, Phước Hưng Hạ, Phước Hưng Thượng, và 2 tổng Thượng là Cơ Trạch và Nhơn Xương. Thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Bà Rịa được mệnh danh là tỉnh Phước Tuy. Hiện giờ Bà Rịa và Vũng Tàu được sát nhập làm thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Vũng Tàu nằm sát bên Bà Rịa, cách tỉnh lỵ Bà Rịa 22 km. Vũng Tàu xưa gồm có ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, và Thắng Tam, cả ba đều bắt đầu bằng chữ Thắng. Cho nên cũng có khi người ta gọi vùng này là vùng Tam Thắng. Về nguồn gốc của ba làng mang tên Thắng này ông cha chúng ta ngày xưa có hai giả thuyết khác nhau. Giả thuyết thứ nhất nói rằng sau khi thống nhất đất nước, Gia Long cho một số quân sĩ dẫn theo một số người thuộc thành phần bất hảo đối với triều đình thời đó và những người không có công ăn việc đi trên ba chiến thuyền vào Nam, khẩn hoang lập nghiệp. Ba chiếc chiến thuyền này đã cặp bến Vũng Tàu, định cư ở ba nơi. Họ đã thành công trong việc khai phá mở mang vùng đất Vũng Tàu, và lập thành ba làng lấy tên là Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Bên cạnh giả thuyết này còn có một giả thuyết khác cho rằng ngày xưa ở vùng biển Vũng Tàu thường có bọn cướp biển Mã Lai đến đây đánh cướp các thuyền buôn Việt Nam từ miền Trung và miền Bắc vào Sài Gòn. Chúng cướp hết của tiền, hàng hóa và có khi bắt cả người nữa. Triều đình Nguyễn phái ba chiến thuyền vào đây để tiễu trừ bọn cướp. Ba người điều khiển ba chiến thuyền đó là ba vị đội trưởng có tên là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Cả ba đã hoàn toàn thành công trong việc bài trừ bọn cướp biển. Ngoài công tác an ninh, họ cũng đã thành công lớn lao trong việc định cư, khai phá, mở mang vùng đất Vũng Tàu. Họ đã thành lập ba làng mang tên Thắng. Để tưởng thưởng công lao của họ, năm 1822 vua Minh Mệnh sắc chiếu ban khen cho ba người nói trên, cho họ được giải ngũ, được lập làng làm chủ những đất đai họ khai phá, và cho các làng này được miễn thuế trong ba năm. Đội trưởng Phạm Văn Dinh xây dựng làng Thắng Nhất, đội trưởng Lê Văn Lộc làng Thắng Nhì và đội trưởng Ngô Văn Huyền làng Thắng Tam. (Theo tác giả Huỳnh Minh trong quyển Vũng Tàu Xưa).

Lưu bản nháp tự động

Trước 1895 Vũng Tàu nằm trong một quận của tỉnh Bà Rịa. Từ năm 1895 Vũng Tàu được tách khỏi Bà Rịa để trở thành tỉnh riêng. Vũng Tàu ở cách Sài Gòn 125 km, nằm sát bên tỉnh Bà Rịa, ở về phía Tây Nam của Bà Rịa. Vũng Tàu có biển Nam Hải bao quanh ở phía Nam. Vũng Tàu có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự giao thông trên mặt biển của vùng Đông Nam Á, cũng như của hai châu Âu, Á. Vũng Tàu không hay chưa phải là một hải cảng nhưng nó là cửa ngõ đi vào Sài Gòn, mà Sài Gòn từ lâu nay là một thương cảng vô cùng quan trọng đối với các tàu bè từ Âu Châu sang Á Đông và ngược lại. Hầu hết các tàu buôn từ Âu Châu qua Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Phi Luật Tân đều có ghé qua Sài Gòn. Trên đường đi ngược lại cũng vậy, Sài Gòn vẫn là nơi dừng chân của các tàu buôn viễn dương. Muốn vào thương cảng Sài Gòn bằng đường biển người ta phải qua cửa ngõ Vũng Tàu.

Nhờ có những bãi biển đẹp, lại ở gần Thủ Đô Sài Gòn nên từ xưa Vũng Tàu đã là nơi nghỉ mát, hay tham quan của du khách, của những khách sang trọng cùng với dân có tiền ở vùng Sài Gòn Chợ Lớn và vùng phụ cận. Từ Bãi Trước (hay Bãi tắm Tầm Dương), qua Bãi Dứa, đến Bãi Nghênh Phong (Ô Quắn), từ Bãi Sau (hay Bãi Thùy Vân) đến Bãi Dâu (tức bãi Phương Thảo), Vũng Tàu đã thu hút hàng vạn du khách về đây nghỉ mát trong những ngày cuối tuần. Vừa là chốn nghỉ mát đông đảo, rần rộ, Vũng Tàu cũng là nơi yên tĩnh, an toàn cho những chính khách và các nhà tu. Từ xưa Vũng Tàu đã từng là nơi giúp vua Gia Long tìm nước ngọt để sống sót trong những ngày bị quân Tây Sơn rượt đuổi ráo riết. Đầu thời Pháp thuộc Vũng Tàu đã có Bạch Dinh để làm nơi nghỉ mát cho quan toàn quyền. Cũng trong thời Pháp thuộc Vũng Tàu đã từng là nơi an trí của các nhà vua cách mạng triều Nguyễn như Thành Thái, Duy Tân. Đến giữa thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Thủ Tướng Trần Văn Hương (hồi làm Thủ Tướng lần thứ nhất) cũng có dịp được an trí ở đây một thời gian ngắn. Đặc biệt là các tôn giáo cũng đã tìm thấy ở nơi đây là nơi tôn nghiêm thanh tịnh rất tiện lợi cho sự tu dưỡng, phát triển tôn giáo. Nhiều nhà thờ, chùa, phật đường, tịnh xá có tiếng đã được dựng lên ở Vũng Tàu. Phật giáo có Phật Đài Thích Ca, một địa điểm hành hương nổi tiếng, có Chùa Tịnh Độ Cư Sĩ, có Tịnh Xá Ngọc Hương, có ba ngôi Phật Bửu Tự của giáo hội Thiền Tịnh Đạo Tràng, bên Thiên Chúa giáo có Đài Đức Mẹ ở Bãi Dâu, nơi quy tụ rất đông du khách và giáo dân.

Bà Rịa-Vũng Tàu là một kết hợp đặc biệt. Hai nơi này sát cánh bên nhau về địa lý, lại có những vai trò lịch sử gắn liền tiếp nối với nhau. Nếu Bà Rịa là điểm bắt đầu của cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam thì Vũng Tàu là nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển lớn lao cho vùng này trong những ngày sắp tới.

Nguyễn Thanh Liêm

tongphuochiep.com