Trong lịch sử, Trung Quốc thời cổ đại có năm vị Hoàng đế từng gây khó dễ, chống lại Phật Pháp, kết quả đã có 4 lần tạo thành đại nạn. Sử sách gọi đó là “Tam Vũ nhất Tông diệt phật”. Mặc dù tình tiết có khác nhau, nhưng kết cục lại đều khiến người ta phải kinh người hoảng sợ.
1. Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo
Thời kỳ Nam Bắc triều, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế (tên húy là Thác Bạt Đảo, là ông vua thứ ba của triều Bắc Ngụy (386-534)) một mình cưỡi ngựa dẫn quân san bằng tứ quốc, thống nhất phương Bắc. Thời ấy Phật Pháp đang rất phát triển, rất nhiều người xuất gia tu hành.
Năm 438, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế hạ chiếu ra lệnh bắt những tăng nhân dưới 50 tuổi phải hoàn tục để giải quyết nguồn cung cấp lính. Năm 444, lại cho Phật Pháp là “hoạt động mê tín”, hạ chiếu đuổi tăng lữ.
Năm 446, dưới sự góp ý nhiều lần của trọng thần Thôi Hạo, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế đã hạ chiếu diệt Phật nghiêm trọng nhất. Ông ta ra lệnh bắt đập bỏ và đốt cháy tượng Phật, đốt bỏ kinh thư Phật Pháp, phá hủy chùa chiền, chôn sống tăng lữ.
Lúc ấy, thái tử một lòng tin theo Phật Pháp đã hết lần này đến lần khác dâng sớ khuyên can, trì hoãn việc ban bố chiếu thư, nhờ đó một số tăng nhân đã trốn thoát được. Nhưng không kéo dài được bao lâu, Thác Bạt Đảo lại bắt đầu đập bỏ bảo tháp, hủy tượng Phật để đúc tiền, đốt kinh thư nhà Phật, giết hại tăng ni… Trong cả nước, từ trên xuống dưới, người người đều phải sống trong cảnh phập phồng lo sợ.
Có lẽ, ứng với quy luật “Thượng đế dục sử kì diệt vong, tất tiên sử kì phong cuồng” (Thượng đế muốn khiến cho diệt vong, trước tiên sẽ khiến nó điên cuồng), Thôi Hạo không nghe bạn bè khuyên can, ra sức vận động và đẩy mạnh công cuộc “diệt” Phật nên phải chịu kết cục bi thảm. Thôi Hạo là người Hán, cho rằng mình có công lao lớn coi rẻ giới quý tộc của dân tộc Tiên Ti. Ông ta dùng một lượng lớn tiền của để khắc “rừng bia” sách và quốc sử do mình viết nhằm thể hiện tiếng tăm, làm tức giận giới quyền quý.
Năm 450, lão thần đã qua ba triều đại này và người thân ba nhà có quan hệ thông gia của ông ta đã bị diệt tộc. Trước khi chết phải chịu cực hình thảm khốc, lăng nhục đủ điều, tiếng kêu khóc thấu trời… Lúc ấy, mọi người đều nói, đây là báo ứng diệt Phật của Thôi Hạo.
Hai năm sau, Thái Vũ Đế tựa như mặt trời ban trưa, cũng bị hoạn quan giết chết. Lúc ấy, ông ta mới 44 tuổi. Hai người con trai của ông ta (thái tử và cung tông) cũng lần lượt bị chết trong tay của tên hoạn quan.
Năm 452, Bắc Ngụy Văn Thành Đế (440–465), tên húy là Thác Bạt Tuấn lên ngôi kế vị đã ra sức vãn hồi sai lầm của ông nội (Thái Vũ Đế). Văn Thành Đế làm hưng thịnh Phật Pháp, cho kiến tạo hang đá Vân Cương với rất nhiều pho tượng Phật được khắc tinh xảo. Từ đó về sau đất nước sống trong thái bình, dân chúng yên ổn.
2. Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung
Cuối thời Nam Bắc triều, Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung (người dân tộc Tiên Ti) dũng mãnh oai hùng, 32 tuổi đã đích thân chinh phạt Bắc Tề, đến 34 tuổi đã thống nhất phương Bắc lần nữa.
Năm 574, Vũ Văn Ung tuyên bố không sợ xuống địa ngục, Phật Đạo đều diệt hết, đốt bỏ kinh thư, đập bỏ tượng Phật. Ông ta ra lệnh buộc các hòa thượng và đạo sĩ phải hoàn tục. Sau khi tiêu diệt Bắc Tề, ông ta lại ra lệnh cấm Phật giáo, Đạo giáo trong nước Bắc Tề, phá bỏ và biến 40.000 ngôi chùa đạo viện thành nhà ở, thiêu hủy dấu tích của Phật Pháp. Đồng thời, ông ta cũng cưỡng ép 3.000.000 tăng ni phải hoàn tục, khiến cho Phật Pháp ở phương bắc gần như không còn lại dấu tích gì.
Tháng 06 năm sau, Vũ Đế điều động đại quân đến Bắc phạt Đột Quyết. Năm Vũ Đế 35 tuổi thì đột nhiên mắc bệnh nặng mà chết.
Nhưng Bắc Chu Vũ Đế “diệt” Phật, họa không chỉ dừng lại ở đấy. Sau khi Vũ Văn Ung qua đời, thái tử Vũ Văn Uân 19 tuổi lên ngôi, tàn bạo hoang dâm. Đến năm sau, ông ta đã nhường ngôi cho đứa con trai 6 tuổi, còn bản thân ở trong hậu cung phóng túng hoang dâm, 3 năm sau thì bệnh chết. Sau khi con thơ kế vị, đại quyền rơi vào trong tay ông ngoại là Dương Kiên.
Năm 581, Dương Kiên phế bỏ Bắc Chu, lập nên triều Tùy. Chưa đầy 2 năm, Dương Kiên đã nhanh chóng diệt sạch 43 gia tộc con cháu hoàng thất Vũ Văn, ngoài ra dòng họ Vũ Văn cơ bản đã bị giết sạch không còn lại một ai.
Những bài học lịch sử này như lời cảnh báo với những người đang giẫm lên vết xe đổ, cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh với những người còn đang u mê hành ác.
3. Thế Tông Sài Vinh nhà Hậu Chu
Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh là người “hùng tài đại lược” được xưng là “đệ nhất minh quân” thời Ngũ Đại. Ông đã cải cách toàn diện, mở mang bờ cõi, đánh đâu thắng đó, nhưng cuối cùng bị lụn bại sự nghiệp và chết ở tuổi tráng niên khi mới chỉ 39 tuổi. Sài Vinh đoản mệnh, nhìn thì thấy giống như là ngẫu nhiên, nhưng xem lại những ghi chép trong chính sử thì lại không hề ngẫu nhiên chút nào.
Năm thứ hai Sài Vinh lên ngôi, vào tháng 05 năm 955, ông đã hạ chiếu phá hủy chùa chiền. Toàn bộ chùa miếu Phật Pháp trong nước, ngoài những ngôi chùa có bút tích của Hoàng đế có thể được giữ lại ra, thì phá bỏ hết chỉ để mỗi huyện còn một ngôi chùa. Tổng cộng trong cả nước đã có 30.360 ngôi chùa bị phá bỏ, hủy tượng Phật đúc tiền, gần một triệu tăng ni bị ép phải hoàn tục.
Vào năm Phật Pháp hưng thịnh đó, rất nhiều người không dám ra tay phá hủy tượng Phật. Sài Vinh ngang nhiên nói: “Phật là Phật, tượng là tượng. Phật ngay cả thịt, mắt trên cơ thể cũng đều có thể bố thí, đập tượng Phật đúc tiền, Phật cũng sẽ đồng ý thôi!”.
Chùa Đại Bi ở Trấn Châu (ngày nay là thuộc huyện Chánh Định, thị trấn Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc) có một tượng Quán Âm Bồ Tát bằng đồng lớn rất linh thiêng. Những người đi đập tượng Phật đều tự chém đứt cổ tay mà chết, không người nào dám hạ thủ.
Ngay lập tức, Sài Vinh đích thân bước lên, dùng cây rìu lớn đập vào ngực của tượng Bồ Tát, đích thân phát động cuộc vận động diệt Phật. Sự việc này được đích thân thống soái Triệu Khuông Dận (Tống Thái Tổ sau này) và em trai ông là Triệu Khuông Nghĩa (Tống Thái Tông sau này) đứng ở bên cạnh chứng kiến.
Về sau, Sài Vinh hỏi Vương Phác là người tinh thông thuật số: “Trẫm có thể sống được mấy năm?”
Vương Phác trả lời: “Sau năm 30 thì không biết được”. Sài Vinh hiểu lầm rằng mình còn có thể sống được 30 năm nữa, nên rất vui mừng. Nhưng mà, lời của Vương Phác lại có ngụ ý khác, Sài Vinh tại vị 5 năm 6 tháng, năm lần sáu vừa khéo lại là số 30.
Năm 959, Sài Vinh muốn thu phục 16 châu ở Yên Nam, thống lĩnh đại quân, tiến đánh U Châu. Khi xe ngựa đến quan Ngõa Kiều, Sài Vinh đứng ở trên cao nhìn xuống, hỏi một người dân dâng rượu thịt: “Nơi này tên gì?”
Người dân này nói: “Nơi này mấy đời nay được gọi là “Bệnh Long Đài” (“bệnh long” ý là chỉ rồng bị bệnh).
Sài Vinh nghe xong liền lập tức lên ngựa quay trở về. Ngay đêm hôm đó phần ngực ông bị lở loét. Không lâu sau vết loét trên ngực của Sài Vinh lan rộng thối rữa mà chết, mọi người lúc đó đều truyền tai nhau rằng đây là quả báo chém vào ngực của tượng Phật.
Con trai 5 tuổi của Sài Vinh lên ngôi chưa được một năm đã bị thống soái Triệu Khuông Dận đoạt mất giang sơn, rơi vào cảnh nước mất nhà tan.
4. Đường Vũ Tông Lý Viêm
Đường Vũ Tông Lý Viêm vốn là người tín ngưỡng Đạo giáo. Sau khi lên ngôi năm 26 tuổi, ông ngày càng thiên vị Đạo giáo. Tháng 8 năm Hội Xương thứ 5 (năm 845), sau khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện, Đường Vũ Tông đã triển khai cuộc vận động diệt Phật toàn diện trong phạm vi cả nước.
Ông hạ chiếu thư, yêu cầu phá hủy toàn bộ chùa chiền, hết thảy tượng đồng, chuông khánh, vật dụng bằng đồng trong chùa đều giao cho quan viên nung chảy đúc tiền, vật dụng bằng sắt giao cho châu quận địa phương đúc thành nông cụ.
Chiếu thư ban bố rõ lệnh phá bỏ hơn 4.600 chùa miếu, hơn 40.000 ngôi miếu nhỏ, lượng lớn kinh Phật đã bị đốt bỏ, bắt ép hơn 260.000 tăng ni phải hoàn tục. Các hòa thượng đến từ Ấn Độ cổ và Nhật Bản cũng không may mắn thoát thân.
Ngoài ra những đạo từ ngoài nước Trung Quốc du nhập đến như Đạo Hồi, Mani giáo, Cảnh giáo, Hồi Hột giáo… cũng phải chịu tình cảnh này. Tất cả chùa chiền và kinh sách của những đạo này đều bị đốt bỏ, tăng ni không có nơi cư trú, thậm chí nhiều người tự sát… Hơn nửa giáo đồ của dân tộc Hồi Hột bị chết trên đường bỏ chạy. Sử sách gọi đây là cuộc “Hội Xương diệt Phật”.
Đại Đường thịnh thế, cũng là thời kỳ mà Phật Pháp thịnh hành. Sau khi Đại Đường suy yếu, Phật Pháp vẫn đi sâu vào lòng người. Vũ Tông diệt Phật đánh mất lòng dân, cục diện xã hội vốn dĩ an định ngày càng suy vong trong tiếng kêu than khắp nơi của người dân. Không lâu sau Đường Vũ Tông đột nhiên bệnh chết, tuổi còn rất trẻ chỉ mới 33.
Những bài học lịch sử này như lời cảnh báo với những người đang giẫm lên vết xe đổ, cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh với những người còn đang u mê hành ác.
An Hòa (t/h)
trithucvn