CHƯƠNG XIII. THẦN THOẠI VÀ TRUYỀN THUYẾT ANH HÙNG VIỆT CỔ

Trong tư duy buổi đầu của con người nguyên thuỷ chưa có sự phân biệt những hiện tượng vũ trụ. Tất cả đều là một mớ bòng bong hỗn mang : trời đất, gió mưa, sấm sét, lũ lụt, nắng hạn, cây cỏ, thú vật và cả con người nữa đều là những điều khó hiểu đối với con người. Đó là thời đại nguyên thuỷ, hồng hoang hay “hồng bàng”.

Đến khi người Việt cổ bắt đầu sống định cư và trồng trọt, họ dần dần cảm thấy sức mạnh của mình tác động đến tự nhiên, muôn loài, muôn thú. Thuần dưỡng được thú rừng thành thú nhà, buộc cây dại trở thành cây trồng, đó là một niềm vinh dự lớn mà con người cảm thấy sâu sắc và tìm cách giải thích. Đó chính là thần thoại được nhân dân các làng chạ sáng tác, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ, dưới hình thức truyện kể dân gian. Trong những ngày hội, đám cưới, đám tang…thần thoại Việt cổ được diễn xướng trọng thể như ngày nay người Mường, người Thái, người Tây Nguyên diễn xướng sử thi hay trường ca của họ.

BUỔI KHAI MẠC CỦA VŨ TRỤ : TỪ THẦN TRỤ TRỜI ĐẾN CHÚ CUỘI CUNG TRĂNG

Quan tâm đến thế giới tự nhiên để đấu tranh, khai thác và lợi dụng tự nhiên, con người thời Hùng Vương nhắc lại và kể thêm vào những truyện mà các thế hệ trước đó đã truyền lại. Đó là những truyện về nguồn gốc trời đất và muôn loài, về buổi khai mạc của vũ trụ : truyện về thần trụ trời, thần xây núi, thần trồng cây, thần đào sông, thần làm sao, thần tát biển…như câu hát còn ghi lại :

…Ông Đếm cát / Ông Tát bể
Ông Kể sao / Ông Đào sông
Ông Trồng cây / Ông Xây núi
Ông Túi trời / Ông Cời cua
Ông Lùa chim / Ông Tìm sâu
Ông Xâu cá….

Rồi đến những câu chuyện : Thần Biển đội lốt một con rùa khổng lồ, chuyện ông Đực bà Cái (hay ông Đùng bà Đá, ông Cồ bà Cộc) đào sông xây núi, làm ra đất nước, chuyện mười hai Bà Mụ nặn ra giống người, chuyện nữ thần Mặt trời và Mặt trăng cho loài người ánh sáng ban ngày và ban đêm, chuyện tu bổ lại các giống vật, chuyện chế tạo ra lúa và bông để cho loài người có cái ăn cái mặc, chuyện Nàng Bân và cơn rét tháng ba, chuyện ả Chức chàng Ngưu và những sợi tơ trời, chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa ở cung trăng…

GIA PHẢ HỌ NHÀ THẦN

Trong “gia phả” của họ nhà thần Việt cổ, có những câu chuyện về thần Sét, thần Nước, thần Gió, thần Mưa, thần Đất, thần Núi, thần Rắn, thần Lúa, thần Bếp, nữ thần Lửa (Bà Hoả), nữ thần nghề Mộc, những câu chuyện về anh Cường Bạo (tức là anh Na Á) gây sự với trời, chuyện Cóc kiện trời, chuyện Cá gáy hoá rồng, chuyện Nhện làm bộ hạ cho thần Bếp, chuyện thần Đất bị nguời đánh, chuyện con của thần Nước bị người đốt nhà, chuyện con gái của thần Nước lấy người đánh cá…

Những chủ đề có sẵn tự thời nguyên thuỷ xa xôi truyền đến thời Hùng Vương được trí tuệ, tình cảm và cuộc sống con người lúc này đã phát triển cao hơn, tô điểm và tái tạo, làm cho bớt vẻ thô thiển mà trở thành những thần thoại về nguồn gốc giống nòi, tổ tiên, về kỳ tích văn hoá và anh hùng văn hoá.

Hình ảnh và vai trò của con người ngày càng rõ nét. Đã đến lúc con người tìm cách giải thích sự nghiệp sáng tạo khai phá của chính mình và những vấn đề liên quan đến sự nghiệp ấy. Con người ca ngợi sức lao động cải tạo thiên nhiên của mình bằng cách tưởng tượng ra một hình tượng người khổng lồ có sức đào sông xây núi, dời non lấp biển. Bà Khổng lồ và ông Khổng lồ làm ra đất (núi) và nước (sông). Đất nước ấy có Chim và Thuồng luồng ở. Rồi Chim và Thuồng Luồng, vật tổ của người Việt cổ, được nhân cách hoá thành Mẹ Âu (Âu Cơ) và Bố Rồng (Lạc Long), đôi vợ chồng khổng lồ đã khai sáng lịch sử dân tộc, đẻ ra trăm trứng trong cùng một bọc nở thành trăm chàng trai khổng lồ xinh đẹp. Mẹ và Bố chia đều con đi ở miền núi, miền biển, thành ra đồng bào Thượng và Kinh bây giờ.

BỐ RỒNG VÀ MẸ ÂU. NHỮNG ANH HÙNG KHAI SÁNG VĂN HOÁ

Mẹ Âu dạy các con làm nương rẫy, trồng lúa ở ven núi, trồng mía trồng dâu ở ven sông, đào giếng, dệt vải, ép mật, thổi cơm, làm bánh. Bày cách làm ăn, truyền nghề khéo cho các con, mẹ Âu là mẹ của giống nòi, của đất nước và văn hoá Việt cổ.

Bố Rồng tiêu diệt những con quái vật Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh để cho nhân dân được yên ổn làm ăn. Bố là tượng trưng cho sức mạnh của cộng đồng Việt cổ đã chinh phục thiên nhiên và dựng nước trên miền trung du và đồng bằng, tượng trưng cho tinh thần dũng cảm và ý thức làm chủ đất nước của người Việt cổ. Mỗi khi gặp khó khăn họ gọi :”Bố ơi, về với chúng con !”.

Người Thái có Ải Lậc Cậc, người Tày có Pú Lương Quân cũng là những anh hùng khổng lồ khai sáng đất nước và văn hoá. Đặc biệt người Mường còn giữ được áng sử thi Đẻ đất Đẻ nước gồm hơn một vạn câu tả lại nguồn gốc của đất, nước, con người và bản mường với một hệ thống thần thoại tương tự với hệ thống thần thoại Mẹ Âu, Bố Rồng (1)

VUA HÙNG DỰNG NƯỚC VĂN LANG

Mười tám thế hệ thủ lĩnh bộ lạc Việt cổ, các vua Hùng cùng các mị (con gái), các lang (con trai) và các con rể đã cùng nhau cai quản đất Văn Lang gồm nhiều bộ lạc liên minh lại.

Truyền thuyết vùng đất tổ (Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình) đã kể lại cho chúng ta những câu chuyện đẹp đẽ về Chử Đồng, Mị Nương, Lang Liêu, An Tiêm…là những nhân vật có ý chí tự lực cao, tính tình hồn nhiên, tâm hồn phóng khoáng, thơ mộng, những người đã sáng tạo ra của cải làm giàu cho nền văn hoá Việt cổ : lúa nếp, dưa đỏ, bánh chưng, bánh giầy, bánh ót…

Cầm đầu liên minh các bộ lạc Việt cổ là vua Hùng, những người đã chuyển dần xã hội từ quyền mẹ sang quyền cha, những người đã cùng nhân dân giành được những chiến thắng lớn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Chung quanh vùng đền Hùng thờ 18 thế hệ thủ lĩnh tối cao, người già còn kể cho chúng ta nghe những chuyện : vua Hùng chọn đất đóng đô, vua Hùng ra lệnh cho công chúa Bầu chém đầu con voi bất nghĩa, vua Hùng dạy dân cấy lúa, trồng kê, trồng khoai lang, rau kiệu, trầu cau, vua Hùng dạy dân săn bằng lưới, khuyến khích các mị nấu cơm thi, các lang làm bánh trái…Đó là hệ thống truyền thuyết về các vua Hùng (2).

Những kỳ tích chống lũ lụt để bảo vệ mùa màng và sinh mạng của nhân dân, kỳ tích chống ngoại xâm để bảo vệ địa bàn sinh tụ và đời sống độc lập của dân tộc thời dựng nước được kể lại trong hai hệ thống truyền thuyết khác chung quanh những hình tượng hào hùng, đẹp đẽ về ông Tản thắng giặc Nước và ông Dóng giết giặc Ân (3).

BẢN ANH HÙNG CA TRỊ THUỶ CỦA ÔNG TẢN (SƠN TINH)

Ông Tản qua trí tưởng tượng phóng đại của nhân dân, mang bóng dáng và tầm vóc của Ông Khổng lồ đào sông xây núi, đứng sừng sững trên đất nước trung du và đồng bằng mênh mông, bưng ngang những dòng lũ lớn từ Tây Bắc đổ xuống và ném đi cả những trái núi to nhất từ vùng Hoà Bình, Hà Tây đến Vĩnh Phúc, Phú Thọ, buộc sông Đà và sông Hồng ngoan ngoãn chảy về xuôi.

Trong bản anh hùng ca trị thuỷ đó, sức người, cọc gỗ, lưới sắt cùng tất cả những kết quả lao động và sáng tạo của con người Việt cổ đều chiến thắng thiên nhiên. Ông Tản, tượng trưng cho sức mạnh và tài trị thuỷ của nhân dân, đã quảy núi ngăn dòng, chặn đứng mũi tiến công ác liệt của thần Nước. Ông đã nâng cao mặt đất, cao lên dần, cao lên mãi luôn luôn ở trên mức nước. Ông hướng dẫn nhân dân gánh đất đắp đê, đan phên cạp bờ, bỏ đá làm kè, thả rong ven sông để chống lại sức công phá của nước. Nước đánh vỗ vào mặt trước, đánh úp vào mặt sau, từ sông Đà tới, từ sông Tích lên, từ sông Lô xuống, từ sông Thao về, nhưng ông Tản, với các bộ tướng : Tuấn Cương, Quế Hoa, Hiển và Sùng…cùng với nhân dân không mảy may nao núng, ai nấy đều dũng cảm và quyết chiến. Cuối cùng sau hàng tháng vật lộn, thần nước đã phải tháo chạy để lại xác chết của nhiều tên bộ hạ gian ác.

Trong việc trị thuỷ của ông Tản không những là sức mạnh chống lũ lụt mà còn là sức mạnh chống hạn hán, ông dạy dân đào ao, giếng, khơi mương, ngòi, tuới rau, nuôi cá, thả bèo ; ông còn chữa bệnh cứu dân, dạy dân làm ruộng, đi săn, đánh cá, làm lửa, làm nhà, đào giếng. Vợ ông là mị nương Ngọc Hoa thì giúp dân trồng dâu chăn tằm, dạy dân ươm tơ dệt lụa , tổ chức ngày hội rước những tấm lụa the đẹp nhất để hiến dâng vua Hùng.

Câu chuyện tranh chấp tình duyên giữa ông Tản (Sơn Tinh), Thuỷ Tinh, cũng là câu chuyện về những cuộc đua tài, đọ sức, thi sản phẩm quí : “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”, thực chất là những cuộc trao đổi văn hoá giữa các bộ lạc đang tự nguyện gia nhập vào cộng đồng Việt cổ. Từ đó ông Tản đồng nhất với Sơn Tinh, một thần tượng tổng hợp sức mạnh của đất và núi mà người nguyên thuỷ đã hằng tín ngưỡng ở nhiều nơi. Ông Tản cũng tham gia vào công cuộc chống quân Thục để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Văn Lang, bảo vệ công cuộc thiên di của những bộ tộc đi từ miền sông biển đến định cư chung quanh núi Ba Vì (Tản Viên) đối diện với Tam Đảo, 2 ngọn núi tượng trưng cho hùng khí thiêng liêng của lãnh thổ Việt cổ đang mở rộng về phía tây nam. Trong vùng đất oanh liệt chiến thắng giặc nước ấy, người Mường, người Thái, người Việt sống đoàn kết với nhau và cùng thờ chung ông Tản (4).

Ông Tản vừa là anh hùng xây dựng đất nước, vừa là anh hùng bảo vệ đất nước, với tầm vóc vũ trụ, với khí phách ngất trời, một hình tượng biểu hiện sắc nét bản lĩnh của dân tộc ta, cuộc sống và chiến đấu quyết liệt và lạc quan của nhân dân ta. Sức mạnh và niềm tin của Ông Tản chính là sức mạnh và niềm tin của người Việt cổ đã tạc vào sông núi.

NGƯỜI ANH HÙNG LÀNG DÓNG VÀ CHIẾN TRANH NHÂN DÂN

Bên cạnh hình tượng Mẹ Aâu, Bố Rồng, vua Hùng, Ông Tản, hình tượng Ông Dóng cũng mang tính chất kỳ vĩ nổi bật trong một hệ thống truyền thuyết về chiến tranh và những anh hùng trận mạc của thời kỳ dựng nước. Việc đoàn kết với nhau để chống lại một kẻ thù xâm lược chung lớn gấp bội, một đế quốc phong kiến mạnh nhất châu Á thời ấy đã trở thành vấn đề sống còn của nước Văn Lang. Phải đoàn kết thành một khối, phải lớn mạnh vượt bực để tiêu diệt quân thù.

Truyện Ông Dóng ban đầu vốn là câu chuyện về một anh hùng bộ lạc, về sau phát triển thành truyện anh hùng dân tộc. Người anh hùng làng Dóng, đứa con của một người đàn bà nghèo khổ và cô đơn, cũng là đứa con khổng lồ của nhân dân, mới 3 tuổi đã vụt lớn lên hơn mười trượng, tập trung sức mạnh và ý chí của nước Văn Lang quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược để bảo vệ quyền sống độc lập tự do của giống nòi, của dân tộc. Tất cả mọi người, từ mẹ Dóng đến dân làng, từ làng chạ đến liên minh bộ tộc, những người làm ruộng, đánh cá, đi săn, thợ rèn, những em bé chăn trâu, các bô lão, các dũng sĩ nổi tiếng từ khắp mọi vùng của đất nước đều nghe theo tiếng nói đầu tiên của em bé Dóng : tiếng gọi thiêng liêng quyết tâm giết giặc cứu nước. Mọi sản phẩm của làng chạ và bộ tộc, từ mâm cơm nong cà đến bụi tre, khối sắt đều được đem ra đánh giặc. Phải sản xuất để phục vụ chiến đấu và chiến đấu chính là để bảo vệ sản xuất, bảo vệ những của cải quí báu đã có được sau bao nhiêu năm tháng vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt lũ lụt, hạn hán, rừng rậm, đầm lầy, thú dữ. Mọi địa điểm của miền trung du và đồng bằng, từ ruộng đồng, sông nước, đồi gò, cầu quán, con đường, cây đa, giếng nước, hồ ao, rừng tre, bãi cát, phiến đá…đều ghi dấu những bước đi của người anh hùng dân tộc và những kỳ tích của cuộc chiến tranh nhân dân. Và đỉnh núi Sóc liền dãy với Tam Đảo cao sánh đôi với Tản Viên (Ba Vì) – quê hương của ông Tản – đã trở thành bàn đạp để ông Dóng cưỡi ngựa sắt lấy đà bay vào cõi vô tận (5).

So với những Đam San, Xinh Nhã, chàng Trăng, nàng Han…trong kho tàng truyền thuyết anh hùng và trường ca anh hùng của các dân dộc miền núi anh em, truyện Ông Dóng thực sự là một bản anh hùng ca trong sáng tác văn hoá dân gian Việt cổ. Cậu bé khổng lồ giết giặc cứu nước đã được đồng hoá với Mưa Bão và Sấm Sét. Ông Đổng, Ông Dóng, Ông Đùng, Cơn Dông, Kẻ Đồng, cái Trống, Dóng trống, Tông beng (trống chiêng) …đều liên quan với nhau cũng như sau này hội Dóng liên quan đến lễ cầu mưa, tết mưa dông. Làng Dóng (Phù Đổng) quê hương của anh hùng bộ lạc, xưa có thể là một trung tâm thờ sấm sét, mưa bão, thờ rồng, thờ trống sấm. Trống có quan hệ với sấm sét, dông bão ở trong lễ cầu mưa, có quan hệ với khí thế anh hùng của quần chúng và uy lực của thủ lĩnh trong lễ tục xuất trận của bộ lạc. Quan hệ ấy phản ánh quan hệ hiện thực giữa con người với tự nhiên ở trong sản xuất, cùng với lý tưởng chinh phục tự nhiên của con người, và quan hệ hiện thực của xã hội ở trong chiến tranh bộ lạc với ý chí bảo vệ bộ lạc của người Việt cổ.

HỆ THỐNG THẦN THOẠI VÀ SỬ CA VIỆT CỔ : NHỮNG TRANG ĐẦU TIÊN CỦA BẢN ANH HÙNG CA DÂN TỘC

Qua hệ thống thần thoại truyền thuyết từ Mẹ Âu, Bố Rồng đến Ông Tản, Ông Dóng, chúng ta thấy sáng tác dân gian đã phản ánh và đúc kết lịch sử cụ thể thành những hình tượng, biểu tượng rực rỡ, kỳ vĩ. Đó là một thứ “lịch sử thẩm mỹ” của thời dựng nước, một thứ lịch sử anh hùng ca bổ sung cho những trang sử sống động được khắc ghi lại trên trống đồng, thạp đồng.

Cũng như người Mường hiện nay còn diễn xướng các bản mo, người Tây Nguyên các bản khan, người Việt cổ đã diễn xướng các truyện kể và trường ca của mình dưới dạng một hệ thống thần thoại truyền thuyết mạch lạc, lấy quan hệ đất nước, giống nòi và bộ tộc làm trục cơ bản, lấy những nhân vật anh hùng khai sáng văn hoá và bảo vệ cộng đồng Việt cổ làm biểu tượng, lấy ý thức đoàn kết đấu tranh làm nội dung chính. Sau đây là bản giản lược hệ thống thần thoại và sử ca ấy :

Hệ thống thần thoại và truyền thuyết anh hùng ấy, hơn 1000 năm Bắc thuộc đã không xoá mờ nổi, đánh dấu một trình độ văn hoá tinh thần đã phát triển cao và ghi lại một chủ nghĩa nhân văn Việt cổ đặc sắc bao gồm tinh thần đoàn kết hợp quần, ý chí cần cù lao động sáng tạo và đấu tranh dũng cảm bất khuất, làm nên sức mạnh của ý thức dân tộc và tự hào dân tộc, một sức mạnh vĩ đại mà các thế hệ sau sẽ kế thừa và phát huy mãi lên đến những đỉnh cao vòi vọi trong bản anh hùng ca mấy nghìn năm chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam.

1.Theo những nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Linh, Cao Huy Đỉnh, Phan Đăng Nhật…
2.Truyền thuyết Hùng Vương, Nguyễn Khắc Xương, biên soạn, Chi Hội văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản 1972.
3.Truyền thuyết Sơn Tinh, Hà Kỉnh và Đoàn Công Hoạt biên soạn, Ty Văn hoá thông tin Hà Tây xuất bản 1973 ; Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Dóng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1969.
4.Theo những nghiên cứu của Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khanh.
5. Cao Huy Đỉnh, Người anh hùng làng Dóng, sách đã dẫn.

CHƯƠNG XIVTÍN NGƯỠNG VÀ TƯ DUY NGƯỜI XƯA

CỘI NGUỒN CỦA NIỀM TỰ HÀO “CON RỒNG CHÁU TIÊN”

Hình ngôi sao – mặt trời giữa mặt trống đồng, hình chim, hươu, cóc, cá sấu…trên trống, trên thạp đồng và trên những hiện vật khảo cổ khác là những biểu tượng của một thứ tôn giáo tự nhiên đã có từ thời nguyên thuỷ, kết hợp với tôn giáo nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước thời Hùng Vương.

Trong tư duy tôn giáo Việt cổ còn đọng lại tín ngưỡng vật tổ có từ rất xa xưa, thưở con người còn sống gần gũi, gắn bó với giới thực vật và động vật và chưa đủ sức mạnh để tách hẳn ra khỏi nó để ngự trị nó. Do đó có những thị tộc, rồi những bộ lạc nhìn nhận một động vật hay một thực vật nào đó là cùng dòng dõi của mình, là tỏ tiên hay họ hàng thân thích của mình.

Chim, cá sấu, hươu nai, trâu , gà, cóc hay cây dâu, cây trầu, cây đậu…đã từng là vật tổ của người nguyên thuỷ rồi của người Việt cổ.

Người Việt cổ ngày nay vẫn tự hào một cách bóng bẩy, đầy ý nghĩa hình tượng rằng mình là “con Rồng cháu Tiên”. Đó là một niềm tự hào bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ xa xưa. Một gống chim từ lâu đời được tôn thờ là tổ tiên của một cộng đồng người ở miền núi rừng và trung du mà con cháu về sau phát triển thành bộ lạc Văn Lang – cũng tức là Mê Linh, mà Văn Lang hay Mê Linh chỉ là dạng Việt – Hán của những từ cổ là Mling, Mlang, Kling, Klang, Bling, Blang trong các ngôn ngữ Đông Nam Á đều có nghĩa là chim, ví dụ chim ràng của người Khmú, chim kláng của người Mường…Một giống thuồng luồng, trước khi được nhập với cá sấu, rắn nước, rái cá và một số giống vật khác để được huyền thoại hoá thành con rồng, đã là vật tổ của một cộng đồng vốn cư trú ở miền sông biển trước khi hoà hợp vào trong khối liên minh bộ tộc Văn Lang.

Hai hình tượng chim và rồng mang ý nghĩa tín ngưỡng vật tổ này gắn liền với hệ thống thần thoại xoay quanh cái trục đất (núi) – nước (sông) đã tồn tại khá phổ biến ở các dân tộc miền Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Riêng ở Việt Nam, người Mường và các dân tộc người ở Tây Nguyên sống ở các vùng trung du, cao nguyên và rừng núi còn giữ truyền thuyết và tín ngưỡng về chim tổ đậm nét hơn, còn người Việt sống ở các miền đồng bằng ven sông ven biển thì nhấn mạnh nhiều hơn đến những truyền thuyết và tín ngưỡng về rắn, rồng, thuồng luồng, giao long. Và như thế, từ một hệ thống lưỡng hợp Chim – Rồng đã phân lập ra 2 bộ tộc lớn : một bên là bộ tộc gắn với Mặt Trời – Tiên – Núi – Chim – mà sản phẩm tiêu biểu là trống đồng Ngọc Lũ, truyện Ông Tản và những truyền thuyết về Chim Tổ, bên kia là bộ tộc gắn với Nước – Rồng rắn – Sông biển mà sản phẩm tiêu biểu là thuyền chiến, thuyền đua, hội nước và những truyền thuyết về Rồng, Rùa.

Trong những hình thức tôn giáo tự nhiên có tục thờ mặt trời là một tín ngưỡng rất cổ còn được bảo lưu ở thời Hùng Vương. Hình ngôi sao mặt trời được chạm khắc phổ biến trên mặt trống đồng, trên nắp thạp đồng. Những hình người và động vật (hươu nai, chim chóc…) trên mặt các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà…đều đi, nhảy, chạy, bay chung quanh hình mặt trời ngược chiều kim đồng hồ. Trống nào cũng vậy, rõ ràng không phải là ngẫu nhiên. Hình ảnh mặt trời đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống của người Việt cổ trồng lúa nước đến mức họ đã luôn khắc họa nó ở vị trí trung tâm của trống đồng, văn vật tiêu biểu của nền văn minh Việt cổ.

Cùng với mặt trời, đất và nước là hai thực thể khác có ý nghĩa thiết thân đối với nghề nông và đã được thần thánh hoá từ lâu đời. Đất có thần Đất, thần Bếp, thần thành hoàng làng coi giữ. Việc thờ thần Nước và mở hội nước lại càng quan trọng và phổ biến hơn. Phần lớn các làng chạ ven sông, ven biển đều thờ thần Nước và mở hội rước nước, đua thuyền, đánh trống cầu mưa. Tục thờ thần Nước và mở hội nước sẽ tồn tại lâu dài suốt thời phong kiến ở tất cả các vùng đồng bằng ven sông ven biển từ Bắc dến Nam.

NHỮNG VỊ THẦN – NGƯỜI ĐẦU TIÊN : VUA TỔ HÙNG VƯƠNG

Trình độ văn hoá tinh thần ngày một cao giúp cho con người dần dần tách rời khỏi giới động vật và thực vật, đồng thời khẳng định sức mạnh của chính mình trước những hiện tượng thiên nhiên. Những sức mạnh thiên nhiên không còn là đối tượng sùng bái duy nhất nữa.

Ý thức về giống nòi và tập thể cộng đồng đã dẫn người Việt cổ đến việc sùng bái trước hết là tổ tiên và những người đứng đầu cộng đồng của mình, từ làng chạ đến liên minh bộ tộc, và vị thần – người lớn nhất bấy giờ hiển nhiên là thủ lĩnh tối cao của các miền đất đai và các tộc người của nước Văn Lang : vua Hùng. Việc sùng bái vị thủ lĩnh đã có công thành lập liên minh bộ tộc, hình thức nhà nước sơ khai đầu tiên, đã khơi nguồn cho một trong những truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp nhất của dân tộc Việt Nam : truyền thống tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.

Đặc biệt là cho đến nay “trải qua mấy nghìn năm, biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam ta vẫn tưởng nhớ vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin… thì sự tưởng nhớ đó phải có sức mạnh lạ thường, phải có gốc rễ rất vững chắc” : “Sự tưởng nhớ ấy là biểu hiện của sức sống mãnh liệt, một biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, ý chí kiên cường bất khuất đã thể hiện trong cuộc đấu tranh không ngừng và vô cùng ác liệt chống ngoại xâm và thiên nhiên… (1).

Sự sùng kính đối với những nhân vật cụ thể là các vua Hùng dần dần đưa người Việt cổ đến chỗ đồng nhất các anh hùng dựng nước này với hệ thống các thần linh có từ trước, các vật tổ chim và rồng được nhân cách hoá thành Mẹ Âu và Bố Rồng. Vua Hùng trở thành những người con của hai vị anh hùng thần thoại đã có công khai sáng lịch sử và văn hoá dân tộc, và bản thân vua Hùng, anh hùng dựng nước, cũng đứng trong hàng ngũ của những anh hùng khai sáng văn hoá : vua Hùng dạy dân săn bắn, cấy lúa, trồng khoai, ăn trầu…

Từ tín ngưỡng về một tổ tiên chung là các vua Hùng, người Việt cổ đã hướng dần đến sùng bái những tổ tiên của những đơn vị hẹp hơn : làng chạ, dòng họ, gia đình. Tín ngưỡng về thần thánh hoàng làng, về ông khai canh (người lập làng) và đạo thờ tổ tiên gia đình, gia tộc của người Việt, người Mường…thời cận hiện đại đã phát triển trên nền tảng ấy.

Cùng với tổ tiên của dân tộc, của làng chạ và của dòng họ, tất cả những anh hùng văn hoá và anh hùng chống ngoại xâm đều được tôn thờ. Ông Tản, Ông Dóng cùng với những anh hùng cùng thời, và trước đó hay sau đó : những Cao Sơn, Quý Minh, Cốt Tung, Úùt Soi, Tuấn Cương, Mộc Xanh, Ông Cận, Ông Đống, Đinh Thiên Tích, Lư Cao Sơn…đều được thần thoại hoá vì công lao đánh giặc, trị thuỷ, truyền nghề…của họ. Hàng nghìn ngôi miếu, đình, đền cùng trí nhớ và lòng biết ơn của nhân dân đã ghi lại kỷ niệm của họ qua các thời đại.

NHỮNG VỊ NỮ THẦN TRONG VĂN MINH NÔNG NGHIỆP THỜI DỰNG NƯỚC

Đặc biệt là hàng loạt nữ thần, tự mẹ Âu Cơ, người mẹ thần thoại của giống nòi, rồi bà mẹ người anh hùng làng Dóng, đến các bà Dâu, Đậu, Giàn, Nành…những nữ anh hùng lao động nông nghiệp đầu tiên của thời dựng nước, được tôn thờ ở khắp nơi, trong những ngôi chùa cổ nhất không mang tên Phật mà lại mang tên các Bà (Chùa Bà Dâu, Chùa Bà Đậu…) qua đó nhân dân ta ưu tiên đề cao những thần linh bản địa cổ xưa của mình sánh với những tín ngưỡng, tôn giáo, thần linh du nhập về sau vào đất nước ta.

Những nữ thần cổ xưa ấy có lẽ xuất hiện từ thời đại dòng mẹ và còn tồn tại ở thời đại Hùng Vương, thời đại quá độ sang chế độ dòng chạ, quyền cha. Mặt trời và Mặt trăng là hai nữ thần và là hai chị em. Thần lửa là một bà già thường được gọi là bà Hoả chuyên giữ một thứ lửa nhiệm mầu. Thân nghề Mộc cũng là nữ thần dạy cho loài người cách chế ra công cụ, cách làm nhà, đóng thuyền. Một nhóm nữ thần trông nom việc sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ : đó là mười hai Bà Mụ. Trong một số làng người Việt, thành hoàng là nữ thần.

Đến khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, khoảng đầu Công Nguyên, nó phải kết hợp pha trộn với các tín ngưỡng bản địa. Do đó mà nhiều chùa Phật lại mang tên các nữ thần bản địa. Ở Hà Bắc, Hà Nội, Hà Nam…có những chùa Bà Dâu, chùa Bà Đậu chùa Bà Nành, chùa Bà Giàn, chùa Bà Tướng, chùa Bà Ngô, chùa Bà Đá, chùa Bà Đanh… ; trong chùa, ngoài tượng Phật có tượng của các Bà ấy. Tại chùa Dâu (Bắc Ninh) một người con gái địa phương nhà nghèo tên là Man Nương có công giúp dân trị thuỷ đã được tôn làm Phật Mẫu và ngày mất của cô gái ấy được tế lễ như là ngày sinh của Phật. Đạo Tam Phủ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam thời phong kiến cũng thờ một loạt nữ thần vốn là thần linh của tôn giáo tự nhiên cổ xưa, đó là những Mẫu Thượng ngàn (nữ thần rừng núi), Mẫu Thiên phủ (nữ thần trên trời), Mẫu Thoải (hay Mẫu Thoải Cung, nữ thần dưới nước) (2).

Việc sùng bái nữ thần phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt cổ trong sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hoá thời dựng nước.

TƯ DUY THẦN THOẠI NGƯỜI VIỆT CỔ

Nhìn lại thần thoại, truyền thống, tín ngưỡng thời Hùng Vương, chúng ta thấy tư duy người xưa bị bao trùm dày đặc trong một chủ nghĩa thần linh phổ biến. Trong thế giới tự nhiên đâu đâu cũng có thần và sự can thiệp của thần. Vì chưa giải thích được các sự vật, các hiện tượng một các khoa học, người xưa đã gán cho chúng một sức mạnh siêu nhiên, một nguồn gốc thần bí, đã giải thích chúng một cách siêu hình.

Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, người Việt cổ đã sớm nhận thức được một số đặc điểm của các hiện tượng và cố gắng giải thích theo những tri giác mộc mạc, cảm tính của mình. Ví dụ, thấy rằng hễ trước khi có gió to thì cây ngải thường cuốn bông cuốn lá lại, trước khi có những trận mưa lớn thì cóc nghiến răng, nguời xưa đã nghĩ ra chuyện Cóc kiện trời đòi mưa, truyện Thần Gió có đứa con nghịch ngợm bị Trời bắt hoá thành cây ngải báo tin gió cho thiên hạ biết bằng cách cuốn bông cuốn lá lại. Mặc dầu chưa giải thích được mưa là do nước ở hồ, ao, sông biển bốc hơi lên cao gặp lạnh đọng lại rơi xuống thành mưa, người xưa cũng đã thấy được rằng mưa không phải do Ông Trời hoá phép ra, cũng không phải là nước mắt của Ả Chức, Chàng Ngưu mà chính là nước đi từ sông biển rồi lại trở về sông biển, do đó mà nghĩ ra truyện thần Mưa thường xuống hạ giới hút nước sông biển rồi phun nước cho thế gian. Quan sát những trận lốc cuốn mây lại thành một cột lớn hút nước ở một khúc sông nào đấy lên trời, người xưa hình dung thần Mưa có hình rồng xuống hút nước, và có nhiều lúc nhầm lẫn : sông biển không hút lại nhè đồng ruộng hoặc nhà cửa mà hút làm hư hỏng rất nhiều của cải thiên hạ, điều này được nghĩ ra sau khi thấy những tác hại của cơn lốc trong thực tế. Quan sát thời tiết liên quan đến lũ lụt, người xưa kể truyện thần Nước mỗi năm vào tháng tám dâng nước một lần để lấy gỗ về xây dựng cung điện, hay truyện Thuỷ Tinh hàng năm vào tháng tám dâng nước một lần đánh báo thù Sơn Tinh. Rõ ràng là tuy chưa biết khí tượng và thuỷ văn là gì và chưa giải thích được hiện tượng lũ lụt theo quan điểm khoa học, người xưa đã nắm được tính lặp đi lặp lại của hiện tượng : nước lũ xảy ra hàng năm vào tháng tám. Ở đây thần thoại, tín ngưỡng tôn giáo xuất hiện như là những cội nguồn xa xưa nhất của khoa học. Thần thoại đã dùng hình tượng văn học, hư cấu nghệ thuật để nói lên phần nào tính qui luật của một số hiện tượng mà người xưa bắt đầu nhận thức được.

Theo đà phát triển của tri giác cảm tính thành nhận thức lý tính, người Việt cổ dần dần thấy được phần nào bản chất và sự tồn tại khách quan của thế giới, tiến tới những ý niệm sơ khai về nguồn gốc và toàn bộ thế giới dựa trên sự tổng hợp những nhận xét bề ngoài đối với các sự vật, các hiện tượng. Trời đất ban đầu là đám hỗn độn , sau đó xuất hiện thần Trụ trời lấy đầu đội trời xây dựng vũ trụ. Như thế nghĩa là cõi tự nhiên đã có một cái gì rồi chứ không phải sinh ra từ hư vô, và thần Trụ trời chỉ làm công việc thay đổi hình thù của thế giới mà thôi, chứ không đóng vai trò một Thượng đế, một đấng sáng tạo huyễn hoặc nào đó. Thần Trụ trời chỉ biết dùng sức đội trời lên cao và sử dụng những thứ có sẵn trong thiên nhiên như đất, đá đắp cột chống trời chứ không phải thần dùng phép mầu nhiệm để tạo ra vũ trụ : thần đã phải dùng sức lao động của mình hì hục đào đất đá như những nông dân Việt cổ trong sự nghiệp khai sơn phá thạch đầu tiên để làm nên ruộng rẫy. Truyện cũng kể rằng núi đồi, sông biển đều là những chỗ đất đá được đắp cao hay đào sâu mà có chứ không phải sinh ra từ hư vô hay từ một ý chí siêu nhiên, nhiệm mầu nào.

Quan niệm có tính chất hiện thực chấc phác về vũ trụ cũng đã được thể hiện trong tư tưởng người Việt cổ cho rằng trời tròn và sâu như cái bát úp, đất phẳng như cái mâm vuông, chỗ tiếp giáp giữa trời và đất là chân trời. Có lẽ kinh nghiệm dựng nhà bằng cột gỗ và có mái cong trên những mảnh đất bằng phẳng đã đưa người xưa đến quan niệm trời tròn đất vuông, được thể hiện trong một truyền thống khác là truyện Bánh chưng bánh giầy.

Về hiện tượng sấm sét và rét nàng Bân, người xưa cũng đã phần nào cảm giác thấy tính qui luật của chúng : đó là truyện thần Sét thường ngủ vào mùa đông, tháng hai tháng ba mới dậy làm việc, truyện nàng Bân may áo cho chồng, may ba tháng ròng mới được cổ tay.

Đáng chú ý hơn nữa là những kiến giải có tính chất hiện thực về nguồn gốc con người và các giống loài. Khi tạo ra loài nguời cũng như các động vật khác, ông Trời đều phải dùng đến vật liệu sẵn có của mình. Ngay cả việc tu bổ các giống vật cũng vậy, khi hết “vật liệu” thần đành chịu không có cách nào khác ngoài cách mượn tạm chân ghế, chân hương để táp chân cho chó, cho vịt, cho chim chiền chiện. Rõ ràng là cách giải thích này bắt nguồn từ kinh nghiệm lao động : người xưa đã thấy được vai trò quyết định của công cụ và vật liệu : săn thú thì phải có gậy gộc, cung nỏ, làm ruộng thì phải có cày cuốc, nặn đồ gốm thì phải có đất thô, v.v…Nếu không có những vật liệu sẵn có thì “thần” hay người cũng phải bó tay. Bàn tay Mười hai Bà mụ có nhiệm vụ nặn lại cơ thể cho một người nào đó có khác gì với những bàn tay nhào đất, nặn gốm, mài đá, đúc đồng của người Việt cổ. Các bà cũng chỉ làm việc cải biến, thay đổ hình dáng các sự vật cụ thể chứ không hề hay không thể thêm hay bớt “chất căn bản” hay “chất tinh tuý” trong trời đất được.

Qua những hình tượng chứa đựng trong thần thoại, tín ngưỡng cổ, ta thấy có phảng phất bóng dáng của tư tưởng cho rằng vạn vật luôn luôn thay đổi và biến chuyển nhưng trong đó vật chất không bao giờ mất đi mà cũng không bao giờ được sáng tạo ra.

Đối với vấn đề sống chết của con người, tổ tiên chúng ta cũng đã giải thích theo xu hướng thừa nhận sự tồn tại khách quan của quy luật tự nhiên. Truyện Rắn già rắn lột, người già người chui tuột vào săng kể rằng con người khi già chỉ việc lột xác là được trẻ lại như xưa, duy chỉ có rắn là hễ già là phải chết, nhưng về sau vị thần do Trời sai xuống thi hành lệnh đó đã bị rắn vây bắt rồi trả lại cho trời và từ đó người già phải chết. Tư tưởng của Trời muốn cho loài người không chết chính là sự phản ánh ý muốn sống lâu, sống mãi của con người, nhưng người xưa đã nhận thức được rằng ước mong ấy không thể thực hiện được, cho nên dù tin ở Trời, người xưa cũng thấy Trời không thể dùng phép mầu nhiệm gì để chi phối sự sống chết của con người. Trong tư duy người xưa đã bắt đầu có ý niệm mặc dầu còn mờ nhạt về quy luật khách quan. Việc sống chết cũng như sự phát sinh, phát triển và tiêu diệt của mọi sự vật , hiện tượng đều nằm trong phạm vi tác động của quy luật tự nhiên. YÙ muốn Trời cũng như ước vọng của con người không thể uốn lệch quá trình khách quan của thế giới (3)

TỪ KHÁI NIỆM ĐẤT – TRỜI, ĐẤT – NƯỚC ĐẾN MẦM MỐNG ĐẦU TIÊN CỦA LÒNG YÊU NƯỚC VÀ Ý THỨC DÂN TỘC

Thế nhưng khi tầm nhận thức ngày càng được nâng cao, phạm vi tác động vào tự nhiên và xã hội ngày càng mở rộng, người xưa bắt đầu có ý thức về vai trò và về năng lực sáng tạo của mình. Họ đã nghĩ ra hình tượng ông Khổng lồ, bà Khổng lồ đào sông xây núi, một kiểu anh hùng khai sáng văn hoá có tính chất nửa thần nửa người, thực chất là hình ảnh phóng đại của đôi vợ chồng nông dân cải tạo thiên nhiên, chiếm lĩnh thiên nhiên bằng sức lao động của mình.

Ở thời nguyên thuỷ, có lẽ con người đã nghĩ rằng ngày là sự sống, đêm là sự nghỉ ngơi, thì đến giai đoạn của nền văn minh nông nghiệp, người ta thấy thêm đất là mẹ, là giống cái vì đất ủ hạt thành cây ra quả như lòng mẹ thai nghén. Cây nảy mầm đơm hoa kết quả nhờ nước từ trên trời đổ xuống. Thế là xuất hiện ý nghĩ trời là cha, là giống đực. Quan hệ đực – cái và giao phối đã được gán cho cả thiên nhiên vũ trụ để lý giải sự sinh sôi nảy nở của tạo vật. Có lẽ từ đó mà có khái niệm cha trời mẹ đất. Đất Trời là nhận thức khái quát về thiên nhiên. Đực Cái là nhận thức về sinh sản. Với sự phát triển của nông nghiệp và sự hình thành cộng đồng liên minh bộ tộc, tư duy thần thoại của con người hướng về khái niệm Đất và Nước, Đất – Nước về phương diện vật chất đã trở thành nguồn sống của cư dân nông ngiệp thì về phương diện tinh thần dã trở thành tình cảm quê hương sứ xở, ý thức về lãnh thổ của bộ tộc. Hẹp là một con sông, một vùng đồi, vùng bãi, là làng chạ. Rộng hơn là một vùng được phân ranh giới bằng những dãy núi, dòng sông ở trong vùng đó, tập thể cư dân Việt cổ chiếm lĩnh và tồn tại. Vùng đó chính là vùng đất tổ, vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Đất nước trở thành biểu tượng chung cho địa vực cư trú và hoàn cảnh thiên nhiên của người Việt cổ.

YÙ niệm về đất nước do Mẹ Âu, Bố Rồng, Vua Hùng khai sáng và tạo dựng sẽ mở rộng dần thành ý niệm về lãnh thổ và giống nòi, thành tình cảm dân tộc đoàn kết nhiều nhóm người lại với nhau như anh em ruột thịt. Hình tượng “sinh ra trong cùng một bọc” là cội nguồn của ý niệm về “đồng bào”, một trong những ý niệm đẹp nhất trong tư duy Việt Nam.

Phản ánh nhu cầu của con người gắn bó với môi trường thiên nhiên, ra sức tìm hiểu, cải tạo mở rộng và bảo vệ nó để sinh sống ổn định và lâu bền, phản ánh tình cảm và ý thức đối với giống nòi, tổ tiên, lòng sùng bái và tin tưởng sâu sắc đối với các thế hệ anh hùng đã có những kỳ tích khai sáng lịch sử, văn hoá dân tộc, bảo vệ cuộc sống của tập thể cộng đồng. Tư duy Việt cổ đã chứa đựng cái cốt lõi bền vững của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc ngày càng phát triển và củng cố theo đà mở rộng của quốc gia và sức mạnh của dân tộc sau này (4).

ÓC THIẾT THỰC, TƯ DUY THẨM MỸ VÀ TƯ DUY KHOA HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT CỔ

Sáng tạo ra được những hình tượng : Ông Bà Khổng lồ đào sông xây núi, Đất Nước, Chim Rồng, Mẹ Âu Bố Rồng, Vua Hùng, Ông Tản, Ông Dóng, người Việt cổ đã hiểu biết chắc chắn về địa vực cư trú của mình, đã nghiền ngẫm về những vấn đề giống nòi chống xâm lược, phát triển địa bàn, chinh phục thiên nhiên…là những vấn đề xã hội và kinh tế hoàn toàn thiết thực.

Tư duy người Việt cổ hoàn toàn xa lạ với những phạm trù tôn giáo trừu tượng : Sáng tạo, Phá hoại, Bảo vệ, với những nhân vật, động vật thần linh như trong tư duy Aán Độ cổ, cũng xa lạ với những phạm trù triết học duy lý, những quan niệm trừu tượng về Công lý, về cái Đẹp, cái Đúng, cái Thực như trong tư duy Hi Lạp cổ. Trái lại nó hướng vào những ý niệm giống nòi, tổ tiên, đất nước, gắn liền với những vấn đề thực tiễn như làm ăn, sinh sống, đoàn kết, đánh giặc.

Tư duy người Việt cổ chủ yếu hướng vào thực tiễn. Trên mặt trống đồng, người, chim, hươu nhảy chạy bay vây quanh mặt trời theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, điều đó chứng tỏ người Việt cổ đã phần nào nắm được tính chu kỳ, qui luật tuần hoàn của bốn mùa, của vũ trụ. Hình khối cân xứng, hài hoà của trống đồng, sự phân bố đều đặn các điểm trang trí giữa các đường tròn đồng tâm trên mặt trống tuân theo chặt chẽ những luật đối xứng : những điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng chủ nhân trống đồng đã có những khái niệm về hình học và số học ở một trình độ nhất định (5).

Ngay ở trên những đồ gốm ra đời hàng nghìn năm trước trống đồng, đã thấy thể hiện một cách khéo léo ý niệm về đối xứng. Người thời Hùng Vương đã biết đến ít nhất là ba kiểu đối xứng khác nhau : đối xứng gương, đối xứng trục quay, và đối xứng tịnh tiến. Các nhà khảo cổ học cũng cho rằngï họ đã biết dùng thước quay (com-pa), thước đo và những loại “máy” khoan, tiện đơn giản để chế tạo ra những vật phẩm của họ.

Như vậy là ý niệm về đối xứng, từ đơn giản đến phức tạp đã có trong tư duy thẩm mỹ của họ ; những khái niệm về hình học, số học đã có trong tư duy khoa học của họ và cho chúng ta thấy tư duy ấy có khả năng vươn tới cái trừu tượng, cái khái quát.

Ở thời Hùng Vương, cuộc sống tinh thần phong phú của con người Việt cổ đã thể hiện ở sự phát triển của tư duy thẩm mỹ và tư duy khoa học song song với sự trưởng thành của ý thức dân tộc, ý thức về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng. Cuộc sống tinh thần phong phú ấy đã được cụ thể hoá trong tất cả những sáng tạo văn nghệ và kỹ thuật của nền văn minh Việt cổ mà chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu. Và cho đến nay, vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà chúng ta chưa lý giải được về thiên tài của người xưa.

1. Bài Nhân ngày giỗ tổ vua Hùng, báo Nhân dân số ra ngày 29-4-1972.
2. Lê Thị Nhâm Tuyết – Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại (in lần thứ hai) Nxb Khoa học xã hội – 1975.
3. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa 1957.
Phúc Khánh, Thử tìm hiểu tư tưởng triết học trong thần thoại Việt Nam, Nxb Sự thật 1961.
4. Cao Huy Đỉnh và Đặng Nghiêm Vạn, Quá trình hệ thống hoá thần thoại Việt Nam về nguồn gốc dân tộc, tạp chí Khảo cổ học số 9-10 / tháng 6-1971.
5. Theo nghiên cứu của Hà Văn Tấn
 Theo những nghiên cứu của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Linh, Cao Huy Đỉnh, Phan Đăng Nhật…

CHƯƠNG XVKHƠI NGUỒN TRUYỀN THỐNG THƯỢNG VÕ CỦA DÂN TỘC

CHIẾN TRANH, HIỆN TƯỢNG THƯỜNG XUYÊN TRONG THỜI DỰNG NƯỚC

Có những nhà nghiên cứu cổ sử học, khảo cổ học cho rằng ở thời Hùng Vương, ngành quân sự có lẽ được phát triễn hơn các ngành khác. Vua Hùng vốn là một thủ lĩnh thiện chiến của bộ lạc Văn Lang (hay Mê Linhà), ngự trị trên vùng đất nằm vắt ngang hai bên bờ sông Thao từ chân núi Ba Vì đến sườn núi Tam Đảo. Ngoài bộ lạc Văn Lang còn có 14 bộ lạc khác : bộ lạc Dâu, bộ lạc Nành, bộ lạc Trâu, bộ lạc Rồng… Giữa các bộ lạc bắt đầu có nhiều cuộc xung đột võ trang để giành quyền thống trị. Chiến tranh trở thành hiện tượng thường xuyên trong xã hội thời Hùng Vương ; đào ở đâu cũng thấy nhiều vũ khí : giáo, lao, dao găm, kiếm, qua, rìu chiến, mũi tên, mảnh giáp bằng đồng…Trên trống đồng ghi lại hình ảnh những người vũ trang, những thuyền chiến, cảnh chiến tranh, giết tù binh…

Sau một thời gian, vua Hùng chiến thắng được tất cả các bộ lạc lập thành một liên minh bộ tộc tức là nước Văn Lang. Quân đội của nhà nước sơ khai đầu tiên này trong lịch sử dân tộc chắc hẳn là một lực lượng tương đối có tổ chức, có bộ phận thường trực, có những đơn vị thân binh để hộ vệ vua Hùng, các Lạc hầu, Lạc tướng và làm chủ lực trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên lực lượng quân sự lúc ấy chưa nhiều. Mỗi lần có chiến tranh, nhà nước có truyền thống dựa vào các lực lượng chiến đấu và hậu cần trong nhân dân các làng chạ.

Nông dân các làng chạ khi bình thường thì lao động sản xuất, khi biến động thì sẵn sàng chiến đấu theo lệnh của thủ lĩnh quân sự. Ở các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên thời cận đại đều như thế. Nhà nước các triều đại phong kiến sau này vẫn dùng chính sách ” ngụ binh ư nông “, và vẫn còn sử dụng hương binh (hay dân binh) trong một chừng mực nhất định.

VŨ KHÍ THÔ SƠ VÀ VŨ KHÍ HIỆN ĐẠI

Việc trang bị cho quân đội thường trực thời Hùng Vương cũng đã thành vấn đề. Các loại vũ khí thô sơ mà mỗi người có thể tự túc dễ dàng dần dần nhường bước trước vũ khí hiện đại bằng kim loại. Từ khi kim loại tham gia vào chiến tranh, các cộng đồng lớn phải mở những xưởng thủ công chuyên chế tạo vũ khí vì cá nhân hay cộng đồng nhỏ không có đủ khả năng. Các xưởng này sản xuất ra rìu, giáo, lao, dao găm các loại…và các quân trang, quân dụng khác như áo giáp, tấm đồng che ngực, trống đồng, thuyền đồng…

Ở miền Đông Nam Á cổ đại, trống đồng có giá trị như là chiếc gậy chỉ huy ở các dân tộc khác trên thế giới. Chủ nhân của trống là những kẻ có quyền lực lớn nhất trong cộng đồng. Sách sử cổ của Trung Quốc có ghi : ” Người Di Lão ở phía nam Ngũ Lĩnh muốn đánh nhau thì đánh trống (đồng) lên, dân chúng kéo đến ùn ùn như mây. Người có trống được gọi là Đô Lão, được dân chúng suy tôn và phục tùng ” (1).

TÀI BƠI LỘI, ĐI THUYỀN VÀ THUỶ CHIẾN CỦA TỔ TIÊN TA

Người Việt cổ là một cư dân làm ruộng nước, đánh cá, cắt tóc, xăm mình, sống gần sông nước nên giỏi bơi lặn, thạo chèo thuyền vượt biển. Hàng năm trong dịp hội làng, nhân dân tổ chức đua thuyền để cầu nước, để vui chơi mà cũng để ôn luyện thuỷ chiến. Thuyền chiến thời Hùng Vương, như thấy chạm khắc trên trống đồng, chở những thuỷ thủ vũ trang bằng giáo mác, khiên, rìu chiến, cung tên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; thuyền có bánh lái, cột buồm, đằng lái có lầu canh. Theo sử sách Trung Quốc cổ, miền đất Văn Lang là ” xứ sở của những người sống được dưới mặt nước ” (ý nói bơi lặn giỏi) ; ở đất Việt cổ ” việc trên cạn ít, việc dưới nước nhiều ” ; ” dân quen ở nước ” ; ” Vua Thang vua Vũ là thánh chúa cũng không thể cùng người Việt chèo thuyền trôi nổi trên sông nước ” ; ” Người Việt thạo thuỷ chiến, giỏi dùng thuyền “. Hàng nghìn năm trước Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo con cháu của bố Rồng, tổ tiên thần thoại thống lĩnh vùng sông nước đã khơi nguồn truyền thống Bạch Đằng một truyền thống vẻ vang trong lịch sử thượng võ của dân tộc Việt Nam.

KHÁNG CHIẾN CHỐNG XÂM LĂNG VÀ NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH, KỸ THUẬT QUÂN SỰ THỜI DỰNG NƯỚC

Chiến tranh đã trở thành một hiện tượng xảy ra tương đối thường xuyên, trong đó chủ yếu là những cuộc chiến tranh chống ngoại tộc xâm lược. Qua nhiều truyền thống, thần tích vùng trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta thấy hầu hết các tướng tá của vua Hùng đều luôn luôn phải mang quân đi đánh dẹp các cuộc xâm lăng của ngoại tộc từ nhiều phía. Đó là những bọn giặc Ân, giặc Tây Thục, Ai Lao, Hồ Tôn, Ô Lư, Xích Tỵ v.v…Trong số các ngoại tộc mà truyền thuyết và thần tích nhắc đến, có thể xác minh được một số : ví dụ Hồ Tôn là người Lâm Ấp ở phía nam Cửu Chân, Ai Lao và Tây Thục là người Bộc ở vùng Quý Châu và Quảng Tây phía bắc Văn Lang. Các bộ tộc và các tộc người tranh nhau quyền làm bá chủ hay đấu tranh giữ vững lãnh thổ và đời sống độc lập của mình.

Xem xét những vũ khí thời Hùng Vương để lại, rất giàu về số lượng, phong phú về loại hình (nhiều loại giáo, lao, nhiều kiểu dao găm, hơn 10 kiểu mũi tên đồng…) tìm thấy ở nhiều nơi từ Việt Bắc đến Nghệ Tĩnh, có thể thấy rằng  ý chí chiến đấu của người Việt cổ đã được thể hiện tới một trình độ nhất định. Chiến tranh đã là hiện tượng xã hội không tránh được thì cần phải tạo ra những phương tiện thích hợp để tiến hành chiến tranh.

Sự cân nhắc, tính toán, tập trung chú ý của người xưa vào hiện tượng chiến tranh thể hiện ở việc họ đã chế tạo nhiều loại vũ khí với những tính năng lợi hại khác nhau. Như rìu chiến có thứ lưỡi phát triển lệch về một phía để chém cho khỏe, lại có thứ lưỡi xòe rộng, chém bổ xuống xuống rồi hất ngược lên, mỗi lần vung tay là chém được hai đòn. Qua một chi tiết như thế, có thể thấy óc tìm tòi sáng tạo của người xưa trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Trong suốt quá trình phát triển của thời đại đồ đồng, vũ khí được liên tục cải tiến. Sự tìm tòi sáng tạo ấy là một đặc trưng của tinh thần biết mình biết người trong khoa học và nghệ thuật chiến tranh.

Vũ khí thời Hùng Vương thường nhỏ, nhẹ, ngắn, gọn khác với vũ khí của nhiều miền khác, ở cùng thời hay khác thời, thường là to, nặng, dài, cồng kềnh. Cách trang bị cho các chiến sĩ Việt cổ cũng gọn nhẹ một cách thích hợp : chỉ dùng tấm đồng che ngực mà không dùng áo giáp, mũ đồng, chỉ đi chân đất không có giày. Vũ khí và trang bị của những người tham gia chiến đấu ở thời Hùng Vương như vậy là đã có một phong cách riêng thích hợp với điều kiện thiên nhiên, kinh tế, số dân và thể chất của người Việt cổ.

Điểm danh vũ khí thô sơ mà... nguy hiểm thời Hùng Vương (2)

NHỮNG NGỌN NGUỒN CỦA TRUYỀN THỐNG THƯỢNG VÕ VÀ CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG VIỆT NAM

Trong những điều kiện như thế, tinh thần dũng cảm ngoan cường của họ là một yếu tố quan trọng. Về mặt vũ khí, biểu hiện cụ thể của tinh thần ấy là sự phổ biến và tính phong phú của các loại vũ khí đánh gần, đánh giáp lá cà : giáo, lao, qua, rìu và nhất là dao găm. Dao găm có rất nhiều loại : loại có chắn tay, loại không có chắn tay, loại chuôi tròn, không kể loại lấy tượng người làm chuôi, loại lưỡi rộng bản để khoét rộng vết thương, loại lưỡi nhỏ mà dài để xuyên sâu địch thủ. Ở những mũi giáo có một lỗ hay hai lỗ nhỏ ở thân có thể dùng để buộc các mồi lửa để tăng thêm hiệu lực tiêu diệt địch. Người Việt cổ còn phát huy sở trường chiến đấu của mình bằng cách phát triển lối đánh bằng thuyền, và đánh bằng cung nỏ. Những hình thuyền chiến phổ biến trên trống đồng, số lượng của hàng chục kiểu đầu mũi tên đồng, của hàng vạn mũi tên đồng đào được ở khắp nơi đã chứng minh cho sở trường thuỷ chiến và sở trường xử dụng cung nỏ mà sử sách cổ của Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận.

Tính tổ chức, óc kỷ luật, tinh thần bất khuất của quần chúng nhân dân, nhờ được rèn luyện luôn luôn trong các cuộc chiến đấu, đã trở thành một đặc điểm của truyền thống thượng võ Việt Nam. Ở thời Hùng Vương, đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm đã là vấn đề nổi bật lên hàng đầu. Chiến tranh nhân dân, truyền thống cả nhà đánh giặc, cả làng đánh giặc, toàn dân ra trận, thực sự đã hình thành từ thời ấy. Hình tượng Ông Dóng chính là sự kết tinh của ý chí chiến đấu và chiến thắng của nhân dân các làng chạ và liên minh bộ tộc Việt cổ.

1- Theo Văn hiến thông khảocủa Mã Đoan Lâm

Lê Văn Hảo

Theo: Chim Việt Cành Nam