Sài Gòn là một mảnh đất kỳ lạ, ồn ào hỗn tạp nhưng bình yên nhẹ nhàng, xa hoa lộng lẫy nhưng giản dị chân thành. Sống ở mảnh đất này lâu ngày, người ta thường thấy tha thiết với nó dẫu hằng ngày vẫn kêu than nó nắng nôi, kẹt xe hay giá cả đắt đỏ.

Tình cảm đối với Sài Gòn kỳ thực rất khó định nghĩa và ngoại trừ mấy anh nhạc sĩ, mấy chú nhà thơ, nhà báo, chẳng mấy người sống ở Sài Gòn dụng lòng bày tỏ thứ tình cảm đó. Cũng như chính bản thân Sài Gòn, mấy thế kỷ qua bao dung hàng triệu con người, cho họ nơi ăn chốn ở, cho họ áo mặc chốn học hành, nhưng vẫn im lìm có nói gì đâu.

Đã mấy thế kỷ đi qua trên mảnh đất này

Hơn ba trăm năm đã trôi qua kể từ khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định (năm 1698), tiền thân của Sài Gòn. Từ đó, Sài Gòn đã đi qua biết bao thăng trầm, biết bao biến đổi. Những tháng năm xưa cũ của Sài Gòn, với trường nữ công Gia Định, nơi các cô gái bận áo bà ba, tóc búi cao hoặc cột gọn gàng, học thêu thùa may vá, nấu ăn và làm bánh mứt; với những chuyến xe ngựa gọi là xe thổ mộ hoạt động rầm rộ từ nửa đêm cho đến trưa hôm sau, chở những món hàng nông sản “có gà, heo bó trong mấy cái bu đan bằng tre, rau quả trong các giỏ cần xé”; với phong trào hippy phản đối chiến tranh đồng thời cổ vũ lối sống “hiện sinh, thoải mái, vui nhộn và nhiều cơ hội thể hiện cái tôi của mình”.

Có Một Sài Gòn Đang Vì Chúng Ta Mà “Khóc” — Sở Khoa học và Công ...

Sài Gòn đầy những sắc màu xưa cũ, và thật ngạc nhiên là hầu hết những chuyện xưa tích cũ ấy vẫn còn lưu lại ở Sài Gòn. Trường nữ công Gia Định đã giải tán, xe ngựa thổ mộ đã thay bằng xe máy, xe hơi hiện đại, phong trào hippy cũng chẳng còn ai theo, nhưng đâu đó vẫn có những thứ cũ kỹ “trà trộn” trong đời sống tân tiến này. Đó có thể là món cổ vật của nền văn hóa Óc Eo lẫn trong mớ đồ gốm giả cổ bày trên vỉa hè mà phải là dân nghiên cứu hay tay chơi đồ cổ thứ thiệt mới nhận ra. Đó có thể là một địa danh quen thuộc đến gần như ai cũng biết nhưng lại không thể nói rõ cái tên đó từ đâu ra. Đã bao giờ bạn hỏi địa danh “ngã ba Ông Tạ” có từ đâu? Và Hồ Con Rùa có con rùa không?

Đã mấy thế kỷ đi qua, Sài Gòn bây giờ xa hoa tráng lệ, tiếp nhận những dòng văn hóa Á Âu mỗi ngày du nhập. Nơi đây có những thương hiệu cà phê gần trăm ngàn một ly, bằng hoặc hơn cả một ngày cơm của bác xe ôm hay cô bán xôi. Nhưng Sài Gòn vẫn còn những quán cóc cà phê “tọa lạc sát nắp cống” với hương vị nồng đậm chứa đựng bề dày lịch sử lên đến mấy mươi năm.

Cái cũ kỹ của Sài Gòn làm tôi nhớ lần qua khu người Hoa ăn chè Tàu, là những loại chè đặc trưng của người Hoa như chè mè đen, hột gà nước trà, chè củ năng trứng cút… Chuyện không nằm trong quán chè hay món chè mà nằm ở ngôi nhà cổ dành làm chỗ giữ xe cho quán. Ngôi nhà ấy cũ lắm rồi, gốc đa um tùm trước nhà cũng cũ. Người trông xe nói ngôi nhà đã hơn trăm năm, chủ nhà không ở nữa, giờ ngoài làm chỗ giữ xe thì thỉnh thoảng đài truyền hình cũng tới quay phim tài liệu này nọ.

Thì ra, vẫn có một Sài Gòn xưa cũ như thế tồn tại song song và ít người biết giữa nhịp đời tất bật. Với tôi, đó là vốn quý của Sài Gòn và thật may mắn là những vốn quý ấy chí ít vẫn được lưu giữ qua những bức ảnh, những thước phim hay những quyển sách…

Sài Gòn bao dung như… ổ bánh mì

Người ta vẫn hay nói Sài Gòn rất bao dung. Mảnh đất này đầy cơ hội phát triển cho người có tham vọng đồng thời là chốn mưu sinh cho người dân quê cùng khổ. Có gia đình nọ ở quê nghèo túng, dắt díu nhau về Sài Gòn, kiếm chỗ đặt một xe hủ tíu gõ, vậy là có thể đắp đỗi qua ngày.

Tôi nghĩ, sự bao dung của Sài Gòn thể hiện qua nền ẩm thực không có gì đặc trưng mà phi thường đa dạng của nó. Dân tứ xứ đổ về Sài Gòn mang theo món ăn tinh túy của vùng miền họ, để cho “người sống ở Sài Gòn có thể kể vanh vách những món ăn đặc trưng ở nhiều vùng đất khác nhau nhưng nói về món đặc sản Sài Gòn thì dễ phân vân”. Bạn “nhớ chuyến du lịch Singapore thì ăn cháo ếch đường Lê Anh Xuân, thích cơm Hàn thì đến phố Thăng Long, cơm Nhật thì ra Lê Thánh Tôn, ăn dim sum thì vô Hà Tôn Quyền, cơm Thái thì ra Bùi Viện. Về món Việt, thích cơm Huế thì đến quán Ruốc, Ngự Bình, cơm Bắc thì vô khu sân bay, thích mì Quảng thì về Bảy Hiền, muốn mì vịt tiềm thì ra chợ La Kai – Nguyễn Tri Phương. Còn chè ngọt, cà ri, cháo lòng, bột chiên, cơm tấm bán theo quán riêng”.

Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, tòa kiến trúc đặc sắc gần 140 tuổi - BBC ...

Người ta vẫn thường nói “Ẩm thực Sài Gòn thiếu bản sắc, nhưng không thể chối cãi rằng món ngon khắp nơi thích tụ về Sài Gòn để tồn tại và phát triển trong một hành trình riêng của nó, để làm nên một khuôn mặt đa sắc cho đời sống ẩm thực Sài Gòn”. Tôi cho rằng sự đa sắc trong đời sống ẩm thực đó chính là mặt biểu hiện tiêu biểu nhất cho sự hào sảng và bao dung của đất Sài Gòn.

Tấm lòng bao dung ấy tựa như ổ bánh mì Sài Gòn – món ăn có lẽ là đặc trưng duy nhất của xứ này. Ổ bánh mì trứ danh giòn giòn thơm thơm, được xưng tụng là món ăn đường phố ngon nhất thế giới, chứa trong mình đủ loại nhân từ heo quay, chả bò, giò lụa, bì, nem chua, cá mòi đến chà bông, chả cá, hoặc đơn giản chỉ là ổ bánh mì không ấm nóng chấm sữa đặc, tất cả đều ăn rất hao.

Ổ bánh mì ấy phù hợp với bác thợ hồ, với cô nhân viên văn phòng, cũng hợp với anh cán bộ công chức… “Khi trào lưu thức ăn nhanh đến đất nước này, đã thấy có sẵn một người khổng lồ chễm chệ, từ hang cùng ngõ hẻm cho đến quán hàng sang trọng, có khả năng đáp ứng khẩu vị bao người với lắm thứ nhân bên trong vậy”. “Người khổng lồ” ấy đương nhiên không gì khác hơn ổ bánh mì Sài Gòn nức tiếng xa gần.

9 quán bán bánh mì ngon nhất ở Sài Gòn - Vntrip.vn

Với tôi, một người gần mười năm sống với Sài Gòn, còn quá ngắn ngủi so với bề dày lịch sử và những câu chuyện ngồn ngộn của xứ này, Sài Gòn giống như một tách trà, không phải loại trà xanh chan chát mà là hồng trà ngòn ngọt, thơm thơm và làm lòng người dịu dàng đến lạ. Những buổi chiều mệt mỏi sau một ngày bon chen với công danh sự nghiệp, có lúc không khỏi gắt gỏng hô hào đòi về quê trồng rau nuôi vịt cho rồi, tôi ngồi nhìn ngắm Sài Gòn lại thấy lòng mình nhẹ bẫng và có thêm nhiều lý do để yêu hơn mảnh đất này.

TH/ST