“Sĩ nhiều thì nước thịnh mà con đường tìm người tài giỏi,
chọn lựa được nhiều nhân tài thì không phép nào bằng Khoa cử.”
Phan Huy Chú, Khoa Mục Chí
Xã hội ta xưa đại để chia làm hai hạng người : quan và dân. Quan là người giúp vua điều khiển guồng máy chính trị để đem lại trật tự, an ninh cho dân. Quan trường do Nho phái xuất thân và cách kén chọn người ra làm quan gọi là Khoa cử.
Tuy nhiên, làm quan không cứ phải theo con đường Khoa mục. Thời xưa còn dùng phép Cốngcử hay Bảo cử để lấy người ra làm quan. Cống cử là kén người ở các hương thôn, huyện, tỉnh, để “cống” lên triều đình, toàn là những người đã được thanh nghị nhìn nhận là có tài năng và đức hạnh. Năm Minh-Mệnh thứ ba (1823) định lệ hàng năm mỗi huyện cống vào Kinh một người, đưa vào Quốc-tử-giám sát hạch, đỗ cho làm Giám sinh, được thi Hội. Năm sau định rõ mỗi phủ cống một người, phải 40 tuổi trở đi. Năm Tự-Ðức thứ hai (1850) hạn ba năm cống một kỳ, vào những năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Hạch đỗ được gọi là “ông Cống”.
Bảo cử là các quan, vâng theo mệnh lệnh của vua, cử những người tài giỏi và có đức hạnh ra làm quan. Khi Minh-Mệnh mới lên ngôi đã xuống chiếu :”Quốc gia lấy Khoa mục cầu nhân tài hoặc khi còn sót những người tài cao, học rộng. Phép Bảo cử là để thu dùng người tài còn sót lại. Việc tiến dẫn nhân tài, trẫm phải lấy triều đình làm tai mắt (…) Kẻ hiền tài khi chưa gập thời, náu hình, ẩn giấu tông tích thì vua chúa làm sao mà biết được ? (…) Nay hạ lệnh : ở kinh đô, quan văn từ Tham tri, quan võ từ Phó Ðô Thống Chế trở lên, ở ngoài thì các quan địa phương đều phải đề cử, không kể nhà nghèo, nhà thế gia, cần được người có thực tài để lượng xét, bổ dụng” (1).
Tuy nhiên, phương pháp Bảo cử không cung cấp đủ người cho bộ máy hành chính vì người đứng ra bảo cử nếu sơ xuất hay tư túi, tiến cử người thiếu tài đức thì sẽ bị nghiêm trừng : năm 1463, 1467 và 1469, Nguyễn Như Ðổ, Thượng thư bộ Lại, mấy lần tiến cử Lê Bốc, bị vua khiển trách :”Lê Bốc có bệnh trúng phong, sức yếu làm được việc gì mà nhà ngươi hai ba lần cất nhắc ? Nhà ngươi thật là một viên quan gian giảo (…) làm mất sự chính đáng trong việc Bảo cử”. Nguyễn Như Ðổ bị giao xuống cho Pháp ty xét xử, trị tội theo luật (2).
Vì sợ bị trách phạt, các quan thường tỏ ra dè dặt, thấy thế, năm 1828 Minh-Mệnh lại hạ chiếu :”Ðem người thờ vua là chức vụ của bầy tôi. Các ngươi chớ lấy việc thất cử phải lỗi mà ngần ngại trong lòng. Vì nước tiến người hiền tài chỉ cần hiểu biết cho đích xác…”.
I – NGUỒN GỐC KHOA CỬ
Khoa cử xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ XI, đời Lý Nhân Tông, nhưng nguồn gốc Khoa cử là ở Trung quốc.
1 – Nhà Chu (1122-247 tr TL) :
Thời nhà Chu chưa có Khoa cử song Học chế và phép Tiến cử đã hoàn bị. Quan Hương đại phu cử người tuấn tú ở các trường Hương học lên quan Tư đồ, gọi là Tuyển-sĩ. Quan Tư đồ lựa người tuấn tú trong hàng Tuyển-sĩ, gọi là Tuấn-sĩ. Những Tuấn-sĩ được vào trường Quốc học gọi là Tạo-sĩ. Quan Ðại Học Chính lựa người tuấn tú trong hàng Tạo-sĩ, gọi là Tiến-sĩ, cử lên quan Tư mã để tùy tài cho làm quan. Những người do Hương học cử lên dùng làm quan tại các hương, các toại (cũng như châu, huyện) ; những người do Quốc học cử, dùng làm quan Ðại phu, quan Sĩ tức là các quan cai trị lớn (3).
Hai chữ Tiến-sĩ khởi thủy từ đấy nhưng chưa phải là cái huy hiệu đỗ thi Hội sau này.
2 – Nhà Hán (206 tr TL – 220) :
Nhà Hán cũng chưa đặt phép thi, kén người làm quan còn dùng cách Tiến cử, giao cho các quan ở quận-quốc (như tỉnh) cử ba hạng người :
– Hiền lương phương chính, kén người đức hạnh ;
– Hiếu-liêm, sau gọi là Cử-nhân, khoa này lấy được nhiều nhân tài nên được coi trọng ;
– Bác sĩ đệ tử.
Hai chữ Cử-nhân bắt đầu có từ đây nhưng chưa phải trỏ vào người đỗ thi Hương.
Ðến đời Hán Vũ Ðế (140-87 tr TL) những người được quận-quốc cử lên phải thi một bài đối sách hỏi đại nghĩa kinh truyện, đạo trị nước cổ kim, cho nên người ta mới nói Khoa cử manh nha từ nhà Hán.
3 – Các đời Ngụy, Tấn (220-265)
lập phép Cửu Phẩm Trung Chính, tùy theo nhà sang hay hèn mà định chức quan cao hay thấp.
4 – Nhà Tùy (265-420) :
Tùy Dạng Ðế bỏ chế độ ấy, dùng Khoa cử lựa người tài, khiến con nhà bình dân cũng có thể làm đến công khanh. Khoa cử thời Tùy bỏ sách luận mà thi thơ phú, nhưng trên thực tế thì văn chương và chính sự vẫn chia làm hai.
5 – Nhà Ðường (618-907) :
Ðến đời Ðường phép thi mới tinh mật, gồm ba khoa :
– học trò tốt nghiệp các trường Học quán (ở Kinh sư), học Hiệu (ở châu, quận), rồi thi lại ở Tòa Thượng thư (ở tỉnh), trúng tuyển gọi là Sinh-đồ ;
– nếu không phải học ở các trường Học, Hiệu, chỉ thi đỗ ở châu huyện rồi thi lại ở Tòa Thượng thư, trúng tuyển gọi là Hương-cống hay Cống-cử ;
– thỉnh thoảng mở một khoa cho những bậc phi thường, thiên tử thân ra đề một bài đối sách, trúng tuyển gọi là Chế-cử.
Các đời Ðường, Tống thịnh hành nhất là khoa Tiến-sĩ, thi thơ phú, tạp văn, sách luận và thiếp kinh (chép văn ngũ kinh và nghĩa chú). Người đỗ chia ra hai hạng:
– Cập đệ (thi Minh kinh, Tiến-sĩ) có tên trong sổ ở vương phủ nhưng chưa vào sổ Sĩ hoạn, còn phải do bộ Lại xét một lần nữa, hay châu huyện cử lên, và có làm cũng chỉ đến Quận duyến (thư ký ở quận) hay Huyện tá, lâu năm mới được bổ dụng ;
– Xuất thân (thi Hoành từ, Bạt tụy) được bổ dụng ngay, đường xuất sĩ rất cao.
Ngoài ra còn xét cả tiếng nói, chữ viết, khổ người có phương phi, trọng hậu hay không vv. Phép Khoa cử đời sau là gốc từ đời Ðường.
Xét rằng trước kia Hương lý cử kẻ sĩ ra làm quan, do thanh nghị nhìn nhận là xứng đáng, tuy thanh nghị không cải biến được tâm thuật nhưng cũng có thể kiểm thúc hành vi ít nhiều, khiến những hạng người vô sỉ còn có chỗ e dè, sợ sệt. Ðến các đời Tùy, Ðường bỏ lệ Hương cử, kẻ sĩ làm quan do Khoa mục xuất thân, không còn sợ thanh nghị, tuy vậy lúc đầu vẫn trọng sự học Cửu kinh nên còn có thực học. Ðến thời Vãn Ðường, kẻ sĩ chỉ lo luồn cúi, cầu cạnh, không còn biết khí tiết là gì, đó là chỗ hại khởi đầu của Khoa cử.
6 – Nhà Tống (960-1279) :
Khoa cử đời Tống thịnh hành hơn đời Ðường và khoa Tiến-sĩ được trọng hơn cả. Ban đầu mỗi năm mở một khoa, sau hai năm rồi ba năm mới mở một khoa, đặt thành lệ. Năm 978 lại đặt ra luật làm phú, nên dân gian có câu “Ðường thi thơ, Tống thi phú”.
Ðời Nam Tống (1115-1234) bắt đầu chia những người đỗ ra giáp đệ :
– Ðệ nhất giáp gọi là Tiến-sĩ Cập đệ , có khi lấy tới 30, 40 người, song chưa ưu đãi 3 người đậu cao nhất ;
– Ðệ nhị giáp gọi là Ðồng Tiến-sĩ Cập đệ ;
– Ðệ tam giáp và Ðệ tứ giáp gọi là Tiến-sĩ Xuất thân ;
– Ðệ ngũ giáp gọi là Ðồng Tiến-sĩ Xuất thân.
Lại đặt ra lệ rọc phách, di phong, lễ xướng danh, ban bào hốt v.v.
Vương An Thạch (1021-86) thấy lối thi thơ phú chuộng từ chương, thi thiếp kinh thiên về ký tụng nên chủ trương cải phép thi, muốn bỏ hẳn Khoa cử, chỉ lấy kẻ sĩ ở các Học Hiệu mà dùng, hoặc chỉ giữ khoa Tiến-sĩ, trong khoa này không thi thơ phú mà chỉ hỏi nghĩa kinh sách. Bị nhiều người bài bác, Vương phải đổi, chia làm hai khoa :
– thi thơ phú
– thi nghĩa kinh
cho sĩ tử tự ý làm bài.
7 – Nhà Nguyên (1286-1368) :
Phép thi thời này không thay đổi gì nhiều, duy thí sinh phải biết tiếng Mông cổ và đạo Hồi Hồi. Lại chia người đỗ ra hai bảng : bên hữu dành cho người Mông, bên tả dành cho người Hán.
8 – Nhà Minh (1368-1644) :
Thời Minh sơ dùng người có ba lối : Tiến cử, Học Hiệu và Khoa mục.
Ðặt ra thi Hương ở các tỉnh vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, ai đỗ gọi là Cử-nhân ; thi Hội vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi ở bộ Lễ (Kinh sư). Có đỗ thi Hội mới được thi Ðình, cũng gọi là Ðiện thí. Thi Hương, thi Hội và thi Ðình bắt đầu từ đấy.
Phép thi Hương, thi Hội đều ba kỳ (cũng gọi là ba trường), chấm quán quyển, tức là sĩ tử được thi đủ mọi môn, quan trường duyệt cả ba quyển rồi mới ra bảng chứ không chấm riêng từng kỳ mà loại dần. Lối chấm quán quyển khiến học trò đỡ bị đánh hỏng oan vì có người chỉ giỏi văn sách là kỳ thi cuối, nếu kém kinh nghĩa, bị loại ngay từ kỳ đầu thì không phô bầy được tài năng. Kinh nghĩa không đủ để xét người, phải thi văn sách mới rõ tài kinh tế yêm bác.
Lại đặt ra tam giáp và tam khôi :
– Nhất giáp gọi là Tiến-sĩ Cập đệ , gồm Tam khôi tức ba người đỗ đầu, theo thứ tự từ cao đến thấp là : Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa ;
– Nhị giáp gọi là Tiến-sĩ Xuất thân ;
– Tam giáp gọi là Ðồng Tiến-sĩ Xuất thân.
Phép thi đời Minh rất tường, Khoa cử đời sau theo quy thức ấy.
9 – Nhà Thanh (1644-1911) :
Cách tổ chức Khoa cử cũng giống nhà Minh, đại khái:
– Phủ thí là thi ở phủ huyện, lấy đỗ Tú-tài ;
– Hương thí dành cho những người đã đỗ Tú-tài, thi ở tỉnh một năm sau, đỗ thì gọi là Cử-nhân;
– Hội thí thi ở Kinh đô, phải có chân Cử-nhân mới được dự thí và có đỗ mới được vào Ðiện thí.
Phép thi cũng theo nhà Minh, chỉ sửa đổi ít nhiều :
Trường 1 : thời Minh thi kinh nghĩa, 3 bài tứ truyện và 4 bài ngũ kinh,
nhà Thanh thi 3 bài tứ truyện và một bài thơ ngũ ngôn 8 vần.
Trường 2 : thời Minh thi 1 bài luận và 5 câu phán (phê phán một vấn đề),
nhà Thanh thi 1 bài luận và 5 bài nghĩa ngũ kinh.
Trường 3 : thời Minh thi 5 đạo sách luận, hỏi kinh sử và thời vụ,
nhà Thanh thi 5 đạo sách luận, muốn hỏi gì thì hỏi.
10 – Trung-Hoa Dân quốc : Từ 1905, Trung quốc bãi Khoa cử, lấy học trò tốt nghiệp các trường ra dùng, song vẫn giữ các danh mục Cử-nhân, Tiến-sĩ vv.
II – KHOA CỬ Ở VIỆT-NAM
A – TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN HẾT THỜI BẮC THUỘC
1 – Trước thời Bắc thuộc :
Thời các vua Hùng, nước Văn-lang theo chế độ Lạc hầu, Lạc tướng, cha truyền con nối nhưng việc học việc thi thì không thấy sử chép.
2 – Thời Bắc thuộc (111 tr TL – 938) :
Ngay từ đầu thời Bắc thuộc đã có người Nam học chữ Hán nhưng Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp mới được coi là những người có công mở trường dậy học, tuy chỉ dậy ở trình độ thấp kém, đào tạo từng lớp quan lại hạ cấp để sai khiến, ai muốn học cao phải sang tận Trung quốc. Có lẽ vì sĩ tử gốc Việt thành đạt ngày một nhiều nên năm 845, vua Ðường hạn chế số người Nam thi khoa Tiến-sĩ không được quá 8 người, thi Minh kinh (làm sáng nghĩa kinh sách) không được quá 10 người (4). Có những người hiển đạt thời ấy còn được ghi tên trong sử sách như :
– Trương Trọng, thời Hán Minh Ðế (58-75), học ở Lạc-dương, làm Thái-thú (quan cai trị một quận, về dân sự) Kim-thành.
– Lý Tiến, đời Hán Linh Ðế, khoảng 184-5 làm đến Thứ sử (quan cai trị một châu, giám sát các quận) Giao-châu, lúc ấy Sĩ Nhiếp chỉ là Thái thú Giao-châu. Năm 200, Lý Tiến xin cho những người Nam được cử làm Hiếu-liêm (Cử-nhân), Mậu-tài (Tú-tài) được làm quan ở Trung châu (Trung quốc) nhưng Hán Ðế chỉ cho làm Trưởng lại (quan thấp) ở châu mình chứ không được bổ ở Trung nguyên vì sợ người Nam “hay chê bai, bắt bẻ triều đình” (5).
– Khương Thần Dực làm Thứ sử Ái-châu (Thanh-hóa) đời Ðường, có hai người cháu du học kinh đô Tràng-an, cùng đỗ Tiến-sĩ :
– Khương Công Phụ, người quận Cửu-chân, đỗ Tiến-sĩ năm 784, có bài chế sách nổi tiếng là hay. Bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” được người đương thời khen là kiệt tác, lời lẽ tao nhã, còn chép trong Uyên giám (6). Làm quan Hữu Thập Di Hàn-lâm Học Sĩ, thăng Gián nghị đại phu Ðồng Trung thư môn hạ Bình chương sự, tính hay can gián, thường bị biếm. Ðường Thuận Tông cho làm Thứ sử Cát-châu, chưa đến lị thì chết.
– Khương Công Phục, em Phụ, làm quan đến Lang trung bộ Lễ, Bắc bộ Thị lang.
B – THỜI TỰ TRỊ TRƯỚC NHÀ NGUYỄN
Các triều Ðinh, Ngô và Tiền Lê : không thấy sử chép việc học có lẽ vì là thời khai quốc, vua còn lo phòng thủ, giữ nước, việc dùng người chỉ tùy tiện.
1 – Nhà Lý (1010-1225) :
Thời nhà Lý, do phải học kinh sách, tăng lữ là từng lớp trí thức nên những người đi học thường đến chùa học. Chính Lý Thái Tổ cũng là học trò nhà sư Lý Khánh Vân, sau khi lên ngôi đã giúp đỡ các chùa khuếch trương sự học. Lúc đầu, cách dùng người đều do các nhà sư có địa vị lựa chọn, cất nhắc những người thông minh, nhanh nhẹn, sau mới mở các khoa thi.
Suốt thời Lý chỉ mở có 7 khoa :
1075 mở khoa thi đầu tiên ở nước ta, thi Nho học ba trường, gọi là thi Tam trường, kén người Minh kinh bác học ;
1086 kén người sung vào Hàn-lâm viện ;
1152 thi Ðình ;
1165 thi Thái học sinh hỏi cách trị dân, người đỗ bổ làm quan các trấn ;
1185 và 1193 kén người vào Thị học (hầu vua học) ;
1195 thi Tam giáo hỏi về các đạo Nho, Phật, Lão, cho đỗ xuất thân.
Ngoài ra còn có các kỳ thi Hình Luật, Thư Toán để kén lại điển.
Theo Việt Sử Lược thì năm 1098 đã phân biệt ra hai hạng Cập đệ và Xuất thân.
Vì Nho học mới bắt đầu thịnh, Khoa cử mới bắt đầu xây nền móng nên các điều mục đại cương tuy đầy đủ nhưng cách thức, niên hạn chưa rõ ràng. Chương trình, thể lệ, sử không chép rõ, chỉ biết khi nào cần người mới mở khoa thi.
2 – Nhà Trần (1225-1400) & Nhà Hậu Trần (1407-13) :
Ðời Trần, việc tổ chức giáo dục và thi cử đã tường tận. Ở Kinh sư có Quốc học viện ; các lộ, châu, phủ, có nhà Học, nhà Hiệu, do các Ðốc học và Giáo thụ coi. Lại định rõ phép thi 4 trường và phép bổ dụng, phân biệt thi Hội, thi Ðình.
1232 thi Thái học sinh, người đỗ chia ra Tam giáp, theo thứ tự từ cao đến thấp : nhất giáp, nhị giáp và tam giáp.
1239 định lệ 7 năm mở một khoa, sau mới đổi ra 3 năm một khoa.
1247 lấy ba người đỗ đầu nhất giáp, gọi là Tam khôi, theo thứ tự từ cao đến thấp : Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa.
1256 thi Thái học sinh chia ra người Kinh (Kinh-bắc, Sơn-nam, Sơn-tây, Hải-dương), người Trại (Thanh, Nghệ), lấy riêng ngạch đỗ, đều có Tam khôi (buổi đầu chia ra Thượng Trại, Hạ Trại), để khuyến khích kẻ sĩ ở xa, giáo dục chưa thấm nhuần. Ðời Trần Thánh Tông (1258-82) hợp Kinh, Trại thi chung.
1370 mới bắt đầu mở khoa thi Hương, người đỗ gọi là Cử-nhân, có đỗ mới được thi Hội.
1396 định phép thi 4 trường theo nhà Nguyên, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, đỗ Hội mới thi Ðình. Vua ra đề văn sách, định thứ tự.
3 – Nhà Hồ (1400-07) :
Khi Hồ Quý Ly chưa lên ngôi, năm 1387 đã có ý định bỏ lối kén nhân tài bằng Khoa cử mà dùng phép Tuyển cử, chọn lựa người tài giỏi mỗi năm tiến kinh (7).
Năm 1404, Hán Thương định rõ phép thi Hương ba năm một khoa, lại bắt thi thêm hai môn viết và toán, cộng là 5 trường.
4 – Nhà Hậu Lê (1428-1527) :
Nhà Hồ mất, nước ta bị nhà Minh đô hộ một thời gian ngắn tuy có mở khoa thi nhưng sĩ dân trốn tránh không chịu thi.
Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh, giành lại chủ quyền. Lúc mới phục quốc, công việc trị an bề bộn nên phép thi giản lược, chưa tinh vi bằng các đời Trần, Hồ :
1429 thi sĩ dân và các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống, tinh thông kinh sử, ở Ðông đô. Thi kinh nghĩa hoặc luận, phú hay văn sách. Tùy tài bổ dụng, không kể thứ tự. Chưa có thi Hương, thi Hội.
1433 định lệ 6 năm một khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội.
Thời Hồng-đức (1460-97, Lê Thánh Tông) được coi là thời cực thịnh của Khoa cử nước ta : cách lấy đỗ rộng rãi, công bằng, ra đề thi hỏi đại thể chứ không tìm những câu hiểm hóc nên kẻ sĩ có tài không bị bỏ sót.
Lại đặt ra lệ Bảo kết thi Hương, chỉ những người đức hạnh mới được dự thi, và định rõ nhật kỳ các trường, ngày yết bảng. Người đỗ Cử-nhân đổi ra gọi là Hương-cống, đỗ Tú-tài gọi là Sinh-đồ.
Thi Tiến-sĩ phân ra Chính bảng là Tiến-sĩ Cập đệ và Tiến-sĩ Xuất thân ;
Phụ bảng là Ðồng Tiến-sĩ Xuất thân.
Ðặt ra lệ dựng bia Tiến-sĩ, ban mũ áo, cho ăn yến vv.
5 – Nhà Mạc (1527-92) :
Nhà Mạc rất trọng Khoa cử, mở nhiều khoa thi theo lệ nhà Lê ba năm một khoa, kén được nhiều nhân tài nên mới chống chọi được với nhà Lê trong 60 năm. Khoa cử thời Mạc có hai điều đáng chú ý :
– Năm 1565, kỳ đệ tứ khoa Tiến-sĩ, bài phú phải làm bằng chữ Nôm. Ðây là một sự kiện chưa từng có trong Khoa cử nước ta (8).
– Khoảng đầu thế kỷ 17, ở Cao-bằng, đời Mạc Kính Cung có Nguyễn thị Du cải nam trang thi đỗ Trạng-nguyên. Bà là người phụ nữ Việt-Nam duy nhất đã đi thi và đỗ Trạng (9).
6 – Nhà Lê Trung Hưng (1528/33-1769) :
Khi nhà Mạc cướp ngôi, vì chiến tranh, nhà Lê đứt quãng 6 năm không thi, lui về Thanh-hoa.
1554 mới bắt đầu mở các Chế khoa song song với những khoa Tiến-sĩ của nhà Mạc ở Thăng-long.
1580 phục lại khoa thi Hội, chia ra hai giáp nhưng chưa có thi Ðình.
1595 sau khi diệt xong nhà Mạc, vua Lê Hội thí các Cống sĩ ở bờ sông, rồi Ðình thí.
Năm 1750, Ðỗ Thế Giai, vì ngân quỹ thiếu hụt, cho phép ai nộp ba quan tiền thì được thi Hương không phải qua kỳ thi Hạch, gọi là “tiền Thông Kinh”. Chỉ cần chữ tốt và thông văn lý là đỗ Sinh-đồ nhưng ba năm sau mới được thi trường 4. Những người đi buôn không biết chữ cũng đua nhau nộp tiền rồi thuê người vào thi hộ, có những đứa trẻ 10 tuổi đỗ Sinh-đồ, người ta gọi giễu là “Sinh-đồ ba quan“. Chúa Trịnh thấy loạn phép, mấy lần (1751, 1774…) bắt những người đỗ phải thi lại, lúc thì ở Bến cỏ (bến Thảo Tân) bên sông Nhị, khi ở Lầu Ngũ-long, cạnh hồ Hoàn-kiếm.
1777 Phạm Ngô Cầu xin mở trường thi ở Thuận-hóa, sai khảo hạch trước. Niêm giấy yết thị nhiều ngày chưa có một người nào nộp quyển thi vì học nghiệp bỏ bê do binh hỏa (11).
Khoa cử đến thời Lê Trung Hưng bắt đầu xuống dốc. Ðầu thời Hậu Lê, lúc mới phục quốc thì văn gọn mà ý sâu, đến Trung Hưng thì văn rườm rà mà ý cạn.
7 – Nhà Tây Sơn (1789-1802) :
các vua Tây Sơn xuất thân là võ tướng nhưng cũng tỏ ra trọng việc học và quý các nho sĩ. Khi Nguyễn Nhạc ra Bắc đem Nguyễn Huệ về, đã tuyên bố :”Tôi nghe nói ở nước An-Nam có ông Nghè là bậc rất quý. Tôi sắp nói với Tự Hoàng xin cho mấy ông đem về nước tôi để dậy” (10).
Vua Quang-Trung không những rất trọng dụng Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, đều là những người do Khoa mục xuất thân, mà năm 1789 còn mở khoa thi Tuấn tài ở Nghệ-an, chỉ thi hai kỳ : chế nghĩa và văn sách, đỗ gọi là Tuấn-sĩ, dùng La Sơn Phu Tử làm Ðề-điệu (chủ khảo). Ðó là khoa thi thuần tiếng Nôm đầu tiên và duy nhất ở nước ta, song đề mục vẫn bằng chữ Hán (12).
C – NHÀ NGUYỄN
1 – Các chúa Nguyễn Ðàng Trong (1558-1775) :
Trong khi ở Ðàng Ngoài chúa Trịnh tổ chức thi cử theo lề lối cũ thì ở Ðàng Trong chúa Nguyễn cũng mở các khoa thi kén nhân tài, tuy chưa có quy củ bằng Ðàng Ngoài. Ðại khái, theo Tục Biên, có những khoa sau đây :
a – Xuân Thiên Quận Thí (thi ở quận vào mùa Xuân). Trong 7 đời kể từ Nguyễn Hoàng cứ 5 năm học trò các huyện tới dinh trấn thi một ngày, làm một bài thơ, một bài văn. Quan phủ, huyện làm Sơ khảo, Ký lục bản dinh làm Phúc khảo. Ðỗ cho làm Nhiêu học, miễn sai dịch trong 5 năm, danh sách nộp Cai bạ. Ðược bổ Huấn đạo.
b – Thu Vi Hội Thí(thi Hội mùa Thu). Trong 9 năm học trò tới dinh Phú-xuân thi 3 ngày :
Kỳ 1 : 3 bài tứ lục
Kỳ 2 : 2 bài thơ phú
Kỳ 3 : 1 văn sách
Các quan phủ, huyện làm Sơ khảo, Cai bạ, Ký lục làm Phúc khảo, Vệ Úy quan làm Giám phúc, Ngoại Tả , Ngoại Hữu làm Giám thí. Chúa phê ba hạng, treo bảng trước công đường :
– hạng Giáp đỗ Hương cống, bổ Tri phủ, Tri huyện
– hạng Ất đỗ Sinh đồ, bổ Nho học, Huấn đạo
– hạng Bính cũng gọi là Sinh đồ, cho làm Lễ sinh, hoặc Nhiêu học suốt đời.
c – Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-47) mở khoa Chính đồ, 6 năm một khoa, thi ba ngày các môn thơ phú, tứ lục và văn sách. Người đỗ chia ra ba hạng :
– hạng Giáp, thi đỗ gọi là Giám-sinh, bổ Tri huyện, Tri phủ
– hạng Ất, gọi là Sinh-đồ, bổ Huấn đạo
– hạng Bính, cũng gọi là Sinh-đồ (Trần văn Giáp chép là Hoa văn), bổ Lễ sinh.
Khoa này có nhiều điểm giống Thu Vi Hội Thí.
d – Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-87) không cho khảo khoa Chính đồ và Hoa văn (thi viết chữ Hán, bổ lại điển) ở Thuận Quảng. Khoảng 40 năm không lấy một người Nhiêu học.
Ðặt khoa Thám phỏng, thi một ngày, hỏi việc binh, tình trạng quốc dân, việc vua Lê chúa Trịnh vv., người đỗ bổ Ty Xá Sai.
e – Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mở trường thi lấy Nhiêu học chỉ có một khóa, học trò bàn tán sôi nổi. Chúa đến công đường Chính dinh cho Phúc thí, học trò đều không thi. Chúa bèn truất bỏ cả không lấy đỗ một người nào.
Ðịnh lệ Ðiện thí, thi một bài thơ tùy cao thấp mà bổ chức, bắt cả các quan cùng thi.
f – Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) : Phép thi theo chế độ thi Hương (Tiểu Tỵ) 3 năm một khoa. Ðến năm Canh Tý không thi quận, chỉ thi mùa Thu.
Kỳ 1 3 bài tứ lục, đỗ cho làm Nhiêu học tuyển trường, miễn sưu dịch 5 năm
Kỳ 2 2 bài thơ phú
Kỳ 3 2 bài kinh nghĩa, đỗ cho làm Nhiêu học thi đỗ, miễn sưu dịch suốt đời
Kỳ 4 1 bài văn sách, đỗ là Hương cống, bổ Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo (13).
2 – Nhà Nguyễn kể từ vua Gia-Long (1802-1945) :
Khi mới thống nhất đất nước, Gia-Long dự tính ba năm một lần mở các khoa thi Hương, thi Hội, song vì công việc trị an bề bộn, mãi đến 1807 mới mở khoa thi Hương đầu tiên, sau đó 6 năm một khoa, còn thi Hội thì chưa tổ chức được.
Ðến thời Minh-Mệnh, chuyển sang văn trị, việc học được chỉnh đốn, có quy củ. Người đỗ thi Hương là Hương-cống nay đổi ra gọi là Cử-nhân, Sinh-đồ gọi là Tú-tài. Năm 1822, mở khoa thi Hội đầu tiên. Các đời sau sửa đổi ít nhiều như lúc thì chấm lối quán quyển, khi thì theo nhà Lê, mỗi kỳ một lần duyệt, tức là có đỗ trường 1 mới được vào thi trường 2 vv. Năm 1884, lại định rõ lệ “nhất Cử tam Tú”, nghĩa là cứ lấy một người đỗ Cử-nhân thì cho ba người đỗ Tú-tài.
Năm 1909, khoa cải cách đầu tiên, ngoài chữ Hán sĩ tử phải thi cả chữ quốc ngữ cùng các môn thi mới khác như địa dư, cách trí, tính đố vv. Chữ Pháp còn là môn thi tình nguyện.
Khoa 1915 là khoa thi Hương cuối cùng ở miền Bắc. Chữ Pháp trở thành môn thi bắt buộc.
Năm 1818 là khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức ở miền Trung.
Năm 1919 là khoa thi Hội và thi Ðình cuối cùng của toàn quốc.
3 – Tân chế :
Ðại lược việc tổ chức giáo-dục và thi cử đầu thời Pháp thuộc, với mục đích thay thế ảnh hưởng Nho học bằng ảnh hưởng Pháp.
6/6/1884 ký hòa ước Giáp Thân (Patenôtre) đặt lãnh thổ Việt-Nam dưới quyền Bảo hộ của Pháp.
24/2/1886 nghị định mở Trường Thông Ngôn Hà-Nội. Phải có học lực lớp nhất bậc Tiểu học và qua một kỳ thi tuyển. Năm 1904 Trường thông ngôn đổi tên là Trường Thành Chung (Ecole complémentaire), mở các ban Thông ngôn, Sư phạm, Thư ký hành chính. Học 4 năm lấy bằng Thành chung (Diplôme d’Etudes complémentaires). Từ 1886 đến 1915, các Thông ngôn, Thư ký có trình độ Pháp văn khá rất dễ xin cải ngạch ra làm quan như Nguyễn Hữu Bài, Ngô Ðình Khả vv. (14).
Từ 6/1/1898, Toàn quyền Paul Doumer đã ký nghị định cải cách Khoa cử, dự tính bắt đầu từ 1903, sĩ tử phải thi cả chữ quốc ngữ và chữ Pháp, song quyết định này không được thực hiện.
Năm 1903 mở Trường Hậu Bổ ở Hà-nội (sau đổi tên là Trường Sĩ Hoạn), dành cho các Cử-nhân, Tú-tài, Ấm-sinh từ 18 đến 30 tuổi.Phải qua một kỳ hạch tuyển, thi các môn Tân học bằng quốc ngữ và thi tiếng Pháp. Học ba năm chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán, thêm một năm tập sự tại các cơ quan hành chánh tỉnh rồi được bổ Huấn đạo hay Tri huyện. Năm 1917 thì trường bị bãi.
Các Giáo thụ, Huấn đạo, lúc đầu nếu học thêm quốc ngữ thì được làm Phụ giáo Tiểu học, dậy ở các tổng. Năm 1919, ra nghị định bãi các Giáo thụ, Huấn đạo nào chỉ biết có chữ Hán và quốc ngữ vì “không đủ trình dộ, tư cách làm thầy” (15), cho chuyển sang làm Trợ tá (một chức quan nhỏ giúp các Tri huyện) ; các Ðốc học thì chuyển sang làm Tri phủ, Bố chính.
Trường Cao Ðẳng Sư Phạm ở Hà-nội, lấy Cử-nhân, Tú-tài, Nhất, Nhị trường cho học quốc ngữ, toán, địa dư, cách trí để đào tạo các giáo viên Tiểu học, bổ ở các tổng.
Năm 1906, Hội Ðồng Học Quy đưa ra Tân nghị bỏ lối thi thơ phú, từ chương ở Bắc, đem tư tưởng Thái Tây vào. Phép thi thêm chữ quốc ngữ và chữ Pháp.
Năm 1907, đổi tên bộ Lễ ra bộ Học.
Năm 1908, Hội Ðồng Cải Cách Học Vụ quy định phép học, chia ra ba bậc :
1 – Ấu học,
ở các trường làng xã, học ba năm chữ quốc ngữ và chữ Hán, thi Tuyển sinh ;
2 – Tiểu học,
ở các phủ huyện, bỏ các môn thơ phú và câu đối, học 4 năm quốc ngữ và chữ Hán, do các Giáo thụ, Huấn đạo đảm trách, những môn học mới thì do các giáo viên Tân học dậy. Thi Khóa sinh ;
3 – Trung học,
ở tỉnh, chuẩn bị thi Hương, do các Ðốc học dậy chữ Hán, còn Pháp văn, quốc ngữ, địa dư, cách trí v.v. do các giáo viên trường Pháp Việt đảm nhiệm.
1908 nghị định mở Trường Trung Học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) ở làng Bưởi nên thường gọi là Trường Bưởi (đến 1945 đổi ra Chu văn An). Có hai cấp :
Cấp Tiểu học, thi bằng Tiểu học Pháp Việt ;
Cấp Cao đẳng Tiểu học, có các ban chuyên môn : Sư phạm, Hành chính,Thông ngôn, Thương mại. Thi bằng Thành chung.
Năm 1918, Học Vụ Tổng Quy định lại :
a – Tiểu họcchia ra ba cấp :
– Sơ học :học 3 năm, thi đỗ bằng Sơ học yếu lược ;
– Tiểu học :cũng học 3 năm, thi bằng Cơ thủy (Certificat d’études primaires) ;
– Cao đẳng Tiểu học : học 4 năm, thi bằng Cao đẳng Tiểu học.
b – Trung học : Học thêm hai năm thi bằng Tú tài bản xứ (Brevet de l’enseignement secondaire local), bằng này không có giá trị gì nhiều.
c – Ðại học : lần đầu mở năm 1908 nhưng vì giáo sư giảng toàn bằng tiếng Pháp, học trò không theo kịp nên một tuần sau đóng cửa. Về sau các trường Luật, Y, Dược mới lần lượt được thành lập ở Hà-nội. Ngoài các trường Ðại học còn có những trường đào tạo nhân viên chuyên môn về công nghệ.
Kết quả của Tân học lúc đầu chưa được khả quan như tiền nhân ta hi vọng : tuy học chữ Pháp, ta vẫn theo phương pháp học thuộc lòng cũ, chỉ chú trọng vào ý nghĩa rời rạc từng chữ nên phải đặt ra những câu có vần cho dễ nhớ :
Padđy lúa, mais ngô
Haricot đậu, sorpho kê tây
Bas bí tất, chaussures giầy…
chưa thực hấp thụ được tinh hoa của Tây học.
Mặt khác, mấy chục năm sau khi bãi Khoa cử, bỏ chữ Hán, người dân quê vẫn một lòng tôn trọng chữ của thánh hiền và khinh rẻ chữ quốc ngữ. Trần Duy Nhất kể lại lời một nông dân, trong Nam Phong :”Học làm quái gì cái chữ cò quăm mách qué ấy ? Chữ thánh hiền nào lại có chữ thánh thế ? Thánh nào lại dậy những con cua, con ốc ấy ? đến đàn bà, con trẻ cũng thừa biết nữa là” và ghi thêm :” Phải cưỡng bách (học quốc ngữ), đến nỗi coi chỗ học đường là giám thất, cái học là cái tội, phải bắt bớ, phải chạy bậy mới được thả ra”.
Ngoài ra, theo đuổi Tây học còn phải có tiền vì sách Tây, giấy Tây đều tốn kém. Nguyễn Tất Tế viết, cũng trong Nam Phong : “Tiền mồ hôi nước mắt làm nửa năm không đủ trả tiền học một tháng”.
Nguyễn Hữu Ðôn kết luận :”Vì chưa nhất trí thi hành Học Vụ Tổng Quy nên (từ khi chữ Hán bị bỏ) con trẻ chốn thôn quê ngơ ngác không biết lấy gì tập rèn, hầu như vô học” (16).
Tiếng rằng chính phủ Bảo hộ “mở mang dân trí”, nhưng theo Bằng Giang thì đến 1944 trẻ con Ðồng-nai còn thất học đến 90 % ; năm 1945, ở Nam kỳ, muốn học Trung học phổ thông, học trò 21 tỉnh phải lên Saigon, muốn học Ðại học phải ra Hà-nội, và chính Hà-nội cũng không dậy đủ các môn (17).
III – CÁC KHOA THI NGOẠI LỆ
Những khoa thi được ấn định từ trước : ba năm hay sáu, bẩy năm một khoa thì gọi là Chính khoa, ngoài ra còn có những khoa ngoại lệ mở bất thường :
Ân khoa được mở mỗi khi Hoàng gia có việc vui mừng như vua mới lên ngôi, sinh Hoàng tử, sinh nhật Hoàng thái hậu v.v. Nếu Ân khoa trùng vào năm có Chính khoa thì Chính khoa phải lùi lại năm sau mới được tổ chức.
Chế khoa (cũng gọi là Chế cử, Cát sĩ, Ðại khoa) đặt ra từ đời Ðường, vua thân ra đề bài đối sách để kén những người tài giỏi phi thường, khoa này được coi trọng hơn các khoa Tiến-sĩ. Ðời Tống đổi ra Hoành từ. Nước ta từ Lê Trung Hưng mới tổ chức Chế khoa. Thời Nguyễn, các Cử-nhân, Giám sinh, Học sinh, Giáo, Huấn, trúng Hạch đều được thi, do quan ở Giám và quan đầu Ty sát hạch. Phép thi 4 kỳ thêm Phúc thí như khoa Tiến sĩ.
Ðại tị, cũng như khoa Tiến-sĩ, có khi 3 năm, có khi 7 năm một kỳ.
Ðại khoa thường trỏ vào các khoa Tiến-sĩ, cũng có khi trỏ vào Chế khoa.
Ðông các, nhà Lê đặt ra từ buổi đầu, không có thể lệ nhất định. Ðề thi : làm một bài thơ Ðường luật hay thơ ngũ ngôn bài luật (thơ trường thiên), hoặc ký, hoặc luận, ca (bài hát), phán (phê phán một vấn đề). Cứ lệ thì quan từ tam phẩm trở xuống, có đỗ Hương, Hội, Ðình nguyên hay đỗ đầu Chế khoa thì mới được thi. Chỉ lấy đỗ dăm ba người, ân điển có phần trọng hậu hơn khoa Tiến-sĩ (18).
Gián khoa cũng là một khoa bất thường.
Hoành từ, như Chế khoa, chọn người văn hay, học lực cao sâu. Thời Lê Trung Hưng, thường tổ chức sau thi Ðình vài tháng.
Minh kinh là làm cho sáng tỏ nghĩa các kinh sách.
Nhã sĩ , thời Nguyễn do quan địa phương cử người có văn học tới Kinh sát hạch. 3 kỳ đầu thi toàn văn sách, kỳ Phúc hạch thi một bài giải, một bài thơ. Ân vinh tựa như khoa Tiến sĩ, không dựng bia.
Sĩ vọng (cũng gọi Hoành từ) sau đời Trung Hưng mới có, thường tổ chức sau thi Ðình mấy tháng, chọn những người có danh vọng trong sĩ phu để lấy những người bị bỏ sót ở các Ðại khoa. Ðề thi tùy tiện, hỏi thơ phú, sách, luận, tán, tụng, ca, châm v.v. không có cách thức nhất định. Từ 1625, phải đỗ Hương-cống, Cống-sĩ, mới được thi. Trúng tuyển bổ Tri huyện, Tự thừa, Tham nghị.
Thái học sinh, tựa như khoa Tiến sĩ.
Thủ sĩ : khoa 1434, kỳ 1, thi kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài, 300 chữ trở lên (19).
Ứng chế : lệ cũ Tiến sĩ vinh quy rồi lại đến Kinh thi thơ, luận ở cung điện, có hợp cách mới cho văn bằng (20).
CHÚ THÍCH
1 – Minh-Mệnh Chính Yếu, I, tr. 147-54.
2 – Thời xưa các quan bị vua trách phạt là chuyện thường, duy trường hợp Nguyễn Như Ðổ, sử chép bị trách nhiều lần – Sử Ký Toàn Thư , III, tr.187, 208, 211, 222, 225. Cương Mục, X, tr. 71, 81 ; XI, tr. 20, 23, 39.
3 – Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương, tr. 38.
4 – Lê Tắc, An-Nam Chí Lược, tr. 251.
5 – Sử Ký Toàn Thư, I, tr. 99, trích Hậu Hán Thư.
6 – Ngô Thì Sĩ,Việt Sử Tiêu Án, tr. 67 – Lê Quý Ðôn, Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 218, 254. Huỳnh Thúc Kháng chép là “Bích hải xuyên vân”.
7 – Phạm văn Sơn,Việt Sử Toàn Thư, tr. 326.
8 – Vũ Phương Ðề, Công Dư Tiệp Ký, I, tr. 33-36 : Khoa Ất Sửu (1565), kỳ đệ tứ, Nguyễn Hiển Tích không làm được bài xoay ra viết chơi về Lưu Hầu bằng quốc âm; lời lẽ tân kỳ. Khoa ấy ít người đỗ, vua dựa vào bản tâu đệ Kinh trước, cho lấy thêm Nguyễn Hiển Tích, khi những quyển thi đỗ gửi đến Kinh, hiểu rõ sự tình thì đã lỡ – Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan, tr. 30.
9 – Xin xem “Lối Xưa Xe Ngựa…” tr. 149-70. Paris : An Tiêm, 1995.
10 – Ngô Thì Chí, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tr. 119.
11 – Ðại Việt Sử Ký Tục Biên, tr. 432.
12 – Nguyễn Trọng Thuật, Nam Phong, số 182, 3/1933, viết rằng Quang-Trung mấy lần mở khoa thi ở Thanh, Nghệ, song Phan Huy Thực lại nói là chỉ mở có một khoa ở Nghệ (Thực Lục, XII, 114).
13 – Tục Biên, tr. 433 – Lê Trọng Ngoạn, Ngô văn Ban, Nguyễn Công Lý, Học Chế – Quan Chế, tr. 25.
14 – Làng Hành-thiện, tr. 266.
15 – Nam Phong, số 21, 3/1919.
16 – Trần Duy Nhất, Nguyễn Hữu Ðôn, Nguyễn Tất Tế, Nam Phong, số 21, 3/1919, số 47, 5/1921.
17 – Bằng Giang, Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, tr. 158-9.
18 – Phan Huy Chú, Khoa Mục Chí, tr. 17.
19 – Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, tr. 61.
20 – Phan Huy Chú, Khoa Mục Chí, tr. 18.
Nguyễn Thị Chân Quỳnh