Làm quan qua ba đời vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Khởi đầu sự nghiệp làm quan với chức Hành tẩu Sử quán, sau thăng Hình Bộ Tham tri Thự Tổng đốc, rồi đến Binh Bộ Thượng thư nhưng sau đó lại bị giáng xuống làm anh lính canh. Con đường công danh trầy trật, thăng giáng liên miên, để rồi đến cuối sự nghiệp, ông về hưu với hàm Thừa Thiên Phủ doãn. Ấy vậy mà khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông cụ 80 tuổi nhưng vẫn hiên ngang ra xin vua cho đi đánh giặc. Sinh thời ông là một con người kiệt xuất và đa tài, là nhà thơ, là võ tướng có tài kinh bang tế thế và là nhà soạn nhạc tài tình.

Thân thế sự nghiệp

Nguyễn Công Trứ 阮公著 (1778-1858) tự Tồn Chất 存質, hiệu Ngộ Trai 悟齋, biệt hiệu Hi Văn 希文, xuất thân trong một gia đình Nho học, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân từng làm tới tri phủ thời Lê. Sau khi quân Tây Sơn ra chiếm Thăng Long, Nguyễn Công Tấn đứng lên khởi nghĩa phất cờ “phù Lê” chống lại nhưng không thành. Ông mang gia đình về quê và mở trường dạy học.

Nguyễn Công Trứ lớn lên trong cảnh nghèo nàn, sau ba lần thi Hương, ông mới thi đậu Giải nguyên lúc 41 tuổi và được bổ đi làm quan năm 42 tuổi.

Ông hăm hở lên đường để trả nợ công danh, nhưng con đường hoạn lộ của ông thì thăng trầm với bao nhiêu vinh và nhục. Trong 28 năm làm quan cho nhà Nguyễn ông đã giữ 26 chức vụ khác nhau, từ chức vụ Hành tẩu là chức vụ thấp nhấp trong quan trường cho đến những chức vụ cao nhất như Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Hải An, Phủ Thừa phủ Thừa Thiên, Dinh điền sứ, hai lần làm chánh chủ khảo trường thi. Tuy là quan văn, nhưng bốn lần ông được phong làm tướng cầm quân, 3 lần dẹp loạn, 1 lần đánh quân Xiêm. Ông đánh đâu thắng đó, nên được người đương thời tôn vinh là Uy Viễn tướng quân. Ông được vua Minh Mạng ban thưởng và còn gọi ông là “Nho tướng”.

D:\WORK\Kultur\Hien_Kultur\VN_NguyenCongTru\Fotos\NguyenCongTru 2.jpg

Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 8 (1827) trấn Nam Định cấp báo, ngày 11 bọn phỉ thủy bộ tiến đến xã Hội Khê, huyện Vũ Tiên, Phó thống thập cơ Oai thắng của hậu quân là Phan Bá Hùng đem binh tượng chống cự; Phó Thống thập cơ Hùng dũng của Hữu quân là Phan Đình Bảo và Tham tán Nguyễn Công Trứ đem biền binh của các dinh, vệ, cơ từ huyện Thư Trì thẳng đến phủ Kiến Xương hội nhau truy tiễu. Quan Bắc thành đem việc tâu lên. Vua sai thưởng Bá Hùng gia một cấp quân công, Đình Bảo và Công Trứ đều hai thứ kỷ lục quân công. Cũng theo Châu bản triều Nguyễn, tháng 2 năm đó, vùng Nam Định có Phan Bá Vành chia phái đồ đảng ngăn chặn các đường thủy bộ ở huyện Thư Trì, vua sai Nguyễn Công Trứ cùng với quan Thống quản Phạm Văn Lý đi tiễu trừ. Ông đánh mấy trận, Phan Bá Vành thua rút về Trà Lũ, quân ông thẳng đến vây đánh, bắt được Phan Bá Vành và đồ đảng. Vua được tin hết sức vui mừng, xuống chiếu ban thưởng. Ngay trong năm sau, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), theo sách Đại Nam thực lục, Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ khi đang là Thị lang bộ Hình. Từ đó, ông chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang tại các nơi duyên hải Nam Định, Ninh Bình. Công việc kinh lý chỉ hơn một năm mà lập được hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn. Đây là di sản quý giá và cũng là công lao lớn nhất của ông trong sự nghiệp kinh bang tế thế của mình.

28 năm hoạn lộ thăng trầm

Ông bị bốn lần giáng cấp vì bị vu cáo và có lần bị kết tội “trảm giam hậu”, giam lại rồi chém sau, vì dám trái lệnh vua Minh Mạng. Một lần bị đầy xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi vào năm 1843. Ông không buồn mà nói “làm tướng, tôi không lấy làm vinh, thì nay làm lính, tôi cũng không lấy làm nhục”. Đối với Nguyễn Công Trứ chữ công danh không phải chỉ đơn thuần là danh và lợi. Ông ra làm quan chỉ để có đất dụng võ, để thi thố tài năng của mình và là nơi để trả nợ tang bồng với hoài bão là để lại tấm lòng son sắt cho ngàn sau.

Nguyễn Công Trứ không chỉ là một con người có tài văn và võ mà ông còn là một người có tài kinh bang tế thế (trị nước cứu đời). Được vua cử làm Dinh điền sứ (1828), ông đã có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, di dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, đắp đê lấn biển, lập lên hai huyện mới Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình) và Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình). Dân hai huyện nhớ ơn ông đã lập đền thờ ngay lúc ông còn sống.

Về văn chương, ông là một nhà thơ xuất chúng đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp khá phong phú: 1 bài phú (Hàn nho phong vị phú), 52 bài thơ đường luật, 63 bài hát nói, 21 đôi câu đối Nôm, 2 bản tuồng (Tửu hội và Lí Phụng Công). Tuy là người theo Nho học giỏi chữ Hán, nhưng ông chỉ làm một bài thơ duy nhất viết bằng chữ Hán (Thất thập tự thọ) còn lại toàn bằng chữ Nôm. Chủ yếu thơ của ông tập trung vào ba đề tài: chí làm trai, thế thái nhân tình và triết lý hưởng lạc. Ngôn ngữ trong thơ mộc mạc, dân dã nên dễ đi vào dân gian và lúc nào trong thơ cũng thể hiện một tinh thần lạc quan, khí phách hào hùng và nhiều khi ngang tàng. Đặc  biệt ông làm rất nhiều bài hát nói hay còn gọi là ca trù. Đây là một thể tổng hợp giữa thơ và ca nhạc, có tính chất phóng khoáng tự do, không gò bó nên dễ gởi gắm vào đó tâm sự hay hoài bão của tác giả. Mặc dù hát nói đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, nhưng phải đợi đến thế kỷ thứ 19, với sự tài tình của ông, hát nói đã trở thành một nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Có thể nói Nguyễn Công Trứ đã có công hoàn thiện hát nói. Những bài hát nói tiêu biểu như Vịnh Tỳ bà hành, Chí làm trai,  Bài ca ngất ngưởng, Ngày tháng thanh nhàn , Yêu hoa,  Duyên gặp gỡ, Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Kiếp nhân sinh,.… vẫn là những bài ca được yêu thích và được phổ biến trong nhân gian cho đến ngày hôm nay.

D:\WORK\Kultur\Hien_Kultur\VN_NguyenCongTru\Fotos\Đền thờ ở Kim Sơn.jpg

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình

Ông đã dâng sớ 6 lần xin triều đình giữ nghiêm luật lệ, nghiêm trừ giặc cướp và nghiêm trị nạn cường hào ác bá. Nên ông bị bọn quyền thần trong triều ghen ghét. Có lần bị vu cáo, ông bị đầy xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi. Ít lâu sau ông được giải oan và được phục chức. Mặc dù con đường lập công danh thật nhiều gập ghềnh, nhưng ông lúc nào cũng chứng tỏ tinh thần nhập thế hành đạo tích cực của mình là giúp người, giúp đời, lập công nơi chiến trường mang lại bình yên cho trăm họ.

Việc bị cách tuột làm lính thú ở biên thùy là điểm tới đáy trong hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ. Chỉ hai năm sau, theo Châu bản triều Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông được khởi phục làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang, rồi lại đổi quyền Viên ngoại lang Đại lí tự; và sau đó một năm (1846), có chỉ cho ông tạm quyền Án sát Quảng Ngãi , được vài tháng bổ thụ Phủ thừa phủ Thừa Thiên, đến năm Thiệu trị thứ 7 thì được thăng Thự Phủ doãn Thừa Thiên. Khi ấy ông vừa 70 tuổi, lấy niên lệ xin về quê hưu trí, nhưng vua Thiệu Trị không cho. Sang năm đầu niên hiệu Tự Đức (1848), ông lại dâng sớ xin lần nữa. Vua nghĩ thương tình bậc lão thần, công trạng đã nhiều, tuổi tác lại cao, bèn chuẩn cho về hưu trí và cho thực thụ hàm Thừa Thiên Phủ doãn. Chính vì vậy, ông đã “tổng kết” lại cuộc đời mình trong bài hát nói “Bài ca ngất ngưởng” một cách ngông nghênh, thành thật, như chính bản chất con người ông:

“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cầm cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên…”

Nguyen Cong Tru: Chon ngay trang tron ru truong danh loi

Nguyễn Công Trứ với thú hát ả đào

Trong thực tế cuộc đời, Nguyễn Công Trứ là người có nhiều tài, cái tài nào cũng để lại dấu ấn trong lịch sử, trong dư luận, trong các giai thoại: tài khai khẩn, tài quân sự, tài kinh luân, tài trị nước, xếp đặt giang sơn, tài học vấn, tài cầm quân dẹp giặc; tài nghệ thuật: cầm, kỳ, thi, hoạ…Và cái tài nào cũng là thiên bẩm, là tính tự nhiên: Trời đất cho ta một cái tài. Dắt lưng dành để tháng ngày chơi…”.  Một trong những cái tài đáng nói, đáng bàn cũng không thể bỏ qua, đó là cái tài hát xướng, mà người đời cho rằng là tài ngông.

Hành động Nguyễn Công Trứ ôm đàn, quảy gánh đi theo theo đào nương để tỏ lòng ái mộ; đánh xe bò đi ngao du sơn thủy, dắt ả đào lên chùa v.v. đều là những việc đều là khác đời để “làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ ”. Khác với các nho sỹ thời ấy, tỏ tình bằng mảnh giấy hoa tiên, bằng những lời thơ châu ngọc, Nguyễn Công Trứ có một cách tỏ tình tha thiết, chân thành mà cũng rất cụ thể: khi say mê nàng Hiệu Thư, ông đã đi theo gánh hát, làm chân gãy đàn và gánh rương quần áo cho người đẹp; khi tỏ lòng yêu mến với tri âm, tri kỷ thì sống hết mình.

Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng bò. 73 tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:

Năm mươi năm trước, anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)

Năm 1858 khi ông 80 tuổi, thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, ông xin vua Tự Đức đi đánh giặc. Nhưng ông chưa kịp lên đường, thì mất vào tháng 11 năm đó.

Với quan niệm sống tích cực, ông chọn “hành động” làm kim chỉ nam cho đời mình. Ông coi mọi chuyện trên đời, mình đều phải có trách nhiệm: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”. Ông không từ nan một việc gì. Đang từ một thư sinh trói gà không chặt, ra làm quan văn rồi được phong làm tướng cầm quân, ông vẫn hăng hái lên đường ba lần dẹp loạn để an dân, từng đánh đuổi quân Xiêm gìn giữ bờ cõi.

Nguyễn Công Trứ không phải là loại người cong lưng, cúi đầu, chỉ “nhai văn nhá chữ” nên bị triều đình ghen tị và đố kỵ. Những chuyện bất bình trên đường hoạn lộ nhiều khi tới như “mưa tuôn sóng vỗ”, nhưng điều đó không làm ông nản lòng.

Có thể nói, 28 năm trong cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ là những thăng trầm tiếp nối, được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì lập được nhiều công lao và cũng nhiều lần bị giáng phạt nhưng lúc nào cũng giữ được chí khí, sống thanh liêm, ngay thẳng. Có lẽ vì vậy mà tuy không phải nhân vật quyền thế bậc nhất một thời nhưng ông là một trong số ít người được chính sử triều Nguyễn nhắc đến nhiều nhất. Ông còn là nhân vật của nhiều giai thoại đặc sắc lưu truyền trong dân gian và là người được nhân dân lập sinh từ (đền thờ sống) để ghi nhớ công lao. Đó là những vinh dự mà không phải nhân vật lịch sử nào cũng có được và giữ được.

TH/ST