Giả thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc các họ của người Việt, đó là ban đầu người Việt không có họ, trong thời Bắc thuộc, khi sống trong sự cai trị của người Hoa Hạ, thì người Việt mới bắt đầu có họ, tiếp nhận trực tiếp các họ của người Hoa Hạ. Tuy nhiên, thì các bài viết đề xuất giả thuyết này thường mặc định rằng các đặc trưng văn hóa của người Việt đều có thể tìm thấy nguồn gốc từ Trung Hoa, chưa có sự tiếp cận về các ghi chép của người Việt trong các sách cổ.

Thực tế, trong các sách cổ như sách Lĩnh Nam chích quái, tác phẩm được viết vào thời nhà Trần, chép lại thành văn các truyền thuyết thời Hùng Vương và sau đó được truyền trong dòng văn hóa dân gian, đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc họ người Việt trong lịch sử thời tiền Bắc thuộc. Các truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái chép lại khá chi tiết về lịch sử, văn hóa, phong tục của người Việt thời Hùng Vương, trong đó bao gồm các thông tin về họ của người Việt trong thời kỳ này.

Khi tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc, chúng tôi đã nhận thấy rằng các truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái có sự tương đồng và chính xác với các nghiên cứu di truyền, khảo cổ về nguồn gốc dân tộc, những phong tục trong truyện vẫn còn có thể thấy được ở văn hóa người Việt ngày nay, vì vậy, bắt đầu từ sự xác định cơ sở tiếp cận về sách Lĩnh Nam chích quái, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu về nguồn gốc họ của người Việt thông qua các câu chuyện được chép trong sách này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ xác định những cơ sở về nguồn gốc dân tộc, để có thể thấy được một nguồn gốc khác của các họ người Việt và người Hoa Hạ.

1. Cơ sở tiếp cận về sách Lĩnh Nam chích quái:

Lĩnh Nam chích quái là cuốn sách chép lại về các truyền thuyết thời Hùng Vương được truyền trong văn hóa dân gian, chúng tôi đã thực hiện khảo cứu trong nhiều bài viết khác [1][2][3], qua sự đối chiếu, so sánh với các nghiên cứu di truyền, khảo cổ về nguồn gốc người Việt, kết quả cho thấy những ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái rất gần với thực tế lịch sử các thời kỳ Hồng Bàng và Hùng Vương. Các phong tục, tập quán được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng có thể tìm thấy dấu tích trong tư liệu khảo cổ thời Hùng Vương, và nhiều phong tục hiện vẫn được người Việt duy trì trong văn hóa của dân tộc mình. Các cơ sở nghiên cứu này đã chứng minh các truyền thuyết thời Hùng Vương được truyền trong dân gian, sau mới được ghi thành văn vào thời nhà Trần trong sách Lĩnh Nam chích quái, những ghi chép này lưu giữ được cốt truyện và các chi tiết chính xác về thời Hùng Vương.

Cơ sở thực tế của những truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái qua sự chứng minh của chúng tôi, là cơ sở để chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn gốc họ của người Việt, đây cũng là ghi chép hầu như sớm nhất và duy nhất về đời sống cổ của người Việt thời Hùng Vương, từ các câu chuyện trong Lĩnh Nam chích quái, chúng ta sẽ được biết rằng người Việt thực sự đã có họ từ trước thời Bắc thuộc.

2. Họ của người Việt đã có từ thời Hùng Vương:

Ngay từ tiêu đề câu chuyện họ Hồng Bàng “鴻龐氏傳” – Hồng Bàng thị truyện, đã cho thấy ý thức về dòng họ đã xuất hiện. Sau đó, truyện họ Hồng Bàng cũng nhắc lại về “họ Hồng Bàng”, cho chúng ta thấy được chế độ phụ hệ tổ chức theo dòng họ ở người Việt đã có từ rất sớm, nó cũng tương ứng với chế độ phụ hệ đã xuất từ sớm của người Việt trong vùng Dương Tử. [4]

Trong truyện Trầu Cau, thì truyện nhiều lần nhắc tới các dòng họ: “Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trạng mạo cao lớn, Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang, học với thầy Đạo sĩ họ Lưu.” [5]

Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em.” [5]

Như vậy truyện này đã chép về hai họ: Cao và Lưu, đây là hai họ có thể nằm trong những họ cổ nhất của người Việt.

Truyện trầu cau lại chép: Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.” [5]

“Lưu thị” cũng tương tự như “Hồng Bàng thị” là ý thức về dòng họ, nó thể hiện rằng người phụ nữ trong truyện là người của dòng họ Lưu, đây là cách gọi mà tới tận ngày nay, người Việt vẫn sử dụng khi đặt tên cho nữ giới.

Trong truyện Đầm Nhất dạ chép rằng: “Lúc bấy giờ Đầm Nhất Dạ có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc.” [5]

Truyện này cho thấy người Việt có cả họ Chử, trong tên của Chử Đồng Tử và mẹ là Chử Vy Vân, sau chi tiết này, truyện gọi ngắn tên của Chử Đồng Tử thành Đồng Tử, chứng tỏ Chử là họ của các nhân vật này.

Truyện dưa hấu chép: “Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.; Vương đặt tên là Yển, tên chữ là An Tiêm (vậy Mai là họ) và cho một người thiếp, sinh được một trai, Vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quý, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn…” [5]

Mai An Tiêm là người ngoại quốc, nhưng được vua Hùng ban họ và đặt tên cho, tên là Yển hoặc An Tiêm, họ là Mai. Như vậy, Mai nhiều khả năng cũng là một họ của người Việt.

Truyện Lý Ông Trọng chép: “Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.” [5]

Họ Lý trong ghi chép này nhiều khả năng cũng đã có từ cuối đời Hùng Vương, chứ không phải sau thời Hùng Vương người Việt mới có.

Đây là tất cả những ghi chép trong sách Lĩnh Nam chích quái cho thấy có họ tên. Các chi tiết này cho chúng ta thấy người Việt đã có họ, bao gồm các họ như sau: Cao, Lưu, Chử, Mai, Lý. Tất cả các họ này ngày nay người Việt vẫn còn sử dụng, họ Cao cũng là một trong những dòng họ của người Mường.

3. Họ của người Hoa Hạ và họ của người Việt:

Phần lớn các họ người Việt ngày nay đều có thể truy nguyên nguồn gốc từ các họ của người Hoa Hạ, nhưng qua sự khảo cứu từ sách Lĩnh Nam chích quái, có thể thấy không ít họ của người Việt ngày nay có nguồn gốc từ thời kỳ Hùng Vương. Bên cạnh đó, thì sự ảnh hưởng văn hoá giữa hai nền văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ cũng không phải là một chiều, nên ngoài các họ này, còn có thể có nhiều họ khác có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, hoặc văn hóa tộc Việt, sau đó được người Hoa Hạ tiếp nhận, và ảnh hưởng ngược trở lại với người Việt.

Trong quan niệm thường thấy, không ít người thường mặc định rằng tất cả đặc trưng của người Việt đều có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, nên họ cũng cho rằng tên họ người Việt có nguồn gốc Trung Hoa, nhưng thông qua tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc, chúng ta đã biết được rằng người Việt có một tiến trình phát triển liên tục trong nhiều nghìn năm ở vùng Đông Á [6], trong tiến trình phát triển, từ văn hóa Đông Á cổ tới văn hóa tộc Việt, họ đã có những giai đoạn có ảnh hưởng tới văn hóa vùng bắc Đông Á và các triều đại Hoa Hạ [7], theo các nghiên cứu, thì người Hoa Hạ cũng mượn một số sáng tạo của người Việt như 12 con giáp [8], tên 12 con giáp được người Hoa Hạ mượn từ người Việt, tuy nhiên, sau đó người Việt lại mượn tên gọi 12 con giáp của người Hoa Hạ, từ đó, có thể thấy ảnh hưởng có thể là hai chiều, có những di sản ngày nay của Trung Hoa có nguồn gốc từ tộc Việt trước, chứ không chỉ một chiều: Trung Hoa là người cho, còn người Việt là người nhận.

Vì vậy, các họ tên của người Việt và người Hoa Hạ đều có thể có nguồn gốc từ thời cổ đại, một số tên họ có sự chia sẻ ở cả hai nền văn hóa trong giai đoạn sớm của lịch sử. Ở văn hóa tộc Việt, họ xuất hiện sớm nhất có lẽ tương ứng với văn minh vùng Dương Tử, với chi tiết “Hồng Bàng thị” trong truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt, tiếp tục hình thành và kế thừa xuyên suốt thời Hùng Vương. Từ đây, có thể đề xuất rằng không phải tất cả họ của người Việt đều có nguồn gốc từ người Hoa Hạ, các họ mà chúng tôi đã tổng hợp được từ sách Lĩnh Nam chích quái cho thấy người Việt đã có họ, và các họ này nhiều khả năng là do người Việt tự tạo nên, chứ không phải mượn của người Hoa Hạ trong thời Bắc thuộc.

4. Kết luận:

Qua việc tìm hiểu về nguồn gốc họ người Việt trong sách Lĩnh Nam chích quái, có thể thấy được người Việt trong thời kỳ Hùng Vương đã có họ, với 5 họ đã được liệt kê trong các truyện, đó là các họ Cao, Lưu, Chử, Mai, Lý, ngoài các họ này, có thể còn có nhiều họ cổ khác mà chúng ta vẫn nghĩ rằng có nguồn gốc từ Trung Hoa, thực ra lại có nguồn gốc từ tộc Việt. Nguồn gốc dân tộc đã cho chúng ta thấy những ảnh hưởng không chỉ một chiều từ văn hóa Hoa Hạ tới văn hóa tộc Việt, mà còn có chiều ngược lại, vì vậy, các họ cũng nằm trong hai chiều ảnh hưởng đó, nó không nhất thiết tất cả đều có nguồn gốc từ người Hoa Hạ. Chưa kể, những sự tương đồng còn tới từ vấn đề người Hán nam Đông Á có nguồn gốc gần gũi với người Việt [9], nên một số họ của Trung Quốc và Việt Nam đồng nhất chủ yếu là ở nội bộ các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt các vùng. Vậy nên, chúng ta có thể kết luận rằng người Việt nhiều khả năng đã có họ trước thời Bắc thuộc, không phải không có họ như đề xuất của một số ý kiến và bài viết về nguồn gốc họ của người Việt.

Minh họa: Ton Bui.


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Hồng Bàng thị có phải ‘truyền thống được kiến tạo’ hay không? https://luocsutocviet.com/2021/10/14/560-hong-bang-thi-co-phai-truyen-thong-duoc-kien-tao-khong/

[2] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/

[3] Lang Linh (2020), Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[4] Lang Linh (2021), Người Việt theo chế độ phụ hệ từ khi nào?
https://luocsutocviet.com/2021/05/05/529-nguoi-viet-theo-che-do-phu-he-tu-khi-nao/

[5] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[6] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[7] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/

[8] Ngữ hệ Nam Á và nền văn minh sông Dương Tử.
https://luocsutocviet.com/2021/09/28/552-ngu-he-nam-a-va-nen-van-minh-song-duong-tu/

[9] Lang Linh (2020), Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

Lang Linh

Theo luocsutocviet