Văn phòng giao dịch trưng bày sản phẩm gạch bông Đời Tân trên đường Trần Hưng Đạo, building to lớn là khách sạn Victoria của ông Nguyễn Tấn Đời cho Mỹ thuê. Ảnh: Manhhaiflicks
Nhớ hồi nhỏ, đâu vào sau Tết Mậu Thân, nhà thằng bạn làm lò kẹo đậu phộng, đập bỏ xây lại thành một ngôi nhà đúc bốn tầng. Mặt tiền ốp gạch mosaic, sàn lát gạch bông, nhưng ông thầu khoán không làm đúng ý chủ. Cuộc cãi vã giữa cha thằng bạn và ông chủ thầu không còn trong bàn trà nữa mà lan rộng ra xóm. Người lớn, con nít bu lại nghe ngóng xem chuyện gì mà lại lớn tiếng. Thì ra là chuyện gạch bông lát sàn nhà.
Ông thầu nhăn mặt nhíu mày, cố phân trần do hàng của hãng Ðời Tân khan hiếm, muốn có gạch phải đợi đến hai ba tuần, thợ thầy chẳng lẽ ngồi chơi, nên ông tìm gạch hãng khác nhưng phẩm chất cũng như nhau, chớ ai mà ăn xén ăn bớt trong đó. Ông Hai Taxi nhà cạnh bên nghe tức cành hông, xen vào nói bênh: “Gạch bông Ðời Tân nổi tiếng, người Sài Gòn ai chẳng biết, đã thỏa thuận sao thì làm vậy, chớ cớ gì làm khác đi, hỏi chủ sao không nổi giận. Làm ăn phải có cái tâm một chút. Ðây, các ông sang nhà tôi xem, lát toàn gạch bông Ðời Tân, càng lau càng bóng, màu sắc mượt mà đâu thua gạch bông nhập cảng từ bên Tây hồi trước”.
Lúc đó, tôi nào có biết gạch của hãng này hãng nọ, gạch nào tốt gạch nào không. Tôi thấy gạch bông của ông thầu đang cho nhân công bóc trả lên xe tải màu sắc cũng đẹp cũng sáng bóng, trông thấy mà ham. Với tôi hay nhiều nhà của bạn bè nhỏ trong xóm, gạch bông là niềm ao ước, mong sao cha mẹ có tiền lát lại cái nền nhà tráng xi măng xám xịt để mỗi tối lăn mình ra ngủ trên nền gạch cho mát cái lưng.
Mãi cho đến sau này, ra đời đi làm tôi mới biết viên gạch bông tốt là như thế nào. Một lần tôi về Thạnh Phú, ghé Huỳnh Phủ — ngôi nhà rường kiến trúc truyền thống đẹp nhất Bến Tre đang trong tình trạng xuống cấp, để ghi lại hình ảnh (mà sau này tôi đưa vào cuốn sách “Nhà xưa Nam bộ”.) Vừa lúc chuyện vãn xong, thì nghe người con trai của gia chủ nói phía dưới đường lộ người ta phá dỡ gần xong ngôi nhà Phủ Kiểng. Chuyện không tìm mà tự dưng đến.
Di ảnh ông Nguyễn Tấn Đời. Ảnh: Internet
Ðốc phủ Kiểng danh tiếng một thời, và cũng tai tiếng một đời, người dân cố cựu Bến Tre ai mà không biết. Tôi thì chỉ biết qua một ít tư liệu về ông Ðốc Phủ, về dinh cơ đồ sộ của ông nay phải phá đi, nhường phần đất không biết để làm công trình gì. Ông đã thành người thiên cổ từ lâu. Ngôi dinh thự kiểu Tây đẹp tuyệt vời với tuổi đời trăm năm tan biến trước mắt tôi, còn chăng là tấm sàn nhà to rộng loang lổ vài ba miếng gạch bông sót lại. Ngồi quán cóc ven đường uống ly cà phê với người chủ thu mua thanh lý mặt hàng xây dựng, tôi thấy phía sau quá trời gạch bông chất thành đống vuông đang được nhân công bốc xếp lên xe tải. Không chỉ có gạch bông mà còn ngói đỏ, loại ngói móc, mặt sau in chìm hai chữ Ðời Tân. Nhâm nhi ly cà phê chỉ để chuyện vãn với ông ta tôi mới biết ngôi nhà Phủ Kiểng đã được trùng tu lại phần mái ngói sau này.
Gạch ngói Ðời Tân có tiếng từ đầu thập niên 1960 tại Sài Gòn và lan ra các tỉnh Nam bộ. Ông cầm tấm ngói đưa tôi xem, lấy miếng giẻ lau lớp mốc đen xỉn lốm đốm trên đó, một màu sắc đỏ hồng tươi tắn hiện ra, đoạn lấy ngón tay búng vào tấm ngói. Tiếng kêu vang giòn chắc nịch, chứng tỏ độ bền của ngói còn tốt lắm. Mua loại hàng phế liệu xây dựng, trúng vào những loại gạch ngói của các hãng có tiếng thì lãi to. Nhiều người cất nhà cửa, họ thích tìm mua những loại vật liệu xưa để có được phẩm chất vật liệu tốt. Cũ người mới ta, biết gốc gác vật liệu, biết tận dụng, tiết kiệm được tiền vật tư mà ngôi nhà vẫn đẹp như thường. Tôi đồng ý với ông điểm này; chẳng qua là bản thân tôi là người hoài cổ. Và nói cho công bằng thì chất liệu sản phẩm ngày xưa tốt hơn nhiều so với chất liệu ngày nay. Chẳng hạn, tấm gạch bông hoa văn trang nhã kia, trăm năm trước, ông Phủ Kiểng cho nhập từ Pháp về lát sàn nhà, đến nay vẫn không phai màu sắc, vẫn đẹp hơn nhiều so với thời điểm thập niên 1990, vật liệu lát sàn bùng nổ loại gạch ceramic màu trơn khổ to bóng láng rất dễ trơn trượt khi lau chùi.
Chuyện quanh bàn cà phê có vậy thôi mà dường như ông tìm được một tâm hồn đồng điệu để giãi bày chuyện nghề, chuyện đời, chuyện làm ăn, một cách thoải mái. Ông đưa tôi tấm danh thiếp: “Hai Chánh. Vựa vật liệu xây dựng thanh lý. Bình Tân”. Ông từng làm công cho hãng gạch Ðời Tân ngay sau khi chân ướt chân ráo lên Sài Gòn kiếm sống. Ông kể: “Khi đó tôi còn là một thanh niên tàn phế mất một bàn chân trong lần đi đào hang bắt chuột đạp phải mìn, may mà không chết. Ông trời có lẽ rủ lòng thương cho một người tàn tật, tôi tình cờ gặp người bạn cùng quê làm công nhân kho hàng trên bến Bình Ðông, anh ta chỉ tôi đến hãng gạch ngói Ðời Tân gần đấy đang cần thuê mướn công nhân ép khuôn gạch bông”.
Việc nặng nhẹ gì ông làm cũng được miễn có tiền thuê chỗ ở, lo ngày ba bữa ăn là đủ. Xách chiếc xe đạp của người bạn cho mượn, vội chạy đến hãng gạch Ðời Tân ghi danh xin việc. Viên quản lý, nhìn thấy ông đi khập khiễng, nghi ngại nói qua loa, công việc cần người nhanh nhẹn. Ông cố thanh minh rằng, công việc ép khuôn làm bằng tay, người ta làm được thì ông làm được. Viên quản lý vẫn quyết tâm từ chối, đang nói chuyện nửa chừng thì dừng lại, mặt tươi cười, nói: “Chào ông chủ”. Ðến đây thì tôi ngây người ngạc nhiên, không biết ông ta nói chuyện với ai. Vừa lúc đó, một người đàn ông cao to, trán rộng, đeo kính trắng, ăn vận áo sơ mi trắng cộc tay, quần tây xám trông rất bình dị tiến đến, hỏi chuyện thu nhận nhân công. Ông nhìn tôi, rồi cầm tờ đơn trên bàn, xem lướt qua, chợt hỏi: ‘Cậu, có thân nhân ở Sài Gòn không?’ ‘Thưa, không ạ.’ ‘Quê ở Long Xuyên à?’ ‘Dạ, ở quê lên Sài Gòn tìm việc.’ ‘Tôi cũng là người Long Xuyên.’ Nói rồi ông nhìn tôi từ đầu đến chân, vỗ vai viên quản lý, nói khẽ ‘cho anh ta vào tổ ép khuôn phụ việc đi’. Lòng tôi mừng thầm, nhìn theo bóng ông khuất sau cánh cửa. Có lẽ ông chủ cảm thông tôi là người đồng hương”.
Hai Chánh vào phụ việc tại phân xưởng ép khuôn một thời gian ngắn, rồi lên làm thợ. Vào thời gian giữa thập niên 1960, nhu cầu gạch bông lát sàn nở rộ khắp nơi. Nhiều hãng gạch bông khác cạnh tranh ráo riết với hãng Ðời Tân nhưng đơn đặt hàng từ các đại lý cứ gởi đến Ðời Tân ào ạt. Những lần cùng đồng nghiệp theo xe mang hàng gạch mẫu trưng bày ở văn phòng giao dịch gạch Ðời Tân trên đường Trần Hưng Ðạo, ông mới tận mắt thấy những toà khách sạn hoành tráng mà ông chủ Nguyễn Tấn Ðời xây cho Mỹ thuê. Chuyện lập nghiệp của ông Nguyễn Tấn Ðời từ quê lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng trở thành đề tài sôi nổi; báo chí thuở đó ca ngợi nào ông là vua khách sạn, vua chuyển ngân, vua ngân hàng…
“Nói hai bàn tay trắng thì cũng hơi quá. Không có bột sao gột nên hồ”. Tôi nhớ ông Hai Chánh trầm ngâm bên ly cà phê kể lại câu chuyện từng nghe các đồng sự ở hãng gạch Ðời Tân nhỏ to. “Nguyễn Tấn Ðời xuất thân từ gia đình địa chủ, ít nhiều gì cũng có tài sản trong tay để dựng sự nghiệp ban đầu. Ðiều quan trọng là ông dám nghĩ dám làm, từ những công việc nhỏ nhất khi khởi nghiệp đạp xe đi căng dây lấy mực cho thợ lót nền lợp mái, cho đến tầm nhìn xa trông rộng của người làm kinh doanh, dự đoán được nhu cầu tiêu dùng sản phẩm để mở rộng làm ăn sang các lãnh vực khác. Thí dụ như thu hẹp sản xuất ngói mái ở lò Dĩ An, tập trung mở rộng năng suất sản phẩm gạch bông lát sàn với quy mô lên đến 500,000 viên/năm, một con số sản xuất lớn vào thời đó, khi nhận ra nhu cầu xây cất nhà của dân chúng khắp nơi tại Sài Gòn.
Hai Chánh làm việc cho hãng gạch Ðời Tân kéo dài cho đến lúc bất ngờ Tín Nghĩa ngân hàng bị sụp đổ vào năm 1973. Ông Nguyễn Tấn Ðời bị chính quyền bắt nhốt vào nhà lao Chí Hoà. Bao nhiêu tài sản, của cải ông Ðời gầy dựng từ bao nhiêu năm bị niêm phong, tịch thu toàn bộ, kể cả các xưởng gạch và các toà khách sạn. Lúc đó, “Tui không biết tai ương gì đã xảy ra đổ lên đầu ông chủ, chỉ thấy báo chí thuật lại do đi đêm với cộng sản, tìm thấy trong chiến khu có nhiều xấp tiền niêm tên của ngân hàng Tín Nghĩa.”
Chuyện gài bẫy, đổ oan, những giai đoạn từ lúc hàn vi cho đến chuyện làm ăn lên như diều gặp gió, được ông Nguyễn Tấn Ðời ghi lại bằng cả chân tình của mình trong cuốn hồi ký cuối đời. Người nào chưa đọc thì nên đọc để chiêm nghiệm cuộc đời, để thấy được tầm nhìn của người có đầu óc kinh doanh. Kể cả khi trắng tay nơi quê nhà, sang xứ người khó khăn đầy rẫy nhưng vẫn làm nên nghiệp lớn. Dẫu nay ông đã ra đi nhưng những gì ông để lại đều sống mãi trong ký ức của người Sài Gòn, nhất là nhà nào còn sàn gạch bông Ðời Tân bền đẹp. Nó còn có ý nghĩa đổi mới cuộc đời khi ông bước chân lên Sài Gòn bắt đầu với nghề làm gạch.